Trang sinh viên

Bài cảm tưởng sau khi xem phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư

Lên sóng trên kênh truyền hình VTV vào tối 8/9/2021, “Ranh giới” đã mang đến cho khán giả những thước phim đầy ám ảnh, xúc động với cuộc chiến chống COVID-19 khốc liệt tại Bệnh viện Hùng Vương – Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau khi 50 phút phim kết thúc, “Ranh giới” nhanh chóng trở thành một chủ đề nóng, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho học viên Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân đã có kế hoạch tổ chức Hội thi viết cảm tưởng sau khi nghiên cứu, trao đổi về nội dung chương trình VTV đặc biệt này. Hội thi nhận được sự hưởng ứng tích cực của tất cả các học viên và đã có nhiều bài viết cảm tưởng chất lượng. Trang Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những bài viết xuất sắc của Hội thi.

 


COVID – 19, một loại virus được xác định là nguyên nhân gây ra dịch bệnh suy hô hấp được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Sau gần 2 năm được phát hiện, COVID - 19 đã để lại cho chúng ta một thảm cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Hơn 217 triệu người đã bị lây nhiễm và trên 4.5 triệu người tử vong trên phạm vi toàn cầu, gây ra tác động to lớn trên nhiều mặt đối với đời sống xã hội ở các nước trên thế giới. Sau ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh – trường hợp hai cha con người Trung Quốc vào ngày 23/01/2020, thì đến nay, Việt Nam đã trải qua bốn lần bùng phát dịch COVID - 19, và lần dịch thứ tư là lần dịch nặng nề nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các phương diện của đất nước ta.

Và để giúp cho người dân cả nước có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện, sát với thực tế nhất về đợt dịch này, Đoàn làm phim của Đài truyền hình Việt Nam VTV đã thực hiện một bộ phim tài liệu với tên gọi “Ranh giới” để tái hiện lại cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, đầy hiểm nguy của những chiến binh áo trắng tại Bệnh viện Hùng Vương. Sau khi phát sóng, bộ phim đã gây chấn động cho người xem về sự khốc liệt của thực tế đang diễn ra nơi tuyến đầu chống dịch, khiến cho hàng triệu giọt nước mắt đã lăn xuống, hàng triệu trái tim thắt lại, hàng triệu con mắt ngỡ ngàng với những gì đang diễn ra. Cụ thể hơn về bối cảnh ghi hình, đó chính là khu K1 tại Bệnh viện Hùng Vương - trước đây có tên gọi là tòa nhà Cát Tường (Cát Tường Building) - được trưng dụng để điều trị những sản phụ F0. Tôi được biết đến bộ phim sau khi phim được phát sóng khoảng 1 ngày, một người thầy giáo mà tôi vô cùng yêu quý đã gửi cho tôi xem, và khi mở đoạn phim lên, thấy thời lượng gần 1 tiếng đồng hồ, thật sự tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không thể xem hết vì nó quá dài, hoặc có thể sẽ tăng tốc độ xem phim để tiết kiệm thời gian và làm những việc khác. Nhưng 5 phút, rồi 10 phút trôi qua, tôi như đang sống và chiến đấu cùng với những bác sĩ, những bệnh nhân trong phim, tôi không còn ý niệm thời gian và đã xem trọn vẹn từng khoảnh khắc, từng phút giây đặc biệt mà đoàn làm phim đã gửi đến cho chúng tôi.

Tôi đã cùng hồi hộp khi những y, bác sĩ trong những bộ đồ bảo hộ đang tất tưởi đi tìm kiếm từng bình oxy, vội vàng nghe những cuộc gọi khẩn, chạy đến cấp cứu khi bệnh nhân đang trở nặng. Tôi đã cùng tức giận khi bệnh nhân tự tiện tháo bình oxy, không nghe theo những hướng dẫn của người đang chăm sóc, chữa trị cho họ nhưng cũng cảm thông với hoàn cảnh đó. Tôi đã cùng khóc khi nhìn thấy đôi môi trắng bệch của bệnh nhân, khi thấy hình ảnh các y, bác sĩ nằm thu mình trong một góc phòng chỉ để nghỉ ngơi vài tiếng, và lại tiếp tục lao vào cuộc chiến giành giật sự sống cho những người bệnh ngoài kia, tôi khóc khi thấy giọt nước mắt bàng hoàng, tuyệt vọng cùng đôi bàn tay đang cấu vào nhau như cơn bão COVID đang giày xéo lên chính cuộc sống của một người bố khi nghe tin con gái mình đã qua đời, khi không được nhìn mặt đứa con gái thân thương lần cuối. Tôi cũng đã lo sợ, hoảng hốt khi tiếng báo động đỏ được vang lên và bần thần, đau nhói khi bệnh nhân không qua khỏi. Và tôi đã thật sự hạnh phúc cùng các y, bác sĩ, cùng những người bệnh nhân đã được cứu chữa, nghe những tiếng khóc chào đời, thắp sáng lên niềm tin hi vọng về một ngày mai sẽ tươi sáng, nhẹ nhàng hơn. Tôi sẽ không dùng từ “may mắn” cho những ca bệnh đã được cứu chữa, bởi không có sự may mắn nào có thể so sánh được với những nỗ lực hết mình, sự hi sinh cao cả của đội ngũ y, bác sĩ và tinh thần lạc quan, chiến đấu dũng cảm của những bệnh nhân.

Mấy tháng nay, khi Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành tâm dịch, cả nước đang cùng đồng lòng hướng về miền Nam thân yêu, tất cả vì miền Nam ruột thịt, chúng ta lại thấy tinh thần đoàn kết của một dân tộc Việt Nam được khơi dậy mạnh mẽ. Có ai nghĩ rằng vào thời bình, người dân cả nước vẫn phải gồng mình chiến đấu với loại giặc vô hình này, vẫn có những chiến sĩ Công an, Bộ đội, những chiến binh áo trắng ngã xuống để bảo vệ tính mạng cho người dân. Ở Thành phố ta đây, hàng chục bệnh viện dã chiến được dựng nên với hàng ngàn tình nguyện viên sẵn sàng đi vào tuyến đầu chống dịch, những cây ATM gạo, ATM thực phẩm, ATM oxy, túi an sinh, khu chợ “0 đồng” được lập ra để chung tay cùng đồng bào vượt qua đại dịch, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tôi hi vọng, qua bộ phim “Ranh giới”, người dân sẽ hiểu rõ hơn về dịch bệnh COVID - 19, sự nguy hiểm của dịch bệnh và sự quan tâm, trách nhiệm của Chính phủ, sự hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ để từ đó, ý thức được tầm quan trọng, vai trò của mỗi cá nhân trong cuộc chiến này. Chúng ta hãy cùng Đảng, Nhà nước và tuyến đầu chống dịch, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và có cái nhìn thật khách quan, tỉnh táo trước những lời kích động, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua những thử thách này, đi qua những đau thương này, góp sức mình để thật nhanh, đất nước ta sẽ bình yên trở lại. Việt Nam quyết thắng đại dịch.

        Nước Việt Nam 4000 năm truyền thống

                Chống giặc hung, nguyện đoàn kết một lòng

Đồng bào ơi! Ta cùng nhau cố gắng

        Vững chân bước, sẽ đi đến thành công!

                                                                                                (Thơ tác giả sáng tác để cổ vũ tinh thần chống dịch)

Học viên Nguyễn Thị Diệu Linh

arrow_upward