Chuyên mục pháp luật
Một số nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở - Trách nhiệm đặt ra đối với lực lượng Công an xã
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30 - gọi tắt là Luật) được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (LLTGBVANTTCS), kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trong tình hình mới.
Luật gồm 05 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
1. Khái quát một số nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tại Điều 3 Luật này quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tại Điều 4 quy định 04 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm: (1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; (2) Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này; (3) Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; (4) Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 06 nhóm nhiệm vụ: (1) Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; (2) Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; (3) Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; (4) Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; (5) Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; (6) Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tại Điều 13 quy định: Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
- Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;
- Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;
- Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;
- Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
* Về địa điểm, nơi làm việc: Điều 20 quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương.
* Về trang bị, phương tiện: Điều 21 quy định, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
* Về trang phục, phù hiệu, huy hiệu, giấy chứng nhận: Điều 22 quy định, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
* Về hỗ trợ, bồi dưỡng: Điều 23 của Luật quy định:
- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau:
+ Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;
+ Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
+ Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
+ Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.
* Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ
Điều 24 quy định:
- Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
- Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm đặt ra đối với lực lượng Công an xã
- Một là, việc quán triệt, tham mưu hướng dẫn thực hiện luật: Đây là việc làm rất quan trọng. Pháp luật chỉ có thể đi vào đời sống xã hội nếu được người dân hiểu và thực hiện đúng. Với luật này quy định một lực lượng bên cạnh, sát cánh với lực lượng Công an cấp xã trong đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp với từng địa bàn.
Ngoài ra, Lực lượng Công an cần nghiên cứu để tham mưu đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là những hoạt động cụ thể của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong mối quan hệ với chức trách, nhiệm vụ của Công an xã. Xuyên suốt trong quy định của Luật là việc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ công an xã và ngược lại công an xã có nhiệm vụ hướng dẫn lại lực lượng này (6 nhiệm vụ, từ điều 7 đến điều 12).
Đặc biệt, tại Điều 4 Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định khoản 2 quy định:
“...2. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này...”
Điều 5. Quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định:
“1. Quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
b) Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trực tiếp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; hướng dẫn, phân công, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
...3. Nguyên tắc phối hợp, hỗ trợ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như sau:
a) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật;
b) Chấp hành sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong quá trình phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ;
c) Phát huy trách nhiệm của công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật;
d) Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật.”
Mặc dù cho đến nay chúng ta đã có Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 14/6/2024 của Chính phủ; Thông tư số 14/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, hướng dẫn về chức trách nhiệm vụ cụ thể việc “hướng dẫn” của CAX và việc “hỗ trợ” của LLTGBVANTTCS, đặc biệt là phạm vi, trách nhiệm của CAX đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ của LLTGBVANTTCS là chưa được đề cập. Vì vậy, để thực thi pháp luật được thống nhất, công việc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thì vẫn cần có nhiều hơn những quy định hướng dẫn, chi tiết, cụ thể để lực lượng CAX thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật. Lực lượng công an cần tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng văn bản pháp quy để quy định chi tiết, cụ thể, phân định rõ ràng hơn về trách nhiệm của CAX đối với hoạt động hỗ trợ của LLTGBVANTTCS trong đảm bảo ANTT ở địa phương, làm sao để tránh chồng chéo về công việc, LLTGBVANTTCS đúng nghĩa là lực lượng hỗ trợ CAX, không làm thay công việc của CAX, đồng thời CAX cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi hoạt động của LLTGBVANTTCS với những điều kiện cụ thể.
- Hai là, vấn đề tổ chức và xây dựng LLTGBVANTTCS
Điều 13 quy định về Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã nêu ra các điều kiện tiêu chuẩn về chính trị, độ tuổi, về trình độ, sức khỏe... là phù hợp với lực lượng này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để cụ thể hóa cho phù hợp với một số vùng, miền đặc thù. Chẳng hạn ở một số xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn chúng tôi thấy rằng bên cạnh các tiêu chuẩn tối thiểu, thành viên LLTGBVANTTCS cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe, nghiệp vụ, đồng thời am hiểu tình hình địa phương, quen thuộc địa bàn, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của cư dân vùng biên giới và kiên quyết trấn áp tội phạm. Đối với những địa bàn có dân cư đặc thù, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, cần cả những thành viên có uy tín trong cộng đồng, làm cơ sở cho công tác vận động quần chúng. Để đảm bảo hiệu quả công tác, cần có ưu tiên vận động và tuyển dụng đối với người địa phương, người có uy tín trong cộng đồng, người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn tham gia LLTGBVANTTCS.
- Ba là, cần xác định những nội dung đặc thù cho công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với LLTGBVANTTCS, và định kỳ bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức... Là lực lượng quần chúng mang tính chất hỗ trợ, tiêu chuẩn về trình độ đối với LLTGBVANTTCS là không cao, tốt nghiệp THCS đối với khu vực thông thường và đối với khu vực biên giới là đã học xong chương trình giáo dục tiểu học[1]. Bên cạnh đó, thực tiễn thành viên LLTGBVANTTCS có trình độ về pháp luật, nghiệp vụ không đồng đều và cần được CAX thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo đủ năng lực xử lý những tình huống phức tạp phát sinh tại khu vực biên giới. Do đó, việc bồi dưỡng, tập huấn nhằm bổ sung, nâng cao các kiến thức, kỹ năng cần thiết là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả công tác của LLTGBVANTTCS. Việc huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở LLTGBVANTTCS được tổ chức tại Công an cấp huyện và cấp tỉnh, đồng thời chương trình huấn luyện, bồi dưỡng theo khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư 14/2024/TT-BCA thuộc trách nhiệm của Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc – Bộ Công an.
Đối với một số địa bàn xã biên giới, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự thì chương trình huấn luyện, bồi dưỡng ngoài những nội dung theo quy định của Luật và Thông tư hướng dẫn, cần bổ sung những nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương và yêu cầu công tác của việc bảo vệ an ninh, trật tự. Theo đó, cần tập trung vào các nội dung về công tác nắm tình hình về an ninh, trật tự đối với địa bàn xã biên giới, công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội đối với địa bàn xã biên giới, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn xã biên giới và công tác tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn xã biên giới. Cần bổ sung vào nội dung bồi dưỡng, huấn luyện các kỹ năng cần thiết trong công tác đấu tranh phòng, chống các nguy cơ về an ninh biên giới (như hoạt động xâm canh xâm cư, vi phạm cột mốc biên giới, gây rối ANTT khu vực ngoại biên...); kỹ năng trong phòng ngừa các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới như buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép... và các loại tệ nạn xã hội như đánh bạc, mại dâm, buôn lậu... là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác của LLTGBVANTTCS tại địa bàn.
- Bốn là, các địa phương cần có những quy định đặc thù về chế độ chính sách đối với LLTGBVANTTCS. Hoặc, nghiên cứu tạo nguồn để nâng cao mức hỗ trợ cho lực lượng này.
Hiện nay theo quy định của Luật tại Điều 26 thì chế độ chính sách của lực lượng này do Ngân sách địa phương chi trả. Thành viên LLTGBVANTTCS hiện nay được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Mức hỗ trợ này là không giống nhau giữa các tỉnh, thành. Do là một lực lượng hỗ trợ trong bảo vệ an ninh, trật tự, mức hỗ trợ trên là khá thấp nếu so với mức sống. Vì vậy, hệ thống chính quyền và lực lượng Công an các cấp cần quan tâm và có những chế độ và hình thức hỗ trợ phù hợp./.
TS. Nguyễn Thị Thu Hương - Khoa Luật