Trang sinh viên

"Ranh giới" - Những thước phim chạm đến trái tim

Hoàng Anh Như Quỳnh - LT-C3A

 

Ranh giới mà nhiều người nghĩ đến chính là ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều ranh giới nữa được đề cập và khắc hoạ rõ nét thông qua phim tài liệu mang tên “Ranh giới” của chương trình VTV đặc biệt. Với độ dài hơn 50 phút, “Ranh giới” đã khiến người xem xúc động đến ám ảnh vì những khoảnh khắc mỏng manh giữa sinh và tử của những người mẹ đấu tranh cho sự sống của chính họ và đứa con của mình, ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa quyết tâm và buông bỏ trong cuộc chiến đấu hết mình của đội ngũ y bác sĩ trong hoàn cảnh khốc liệt nhất hiện tại, đó là đại dịch COVID-19. Qua đây, ta cũng thấy rõ được sự quyết tâm, quả cảm xả thân mình của đội ngũ chương trình khi không quản ngại khó khăn đến mức nguy hiểm đến tính mạng xông pha vào tuyến đầu đầy thử thách để có được những thước phim quý giá.

“Ranh giới” - Một bộ phim đặc biệt của VTV

Bối cảnh được quay tại Bệnh viện Hùng Vương cùng với nỗ lực không ngừng của đội ngũ chương trình suốt 21 ngày đã đem đến cho khán giả những thước phim không dùng quá nhiều kĩ xảo, cắt ghép mà đi tới cùng những âm thanh thực, đôi dòng tâm sự nỗi niềm của người trong cuộc. Những con số mà ta thường thấy, những hình ảnh trên mạng xã hội chưa thực sự lột tả rõ nét cuộc chiến khốc liệt ấy, nhưng nhờ những thước phim đặc biệt này, người xem mới thấm thía được và nhìn thấy được mức độ nguy hiểm của loại dịch bệnh này. Không ghi hình tại những địa điểm khác, hẳn đội ngũ chương trình đều có lí do riêng. Và có thể là muốn đánh vào cảm xúc mỗi con người về tình mẫu tử. Mỗi người đều có mối quan hệ riêng và nếu như ghi hình ở những địa điểm khác nhau có thể người xem nhiều người vẫn chưa đồng cảm được hoàn cảnh ấy, nhưng bản thân mỗi người ai cũng trong đó có tình mẫu tử, sinh ra và được sinh ra, từ đó có thể thấu cảm được nỗi đau, sức mạnh vĩ đại của mỗi người mẹ trong quá trình sinh ra một cá thể thiêng liêng. Những thước phim không hề dùng những lời bình hay có sự can thiệp vào bối cảnh và diễn biến sự việc mà là để sự thật lên tiếng qua những cuộc nói chuyện, những lời tự tâm của chính nhân vật để truyền tải những thông điệp. Tuy nhiên, đội ngũ đã không gặp ít trăn trở khi phải quyết định ranh giới giữa bí mật đời tư, quyền nhân thân của bệnh nhân và việc công khai nó trước công chúng. Chương trình đã quay cận cảnh những bệnh nhân mà không hề che mặt hay chiếu từ xa. Điều này có thể gây nên những tranh cãi cho người xem nhưng với công sức và mục đích ban đầu của đoàn làm phim chính là nói lên sự khắc nghiệt, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, về sự chiến đấu trong nhân tâm của mỗi bệnh nhân. Vì vậy, dù khi công bố phim sẽ không thể tránh khỏi nhân vô thập toàn nhưng thông điệp mà người làm phim muốn chuyển tải đến khán giả đã thành công khi chạm đến trái tim hàng triệu hàng triệu người xem, đó cũng như là liều thuốc tinh thần chữa lành mọi sự tiêu cực, giúp người dân có ý thức hơn trong việc chống dịch hiện nay.

 

Ranh giới là sự đối lập giữa nơi những sinh linh chào đời và là nơi cuộc chiến giữa y bác sỹ và "thần chết" ngày đêm diễn ra

Quá trình sinh ra của mỗi con người là vô vàn khó khăn và ý nghĩa. Cuộc sống như một vòng tròn luân hồi, khi dịch bệnh cướp đi nhiều sinh mạng thì bên cạnh ấy vẫn có những sinh linh chào đời. Nhưng có lẽ hành trình của các em bé sẽ khó khăn hơn trong hoàn cảnh này khi ranh giới giữa sinh và tử là quá mong manh. Tuy nhiên, trong cuộc chiến cùng các em vẫn có những người đồng hành, được vun đắp bằng tình mẫu tử và bằng một tình cảm “lương y như từ mẫu”. Trong phạm vi không gian ấy, ta được chứng kiến những cung bậc cảm xúc khác nhau đan xen vào nhau, nhưng hơn tất cả chính là cảm nhận được tình người giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống, giữa khoảnh khắc sinh tử định mệnh, thấm được tình cảm thương người như thể thương thân truyền thống bao đời nay của người dân Việt Nam.

 

Đội ngũ bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ, vừa điều trị, vừa chăm sóc, động viên từng bệnh nhân tiếp tục chiến đấu chống lại bệnh tật

Không phải người thân yêu, ruột thịt mà đội ngũ y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân từ hơi thở, miếng nước, thìa cháo đến việc cứu sản phụ, cứu thai nhi và cả việc vệ sinh cá nhân mà chỉ có những người ruột thịt mới làm được. Họ làm việc không kể hiểm nguy, không kể thời gian, không gian. Có những khi máy quay lia tới cảnh những người bác sĩ tranh thủ một giấc ngủ ngắn trong bộ đồ bảo hộ nóng bức và nằm ở bất cứ khoảng trống nào có thể hay họ phải đứng bơm oxy cho bệnh nhân trong vòng 2 ngày liên tục khi người này không đủ sức lực và bệnh viện không kịp cung ứng oxy. Do vậy, ta nhận thấy rõ quá trình để hình thành một con người là vô cùng khó, và sống sao cho ý nghĩa là một việc càng khó hơn. Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, bên cạnh những người ủng hộ, vẫn có những người hết sức chống đối, gây khó khăn cho đội ngũ y tế thực hiện nhiệm vụ của họ. Những thước phim này chính là minh chứng ngày đêm nỗ lực không ngừng của họ, điều này không dừng lại ở trách nhiệm, mà còn là cái tâm trong nghề và tình yêu thương con người. Những lời khuyên chân thành, những lời động viên kịp thời đến bệnh nhân của mình là liều thuốc cho họ vượt qua lối suy nghĩ tiêu cực, những khoảnh khắc tưởng chừng bỏ cuộc. Bản thân họ cũng là người có gia đình mong mỏi trở về, cũng là cha, là mẹ hoặc là con của những người hậu phương đang trông ngóng ở nhà nhưng bản thân bác sĩ đã buông bỏ hết để đồng hành cùng cái nghề của mình, đồng hành cũng những người sản phụ để giúp họ đoàn tụ cùng với gia đình. Những nụ cười, những giọt nước mắt khi không thể cứu được bệnh nhân chính là nỗi ám ảnh trên gương mặt họ, và cũng gây nên nỗi ám ảnh cho mỗi người xem. Mỗi sinh mạng đều đáng quý, dù cho có những tình huống không can thiệp được nữa, nó vẫn gợi cho người bác sĩ nhiều trăn trở. Vì vậy, mặc dù có tuyệt vọng, có băn khoăn, nhưng những quyết tâm của họ đều là xứng đáng. Những cuộc họp khẩn cấp, những cuộc gọi hối hả để liên lạc nhưng đôi khi cũng là những lời nói đùa để giúp vượt qua khó khăn hiện giờ chính là điều đáng quý nhất, làm thức tỉnh mỗi người trong chúng ta về tinh thần, về trách nhiệm của bản thân. Trong phim tài liệu này đã cho thấy rõ thực tế thiếu thốn vật chất và con người như thế nào, khi chiếc điện thoại bàn không còn phổ biến lại trở nên hữu ích đến như thế, hay sự lo lắng đến vấp váp trong ngôn từ khi bác sỹ phải tìm cách liên lạc với người thân bệnh nhân hay phải động viên người bố vững tinh thần trong khoảnh khắc không thể nhìn con lần cuối. Qua những cuộc trò chuyện mới thấy được dù họ có khó khăn đến như thế nào, thậm chí nhân lực nhiễm COVID-19 là 10/12 người hay người bác sĩ và con của họ phải cách ly không thể tiếp tục công việc thì họ vẫn muốn cống hiến đến cùng, muốn nhanh chóng khoẻ mạnh để tiếp tục ra chiến trường chiến đấu cùng với những người đồng đội của mình.


Quá trình vượt cạn đầy nước mắt của các thai phụ

Điều đặc biệt hơn nữa trong chương trình là ta có thể chứng kiến những khoảnh khắc mà bấy lâu nay người ta gọi là vào sinh ra tử của những người mẹ, qua đó thấu hiểu được nỗi lòng và sức mạnh khi mang trong mình những sinh linh bé nhỏ ấy. Mỗi người mẹ đều mang trong mình sự mệnh thiêng liêng, bản thân họ khi mang thai đã vô cùng vất vả và nguy hiểm. Nhưng nếu ra sao khi những người mẹ lại dính phải dịch bệnh đáng sợ ấy. Khó khăn lại gấp bội, mệt mỏi lại càng gấp vạn lần. Chưa nói đến sức khoẻ đi xuống mà tinh thần của mỗi người khi biết mình dương tính với  COVID-19  sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự sống của người mẹ và người con. Mỗi người đều có một suy nghĩ, một quyết định riêng cho mình. Có những người mẹ quyết định bỏ con để giữ lấy mạng sống của mình, nhưng cũng có những người mẹ đấu tranh đến cùng cho sự sống bất chấp có giữ được mạng của mình hay không. Vạn vật muôn hình vạn trạng và mỗi người đều có lối đi cho riêng mình, và đó cũng là quyết định, thế giới quan cách nhìn nhận của mỗi người trong quá trình đấu tranh với dịch  COVID-19. Có những cảnh quay khiến người xem phải bật khóc đến ám ảnh khó thoát ra được chính là nỗi đau cũng những người ở lại, những người không thể ở bên cạnh con, cạnh vợ để làm động lực vượt qua. Những hơi thở gấp gáp, những gương mặt thiếu sắc, những câu nói hấp hối đã gây bất ngờ cho người xem thực tại kinh khủng ấy, những gì mà những sản phụ đang phải trải qua trong mùa dịch này. Bình thường mỗi ngày chỉ mất 1 bình cho các sản phụ trong cả bệnh viện nhưng con số ấy đã tăng lên 50 bình/ngày. Những cuộc điện thoại vội vàng ở gang tấc với tử thần hay thậm chí chỉ là những bức ảnh để lại cho người bố khi tới nhận đứa con của mình về. Có thể người xem chỉ ám ảnh một thời gian ngắn khi xem nhưng nỗi mất mát ấy sẽ theo những người đó đến tận sau này. Ai ở trong hoàn cảnh ấy mới hiểu, tột cùng của nỗi đau là như thế nào. Covid đáng sợ đến như vậy, khiến mẹ mất con, khiến chồng mất vợ, khiến những đứa con ở nhà không biết một ngày mình sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi, và sẽ có nhiều mất mát khác mà cả cộng đồng đang phải gánh chịu trong đại dịch này. Tình yêu thương gia đình đã được thể hiện một cách xuất sắc trong một bộ phim dài không quá một tiếng, ở đó có tình mẫu tử của những người sản phụ dành cho con, ở đó còn những tình cảm không thể thể hiện được của người thân khi không thể ở bên cạnh để động viên chăm sóc, và ở đó vẫn còn những thứ tình cảm gia đình phải kiềm chế, phải chôn giấu cảm xúc để tiếp tục hành trình chống dịch bệnh của những người chiến sĩ áo trắng.

Có thể trong thời điểm hiện tại, bản thân nhiều người đã không còn muốn cập nhật về tình tình hằng ngày, không thể ra ngoài, phải đóng mình trong không gian hẹp, mất việc kéo theo việc không thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, sự đi xuống về tinh thần và sức khoẻ đã không khiến nhiều người mệt mỏi, chán nản. Chương trình “Ranh giới” vì vậy đã mang những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống, rằng ai cũng có ranh giới giữa sống và chết, và có rất nhiều người ngoài kia đang đấu tranh cho sự sống của chúng ta. Không những đội ngũ y bác sĩ mà còn rất nhiều người ngày đêm canh gác, bảo vệ bình yên của nhân dân, là những người chiến sỹ, những tình nguyện viên túc trực cũng chỉ vì cộng đồng, với mong muốn mọi người có thể quay lại nhịp sống ban đầu. Đội ngũ thầy thuốc và lực lượng tuyến đầu chống dịch không thể gọi khác đó chính là các chiến sỹ cảm tử. Chẳng cần nhìn đâu xa khi những người anh hùng đang ở ngay đây với chúng ta, đây chính là thông điệp vực lại tinh thần của mỗi con người, rằng ranh giới giữa sống và tử là rất quan trọng, hơn nó chính là ranh giới giữa sống ý nghĩa và vô nghĩa. Có thể ta sẽ khó khăn trong thời gian này nhưng vẫn có nhiều cơ hội để tiếp tục hành trình, vẫn cảm thấy bản thân mình may mắn hơn rất nhiều người, hay có thể chữa lành tinh thần cho những người nhiễm và nghi nhiễm giúp họ cố gắng đấu tranh đến cùng dù chỉ còn một tia hi vọng. Xem một bộ phim tài liệu, nơi ấy không hề có tiếng súng nhưng cuộc sống ấy không một ngày bình yên, một cuộc sống như thời chiến bởi vì tử thần có thể tìm đến bất cứ ai, bất cứ gia đình nào. Cuộc chiến chưa có tiền lệ này rất khốc liệt, muốn chiến thắng nó phải là sự đồng lòng đồng sức của toàn xã hội, rằng giãn cách xã hội là việc nên làm, thông điệp 5K mang tính nguyên tắc là hợp lý. Chính “Ranh giới” đã giúp người xem thức tỉnh điều đó.

Những âm thanh đan xen vào nhau, từ tiếng khóc của đứa trẻ, tiếng thở của những sản phụ, tiếng kêu của những thiết bị y tế, tiếng bước chân, trao đổi khẩn trương của đội ngũ y tế và tiếng khóc nghẹn của những người thân đã hoà vào nhau khiến cho khán giả đang chứng kiến hiện thực trước mắt, xúc động đến day dứt khôn nguôi, đi từ cung bậc cảm xúc lo lắng, hồi hộp đến khóc và cười cùng với họ, và đây chính là điều mà bộ phim tài liệu muốn truyền tải, đầy nhân văn và chân thực. “Ranh giới” có thể khắc hoạ sự kết thúc của một đời người nhưng cũng chính là điểm khởi đầu của một cá thể, cũng là khởi đầu cho một hành trình mới mà con người luôn đấu tranh vì nó. Cuộc chiến giành sự sống vẫn tiếp diễn sau chương trình này, vẫn sẽ có những em bé phải xa mẹ sống trong những khu cách ly, khoảnh khắc mẹ con không được gặp nhau lại còn xót xa hơn nữa. Và sẽ có những anh hùng quả cảm đứng ngoài ống kính, âm thầm lặng lẽ thực hiện những nghĩa vụ của mình cho đất nước, cho nhân dân. “Ranh giới” chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến đầy khốc liệt này mà thôi. Thành công của chương trình không chỉ là việc đề cập đến vấn đề nóng bỏng, bức xúc nhất hiện nay mà còn là cách mà nhà làm phim chạm tới trái tim của mỗi con người, làm nhiều người thao thức về ý nghĩa của cuộc sống, liệu rằng cuộc sống có quá khắc nghiệt và bất công với chúng ta hay cuộc sống cho ta những bài học mà ta thấy bỏ những công sức, mồ hôi và nước mắt nhưng vẫn thấy vô cùng xứng đáng. Sẽ còn nhiều thử thách hơn cả đại dịch này, nhưng cái đáng sợ nhất chính là bản thân không vượt qua được bản ngã của chính họ khi để tuột mất những cơ hội sống còn. Chứng kiến những thước phim ấy chính là những bài học chân thực nhất để suy ngẫm, chiêm nghiệm để biết cảm thông và sống có tình người hơn trong hoàn cảnh này./.

 

arrow_upward