Bàn về tổ chức thực tập phiên tòa trong giảng dạy môn Luật Tố tụng hình sự cho học viên Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia

Tóm tắt: Với tiêu chí “lấy người học làm trung tâm”, quy chế đào tạo ở bậc đại học theo hệ thống tín chỉ luôn hướng đến mục tiêu kích thích sự tư duy, chủ động của người học. Do đó, việc áp dụng hình thức nhiều hình thức giảng dạy tích cực luôn được chú trọng, một trong số đó là tổ chức thực tập phiên tòa vào giảng dạy Luật Tố tụng hình sự cho học viên Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia (sau đây gọi tắt là học viên Campuchia). Việc tổ chức thực tập phiên tòa không chỉ giúp các học viên Campuchia làm quen với môi trường tố tụng mà còn hỗ trợ họ phát triển các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập, nghiên cứu các môn khoa học pháp lý. Tuy nhiên, quá trình tổ chức hoạt động này cũng gặp phải một số bất cập nhất định. Bài viết này sẽ phân tích những những thuận lợi, khó khăn cũng như đề xuất một số giải pháp để tối ưu hóa việc tổ chức thực tập phiên tòa trong đào tạo Luật Tố tụng hình sự cho học viên Campuchia.

Từ khoá: Thực tập phiên tòa; Luật Tố tụng hình sự; Vương quốc Campuchia


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hệ thống pháp luật ngày càng phức tạp, việc đào tạo học viên giỏi các môn khoa học pháp lý, có khả năng ứng phó linh hoạt với các tình huống thực tế là điều vô cùng cần thiết. Một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả trong ngành luật hiện nay là mô hình thực tập phiên tòa (moot court), hay còn gọi là phiên tòa giả định. Đây là một hình thức mô phỏng phiên tòa thực tế, được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên và học viên luật được thực hành những kỹ năng pháp lý trong một môi trường học thuật nhưng gần giống với thực tiễn. Trong phiên tòa này, người tham gia sẽ được phân vai như luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán, bị cáo, người làm chứng… thực hành các thủ tục tố tụng và tranh luận về các vụ án có kịch bản cụ thể. Mục tiêu chính của thực tập phiên tòa không phải là giải quyết vụ án thực sự mà là cung cấp một môi trường để học viên học hỏi, rèn luyện, và kiểm tra năng lực của mình trong một phiên tòa mô phỏng.


Thực tập phiên tòa tổ chức tại Trung đội D31A2

Nhận thức được những ưu điểm của thực tập phiên tòa, trong quá trình giảng dạy môn Luật Tố tụng hình sự, Khoa Luật đã đưa hình thức này vào trong chương trình chính khóa của các hệ đào tạo Đại học bao gồm: Chính quy, liên thông cao đẳng, liên thông trung cấp, văn bằng 2 chính quy, văn bằng 2 vừa làm vừa học.

Đây là phương pháp học tập tích cực. Thông qua việc tổ chức thực tập phiên tòa giảng dạy môn Luật Tố tụng hình sự đối với học viên Campuchia mang đến những lợi ích sau:

Một là, việc tổ chức hình thức thực tập phiên tòa cho các học viên Campuchia đó là khả năng nâng cao hiểu biết về pháp luật. Đây là phương pháp học tập chủ động, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức theo hướng thực tiễn. Người tham gia không chỉ học hỏi về các quy định pháp lý mà còn hiểu cách áp dụng chúng trong thực tiễn. Thực tập phiên tòa giúp “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với các bạn sinh viên. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử.

Hai là, thông qua tổ chức thực tập phiên tòa, khuyến khích phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho các học viên Campuchia. Điều đặc biệt làm nên chất riêng của thực tập phiên tòa là chính sinh viên phải tự nghiên cứu, định hình và xây dựng nên các lập luận một các thuyết phục nhất. Nói cách khác, sinh viên phải đóng vai thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, bị hại… để thực hiện tất cả những công việc khi tham gia vào thủ tục giải quyết tranh chấp như: Thu thập thông tin, chứng cứ, tìm quy định của pháp luật, xây dựng luận điểm, chuẩn bị bài bào chữa, bản luận tội để bảo vệ luận điểm của mình trước tòa. Đây là cơ hội để sinh viên kiểm tra, bồi dưỡng những kiến thức pháp luật, đồng thời, hình thành nhiều kĩ năng mềm quan trọng, như: Kỹ năng nghiên cứu tài liệu, suy luận phản biện, thu thập thông tin, chọn lọc thông tin, kỹ năng tranh tụng, thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm...

Ba là, thông qua việc tổ chức thực tập phiên tòa, học viên Campuchia có cơ hội học hỏi về văn hóa pháp luật mới. Học viên có thể tìm hiểu về các quy định pháp lý, quy trình tố tụng và những giá trị pháp lý đặc trưng của Luật Tố tụng hình sự Việt Nam và các văn bản pháp lý có liên quan. Điều này không chỉ mở rộng kiến thức mà còn giúp họ hình thành quan điểm đa chiều về pháp luật.

Tuy nhiên, với chương trình đào tạo đại học cho cán bộ Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, hiện nay thực tập phiên tòa chỉ được tổ chức dưới hình thức ngoại khóa. Chính vì vậy, nhiều khóa đào tạo học viên Campuchia vẫn chưa được tiếp cận được với hình thức này trong quá trình học tập tại Trường Đại học An ninh nhân dân. Qua thống kê cho thấy, đã có 12 khóa đào tạo đại học cho cán bộ Vương quốc Campuchia đã học môn Luật Tố tụng hình sự, tuy nhiên chỉ có 02 lượt tổ chức ngoại khóa thực tập phiên tòa. Việc không tổ chức thường xuyên hình thức này đối với học viên Campuchia xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Một là, hiện nay khung chương trình đào tạo môn Luật Tố tụng hình sự cho cán bộ Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia gồm 02 học phần, mỗi học phần 42 tiết. Như vậy, thời gian nghiên cứu môn học này tương đối ngắn, không đủ dung lượng để triển khai, ứng dụng hình thức thực tập phiên tòa vào giảng dạy.

Hai là, một trong những thách thức lớn quá trình tổ chức thực tập phiên tòa đó là rào cản ngôn ngữ. Thời điểm học môn Luật Tố tụng hình sự của các học viên Campuchia thường rơi vào năm học thứ hai, vì vậy, khả năng tiếp cận tài liệu và kiến thức pháp lý chuyên sâu, khả năng giao tiếp bằng Tiếng Việt của họ chưa thành thạo. Chính rào cản đó khiến học viên cảm thấy thiếu tự tin khi tham gia, ngại ngùng khi phải trình bày trước đông người, dẫn đến việc không thể thể hiện tốt khả năng của mình. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng của phiên tòa.

Ba là, số lượng học viên của các lớp đào tạo cho học viên Campuchia thường rất ít, các khóa đào tạo thường có số lượng dưới 20 người. Do đó, việc triển khai, phân bổ vai trò trong phiên tòa cũng gặp nhiều khó khăn; giảng viên không có nhiều sự lựa chọn vai diễn, thậm chí có những lớp học không có đủ người tham gia.

Bốn là, hệ thống pháp luật, văn hóa, tập quán giữa các quốc gia của mỗi quốc gia khác nhau. Xuất phát từ những khác biệt đó, học viên Campuchia sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật cũng như quy tắc, tập quán của Việt Nam trong quá trình tổ chức.

Do đó, trong thời gian tới, việc nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, khó khăn, phát huy những ưu điểm, lợi ích của việc tổ chức thực tập phiên tòa trong giảng dạy môn Luật Tố tụng hình sự cho các học viên Campuchia là hết sức cần thiết. Để thực hiện được điều đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, phát huy tính tích cực của sinh viên khi tham gia thực tập phiên tòa. Quá trình tổ chức, giáo viên cần chỉ rõ vai trò quan trọng của thực tập phiên tòa trong việc củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho các học viên. Để từ đó, học viên hiểu và thái độ tích cực, ý thức chủ động nghiên cứu, học tập. Đồng thời, cần có những hình thức động viên, khích lệ thiết thực khi học viên tham gia tốt, đó có thể là các hình thức như: biểu dương, khen thưởng, cộng điểm...

Thứ hai, giáo viên phải xác định 2 nhiệm vụ chính khi áp dụng thực tập phiên tòa, đó là củng cố kiến thức pháp luật và phát triển các kỹ năng cho học viên. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần định hướng, xây dựng để cương gợi ý cụ thể giúp học viên có cái nhìn chung nhất về trình tự, thủ tục của một phiên tòa. Trong quả trình tổ chức, cần lựa chọn và xây dựng kịch bản phù hợp với khả năng, trình độ của học viên Campuchia. Đặc biệt, cần cung cấp tài liệu hỗ trợ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và giải thích rõ ràng về quy trình pháp lý để giúp học viên dễ dàng tiếp cận thông tin. Đồng thời, do đặc thù văn hóa và pháp luật của từng quốc gia, việc xây dựng kịch bản cho các học viên Campuchia cần đảm bảo rằng các tình huống giả định có tính phổ biến và sát với thực tế tố tụng hình sự tại Campuchia.

Mặt khác, phải thường xuyên theo sát, kiểm tra để kịp thời giải đáp, chỉnh sửa những vấn đề học viên còn chưa rõ. Để làm được điều này, giáo viên cần phải là người nắm chắc, nắm vững kiến thức về luật cũng như các kỹ năng trong quá trình tranh tụng để định hướng, hướng dẫn cho học viên. Do đó, bản thân giáo viên phải là người tích cực nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức, phát triển tư duy pháp lý trong quá trình giảng dạy.

Thứ ba, tăng cường tổ chức thực tập phiên tòa dưới hình thức ngoại khóa của nhiều khóa, nhiều hệ đào tạo cùng tham gia. Đây là giải pháp giải quyết vấn đề số lượng học viên các lớp đào tạo Campuchia ít. Để tổ chức thực tập phiên tòa theo hình thức này, Khoa Luật cần xây dựng một quy trình cụ thể làm cơ sở cho việc triển khai trên thực tế; có thể nghiên cứu tổ chức thành một cuộc thi học thuật với quy mô toàn trường. Khoa Luật cần tham khảo cách thức tổ chức hay ở các trường đại học giảng dạy luật khác, sàng lọc, tiếp thu để triển khai phù hợp với môi trường học tập, rèn luyện của Trường Đại học An ninh nhân dân.


Hoạt động ngoại khóa giữa học viên Campuchia và học viên chính quy tại Trường Đại học An ninh nhân dân

Thứ tư, tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên kinh nghiệm và giáo viên trẻ về cách thức tổ chức và giao tiếp hiệu quả với học viên Campuchia trong quá trình tổ chức thực tập phiên tòa. Thông qua các buổi họp chuyên môn ở tổ, ở Khoa cũng như có thể tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia các phiên tòa xét xử giúp giảng viên có kiến thức và kỹ năng để hướng dẫn học viên một cách tốt nhất. Ngoài ra, Khoa Luật có thể mời báo cáo viên ở các đơn vị thực tế để truyền đạt kiến thức kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên.

Trên đây là một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực tập phiên tòa trong giảng dạy môn Luật Tố tụng hình sự cho học viên Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, xin nêu ra để cùng trao đổi.

Trương Thị Mỹ Duyên - K2

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Trương Thị Mỹ Duyên, “Một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hình thức “phiên tòa giả định” phục vụ đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học An ninh nhân dân”, Kỷ yếu hội thảo đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên Đai học An ninh nhân dân, 3/2018, tr. 480 – 482.

2.    Nguyễn Thị Phượng - Hiệu quả từ những phiên tòa giả định, 5/2023, https://dangcongsan.vn/phap-luat/hieu-qua-tu-nhung-phien-toa-gia-dinh-635021.html, truy cập ngày 25/10/2024.

3.    Hồ Quốc Tuấn, Lợi ích của phiên tòa giả định trong giáo dục pháp lý, 6/2023, https://nhanlucnganhluat.vn/tin-tuc/loi-ich-cua-phien-toa-gia-dinh-trong-giao-duc-phap-ly.html, truy cập ngày 25/10/2024.

4.    Tổ chức phiên tòa giả định góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, https://hocvientuphap.edu.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-hoc-vien.aspx?ItemID=2372, truy cập ngày 25/10/2024.

arrow_upward