Nghiên cứu Luật

Từ ngày 1/7/2025, điều tra viên trung, cao cấp là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 27/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự với 445/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,1% tổng số đại biểu).

 Theo đó, Quốc hội thông qua quy định điều tra viên trung cấp, điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên quy định tại khoản 1 Điều 37. Được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quy định tại các điểm a, c khoản 1 và khoản 2 Điều 36, trừ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.


Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cụ thể, Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra; quyết định phân công hoặc thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của điều tra viên, cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của điều tra viên. 

Để phù hợp với thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, luật quy định: Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao tối cao có thể ủy quyền cho kiểm sát viên giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn: trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; quyền kiến nghị quyết định phân công, thay đổi, kiểm tra hoạt động và quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. 

Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm sẽ được bố trí ở 3 khu vực (Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh). Do đó, để bảo đảm việc kháng nghị phúc thẩm được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời cũng bảo đảm đúng với vai trò, nhiệm vụ của các Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm (xem xét bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh), luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao tối cao được ủy quyền cho Viện trưởng Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Bên cạnh đó, luật bổ sung quy định kiểm sát viên giữ chức vụ Viện trưởng Viện Phúc thẩm có quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tương tự, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm được được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp. 

Lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho hay, sau khi luật được thông qua, quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an cân nhắc, thận trọng trong việc lựa chọn phân công điều tra viên là Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã để bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.

Nguồn: phapluatplus.baophapluat.vn

arrow_upward