Chuyên mục pháp luật

Bàn về dấu hiệu hậu quả trong "Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng"

Tóm tắt: Bài viết này, tác giả chỉ rõ sự khác biệt trong các quan điểm khác nhau về dấu hiệu hậu quả của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này nhằm góp phần hoàn thiện lý luận về dấu hiệu pháp lý của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Từ khóa: Tội phạm; giết người; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; hậu quả chết người.


I. Đặt vấn đề

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác trong khi thực hiện quyền phòng vệ chính đáng nhưng đã vượt quá giới hạn của quyền này [4, tr.72].

Hiện nay, tội phạm này được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự 2015) cùng với Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (tên điều luật là “Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”). Trong phạm vi bài viết này, để nội dung khoa học được tập trung, gãy gọn và chuyên sâu, tác giả chỉ đề cập đến Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

So với Tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015) thì Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng có những dấu hiệu chung của Tội giết người, đồng thời còn có thêm những dấu hiệu riêng của một trường hợp phạm tội giảm nhẹ đặc biệt: Đang có hành vi tấn công nguy hiểm, trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của công dân; người phạm tội đã có hành vi phòng vệ trước sự tấn công của người bị hại nhằm gạt bỏ sự tấn công; hành vi phòng vệ đã rõ ràng vượt quá giới hạn cần thiết [5, tr.70]. Như vậy, để xác định một hành vi có phải là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì cần làm rõ những dấu hiệu chung của Tội giết người (hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, lỗi cố ý, đối tượng tác động là con người đang sống…) và làm rõ các dấu hiệu đặc trưng của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như: Có hành vi tấn công nguy hiểm hay không? Hành vi tấn công đang xảy ra, có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc hay đã kết thúc? Hành vi phòng vệ có vượt quá mức cần thiết hay không?... Nhìn chung, đây đều là những vấn đề phức tạp khi xem xét các vụ việc thực tế, nhưng xét dưới góc độ lý luận thì những vấn đề này không phải là những vấn đề gây tranh cãi. Đã có rất nhiều công trình khoa học (giáo trình, bình luận khoa học Bộ luật hình sự, luận văn, luận án, bài viết…) phân tích, làm rõ những vấn đề nêu trên. Hơn nữa, đó cũng là những vấn đề đã có văn bản của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn [2], [3].

Tuy nhiên, có một vấn đề mà hiện nay chưa có sự thống nhất về nhận thức lý luận, đồng thời cũng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, đó là “hậu quả chết người” có phải là dấu hiệu bắt buộc phải có của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không? Vì vậy, ở bài viết này, tác giả sẽ tập trung làm rõ dấu hiệu hậu quả của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cụ thể, “hậu quả chết người” có phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này hay không?

2. Sự khác nhau giữa các công trình nghiên cứu khi xác định “hậu quả chết người” có phải là dấu hiệu bắt buộc phải có của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không

Qua quá trình nghiên cứu vấn đề nêu trên, tác giả thấy rằng nhiều công trình nghiên cứu khoa học pháp lý đều xác định “hậu quả chết người” là dấu hiệu bắt buộc phải có của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Hay nói cách khác, nếu không có “hậu quả chết người” thì sẽ không cấu thành Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Có thể kể đến một số công trình cụ thể như sau:

- Bình luận Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 của tác giả Đinh Văn Quế xác định: “Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ có thể xảy ra khi người có hành vi xâm phạm (nạn nhân) bị chết. Nếu nạn nhân chỉ bị thương và có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 136 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” [6, tr.70].

- Giáo trình Luật hình sự Việt Nam do GS. TS. Võ Khánh Vinh chủ biên cũng xác định: “Người phạm tội đã thực hiện hành vi phòng vệ quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại và dẫn đến hậu quả là gây ra cái chết đối với nạn nhân” [7, tr.73].

- Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của tập thể tác giả PGS. TS. Trần Văn Luyện - PGS. TS. Phùng Thế Vắc - TS. Lê Văn Thư - TS. Nguyễn Mai Bộ - LS. ThS. Phạm Thanh Bình - TS. Nguyễn Ngọc Hà - LS. Phạm Thị Thu cho rằng: “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác hay bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà đã chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức cần thiết gây hậu quả chết người"' [8, tr.46].

- Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 do GS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên cũng cho rằng: “người phạm tội đã có hành vi chống trả hành vi xâm phạm đang xảy ra hoặc đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc và hành vi chống trả đã gây ra hậu quả chết người"' nhưng việc chống trả này rõ ràng vượt quá mức cần thiết” [9, tr.80].

- Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 của TS. Phạm Mạnh Hùng phân tích: “Trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã chống trả một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết  cho người có hành vi xâm hại” [10, tr.45].

- Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng chỉ rõ: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng có các dấu hiệu của tội giết người và có thêm dấu hiệu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: “người phạm tội đã có hành vi chống trả hành vi xâm phạm đang xảy ra hoặc đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc và hành vi chống trả gây ra hậu quả chết người  nhưng việc chống trả này rõ ràng vượt quá mức cần thiết” [4, tr.73,74].

- Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định: Là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm của tội phạm này [5, tr.70].

Có thể thấy, các công trình nêu trên đều xác định “hậu quả chết người” là dấu hiệu bắt buộc để định tội và cũng là căn cứ để phân biệt Tội giết do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì khi rơi vào tình huống bị tấn công bất ngờ, cần phải hành động ngay để phòng vệ, chủ thể thực hiện hành vi không đủ thời gian và sự bình tĩnh để suy nghĩ thấu đáo về hậu quả do hành vi của mình gây ra. Hình thức lỗi chủ yếu là lỗi cố ý gián tiếp - cố ý không xác định [6, tr.70]. Họ chỉ có ý thức chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra chứ không mong muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên hậu quả xảy ra đến đâu họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó.

Bên cạnh phần lớn các công trình thể hiện quan điểm như trên thì cũng có công trình nghiên cứu cho rằng “hậu quả chết người” không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Hay nói cách khác, vẫn có thể cấu thành Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mặc dù không có “hậu quả chết người” xảy ra. Chẳng hạn như: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Cục Đào tạo - Bộ Công an xác định: Hành vi khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng có các dấu hiệu như tội giết người, nhưng hành vi phạm tội này có một số điểm khác biệt: nạn nhân là người có hành vi xâm hại lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hành vi xâm hại của nạn nhân phải đang diễn ra; thiệt hại gây ra cho chính nạn nhân; hành vi phòng vệ rõ ràng là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, người phạm tội không cần tước đoạt tính mạng của nạn nhân vẫn bảo vệ được những lợi ích hợp pháp cần bảo vệ [11, tr.55]. Có thể thấy, giáo trình của Bộ Công an xác định dấu hiệu pháp lý của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có những dấu hiệu pháp lí chung của tội giết người và những dấu hiệu pháp lí riêng, trong các dấu hiệu pháp lí riêng không đề cập đến dấu hiệu hậu quả (cụm từ “tước đoạt tính mạng của nạn nhân” cũng được hiểu như hành vi của tội giết người, không nhất thiết phải có hậu quả chết người xảy ra). Từ đó có thể hiểu dấu hiệu hậu quả của tội phạm này tương tự dấu hiệu hậu quả trong tội giết người. Cụ thể, dấu hiệu “hậu quả chết người” không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có để định tội, nó chỉ là dấu hiệu để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa, nếu hậu quả chết người không xảy ra thì vẫn có thể cấu thành tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (khi lỗi của chủ thể là lỗi cố ý trực tiếp).

Ngoài các công trình nghiên cứu thể hiện rõ “hậu quả chết người” là dấu hiệu bắt buộc phải có hoặc không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có trong Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã trình bày ở trên, còn có những công trình không xác định rõ “hậu quả chết người” có phải là dấu hiệu bắt buộc phải có hay không. Có thể kể đến một số công trình sau:

- Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp trình bày: “tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách rõ ràng là quá đáng, kết liễu sự sống của người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên” [12, tr.96]. Cụm từ “kết liễu sự sống” không thể hiện rõ ràng là “hậu quả chết người” đã xảy ra hay chưa? “kết liễu sự sống” nên được hiểu là hành vi hay là hậu quả của hành vi? Đồng thời phần nội dung trình bày về dấu hiệu pháp lý của tội phạm này trong sách cũng không thể hiện rõ hậu quả chết người có phải là dấu hiệu bắt buộc phải có hay không.

- Sách “Pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người từ thời phong kến đến ngày Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực” của TS. Đỗ Đức Hồng Hà xác định: “Nghiên cứu hậu quả của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Vì tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tội phạm có cấu thành vật chất nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này là thời điểm nạn nhân đã chết sinh vật [13, tr.297]. Việc khẳng định tội phạm hoàn thành khi nạn nhân đã chết không giúp xác định rõ ràng rằng hậu quả chết người có phải là dấu hiệu bắt buộc phải có hay không? Khi hậu quả chết người không xảy ra thì hành vi không cấu thành tội phạm hay cấu thành tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt?

Tổng hợp kết quả nghiên cứu của các công trình đã nêu ở trên, có thể thấy rằng nhận thức lí luận về dấu hiệu hậu quả của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chưa có sự thống nhất, một số công trình chưa xác định rõ ràng ý nghĩa của dấu hiệu này trong cấu thành tội phạm.

3. Quan điểm của tác giả bài viết

Tác giả cho rằng “hậu quả chết người” không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì những lý do sau đây:

Một là, xét về nội dung quy định của điều luật. Nghiên cứu quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015 thấy rằng trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm chỉ quy định hành vi khách quan mà không hề quy định dấu hiệu hậu quả chết người: “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…” (khoản 1 Điều 126). Ngay cả tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 cũng chỉ quy định “Phạm tội đối với 02 người trở lên” chứ không phải “Phạm tội làm chết từ 02 người trở lên”. Trong khi đó, nếu so sánh với các điều luật khác trong cùng Chương XIV, chúng ta thấy rằng những tội phạm có quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội thì trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm đều mô tả rất rõ ràng dấu hiệu hậu quả. Ví dụ: Tội vứt bỏ con mới đẻ quy định rõ hậu quả là “dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết” (khoản 2 Điều 124); Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô ý làm chết người, Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính đều quy định hậu quả là “làm chết người” (khoản 1 các Điều 127, 128, 129) và tình tiết định khung tăng nặng cũng quy định rõ là “làm chết 02 người trở lên” (điểm a khoản 2 Điều 127, khoản 2 Điều 128, khoản 2 Điều 129) … Như vậy, có thể khẳng định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm tại Điều 126 không quy định dấu hiệu “hậu quả chết người” là dấu hiệu bắt buộc phải có để định tội.

Hai là, mặc dù có nhiều trường hợp khi bị tấn công, chủ thể thực hiện hành vi không đủ bình tĩnh để nhận thức về hậu quả của hành vi, không quan tâm hậu quả nên hậu quả của tội phạm đến đâu họ sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó (hình thức lỗi cố ý gián tiếp). Nếu xảy ra hậu quả chết người, chủ thể thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nếu hậu quả là gây tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì chủ thể thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, khi bị tấn công, bị ức chế tột đỉnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra mà chủ thể thực hiện hành vi sử dụng những phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện nguy hiểm cao đối với tính mạng của nạn nhân như dùng súng bắn vào đầu nạn nhân, dùng dao nhọn đâm liên tiếp nhiều nhát vào người nạn nhân… Trong những trường hợp này, nếu vì lý do khách quan, nạn nhân may mắn thoát chết thì chủ thể thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ba là, về thực tiễn xét xử. Đã có những vụ án phạm Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà không có dấu hiệu “hậu quả chết người” xảy ra.

Ví dụ: Chiều 23/5/2020 N cùng với bạn gái là Đồng Thị Như Q và một số bạn bè ra Cát Bà chơi: Ăn nhậu, nghe nhạc và sử dụng ma túy. Q có sử dụng ma túy nên thần kinh không ổn định có nhắn tin về cho mẹ: “Con bị bắt cóc ra Cát Bà”. Bà H là mẹ Q đã gọi Nguyễn Tiến M (là người yêu cũ của Q) về việc Q bỏ đi. Sau khi biết Q đi cùng nhóm Hải A và N thì Bà H gọi điện bảo đưa Q về. 06 giờ 00 phút, ngày 24/5/2020 N đưa Q về bằng xe tắcxi, vừa đến cửa nhà Q ở số 740 Lô 22 Lê Hồng Phong thì gặp M ở đó. M túm tóc N bắt N quỳ xuống rồi dùng tay, chân đấm đá liên tiếp vào mặt vào người N, N không dám chống cự, khi vào trong nhà, Bà H can ngăn nhưng M vẫn đánh, tát N. N nhắn tin cho bạn là T đến đón, khoảng 09 giờ 00 phút, T nhắn tin cho N là “ra đi”, N chạy ra xe taxi chờ ở cửa, lên xe ngồi ở ghế sau và bảo xe chạy. Lê Hoàng L là bạn của M thấy N bỏ chạy liền lấy xe máy đuổi theo, M chạy bộ đuổi theo chặn xe taxi lại.

M kéo N từ xe taxi xuống, một tay túm tóc ấn đầu, một tay đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt N. L đấm vào lưng N, ghì đầu N xuống. Do bị ức chế, N rút dao bấm từ túi đeo trước ngực đâm liên tiếp về phía M và L. M bị đâm buông tay ra, còn L tiếp tục dùng tay chân đấm đá N, N tiếp tục đâm L rồi buông dao bỏ chạy, sau đó bị mọi người bắt giữ.

M bị nhiều vết thương, trong đó có vết thương ngực trái thuộc vùng nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 27%. L bị vết thương ngực trái, thấu ngực gây tràn máu, khí khoang màng phổi trái, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 03%.

Trong vụ án này, mặc dù không có hậu quả chết người xảy ra, nhưng Hội đồng xét xử nhận định N đâm M và L, 02 người bị 02 vết thương đều vào vùng ngực trái, vùng nguy hiểm đến tính mạng, nên căn cứ khoản 2 Điều 126; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 15; Điều 57, Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt Nguyễn Hoàng Hải N 30 tháng tù về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng [14].

4. Kết luận

Từ những nội dung phân tích và dẫn chứng như ở phần trên, tác giả cho rằng Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể được thực hiện bởi hình thức lỗi cố ý gián tiếp hoặc hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện bởi hình thức lỗi cố ý trực tiếp, nếu “hậu quả chết người” không xảy ra thì chủ thể thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Hay nói tóm lại, “hậu quả chết người” không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có ở Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng./.

Thiếu tá Phạm Xuân Thụy - K2

Nguồn: Tạp chí An ninh nhân dân, số149 (tháng 10/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (1986), Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985;

3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (1986), Nghị quyết số 04-HĐTP TANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự 1985;

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam Phần các tội phạm, quyển 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội;

5. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam Phần các tội phạm, quyển 1, Nxb Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh;

6. Đinh Văn Quế (2020), Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 Phần thứ hai - Các tội phạm, Chương XIV - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội;

7. GS. TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên) (2014), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần Các tội phạm), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội;

8. PGS. TS. Trần Văn Luyện – PGS. TS. Phùng Thế Vắc - TS. Lê Văn Thư - TS. Nguyễn Mai Bộ - LS. ThS. Phạm Thanh Bình - TS. Nguyễn Ngọc Hà - LS. Phạm Thị Thu (2019), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phần các tội phạm, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội;

9. GS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần Các tội phạm) quyển 1, Nxb Tư pháp, Hà Nội;

10. TS. Phạm Mạnh Hùng (2019), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 Phần Các tội phạm, Nxb Lao động, Hà Nội;

11. Cục Đào tạo - Bộ Công an (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm-tập 1), Nxb Lao động, Hà Nội;

12. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1998), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự-Phần các tội phạm, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội;

13. TS. Đỗ Đức Hồng Hà (2019), Pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người từ thời phong kiến đến ngày Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, Nxb Lao động, Hà Nội;

14. Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng (2020), Bản án số: 124/2020/HS-ST ngày 19/11/2020.

arrow_upward