Tư tưởng nữ quyền trong chèo cổ
1. Đặt vấn đề:
Việt Nam là một quốc gia phương Đông, xuất phát từ nền nông nghiệp trồng lúa nước, do đó, tư tưởng của người Việt vừa có những nét tương đồng với các nước trong khu vực, vừa có những đặc sắc riêng mà các dân tộc khác không thể có được. Chính điều đó đã làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và một trong những bộ phận cấu thành nên bản sắc văn hóa, đó chính là chèo cổ. Chèo cổ hay còn gọi là chèo sân đình, chèo truyền thống, là một loại kịch hát dân gian có tính chất tổng hợp cao, là sản phẩm của những hoạt động sinh hoạt xã hội nông nghiệp cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển của chèo, chèo cổ đã có đóng góp trên nhiều phương diện như: nghệ thuật, giải trí, thẩm mĩ… nhưng theo chúng tôi, vượt lên trên tất cả, đó là những đóng góp về tư tưởng nhân bản, nhân văn, hướng đến con người, bênh vực quyền con người, đặc biệt là người phụ nữ, với những khao khát nồng cháy về hạnh phúc, tình yêu, tự do, bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Tiếp cận chèo cổ từ góc độ “nữ quyền luận”, chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc chứng minh rằng: Ở Việt Nam, tuy không có lý thuyết nữ quyền mang tính hệ thống, tính khái quát hóa, trừu tượng hóa như phương Tây, nhưng ngay từ xa xưa, người Việt đã có những “hạt nhân hợp lý”, những tư tưởng về nữ quyền rất độc đáo và sâu sắc, được thể hiện qua nhiều loại hình văn học, nghệ thuật, trong đó có chèo cổ.
2. Khái niệm “nữ quyền” và chủ nghĩa nữ quyền
Hiện giới khoa học có khá nhiều cách hiểu khác nhau về “nữ quyền” và chủ nghĩa nữ quyền nhưng hầu như các cách hiểu đó không mâu thuẫn với nhau.
Cách hiểu phổ biến nhất về khái niệm nữ quyền là “quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và giáo dục. Khái niệm nữ quyền nếu hiểu ở cấp độ rộng là quyền lợi của người phụ nữ đặt trong thế tương quan với quyền lợi của nam giới để đạt đến cái gọi là nam nữ bình quyền. Ở cấp độ hẹp thì nữ quyền có mối liên quan với các khái niệm như giới tính, phái tính trong văn học. Nếu giới tính, phái tính là những công cụ để khu biệt đặc tính giữa hai phái (nam/nữ) thì khái niệm nữ quyền không dừng lại ở đó mà mục đích của nó hướng tới sự bình quyền (nam/nữ) đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng của nữ giới. [4, tr317].
Còn chủ nghĩa nữ quyền (Le Féminisme) xuất hiện lần đầu tiên trong Pháp ngữ bởi một triết gia người Pháp chuyên về chủ nghĩa xã hội không tưởng là Charles Fourier (1772 - 1837). Theo đó, chủ nghĩa nữ quyền là hệ tư tưởng giải phóng phụ nữ, là chủ nghĩa nam - nữ bình quyền nhằm mục đích đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề bất bình đẳng của phụ nữ như loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ, tạo cho phụ nữ có khả năng tự do quyết định cuộc sống của chính bản thân họ”[2, tr43].
Về mặt chính trị, xã hội: Các nhà hoạt động chính trị nữ quyền quan tâm đến những vấn đề như quyền khế ước và quyền sở hữu; quyền của phụ nữ về sợ toàn vẹn thân thể và tự do ý chí; quyền được bảo vệ khỏi bạo lực giai đình quấy rối tình dục và bị cưỡng đoạt; quyền liên quan đến việc làm và phản đối tất cả các kiểu phân biệt đối xử.
Về mặt lý luận, chủ nghĩa nữ quyền đặt trọng vào việc nhận thức về giới, sự bất bình đẳng giới, quan hệ quyền lực và bản năng giới tính, cũng như sự thúc đẩy các quyền và mối quan tâm của phụ nữ.
Lịch sử phong trào nữ quyền có thể chia làm ba làn sóng. Làn sóng thứ nhất diễn ra vào cuối thể kỷ XIX, chủ yếu tập trung vào đòi quyền tự do cho phụ nữ, thúc đẩy sự tiếp cận và các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Làn sóng thứ hai diễn ra vào những năm 1860 đến 1980, chủ yếu đấu tranh kêu gọi quyền lợi cho những người chịu nhiều thiệt thòi như công nhân lao động, người da màu, phụ nữ… Làn sóng thứ ba diễn ra vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, có liên quan chặt chẽ tới tác động của xu hướng toàn cầu hóa và sự phân bố quyền lực tới phát triển quyền và sự tiến bộ của phụ nữ, phản ánh sự đa dạng của các mối quan tâm và quan điểm của phụ nữ trong thời đại mới.
Ở Việt Nam, ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ “nam nữ bình quyền” là một trong những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Sau này, khi giành được độc lập, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946), vị thế và quyền lợi của người phụ nữ Việt Nam đã được hiến định tại điều thứ 9 “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Quan điểm về bình đẳng giới, tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kĩ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liện quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. [3, tr.196].
Sẽ thật sai lầm nếu cho rằng, những thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới ở nước ta hiện nay có được là do phong trào nữ quyền đem lại; mà cần phải nhận thức, những thành tựu đạt được là do đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, dựa trên quan điểm khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh về phụ nữ và giải phóng phụ nữ. Tuy nhiên, không phải đợi đến lúc chủ nghĩa nữ quyền ra đời cùng với các phong trào, các làn sóng đấu tranh của nó xuất hiện và cũng không phải đợi đến lúc Đảng và Nhà nước Việt Nam công nhận thì vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt Nam mới được đề cao; mà ngay từ rất sớm, người phụ nữ đã ý thức được sự bất công đối với thân phận, cuộc đời mình và đã nhiều lần cất lên tiếng nói tố cáo xã hội, thể hiện khát vọng được sống, được yêu, được tự do, được hạnh phúc, được bình đẳng, được thể hiện “cái tôi” của người đàn bà, bằng nhiều loại hình văn học nghệ thuật, trong đó có chèo cổ. Tiếp cận dưới góc độ của chủ nghĩa nữ quyền, có thể coi đây là một trong những hình thức đấu tranh của người phụ nữ Việt Nam chống lại các thế lực phong kiến đã bóc lột họ cùng cực về vật chất, đầu độc về mặt tinh thần, đem đến cho họ những bất hạnh và đau đớn.
3. Nội dung tư tưởng nữ quyền trong chèo cổ
3.1. Quan niệm về số phận
Trong chèo cổ, số phận của các chàng trai hiện lên là những người “dùi mài kinh sử”, thi cử đỗ đạt, giúp vua trị nước, còn số phận của những người phụ nữ thì đầy thăng trầm, biến động. Với quan niệm “trọng nam khinh nữ”, xã hội phong kiến đã khiến người phụ nữ phải chịu nhiều bất hạnh. Cuộc sống của họ luôn gặp những khó khăn và đau khổ.
Thị Kính trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, được sinh ra vốn là “con nhà cua ốc”, gia cảnh nghèo khó. Nàng là một người phụ nữ nết na, hiền dịu. Khi ở nhà luôn giữ tròn đạo “hiếu” của kẻ làm con, chăm sóc cha mẹ, nghe lời cha lấy, Thiện Sĩ làm chồng. Khi lấy chồng, nàng luôn tâm niệm trong lòng hai chữ “tòng phu”. Nhưng chỉ vì muốn cắt cho chồng sợi râu mọc ngược dưới cằm mà nàng phải chịu “nỗi oan giết chồng”, bị gia đình chồng ruồng bỏ. Càng sót xa hơn, khi nàng bị Sùng Bà - mẹ chồng quy cho tội “say hoa đắm nguyệt”[1, tr.102], không giữ được sự thủy chung với chồng. Trước những lời cay nghiệt của mẹ chồng, nàng chỉ thốt lên được một câu “Oan con lắm, mẹ ơi!”[1, tr103]. Nhưng lời kêu oan ấy được cất lên rất yếu ớt và nhanh chóng bị dập tắt bởi những lời cay nghiệt của bà mẹ chồng. Bất lực trước nỗi oan không thể hóa giải, tuyệt vọng trước cuộc đời đầy trái ngang, Thị Kính giả trai quy y cửa Phật. Thế nhưng vì Thị Mầu, con gái phú ông, say mê “tiểu Kính Tâm” thường lên chùa chòng ghẹo. Khi Thị Mầu, có con với Nô, đã đổ tội cho Thị Kính. Không thể minh oan, lại một lần nữa nàng phải cắn răng chịu đựng: “ra ở tam quan mái ngoài”[1, tr.120]. Trải ba năm, Thị Kính đi xin sữa từng ngày nôi con của Thị Mầu. Rồi nàng “hóa”, được lên tòa sen, trở thành Phật Bà Quan Âm. Trước khi “hóa”, Thị Kính đã viết thư để lại cho đứa trẻ. Bấy giờ mọi người mới rõ “tiểu Kính Tâm” là gái và hiểu được tấm lòng từ bi, nhẫn nhục của nàng và xót thương cho một số phận:
“Thuở làm vợ, chồng ngờ thất tiết
Lúc giả trai, gái đổ oan tình”[1, tr.124]
Một cảnh trong Vở chèo Quan Âm Thị Kính. Ảnh: cand.com.vn
Xúy Vân trong vở chèo Kim Nham, ban đầu là một cô gái hiền lành, hiếu thảo, nghe lời cha mẹ “Cha đặt đâu, con xin ngồi đấy”[1, tr.215]. Nhưng rồi vì hoàn cảnh xô đẩy, phải xa chồng, vò võ một mình nơi phòng không gối chiếc, nàng đã biểu hiện ngay ra bên ngoài chứ không hề che đậy :
“Chị em ơi, tôi nhớ tình nhân, cho tôi than thở một câu nhá.
Tôi thương nhân ngãi
Tôi nhớ nhân tình
Đêm năm canh trằn trọc hòa năm,
Than rằng nhân ngãi cựu tình đi đâu.”[1, tr.231]
Sống trong gia đình chồng lại, nhưng nàng hoàn toàn lạc lõng, cô đơn, bởi chồng thì mải mê kinh sử, mẹ chồng thì coi nàng là “con nhà cua ốc”, ít được học hành, cay đắng xót xa, nàng đã thốt lên:
“Con gà rừng ăn lẫn với công
Đắng cay chẳng có chịu được ức”[1, tr.206]
Hình ảnh “con gà”, “con công”, được đặt cạnh nhau như một sự trần tình về nỗi đau của thân phận nàng, bởi gà và công có sự khác biệt cả về giống loài và tính chất, nhưng lại phải ở gần nhau. Lời hát “Đắng cay chẳng có chịu được ức” như một khát khao muốn phá bỏ sự ràng buộc ấy.
Cũng giống như Xúy Vân, Đào Huế trong vở chèo Chu Mãi Thần lúc đầu là một người mẹ rất mực thương con, một người vợ luôn nhớ chồng:
“Thương ai cho ví bằng thương con
Nhớ ai bằng nỗi gái còn son tôi nhớ chồng”[4, tr.276]
Nhưng cuộc đời đâu có mỉm cười với nàng, chồng đi vắng, nàng phải một mình nuôi ba đứa con đằng đẵng, trong khi đó, người chồng lại không một lời hỏi han, an ủi, không một lần về thăm và cũng không hề gửi lương thực cho mẹ con nàng. Không chịu được cảnh đó, nàng quyết đem các con ra Bắc kỳ để “tầm chồng”[1, tr.276] hy vọng được sum họp. Nhưng chua chát thay, người chồng mà nàng bao ngày khắc khoải chời mong lại là một kẻ “tham sắc tham tài”[1, tr.287], vô tâm, vô trách nhiệm. Sau một hồi khuyên giải không thành công, lại còn bị chồng đe dọa “Anh đấm, anh đạp, anh chọi”[1, tr.287] nàng đã có quyết định hết sức táo bạo làm thay đổi số phận của mình đó là:
“Đất xấu nặn chẳng nên nồi
Anh về lấy vợ để tôi lấy chồng”[1, tr.288]
Cũng trong vở chèo Chu Mãi Thần, nàng Thiệt Thê - người phụ nữ có những “nổi loạn”, không chịu sống cảnh “đôi đũa lệch”: “Nếu anh không biết đường sinh kế - Thì phen này chị ngược anh xuôi”, nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi sự cô độc, hoang mang, tuyệt vọng trước cuộc đời:
“Quan trên sao chẳng thương tình
Để tôi vất vả một mình sao đang?
Trời ơi, tác hại tôi chi!
Đang cơn trưa nổi trận phong lôi,
Bây giờ biết đâu yên mà tôi lánh,
Khỏi cửa loan phòng ,
Trách thân, trách phận long đong nhỡ nhàng.”[1, tr.290 - 291]
Có thể nhận thấy, những tiếng than thân, trách phận của người phụ nữ trong chèo cổ, không chỉ là những lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ cơ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định phẩm giá, vị thế, đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội cũ.
3.2 Khát vọng về hạnh phúc, tình yêu, tự do và bình đẳng
Khát vọng của các chàng trai trong chèo cổ đó là đỗ đạt làm quan, “vinh quy bái tổ”, để thoát khỏi cảnh sống bần hàn, thì người phụ nữ đại diện là nhân vật nữ lệch, lại là nơi mà quần chúng nhân dân lao động thể hiện khát vọng về hạnh phúc, tình yêu, tự do và bình đẳng.
Như trên chúng tôi đã chỉ ra: Xúy Vân trong vở chèo Kim Nham, ban đầu là là một cô gái hiền lành, hiếu thảo, chịu thương, chịu khó...Nhưng rồi, vì hoàn cảnh mà dần dần nàng đã trở thành nhân vật nữ lệch. Nguyên nhân của sự biến đổi đó bắt nguồn từ khát vọng về tình yêu, hạnh phúc sâu xa, kín đáo mà cháy bỏng của nàng:
Trăm lạy chàng thiếp xin than thở
Đức tôn nhân người đã di ngôn.
Thiếp xin chàng ở lại gia môn,
Chàng đừng thấy bề sâu mà ngại.
Trăm lạy chàng, xin chàng ở lại,
Dù đói no, ấm lạnh có nhau,
Trăm việc lo âu,
Chàng đi vắng lấy ai tin tức.”[1, tr.219]
Lời nói thiết tha như năn nỉ, van xin của Xúy Vân đã chứa đựng tất cả những khao khát của nàng về một mái ấm gia đình hạnh phúc: vợ chồng gắn bó bên nhau, cùng nhau kề vai sát cánh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống đời thường, dù đói, dù no cũng có nhau sum vầy: “Chờ cho cây lúa chín vàng - Để anh đi gặt lúa, để cô nàng mang cơm”[1, tr.230]. Đó là khát khao hết sức bình dị, nhỏ bé của một người vợ yêu chồng rất mực. Thế nhưng ước mơ ấy đã không trở thành hiện thực. Kim Nham - chồng nàng vẫn quyết chí dứt áo ra đi. Trong hoàn cảnh, những khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc gia đình cứ âm ỉ cháy trong lòng mà chồng cứ thờ ơ, hờ hững, xa cách. Chính điều đó đã khiến Xúy Vân mắc bẫy của Trần Phương. Là người con gái xinh đẹp “Gót ngọc, mình vàng”[4, tr.227], nhưng Xúy Vân chưa hề cảm thấy mình được chồng say đắm, yêu thương; Kim Nham thường bỏ bê, xa cách nàng. Vì thế, khi được nghe lời tỏ tình ngọt ngào, tình tứ của Trần Phương, khát vọng tình yêu, hạnh phúc gia đình lại bùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Chính cái khát vọng ấy khiến Xúy Vân trở nên mù quáng, ngốc nghếch, trở thành nhẹ dạ cả tin, nàng đã không tỉnh táo, phản bội Kim Nham để đi theo Trần Phương - một kẻ “vui cuộc đỏ đen, say hoa, đắm nguyệt”. Để rồi, nàng đã phải trả giá bằng tính mạng của mình.
“Âu là tôi gieo mình xuống chốn vực sâu,
Sống chi để trần gian mai mỉa.”[1, tr479]
Nếu Xúy Vân đến với Trần Phương vì hy vọng một cuộc sống gia đình mới hạnh phúc, thì Đào Huế trong vở chèo Chu Mãi Thần lại cố gắng tìm cách, níu giữ hạnh phúc của gia đình mình thông qua hành động đi “tầm chồng”[1, tr.276]. Thân gái dặm trường chịu đựng biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục, nhưng nàng chỉ nhận được sự thờ ơ, bội bạc của chồng mình. Trước cảnh ngộ trớ trêu ấy, nàng đã mắng chửi Thiệt Thê - người vợ mọn của chồng mình không tiếc lời và thậm chí còn đánh đập cho bõ lòng căm tức. Hành động đánh ghen của nàng đã thể hiện khát vọng của người phụ nữ về một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng gặp phải cái ngang trái, cái phi lý của cuộc đời. Cũng chính hành động đánh ghen ấy đã cho thấy cái trật tự “nam tôn nữ ti” của xã hội phong kiến đã bị hạ gục, chỉ còn hình ảnh người phụ nữ - người vợ - người mẹ - Đào Huế ở cương vị phán xử và trừng phạt trong lúc Tuần Ty - người chồng thì run rẩy, khúm núm. Đó cũng chính là biểu hiện tích cực về khát vọng bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội xưa.
Trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, Thị Mầu không phải là nhân vật trung tâm. Song có lẽ, nhắc tới vở chèo Quan Âm Thị Kính, người xem chèo sẽ nhắc ngay đến Thị Mầu - một biểu tượng đặc sắc của khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, bình đẳng.
Sống trong xã hội phong kiến, cái xã hội mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải tuân theo nguyên tắc “tam tòng tứ đức” của Nho giáo khắc nghiệt, nhưng Thị Mầu lại hoàn toàn tự do, thoát khỏi những nguyên tắc ấy. Với chữ “Công - nữ công gia chánh” thì nàng không chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó, chỉ thích chơi bời. Với chữ “Dung - dung nhan” thì nàng không giữ được vẻ nền nã, kín đáo, đoan trang trong cách ăn mặc. Với chữ “Ngôn - lời nói nhẹ nhàng, kín đáo” thì cách nói của nàng lại vô duyên, ồn ào, không ý tứ, khiêm nhường, tế nhị. Với chữ “Hạnh - đạo đức, lòng chung thủy” thì nàng không phài là người nết na, giản dị, đức hạnh, hiếu thảo, khiêm nhường, mà lại hết sức táo bạo, mạnh mẽ, thậm chí trơ trẽn. Với Thị Mầu thì: “Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn - Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ”, vì vậy, nàng luôn cháy hết mình với cuộc đời. Yêu “tiểu Kính Tâm”, nàng đã chủ động tán tỉnh một cách quyết liệt. Khi bị đánh giá “Sao lẳng lơ thế cô Mầu ơi!”, thì nàng đã thẳng thừng đáp lại: “Mặc kệ tao” như muốn thách thức, đánh đổ ý thức hệ phong kiến hà khắc và cay nghiệt đương thời. Cũng như Xúy Vân, Thị Mầu cũng khao khát có được mái ấm gia định hạnh phúc và nàng cực đoan đến độ, đổ oan cho “tiểu Kính Tâm” là tác giả của bào thai trong bụng mình, để mong được làm vợ chồng: “Thôi, đã trót vậy thì cứ nhận đi rồi làng cho đoàn tụ, vợ chồng mình lại được ăn ở với nhau, đừng chối nữa”.
Khát vọng hạnh phúc một cách bản năng đã khiến nàng không nhận biết được rằng, tình yêu phải xuất phát từ hai phía, phải trên cơ sở tự nguyện của hai người, thì đó, mới là tình yêu đích thực. Tuy có cái dở, cái đáng phê phán, đặc biệt là ở giai đoạn sau, nhưng vượt lên trên tất cả, đó là hình ảnh một Thị Mầu luôn căng tràn sức sống; luôn ước mơ, khát khao về một tình yêu tự do, bình đẳng; luôn chủ động quyết tìm một hạnh phúc do mình, tự tay xây đắp hạnh phúc ấy, không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Đây là ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà quần chúng nhân dân muốn gửi gắm khi phác họa nhân vật Thị Mầu. Ý nghĩa nhân văn đó còn hướng tới nhu cầu thực tiễn của đời sống người phụ nữ là muốn thoát khỏi sợi dây xiềng xích của Nho giáo đã bao đời trói buộc cuộc đời của họ, đem đến cho họ bao bất công và tủi nhục.
Vở Chèo “Nàng Thiệt Thê” do GS.NSND Trần Bảng chỉnh lý từ tích cổ “Chu Mãi Thần”. Ảnh: nhahatcheovietnam.vn
4. Kết luận
Từ khi ra đời cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, xã hội, chèo cổ vẫn luôn giữ được những giá trị bất hủ của mình và trở thành một món ăn tinh thần - một thứ đặc sản không thể thiếu trong đời sống của người dân đất Việt. Với hình thức diễn xướng đặc biệt cùng với những làn điệu độc đáo, chèo cổ đã đem đến cho người xem những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn, mang đậm hơi thở, điệu hồn của dân tộc, mà tư tưởng nữ quyền chỉ là đôi nét chấm phá trong toàn bộ giá trị của nó. Ngày nay, thế giới và đất nước đã có nhiều thay đổi, không còn giống với xã hội mà Thị Màu, Xúy Vân, Thị Kính, Đào Huế…đã từng sống, vị thế, quyền lợi của người phụ nữ cũng ngày được coi trọng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc vẫn còn tồn tại những tình trạng bất bình đẳng giới, định kiến giới, kìm hãm sự phát triển của phụ nữ, thì việc nghiên cứu và nhìn lại tư tưởng nữ quyền của chèo cổ với tinh thần “gạn đục, khơi trong” có ý nghĩa vô cùng quan trọng./.
Bài: Khoa K1
------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Văn Cầu (1976), “Tuyển tập chèo cổ”, Nxb. Văn hóa.
2. Trần Quốc Cường (2019), Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền phụ nữ - tiếp cận từ chủ nghĩa nữ quyền”, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia (2015), Nữ quyền và những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm.