Chuyên mục pháp luật

Hành trình trải nghiệm thực tế tại Bình Thuận

Thực hiện Kế hoạch số 254/KH-T04-K2 ngày 17/02/2025 về việc tổ chức nghiên cứu thực tế cho lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị khóa 1, hệ tập trung, lớp thứ 6 (T04.TCCT.K1.TT6), Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức Đoàn đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 25/02/2025 đến ngày 01/03/2025 do đồng chí Thượng tá Lê Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có 02 lãnh đạo Khoa Luật, 01 lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, 01 cán bộ Phòng Quản lý học viên cùng 50 học viên lớp T04.TCCT.K1.TT6.

 Đoàn bắt đầu hành trình với điểm đến đầu tiên là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận- một trong những địa điểm lịch sử quan trọng, thể hiện lòng kính trọng và tưởng nhớ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tại đây, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời vì độc lập, tự do cho dân tộc và Đoàn tham quan những tư liệu, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình gian khổ ra đi tìm đường cứu nước và lựa chọn con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc Việt Nam.

 

 Đoàn viếng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận

 Tiếp đó, Đoàn đã đã đến thăm Di tích lịch sử Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi vào Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước, đã dừng chân dạy học và truyền bá tư tưởng yêu nước trong hành trình tìm đường cứu nước (tháng 09/1910 - tháng 02/1911). Tại đây, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường đã được ôn lại truyền thống lịch sử và tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam.


Đoàn tham quan di tích Trường Dục Thanh

 Chiều cùng ngày, Đoàn tham quan Tháp Po Sah Inư - được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 thuộc phong cách Hòa Lai, nơi lưu giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa Chăm Pa cổ xưa. Đại diện cho nền văn minh Chăm Pa, đồng thời là nơi giao thoa giữa văn hóa Chăm và người Việt trong lịch sử. Tiếp đó, Đoàn ghé thăm lầu Ông Hoàng, hiện là một tàn tích của khu biệt thự của Công tước De Montpensier xây dựng vào năm 1911. Tuy nhiên khu biệt thự chỉ còn phần đế âm. Nơi đây còn gắn liền với câu chuyện tình yêu lãng mạn của thi sĩ Hàn Mặc Tử và thi sĩ Mộng Cầm.

 

Đoàn tham quan Tháp Po Sah Inư

Hành trình trong ngày đầu tiên khép lại với chuyến tham quan một trong những cơ sở kinh tế lớn của Bình Thuận, đó là Lâu Đài Rượu Vang. Tọa lạc trên diện tích hơn 12.000ha, lâu đài được thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc đặc trưng của Châu Âu thời Trung cổ. Đây xem là một trong những hầm rượu lớn nhất Việt Nam, với cảm hứng được lấy từ thung lũng rượu Napa Valley thuộc bang California - Mỹ. Mọi người đều choáng ngợp bởi không gian sang trọng, tráng lệ, cùng lối kiến trúc đậm nét Trung cổ xen lẫn hiện đại. Nổi bật là những mái vòm cong, tháp canh cao vút và tượng người nông dân xay nho, chẳng khác gì một thung lũng rượu vang đích thực. Đoàn cũng được tham quan, trải nghiệm tại Sea Links Golf, nơi được thiết kế theo phong cách Parkland cổ điển, là một trong những sân golf đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

 

 Đoàn thăm quan Lâu đài rượu vang tại tỉnh Bình Thuận

 Ngày tiếp theo, Đoàn viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Thuận, nằm trên Quốc lộ 1A thuộc xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là nơi yên nghỉ của khoảng 8.000 anh linh các liệt sĩ nhưng chỉ có 6.300 danh tính. Trong không khí trang nghiêm, Đoàn đã đặt vòng hoa, thành kính dâng hương lên Đài tưởng niệm và dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi làm lễ tại Đài tưởng niệm, Đoàn đã đến thắp hương tại từng phần mộ các Anh hùng liệt sĩ để tri ân, ghi nhớ công ơn đối với các thế hệ, những người con ưu tú đã hiến dâng trọn đời cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

 Đoàn dâng hương tại Nghĩa Trang Liệt sĩ tỉnh Bình Thuận

 Tiếp tục hành trình, Đoàn ghé thăm Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận (tại Khu rừng Sa Lôn - thôn 3, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc), nơi ghi dấu nhiều chiến công vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các thành viên trong Đoàn đã tham quan, chụp ảnh nhiều đồ vật, tư liệu hình ảnh có giá trị lịch sử tại Khu di tích căn cứ. Đặc biệt tại đây, Đoàn được nghe báo cáo về quá trình hình thành của Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận. Nằm sâu trong rừng, trên diện tích hơn 10 ha, Khu di tích được phục dựng, tái hiện lại nhiều cảnh vật, công trình như: các láng trại, hầm trú ẩn của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và các ban, bộ phận khác, bếp Hoàng Cầm… Bên cạnh đó, nhiều công trình được xây dựng như: Nhà tưởng niệm - trưng bày, nhà bia ghi sự kiện, hội trường, bộ phận khác… Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn về Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn vẫn mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung; là nơi gìn giữ, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng, bất khuất và là nơi về nguồn của các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân ta.

  

 



Đoàn tham quan Khu di tích căn cứ tỉnh ủy Bình Thuận

 Đoàn tiếp tục đến Công an tỉnh Bình Thuận để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Đoàn vinh dự được sự tiếp đón của đồng chí Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Thuận.

Trong buổi làm việc, trên cơ sở phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đã báo cáo tình hình các mặt công tác của lực lượng Công an tỉnh nói chung, Công an các đơn vị, địa phương nói riêng trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ và giải đáp các thắc mắc của học viên về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng chí Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng khoa Luật, Phó Trưởng đoàn công tác phát biểu cảm ơn Ban Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo, cán bộ Phòng PX01, Phòng PA01, PA02 Công an tỉnh Bình Thuận đã quan tâm, hỗ trợ và tiếp đón Đoàn chu đáo. Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đã cung cấp những thông tin bổ ích, những kinh nghiệm quý báu trong công tác cho cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường. Thay mặt Đoàn Công tác, đồng chí Phó Trưởng đoàn đã tặng quà lưu niệm cho Công an tỉnh Bình Thuận.

 

 Đồng chí Thượng tá Giang Hồng Lâm-Phó Trưởng phòng PA01 CA tỉnh Bình Thuận báo cáo chuyên đề


Đồng chí Thượng tá Nguyễn Quốc Phát- Phó Trưởng phòng PA02 CA tỉnh Bình Thuận báo cáo chuyên đề

 

 Đồng chí Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận tiếp nhận quà lưu niệm

 Tiếp theo lịch trình, Đoàn đã đến địa bàn xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình để trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Tiếp đón đoàn có cấp uỷ, chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Công an xã.

Đoàn đã nghe đồng chí Võ Tiến Trung - Bí thư đảng uỷ xã báo cáo tình hình kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hoá của xã; Đại uý Nguyễn Tiến Doanh - Trưởng Công an xã báo cáo tình hình an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã và một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn tổ chức tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và điều tra hình sự của Điều tra viên bố trí tại Công an xã Hoà Thắng.

Đặc biệt, Đoàn Công tác đã tặng quà lưu niệm cho Đảng uỷ, UBND xã và trao những phần quà ý nghĩa cho cán bộ tham gia lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở và cán bộ, chiến sỹ CAND có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, kịp thời động viên lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở và cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu “lấy dân làm gốc”, bảo vệ an ninh, trật tự từ sớm, từ xa, từ cấp cơ sở.

Kết thúc buổi làm việc, Thượng tá Nguyễn Xuân Khánh - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Phó Trưởng đoàn cảm ơn sự tiếp đón nhiệt tình, trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân xã Hoà Thắng. Đồng chí khẳng định, chương trình nghiên cứu thực tế của các khóa đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Trường Đại học An ninh nhân dân là chương trình thường niên, nằm trong kế hoạch học tập bắt buộc của nhà trường và mang ý nghĩa sinh hoạt chính trị sâu sắc. Chuyến đi nghiên cứu thực tế này đã giúp các thành viên Đoàn củng cố nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội và thực tiễn công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

 

Đồng chí Đại uý Nguyễn Tiến Doanh - Trưởng Công an xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình báo cáo chuyên đề


Đoàn trao quà cho cán bộ tham gia lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở và gia đình cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình

 

Đồng chí Võ Tiến Trung - Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình tiếp nhận quà lưu niệm

 Thời gian còn lại, Đoàn tiếp tục tham quan nhiều địa điểm lịch sử, văn hoá nổi tiếng của Bình Thuận, như: Tham quan Bàu Trắng - Viên ngọc giữa lòng cát trắng Bình Thuận, sở hữu hồ nước ngọt trong xanh bao quanh bởi những đồi cát trắng trải dài, tựa như một “tiểu sa mạc Sahara”; một số địa điểm tôn giáo ở Lagi như Chùa Pháp Hội, Chùa Quảng Đức; điểm du lịch Cáp treo núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam…

 Kết thúc chuyến đi nghiên cứu thực tế, Thượng tá Lê Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng, Trưởng đoàn khẳng định, đây là hình thức học tập sinh động, bổ ích trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị, được Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát. Chuyến đi được Khoa Luật chủ trì tham mưu, phối hợp cùng Phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao, Phòng Quản lý học viên tổ chức chủ động, sáng tạo, hiệu quả. Đoàn đã có chuyến hành trình đầy ý nghĩa, thu thập được kiến thức bổ ích về chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; kinh nghiệm thực tiễn giải quyết nhiều vấn đề liên quan đảm bảo an ninh, trật tự; từ đó, nhận diện, phát hiện những vấn đề mới, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để góp phần kiến nghị, đề xuất bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, thông qua chuyến đi, mỗi thành viên trong Đoàn một lần nữa được bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm và tinh thần cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Ngành giao phó./.

                                                                                                                                                            Tin, ảnh: Khoa K2

 

arrow_upward