Chuyên mục pháp luật
Nguyễn Quý H không phạm tội
Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 20/12/2022, ông Q điều khiển xe mô tô 02 bánh chạy trên tuyến Tỉnh lộ 788 để về nhà. Khi đến ngã tư huyện, trong lúc chờ đèn đỏ, ông Q nhìn thấy H cũng đang dừng xe (mô tô 02 bánh) phía sau mình. Do có xích mích từ trước, nên H chửi ông Q. Bực tức trước thái độ của H, ông Q ném chai đựng mật ong bằng thủy tinh về phía H, nhưng không trúng, sau đó ông Q chạy xe về nhà.
Không dừng lại ở đấy, H điều khiển xe bám theo ông Q. Khi đến trước cửa nhà mình, H cầm lấy khúc gỗ tre dài khoảng 70 cm, đường kính chỗ lớn nhất 06 cm, rồi tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ 70km/h đuổi theo ông Q. H vừa nẹt pô xe, vừa la hét dọa đánh ông Q. Ông Q phát hiện H đang rượt đuổi theo phía sau nên hoảng sợ và tăng ga chạy nhanh hơn. Khi gần đến đoạn đường cua, lẽ ra phải giảm tốc độ, nhưng do ông Q điều khiển xe chạy quá nhanh, không kịp xử lý nên để xe đâm thẳng vào trụ cổng của Công ty T bên phải đường theo hướng đi. Hậu quả ông Q bị tử vong ngay tại chỗ do chấn thương sọ não. Kết quả xét nghiệm nồng độ Alcool trong máu của ông Nguyễn Văn Q đo được lúc 13 giờ 10 phút cùng ngày là 180mg/dl.
Đối với vụ việc này, có những quan điểm khác nhau cụ thể như sau:
* Quan điểm thứ nhất:
Hành vi của H đủ yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 BLHS vì quá trình rượt đuổi theo ông Q với quãng đường gần 800m, tuy không có nhiều người tham gia, nhưng H đã có hành vi nẹt pô xe, la hét ầm ĩ gây náo động mất trật tự chung nơi công cộng.
* Quan điểm thứ hai cho rằng:
Hành vi của H phải bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Giết người” với tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ, theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS mới chính xác. Bởi, theo lời khai của H, khi bị ông Q ném chai thủy tinh tại ngã tư huyện nhưng không trúng, H bực tức nên cầm lấy khúc gỗ tre cạnh cửa rào nhà mình, đuổi theo ông Q để đánh dằn mặt. Nếu H không hò hét khi rượt đuổi, không cầm theo hung khí, thì chắc chắn rằng ông Q không rơi vào tình thế hoảng loạn về tinh thần, dẫn đến thiếu bình tĩnh trong xử lý tình huống giao thông. Cái chết của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả với hành vi rượt đuổi của H.
* Quan điểm thứ 3 cho rằng:
Mục đích của H là đuổi theo để hỏi ông Q về việc ném chai mật ong rồi mới đánh dằn mặt. Nhưng thực tế H chưa thực hiện được, mặc dù H biết rằng hành vi đó là nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân. Trong tình huống H rượt đuổi, ông Q có thể chủ động dừng xe lại, nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh. Nhưng ông Q không chọn phương án an toàn cho mình mà lại tiếp tục tăng ga điều khiển xe bỏ chạy với tốc độ nhanh hơn. Và vì do trong tình trạng đã uống rượu, xử lý tình huống kém nên hậu quả đã xảy ra. Hậu quả này có một phần lỗi của H gây ra, nhưng là lỗi vô ý. Do vậy, có căn cứ để truy tố và xét xử H về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 128 BLHS.
* Quan điểm thứ 4 cho rằng:
Hành vi của H có dấu hiệu của tội “Đe dọa giết người” theo Điều 133 BLHS. Vì sau sự việc xảy ra tại ngã tư huyện, ông Q bỏ về, nhưng H vẫn cố cầm theo hung khí, vừa nẹt pô xe vừa la hét rượt đuổi theo để đánh ông Q. Chính những tình tiết này và hành vi của H đủ để chứng minh rằng H đe dọa giết ông Q. Ở trong tình huống đó, ông Q hoàn toàn có căn cứ để lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Mặc dù H không có lời lẽ đe dọa sẽ lấy mạng ông Q ngay hôm nay… nhưng với cử chỉ, thái độ hung hăng của H khi điều khiển xe máy rượt đuổi, mang theo hung khí, la hét, chửi bới… làm cho ông Q tin rằng H sẽ giết mình, nếu để H đuổi kịp.
* Quan điểm thứ 5 cho rằng:
H không phạm tội vì tuy H có dùng mô tô đuổi theo ông Q, có cầm theo hung khí đe dọa đánh ông Q, có la hét trong quá trình rượt đuổi nạn nhân, nhưng tất cả các hành vi này đều không liên quan trực tiếp đến cái chết của ông Q. Nguyên nhân chính là do ông Q khi đến đoạn đường cua, nhưng vẫn điều khiển xe chạy với tốc độ nhanh, nên không thể “ôm” trọn vẹn đường cong, từ đó để xe máy lao thẳng vào trụ cổng của công ty T, nghĩa là ông Q tự gây tai nạn rồi tử vong.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ năm cho rằng H không phạm tội vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, hành vi của H không đủ yếu tố cấu thành Tội “đe dọa giết người” theo quy định tại Điều 133 BLHS. Để được coi là Tội “đe dọa giết người” thì người phạm tội phải có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Đồng thời, hành vi đe dọa phải đã gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra.
Đối với vụ việc này, mặc dù H đã có hành vi đe dọa sẽ đánh ông Q như cầm gậy tre rượt đuổi, hò hét… nhưng nội dung đe dọa cụ thể là không rõ ràng, nếu H bắt kịp ông Q, H có thể đánh ông Q ngay, nhưng cũng có thể H sẽ hỏi về việc ông Q ném chai trước rồi mới đánh, trong trường hợp H đánh ông Q thì có thể là gây thương tích hoặc gây thiệt hại về tính mạng cho ông Q… Như vậy, chúng ta không thể kết luận H đã có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng ông Q. Đồng thời, về phía ông Q, mặc dù trong trường hợp này ông Q hoàn toàn có lý do để lo sợ H sẽ đánh mình nếu để H đuổi kịp nhưng nỗi lo đó cũng chỉ dừng lại ở mức là lo sợ bị H đánh. Không có cơ sở để kết luận ông Q lo sợ hành vi giết mình sẽ xảy ra.
Thứ hai, không đủ căn cứ để kết luận H phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Như vậy, lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý. Lỗi cố ý ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất yếu xảy ra) nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức hành vi của mình có khả năng nguy hiểm đến tính mạng người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra hay nói cách khác, họ có ý thức chấp nhận hậu quả nếu xảy ra.
Đối với vụ việc chúng ta đang xem xét, mặc dù H có một phần lỗi góp phần dẫn đến hậu quả của vụ việc nhưng lỗi ở đây là lỗi vô ý. Mặc dù H cố ý cầm gậy rượt đuổi, hò hét, nẹt pô xe nhưng những hành vi này không phải được thực hiện với mục đích là để ông Q đâm vào cổng công ty T và chết vì tai nạn. Việc ông Q đâm vào cổng công ty T và tử vong vì chấn thương sọ não là nằm ngoài dự tính của H.
Thứ ba, hành vi của H không cấu thành tội “vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 BLHS. Mặc dù H có một phần lỗi vô ý góp phần gây ra hậu quả của vụ việc nhưng để xác định được H phạm tội “vô ý làm chết người” (Điều 128 BLHS) thì cần chứng minh được giữa hành vi điều khiển xe máy cầm theo gậy rượt đuổi ông Q, nẹt pô xe, la hét của H và hậu quả là ông Q bị chết có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Dựa vào lý luận về nội dung của cặp phạm trù nhân - quả theo phép biện chứng duy vật của chủa nghĩa Mác - Lênin, khoa học luật hình sự đã rút ra những căn cứ cho phép khẳng định sự tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra như sau:
- Hành vi trái pháp luật phải xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian.
- Hành vi trái pháp luật độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hoặc nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
- Hậu quả nguy hiểm đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật.
Dựa vào những căn cứ nêu trên, chúng ta thấy rằng những hành vi trái pháp luật của H như điều khiển xe máy cầm theo gậy rượt đuổi ông Q, nẹt pô xe, la hét không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của ông Q. Hay nói cách khác, giữa những hành vi trái pháp luật trên và hậu quả chết người không có mối quan hệ nhân quả với nhau. Mặc dù những hành vi nêu trên của H là hành vi trái với những quy tắc xử sự thông thường của đời sống xã hội, nhưng những hành vi nêu trên chỉ có thể được coi là nguyên nhân dẫn đến việc ông Q tăng ga xe bỏ chạy. Những hành vi nêu trên của H chỉ có mối quan hệ nhân quả với việc ông Q tăng ga xe bỏ chạy chứ không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả ông T bị chết (việc chạy xe nhanh không đồng nghĩa với việc sẽ bị chết, rất nhiều trường hợp chạy xe nhanh khi trong người có rượu bia nhưng không bị chết, ông Q bị chết là do không làm chủ được tay lái, đáng lẽ cần giảm ga để vào cua thì do hoảng loạn, ông đã để xe đâm vào cổng công ty T gây chấn thương sọ não dẫn đến chết người). Chính vì vậy, cũng không thể xác định H phạm tội “vô ý làm chết người” (Điều 128 BLHS).
Thứ tư, hành vi của H cũng không cấu thành tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS. Đối với tội phạm này, thì dấu hiệu "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" là dấu hiệu bắt buộc phải có nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xóa án tích.
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Trong văn bản số 1179/VKSTC-V14 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc liên quan đến hình sự và tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có hướng dẫn các địa phương tham khảo một số văn bản như Công văn số 1120/VKSTC-V14 ngày 28/3/2023; Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao… Theo đó, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại khoản 3 các Điều 353, 355 BLHS là một trong các trường hợp sau:
- Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;
- Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân;
- Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Ở vụ việc chúng ta đang xem xét, không có cơ sở rõ ràng để xác định hành vi của H đã gây ra những hậu quả như trên.
Từ những lý do nêu trên, theo quan điểm của tác giả, cần xác định Nguyễn Quý H không phạm tội./.
ThS. Phạm Xuân Thụy - K2