Chuyên mục pháp luật

Một số vấn đề về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng hình sự

1. Đặt vấn đề

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi quy định về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại phạm tội đã bổ sung nhiều nội dung trong đó có vấn đề người đại diện của pháp nhân thương mại. Đây là một sự thay đổi quan trọng trong quá trình lập pháp, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn. Khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự, mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu TNHS đều phải được thực hiện thông qua một cá nhân gọi là người đại diện theo pháp luật. Điều này cho thấy chế định người đại diện theo pháp nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ án hình sự; đồng thời cũng giúp bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại. Trong bài viết này tác giả phân tích một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, đánh giá thực tiễn áp dụng và góp ý sửa đổi quy định pháp luật về vấn đề này.

2. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng hình sự

Quy định chung về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia TTHS

Bộ luật TTHS năm 2015 lần đầu tiên quy định về người đại diện theo pháp luật  của pháp nhân thương mại tham gia TTHS. Theo quy định tại Điều 434 Bộ luật TTHS năm 2015 thì “Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu TNHS được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền”

Với quy định trên, pháp nhân thương mại tham gia TTHS thông qua người đại diện theo pháp luật. Bộ luật TTHS năm 2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ được phép cử người đại diện theo pháp luật chứ không thể cử người đại diện theo ủy quyền để thay mặt bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại trong quá trình TTHS.

Quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 có điểm khác biệt so với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 về người đại diện của pháp nhân tham gia TTDS. Theo đó, tại Điều 85 của Bộ luật TTDS năm 2015 quy định “Người đại diện trong TTDS bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền”. Như vậy, có thể thấy rằng trong TTDS, pháp nhân (bao gồm cả pháp nhân thương mại) khi tham gia vào quá trình TTDS thì có thể cử người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy so với quy định về TTDS, trong TTHS nhà làm luật đã thu hẹp phạm vi đại diện cho pháp nhân thương mại khi tham gia TTHS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho pháp nhân thương mại.

Việc nhà làm luật quy định người đại diện của pháp nhân thương mại là người đại diện theo pháp luật mà không phải người đại diện theo ủy quyền, theo quan điểm của chúng tôi, có thể bởi các lý do sau: Một là, TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội được “đồng nhất hóa” với trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại đó. Hai là, quan điểm về việc người đại diện theo pháp luật là người hiểu và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến hoạt động của pháp nhân. Ba là, để xác định chính xác hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại, do đó cần phải thu thập thông tin từ những người biết và am hiểu các hoạt động của pháp nhân thương mại  - người đại diện theo pháp luật.

Quy định về lựa chọn, thay đổi, chỉ định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia TTHS

Theo quy định tại Điều 434 Bộ luật TTHS năm 2015 thì: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi hợp người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”

Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng”.

Qua quy định trên có thể thấy nhà làm luật quy định về quyền lựa chọn, thay đổi cũng như chỉ định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia TTHS, theo đó:

Thứ nhất, quyền lựa chọn, thay đổi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại thuộc về chính pháp nhân đó. Thực tế, một pháp nhân thương mại có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Do đó, trong trường hợp này pháp nhân thương mại có quyền lựa chọn hoặc thay đổi một trong số các đại diện theo pháp luật của mình để tham gia TTHS, bảo vệ quyền và lợi ích cho pháp nhân thương mại.

Thứ hai, quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp không có người đại diện theo pháp luật và có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây là những trường hợp mà nhà làm luật dự liệu cho việc pháp nhân thương mại tạm thời bị khuyết người đại diện theo pháp luật hoặc khi có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng pháp nhân không cử được một người đại diện theo pháp luật để tham gia TTHS.

3. Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng một số quy định pháp luật về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng hình sự và một số đề xuất

Các vụ án hình sự về truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại chưa có nhiều trên thực tế. Tuy nhiên, đã xuất hiện những vướng mắc trong việc triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để tham gia tố tụng.

Thông thường việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại không loại trừ việc truy cứu TNHS đối với thể nhân. Một số vụ án đã cho thấy khi pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS thì người đại diện theo pháp luật cũng bị truy cứu TNHS [3]. Như vậy trong các trường hợp này, nếu người đại diện của pháp nhân thương mại cũng bị truy cứu TNHS thì pháp nhân thương mại phải tiến hành các thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật mới và người đại diện theo pháp luật mới này, theo quy địnhh của Bộ luật TTHS, sẽ tham gia TTHS để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đã chứng minh khi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại cũng bị truy cứu TNHS thì người cùng góp vốn đã từ chối tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương  mại đó và ủy quyền cho người khác thay thế. Chẳng hạn “trong vụ án Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nhiệp, ông Lê Đình Trung là người đại diện theo pháp luật của Công ty này cũng bị khởi tố nên ông Trung không được tham gia là người đại diện theo pháp luật cho pháp nhân nữa. Pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam đã cử bà Trần Thị Ái Loan là người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, bà Loan cho rằng mình không thể tham gia tố tụng, đồng thời làm đơn từ chối làm người đại diện theo pháp luật. Bà Loan từng ủy quyền cho ông Phan Minh Hoàng. Việc này không được Tòa án chấp nhận bởi theo Tòa, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải là thành viên công ty, do pháp nhân cử làm người đại diện theo pháp luật [6].

Qua phân tích các quy định pháp luật TTHS về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia TTHS và thực tiễn áp dụng, chúng tôi nhận thấy:

Một là, về vấn đề tham gia TTHS của người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại. Quy định của Bột luật TTHS và thực tiễn áp dụng cho thấy người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại thì không được quyền tham gia TTHS. Việc không cho phép người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại tham gia TTHS có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến pháp nhân thương mại. Chẳng hạn, trong trường hợp người đại diện cũ của pháp nhân thương mại cũng bị truy cứu TNHS, pháp nhân thương mại chưa kịp thực hiện các thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật hay người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại là người nước ngoài, không biết tiếng Việt. Do vậy, việc mở rộng, cho phép người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng trong trường hợp cụ thể có thể giải quyết những vướng mắc này, giảm thiểu các chi phí tố tụng (chi phí phiên dịch, dịch thuật). Hơn thế nữa, trên thế giới, một số nước khi quy định về người đại diện của pháp nhân cũng không bắt buộc người đại diện của pháp nhân tham gia TTHS phải là người đại diện theo pháp luật [4,5]. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu cho phép người đại diện theo ủy quyền có thể tham gia TTHS (trong một số trường hợp cụ thể) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại.

Hai là, theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại có quyền (nghĩa vụ) cử người đại diện theo pháp luật tham gia TTHS. Như vậy có thể hiểu rằng quyền lựa chọn người đại diện theo pháp luật thuộc về pháp nhân thương mại. Trong trường hợp pháp nhân thương mại không lựa chọn thì lúc đó các cơ quan (người) có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới thực hiện việc chỉ định người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 đang đồng nhất hai trường hợp a) pháp nhân thương mại không có người đại diện theo pháp luật và b) pháp nhân thương mại có nhiều người cùng là người đại diện theo pháp luật là không hợp lý. Do vậy cần điều chỉnh quy định này theo hướng: Trường hợp pháp nhân thương mại có nhiều người cùng là người đại diện theo pháp luật, nếu pháp nhân thương mại không cử người đại diện theo pháp luật cho pháp nhân thương mại tham gia tố tụng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một trong số những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để tham gia tố tụng.

Ba là, Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định cụ thể thẩm quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật mà chỉ quy định chung chung là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật. Như vậy, không rõ thẩm quyền thuộc về những cơ quan nào. Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại không, hay thẩm quyền chỉ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và những người tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan này. Như vậy, cần quy định rõ cơ quan (người) có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào có thẩm quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng. Theo đó, nên quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều ta; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án là các chủ thể có thẩm quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng.

4. Kết luận

Quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia tố tụng đã góp phần đảm bảo hiệu quả cho việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS đã cho thấy một số vấn đề cần xem xét, đánh giá để điều chỉnh góp phần đảm bảo quyền của pháp nhân thương mại khi bị truy cứu TNHS. Bài viết đã tập trung vào một số vấn đề vướng mắc trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại tham gia TTHS và gợi ý một số đề xuất nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.

Thượng tá, TS. Hà Ngọc Anh

Tài liệu tham khảo

1.     Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

2.     Bộ luật Dân sự năm 2015

3.     Khoa Nguyên (2020). “Lần đầu tiên pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự tại Phú Thọ”, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, https://baophapluat.vn/lan-dau-tien-phap-nhan-thuong-mai-bi-xu-ly-hinh-su-tai-phu-tho-post341811.html, truy cập ngày 26/5/2024

4.     Lê Huỳnh Tấn Duy, Nguyễn Trương Thanh Thảo (2022), “Người đại diện của pháp nhân trong tố tụng hình sự Croatia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 04-2022, Tr. 60-68;

5.     Lê Huỳnh Tấn Duy (2023), Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia, https://danchuphapluat.vn/thu-tuc-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-phap-nhan-theo-phap-luat-viet-nam-va-mot-so-quoc-gia;

6. Tuyết Mai, Đông Hà (2021), “Vụ “nhái” nhãn hiệu SABECO: Trả hồ sơ làm rõ bia Sài Gòn Việt Nam có giả nhãn hiệu không”, Tuổi trẻ online. https://tuoitre.vn/vu-nhai-nhan-hieu-sabeco-tra -ho-so-lam-ro-bia-sai-gon-viet-nam-co-gia-nhan- hieu-khong-20210506102100349.htm, truy cập ngày 26/5/2024.

arrow_upward