Thực hành môn học dưới hình thức phiên tòa giả định – Buổi học mang nhiều trải nghiệm thực tế cho học viên học tập Luật Tố tụng hình sự

    Thực hành môn học trong học tập Luật Tố tụng hình sự là một buổi học đầy hấp dẫn và mang tính thực tế cao dành cho học viên, với mục đích sau khi học xong học viên có được những trải nghiệm thực tế cần thiết để nắm bắt sâu hơn những kiến thức đã học, góp phần thực hiện tốt các hoạt động thực tiễn. Trong các nội dung thực hành môn học thì hình thức tổ chức phiên tòa giả định là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp học viên tiếp thu nội dung kiến thức pháp luật một cách tự nhiên, là cơ hội để học viên trực tiếp tham gia nghiên cứu những vụ án hình sự đã xảy ra trên thực tế và rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, tranh luận, làm việc nhóm… cho học viên.

    Thực hiện theo chương trình, kế hoạch học tập đã được Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân phê duyệt. Sáng ngày 15-11-2024, dưới sự điều hành, hướng dẫn của giảng viên Khoa Luật – Trường Đại học An ninh nhân dân, Lớp Văn bằng hai Đại học hệ Vừa làm vừa học mở tại Công an tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thực hành môn học dưới hình thức phiên toà giả định, tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hình 1: Phiên tòa giả định của Trung đội Văn bằng hai Vừa làm vừa học mở tại Công an tỉnh Sóc Trăng


Hình 2: Học viên tham dự phiên tòa giả định

    Tham gia phiên tòa giả định có mặt đầy đủ học viên tham gia lớp học. Với tình huống giả định được Ban Chỉ huy lớp xây dựng ngay từ khi bắt đầu môn học, nhiều lần trao đổi, thảo luận với giảng viên giảng dạy để hoàn thiện kịch bản, đồng thời phân công 14 đồng chí tham gia các vai phù hợp trong phiên tòa như: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Viện kiểm sát, Luật sư, bị cáo, bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ có liên quan... Tại phiên tòa giả định, các đồng chí tham gia với tư cách những người tiến hành và tham gia tố tụng hình sự đã thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục được quy định trong một phiên tòa diễn ra trong thực tế.

    Bên cạnh việc thực hiện đúng vai diễn được phân công trong kịch bản, trong quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các học viên cũng đã áp dụng chính xác những kiến thức pháp lý đã được học, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kinh nghiệm, thực tiễn công tác vào các hoạt động xét xử vụ án hình sự. Nhờ đó, những nội dung trọng tâm trong phiên tòa như là: Phần hỏi đáp, tranh tụng giữa các nhân vật đóng vai Thẩm phán, Viện kiểm sát, Luật sư, Hội thẩm nhân dân, bị cáo, bị hại...đã diễn ra hết sức nghiêm túc, tự nhiên, sinh động và hào hứng.


Hình 3: Giảng viên và học viên thực hiện các vai diễn trong phiên tòa giả định

    Sau khi kết thúc phiên tòa giả định, Thiếu tá, ThS Phạm Lê Duy Trường - Giảng viên giảng dạy đánh giá rất cao tinh thần chuẩn bị và tích cực tham gia phiên tòa của Trung đội để buổi học thành công tốt đẹp. Giảng viên và các học viên tham gia đã tiếp tục trao đổi, thảo luận để chỉ ra những ưu điểm và những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót trong quá trình xét xử của phiên tòa giả định so với một phiên tòa thực tế, rút ra một số vấn đề pháp lý cần lưu ý đối với hoạt động xét xử vụ án hình sự, thông qua những buổi học thực hành trải nghiệm như thế này, việc học tập các môn khoa học pháp lý nói chung và môn Luật Tố tụng hình sự nói riêng trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, gắn liền lý luận với thực tiễn.

Tin: Duy Trường -K2

arrow_upward