Trang sinh viên

"Trái tim nóng và cái đầu lạnh" - Suy ngẫm gì đằng sau "Ranh giới"

Hồ Thị Quỳnh Ngân – Bí thư Chi đoàn LT-C3A

...Tiếng còi xe cấp cứu ngân dài, những bước chân vội vã, những tiếng thở nặng nhọc, những giọng nói cầu cứu khẩn cấp, tiếng nấc nghẹn xé lòng,... Không có lời bình, không có thuyết minh, chỉ có âm thanh và hình ảnh chân thực; không kỹ xảo, không che giấu, đủ sức lột tả và truyền tải tất cả những thông điệp sâu sắc nhất. “Ám ảnh” là từ ngữ nóng nhất, tiêu biểu nhất mà những khán giả của VTV và cộng đồng truyền thông dùng để nói về “Ranh giới” lúc này.

Theo Đài truyền hình Việt Nam, bộ phim được đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự triển khai thực hiện trong chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh từ tháng 7/2021. Nhóm đạo diễn, quay phim, biên tập viên được chia làm hai ê kíp sản xuất, trong đó một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Đây là nơi được chuyển đổi thành khu điều trị cho các sản phụ bị nhiễm COVID-19 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường. Có lẽ không có ngôn từ nào có thể mạnh mẽ hơn những thước phim thực tế đến trần trụi này, không một lời bình nào có khả năng diễn tả nỗi đau đớn và nỗ lực phi thường mà người xem đã phải rơi nước mắt thương tâm. Chính vì vậy, xin phép nhóm tác giả, xin phép những y, bác sỹ, những sản phụ và người nhà trong đoạn phim, xin được mượn “Ranh giới” để nói nhiều hơn về những điều cần suy ngẫm trước, trong, và sau ranh giới!

- Đứng trên góc độ của một khán giả công tâm, một người xem phóng sự, là điều trước tiên mà chúng ta nhìn nhận khi xem một bộ phim tài liệu. Câu chuyện về cuộc chiến sinh - tử, giành giật sự sống cho các thai phụ đang trong tình trạng nguy kịch đã được kể lại như thế nào? Lý do mà ê-kíp chương trình lựa chọn bệnh viện phụ sản Hùng Vương để ghi lại phóng sự là bởi suy nghĩ “cuộc sống giống như một vòng tròn luân hồi, khi dịch bệnh cướp đi nhiều sinh mạng thì bên cạnh đấy vẫn có những em bé ra đời” - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Khó khăn, gian khổ, sợ hãi, đớn đau,... những nỗ lực phi thường được đền đáp bằng điều quý giá hơn cả: sinh mệnh trẻ thơ và nụ cười mẫu tử.

 

 

Nụ cười hạnh phúc của sản phụ F0 khi đã chiến đấu để giành sự sống cho cặp song sinh

 Thế nhưng cũng có những nỗ lực không được đền đáp, có niềm hy vọng dần lụi tàn, COVID-19 thật đáng sợ và nó không còn là viễn cảnh, nó đã đe dọa, cướp đi sức khỏe, sinh mạng của đồng loại, đồng bào chúng ta, có thể chính là người thân của ai đó đang ngồi xem trước màn hình. Đây thực sự là một cuộc chiến, và trong cuộc chiến ấy, cần đến sự đoàn kết, tương trợ của cả dân tộc như truyền thống ngàn năm nay chúng ta vẫn tự hào. Trong những tích tắc quyết định, các y, bác sỹ đã gạt sang một bên khả năng lây nhiễm rất cao khi trực tiếp dùng tay bóp tim cho các thai phụ không quản thời gian; khi người chồng, người cha không thể ở bên thai phụ trong những giây phút hiểm nghèo, thì y tá, bác sỹ của bệnh viện Hùng Vương đã gánh trên vai cả trách nhiệm động viên, an ủi, cứu rỗi cả người bệnh, người nhà. Hành động đó đã xóa nhòa ranh giới giữa bác sỹ - bệnh nhân, ranh giới giữa sự sống - cái chết, chỉ còn điều quan trọng nhất là tình người, là sinh mạng.

Người xem đặt ra câu hỏi: “Tại sao phải chiếu những thước phim thực tế đến đau lòng như vậy? Liệu đó có phải là một cách tuyên truyền?”. Trong chặng đường 96 năm xây dựng và phát triển, báo chí, truyền thông Việt Nam đã phát huy vai trò “vũ khí sắc bén” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đã và đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đó cũng chính là mục tiêu cao cả, đúng đắn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta được nghe hằng ngày những khẩu hiệu, những lời tuyên truyền, những bài cảnh báo, trong đó liệu đâu là đúng, đâu là sai? Liệu có lời lẽ nào, cảnh tỉnh nào hiệu lực hơn sự thật, một sự thật được đánh cược bằng sức khỏe, tính mạng của những con người sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu? Và trên hết, đó là sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự rung động, tha thiết tri ân khó nói hết bằng lời đối với đối với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Nữ bác sĩ đang điều trị cho các sản phụ trong phim đã nói rằng "để thấy cuộc sống này quý giá, thấy mình cần sống dũng cảm hơn, tử tế hơn", bộ phim đã truyền tải đến mỗi chúng ta sâu sắc tinh thần câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn Mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".

- “Lực lượng CAND - lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội”: cần có sự nhìn nhận với tinh thần “Kiên định bản lĩnh chính trị người Chiến sỹ CAND, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Từ 20h10 ngày 8/9/2021, sau hơn 50 phút phát sóng trong chương trình VTV đặc biệt, bộ phim tài liệu “Ranh giới” với những thước phim lần đầu tiên được công bố đã tạo ra hiệu ứng lan truyền vô cùng nhanh chóng, mạnh mẽ, đồng thời cũng xuất hiện nhiều dư luận trái chiều, trong đó có những làn sóng tiêu cực, thậm chí “mượn gió bẻ măng”.

Những ngày qua, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn rất quan trọng của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đảng, Nhà nước, toàn quân và dân ta đã luôn đồng lòng với một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, trong đó lực lượng Công an nhân dân với nỗ lực và quyết tâm cao nhất tham gia đóng góp tích cực trên mọi mặt của công tác phòng, chống dịch bệnh, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình của dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh...  nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Những luồng ý kiến trái chiều, sự bất đồng trong dư luận cũng gây nên ảnh hưởng không nhỏ đối với nhận thức và thái độ của quần chúng nhân dân.

 

 

Một trong những trang tin giả (Nguồn: Internet)


Vai trò của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch (Nguồn: Internet)

Đối với “Ranh giới”, bên cạnh những lời khen ngợi cũng xuất hiện một số chỉ trích về “nhân quyền”, bảo mật thông tin như không che mặt các bệnh nhân, đưa những hình ảnh, thông tin về tình trạng sức khỏe, nhân thân của họ lên truyền hình,... Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, người làm nên bộ phim đã có những chỉa sẻ về vấn đề này, cụ thể êkip làm phim đã có sự trao đổi cùng các y bác sĩ bệnh viện và nhận được ý kiến của đa số là không cần che mặt bệnh nhân bởi các y, bác sĩ ở đây đã chứng kiến biết bao cảnh đau lòng khi một bệnh nhân COVID-19 qua đời nhưng người nhà không thể vào nhìn mặt lần cuối, chỉ có thể thấy lại khuôn mặt người thân qua những bức ảnh bác sĩ chụp lại giúp. Bốn thai phụ xuất hiện cận cảnh, "Họ đồng thuận chia sẻ câu chuyện của mình. Nhiều người muốn câu chuyện ý nghĩa này được chia sẻ ra với đầy đủ góc độ của nó", còn những bệnh nhân nguy kịch, bất tỉnh thì chỉ quay từ sau lưng. "Với Ranh giới, mục đích cuối cùng của phim là nói lên sự khắc nghiệt, hy sinh của y bác sĩ, chiến đấu về tinh thần của mỗi bệnh nhân… để từng người chúng ta có ý thức hơn trong việc phòng, tránh dịch".

Như vậy, bên cạnh nỗ lực của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng những luồng thông tin lành mạnh, hữu ích cho xã hội. Từ đó góp phần định hướng dư luận, giúp người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch, tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

 

 

Đoàn làm phim tác nghiệp tại Bệnh viện Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)

- Với nhận thức và vai trò của lực lượng sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân, hơn bao giờ hết, như bài viết “Chủ động thiết lập và bảo vệ vùng xanh tại Trường Đại học An ninh nhân dân đáp ứng yêu cầu công tác trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của Đại tá, PGS, TS, NGUT. Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND và bài “Vùng xanh trên không gian mạng và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân” của đồng chí Nhữ Văn Duy - K6 được đăng tải trên website chính thức của Nhà trường, cần xác định rằng: Cuộc chiến chống dịch cần sự xung kích của các lực lượng trên tuyến đầu, như Y tế, Quân đội, Công an... thì cuộc chiến bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng trong đại dịch cũng cần có sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân, trong đó có  cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân. Mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân với trách nhiệm của mình, hơn bao giờ hết chung tay, giúp sức và đồng lòng để nhận diện thủ đoạn tinh vi của các phần tử xấu, từng bước loại bỏ “virus tin giả”, bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng cũng là công việc ý nghĩa góp phần phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay theo tinh thần của Chính phủ và Thành phố Bác Hồ thân yêu. Chính ý thức tự bảo vệ và sự đồng tâm nhất trí của cộng đồng tạo lá chắn tốt trước dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

 

Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân động viên sinh viên giữ vững tinh thần quyết tâm trước khi lên đường tham gia phòng, chống dịch COVID-19 

Và, một lần nữa, nhìn lại những thước phim gây rúng động vừa qua, nhân chứng đứng trên ranh giới, Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã thốt lên "bệnh nhân chỉ trong tích tắc vừa nói chuyện, vừa được mình giơ tay động viên cố lên thì chỉ 2 phút sau ngoảnh lại đã nằm bất động và các bác sỹ đang phải dồn lực để nhấn tim cho thai phụ đấy.  Từ đó tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn".

 

Các y, bác sỹ quên mình hồi sức cho một thai phụ nguy kịch trong “Ranh giới” (Nguồn: VTV)

arrow_upward