Xây dựng Đảng

Quan điểm của Đảng về đoàn kết tôn giáo trong Nghị quyết Đại hội XIII - Sự “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo” tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại tá, PGS, TS, NGUT. Võ Hồng Công

Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND 


1. Trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [2]. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn “đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế” [2]. Tuy nhiên, những nguy cơ đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước được Đảng chỉ ra từ các kỳ Đại hội trước, trong đó có nguy cơ “Diễn biến hòa bình” vẫn còn tồn tại. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta.

Để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc là “thế trận lòng dân” trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, làm thất bại âm mưu và mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo một lần nữa thể hiện điều này. Văn kiện Đại hội chủ trương: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [2]. Có thể thấy, vấn đề đoàn kết tôn giáo nằm trong tổng thể các nội dung nhằm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, quan điểm của Đảng về đoàn kết tôn giáo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước, thể hiện như sau:

Một là, quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo thể hiện sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Sinh thời, Người luôn cho rằng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” [3]. Với vấn đề đoàn kết tôn giáo, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” [3]. Trong điều kiện Nhà nước Dân chủ cộng hoà non trẻ còn phải chống chọi với thù trong giặc ngoài và khó khăn về mọi mặt, Hồ Chủ tịch đã giải quyết tế nhị, mềm dẻo vấn đề tôn giáo. Người vạch rõ tính chất nguy hiểm của việc khối đoàn kết toàn dân bị rạn nứt: “Nước Phật ngày xưa có những 4 đảng phái làm cho ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là đảng toàn dân quyết giành độc lập” [3] và kêu gọi nhân dân cả nước chung lòng, góp sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, theo Người, “đoàn kết là điểm mẹ, điểm này mà tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 - Ảnh www.baochinhphu.vn

Quán triệt tư tưởng của Người, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XIII khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc [2].

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, xu hướng đa cực, đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế. Nước ta đã 02 lần tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào năm 2006 và 2017; tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019; đón nhiều nguyên thủ quốc gia... Các tổng thống Mỹ trong những nhiệm kỳ gần đây bao gồm George H. W. Bush, Barack Obama, Donald Trump đều đã tới thăm và làm việc với Việt Nam. Trong năm 2020, dù tình hình thế giới, trong nước có những diễn biến khó lường, song Việt Nam vẫn đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021. Chủ động thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng trong ASEAN về ứng phó với COVID-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực, liên kết nội khối gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác MeKông…. Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta đã cùng chủ nhà APEC 2020 - Malaysia - triển khai thành công ý tưởng do Việt Nam khởi xướng từ năm APEC 2017 và đạt kết quả có ý nghĩa chiến lược là thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Đặc điểm này tạo điều kiện, thời cơ để Việt Nam tăng cường kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thu hút các nguồn lực, nhất là ngoại lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, các thế lực thù địch cũng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thực hiện “Diễn biến hòa bình” với Việt Nam: Vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ngày càng bị đòi hỏi phải “quốc tế hóa”; các quy chế xuất nhập cảnh được cải cách theo hướng dễ dàng, thuận lợi; các điểm nóng về chính trị - xã hội dễ dàng bùng phát thành biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, bạo loạn và nhận sự can thiệp trực tiếp từ bên ngoài…

Trong bối cảnh ấy, trên cơ sở đánh giá kết quả công tác của nhiệm kỳ trước và nắm bắt những đặc điểm mới của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở lại với quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết, khẳng định nhất quán ý nghĩa của việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó định hướng đúng đắn cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo, thực hiện đoàn kết và phát huy nguồn lực tôn giáo.

Hai là, quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về một trong những cơ sở thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đó là điểm tương đồng giữa tôn giáo với cách mạng, giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa với lý tưởng tôn giáo.

Chấp nhận những khác biệt về nhận thức, tư tưởng, khai thác điểm tương đồng để thu hút, tập hợp quần chúng có đạo cùng tiến hành sự nghiệp cách mạng là điểm đặc sắc trong tư tưởng về đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh. Người đã gắn nhiệm vụ của cách mạng với lý tưởng của những người sáng lập tôn giáo nhằm vận động tín đồ, tranh thủ chức sắc tôn giáo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ rõ: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ” [3]; “Đồng bào ta, lương cũng như giáo, đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn kính Chúa Giêsu” [3]. Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng đồng bào các tôn giáo đi cùng với cả dân tộc trên một con đường. Con đường đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần của Chúa, của Phật và cũng là cái đích mà lý tưởng xã hội chủ nghĩa hướng tới - suy cho cùng là giải quyết vấn đề con người.

Trong điều kiện phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hiện nay, đất nước tất yếu tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều bộ phận, tầng lớp dân cư có nhu cầu, nguyện vọng, đặc điểm đời sống, tâm lý, theo những tín ngưỡng, tôn giáo, thuộc thành phần những dân tộc khác nhau. Vì vậy, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Đảng phải chú trọng tìm điểm tương đồng, tôn trọng những khác biệt không trái với lợi ích dân tộc, chủ trương giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích phù hợp thì mới thực sự huy động được sức mạnh của mọi người dân. Ở thời kỳ Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước, cơ sở để thực hiện đoàn kết tôn giáo là lợi ích quốc gia - dân tộc, cụ thể là mục tiêu đánh đổ đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, quan điểm ấy vẫn còn nguyên giá trị nhưng được phát triển bằng nhận thức về điểm tương đồng là mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XIII của Đảng chủ trương “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” [2], qua đó góp phần: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [2].

Ba là, quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp xây dựng đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng trước hết phải thực hiện khoan dung đối với các tôn giáo. Theo Hồ Chí Minh, khoan dung tôn giáo biểu hiện rõ nhất ở việc triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo. Ngay sau khi giành được độc lập, Người đã đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Trong buổi lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 03/3/1951, Người khẳng định: “…về vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người” [3] và đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về việc thực hiện tự do tín ngưỡng (Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh ngày 20/9/1945, Sắc lệnh số 65 và số 223…).

Khoan dung tôn giáo với Hồ Chí Minh còn đi đôi với việc kiên quyết chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục… Người cho rằng những kẻ chống lại dân tộc chính là những kẻ phản Chúa, chúng không chỉ là “Việt gian” mà còn là “giáo gian”. Có thể nói nhờ đức khoan dung trong ứng xử với tôn giáo mà Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vượt trên những thủ đoạn xuyên tạc, vu khống thâm độc của kẻ thù để đoàn kết toàn dân, tập trung lực lượng kháng chiến và kiến quốc thành công.

Cùng với khoan dung tôn giáo, để đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước phải thực hiện các biện pháp: Chăm lo đáp ứng các lợi ích thiết thân của đồng bào theo đạo; kiên trì, khôn khéo giáo dục, thuyết phục họ; nêu gương, mở rộng hình thức tập hợp đồng bào (các tổ chức yêu nước trong các tôn giáo như Phật giáo cứu quốc, Cao Đài cứu quốc…); tranh thủ chức sắc, xây dựng lực lượng cốt cán vùng giáo dân…

Như vậy, Văn kiện Đại hội XIII không chỉ bàn về phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo mà còn chủ trương giải quyết vấn đề tôn giáo và phát huy sức mạnh của tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đã được hình thành và thể hiện từ rất sớm. Ở bản “Việt Nam yêu cầu ca” - bản dịch “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles (1919), Nguyễn Ái Quốc viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đến khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của đất nước, Người cũng rất quan tâm thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào…

Ngày nay, cùng với việc đổi mới tư duy về xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, việc giải quyết vấn đề tôn giáo, thực hiện đoàn kết tôn giáo đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh và cụ thể hóa bằng những quan điểm chỉ đạo, phương pháp cụ thể, gắn chặt chẽ với yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt, so với Đại hội XII, Đại hội XIII không chỉ chủ trương “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” mà còn phải làm tốt công tác “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [2]; mặt khác, “Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng” [2]. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, thực tiễn tình hình an ninh trên lĩnh vực tôn giáo trong nước và phương thức, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch hiện nay./.   (Còn tiếp)

--------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, CD Room, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hội đồng lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

                       

arrow_upward