Hành trình trải nghiệm thực tế tại Bình Thuận - Ninh Thuận, lớp T04.TCCT.K1.KTT3

Thực hiện Kế hoạch số 1454/KH-T04-K2 ngày 12/6/2025 của Hiệu trưởng về việc tổ chức nghiên cứu thực tế cho lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị khóa 1, hệ không tập trung, lớp thứ 3 (T04.TCCT.K1.KTT3), Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức Đoàn đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận từ ngày 25/6/2025 đến ngày 29/6/2025 do đồng chí Thượng tá Lê Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có Lãnh đạo và giảng viên Khoa Luật, cán bộ Phòng Quản lý học viên cùng toàn thể học viên lớp T04.TCCT.K1.KTT3.

Đoàn xuất phát tại Trường Đại học ANND và bắt đầu hành trình với điểm đến đầu tiên là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận - một trong những địa điểm lịch sử quan trọng, thể hiện lòng kính trọng và tưởng nhớ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời vì độc lập, tự do cho dân tộc và Đoàn tham quan những tư liệu, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình gian khổ ra đi tìm đường cứu nước và lựa chọn con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc Việt Nam.


Đoàn viếng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận

Tiếp đó, Đoàn đã đã đến thăm Di tích lịch sử Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi vào Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước, đã dừng chân dạy học và truyền bá tư tưởng yêu nước trong hành trình tìm đường cứu nước (tháng 09/1910 - tháng 02/1911). Tại đây, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường đã được ôn lại truyền thống lịch sử và tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam.


Đoàn tham quan di tích Trường Dục Thanh

Sau khi viếng thăm 02 di tích lịch sử tại tỉnh Bình Thuận, Đoàn tiếp tục hành trình đến Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận. Chiều cùng ngày, Đoàn tham quan Tháp Chăm Po Klong Garai – một công trình kiến trúc tôn giáo Chăm hùng vỹ với trình độ kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao còn lại ở Việt Nam. Tháp Po Klong Garai nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 09 km về phía Tây Bắc, được xây dựng vào cuối thế kỉ 13 đầu thế kỉ 14, thờ vua Po Klong Garai – vị vua đã có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước. Công trình là một tổng thể gồm 03 tháp: tháp chính (cao 20,5m), tháp lửa (cao 9,31m) và tháp cổng (cao 8,56m). Di tích kiến trúc nghệ thuật này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1979 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sau khi tham quan tháp Chăm Po Klong Garai, Đoàn khép lại hành trình ngày đầu tiên.


Đoàn tham quan Tháp Chăm Po Klong Garai

Ngày tiếp theo, Đoàn đã đến địa bàn xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Tiếp đón đoàn có cấp ủy, chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Công an xã. Đây là xã đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đoàn chụp ảnh tại Ủy ban nhân dân Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

Đoàn đã được nghe đồng chí Bùi Thị Xuân Khang – Bí thư đảng ủy xã báo cáo tình hình kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa của xã; Trung tá Phạm Văn Suy - Trưởng Công an xã báo cáo tình hình an ninh, trật tự, công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã và một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn tổ chức tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và điều tra hình sự của Điều tra viên bố trí tại Công an xã Thành Hải, những kinh nghiệm và mô hình hay trong đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn người Chăm, theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó mô hình “Làng Chăm đảm bảo an ninh trật tự” và mô hình “Giáo xứ an toàn về an ninh trật tự” được đánh giá cao và đạt được nhiều kết quả tốt. Qua đây cũng có sự trao đổi, giải đáp các thắc mắc của học viên về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Đồng chí Bùi Thị Xuân Khang - Bí thư Đảng ủyThành Hải phát biểu chào mừng Đoàn


Đồng chí Phạm Văn Suy - Trưởng Công an xã Thành Hải báo cáo chuyên đề

Đặc biệt, Đoàn Công tác đã tặng quà lưu niệm cho Đảng ủy, UBND xã và trao những phần quà ý nghĩa cho cán bộ tham gia lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sởcon em cán bộ, chiến sỹ CAND có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, kịp thời động viên lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở và cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu “lấy dân làm gốc”, bảo vệ an ninh, trật tự từ sớm, từ xa, từ cấp cơ sở.

Đồng chí Bùi Thị Xuân Khang - Bí thư Đảng ủy xã Thành Hải tiếp nhận quà lưu niệm của Đoàn


Đoàn trao quà cho cán bộ tham gia lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sởcon em gia đình cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn tại Thành Hải

Kết thúc buổi làm việc, Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Khoa Luật, Phó Trưởng đoàn phát biểu cảm ơn Ban Giám đốc Công an tỉnh; Lãnh đạo, cán bộ Phòng PX01, Phòng PV01 Công an tỉnh Ninh Thuận đã quan tâm, hỗ trợ Ban tổ chức trong quá trình chuẩn bị;  cảm ơn sự tiếp đón nhiệt tình, trách nhiệm của chính quyền nhân dân và công an Thành Hải. Đồng chí khẳng định, chương trình nghiên cứu thực tế của các khóa đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Trường Đại học An ninh nhân dân là chương trình thường niên, nằm trong kế hoạch học tập bắt buộc của nhà trường mang ý nghĩa sinh hoạt chính trị sâu sắc. Chuyến đi nghiên cứu thực tế này đã giúp các thành viên Đoàn củng cố nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội và thực tiễn công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.


Đoàn chụp ảnh lưu niệm sau buổi báo cáo, trao đổi kinh nghiệm tại công an xã Thành Hải

Thời gian còn lại, Đoàn tiếp tục tham quan khu tập trung Bà Râu nằm ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, được xếp hạng năm 2019. Khu tập trung Bà Râu được chính quyền Sài Gòn chọn làm kiểu mẫu trong việc thực hiện âm mưu “dồn dân, lập ấp” để biến căn cứu cách mạng thành vùng trắng, ngăn chặn nhân dân với chiến khu cách mạng. Cuộc nổi dậy của quân và dân ta phá khu tập trung Bà Râu mở đầu cho phong trào khởi nghĩa, giải phóng chiến khu Bác Ái, góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1975.

Tại đây, Đoàn tiếp đón và nghe cựu chiến binh Khúc Duy Bắc (cựu quân nhân thuộc Quân đoàn 2, sư đoàn 324, đơn vị tác chiến trong và ngoài nước) kể lại về lịch sử và quá trình hình thành của khu di tích cách mạng, tinh thần quả cảm, đấu tranh của quân và dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua đây, mọi thành viên trong Đoàn hiểu biết nhiều thêm về lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương và cảm thấy rất tự hào, trân trọng, biết ơn sự hi sinh xương máu của những thế hệ đi trước đã hiến dâng trọn đời cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại di tích cách mạng Khu tập trung Bà Râu, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận


Tiếp tục hành trình, Đoàn di chuyển và tham quan vịnh Vĩnh Hy - một vịnh nhỏ nằm ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 49 km. Vịnh có 03 mặt Đông - Tây - Bắc là núi bao quanh, mặt phía đông nam là cửa vịnh, phía tây là đỉnh núi chúa cao 1040 m cách mặt nước biển và có dòng suối Lồ Ồ chảy quanh năm đổ xuống vịnh. Trong vịnh có nhiều loại hải sản sinh sống: cá mú, cá hồng, cá thu, tôm hùm, ghẹ, mực... Vịnh Vĩnh Hy sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng và hùng vĩ, là một trong bốn vịnh biển đẹp nhất Việt Nam, là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước với nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn. Chính vì vậy, vịnh Vĩnh Hy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng quốc gia năm 2020.

Tại đây, Đoàn di chuyển bằng tàu biển và tham quan vịnh với các điểm nổi tiếng như Mũi cá ông, Đá Robot, Hang Yến, Hòn Rùa. Đây là dịp các thành viên được chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam, mang lại cho tất cả mọi người cảm giác thư giãn, sảng khoái và rất tự hào về đất nước và con người Việt Nam.


Đoàn tham quan di tích danh thắng quốc gia Vịnh Vĩnh Hy

Kết thúc chuyến đi nghiên cứu thực tế, Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Khoa Luật, Phó Trưởng đoàn khẳng định, đây là hình thức học tập sinh động, bổ ích trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị, được Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát. Chuyến đi được Khoa Luật chủ trì tham mưu, phối hợp cùng Phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao, Phòng Quản lý học viên tổ chức chủ động, sáng tạo, hiệu quả. Đoàn đã có chuyến hành trình đầy ý nghĩa, thu thập được kiến thức bổ ích về chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; kinh nghiệm thực tiễn giải quyết nhiều vấn đề liên quan đảm bảo an ninh, trật tự; từ đó, nhận diện, phát hiện những vấn đề mới, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để góp phần kiến nghị, đề xuất bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, thông qua chuyến đi, mỗi thành viên trong Đoàn một lần nữa được bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm và tinh thần cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Ngành giao phó./.
Tin, ảnh:  Khoa K2
Lớp T04.TCCT.K1.KTT3





arrow_upward