Kỹ năng
Những cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Phần 2)
4. Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, công bố “Tứ Sa”, “Nam Hải chư đảo”, “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông, và cuộc chiến công hàm Việt Nam - Trung Quốc.
4.1. Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
Ngày 17/4/2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong đó, Trung Quốc khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều này thông qua công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây là mưu đồ của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc nhằm “đánh lận con đen” “gắp lửa bỏ tay người”, trắng trợn vu cáo một dữ kiện lịch sử, pháp lý mà Trung Quốc đã và đang sử dụng để khẳng định không có quốc gia nào phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Như chúng ta đã biết, ngày 04/9/1958, Trung Quốc ban hành bản tuyên bố về hải phận. Bản tuyên bố của Trung Quốc gồm 4 điều: i) Thứ nhất, về bề rộng hải phận Trung Quốc là 12 hải lý. Điều này áp dụng cho những nơi mà nước này gọi là “Lãnh thổ Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo duyên hải, Đài Loan cùng các phụ cận…”; ii) Thứ hai, Trung Quốc xác định các đường cơ sở của hải phận dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi được xác định bởi “các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền ở các đảo ngoại biên ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ đường cơ sở của hải phận Trung Quốc…” iii) Thứ ba, Trung Quốc yêu cầu các nước không được tự ý xâm phạm hải phận và vùng trời trên hải phận của nước này; iv) Thứ tư, Trung Quốc tuyên bố điều 2 và 3 kể trên cũng áp dụng các quan điểm mà Trung Quốc gọi là: Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa…(28)
Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải 1958 chưa qui định được chiều rộng lãnh hải (12 hải lý như Trung Quốc tuyên bố). Khi đó Trung Quốc không được Hội nghị về luật Biển Liên Hợp Quốc lần thứ nhất (UNCLOS 1) tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 24/2 đến 27/4/1958 mời tham gia. Sau tuyên bố của Trung Quốc vào ngày 4/9/1958, đến ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc để khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với tuyên bố hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm với mục đích ngoại giao, thể hiện sự đoàn kết về mặt chính trị và ủng hộ lập trường hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Các quốc gia trong phe XHCN như Liên Xô cũng làm như vậy, đây là động thái hoàn toàn bình thường của các nước XHCN trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu với phe TBCN do Mỹ đứng đầu. Như vậy, bản chất công hàm Phạm Văn Đồng là một văn kiện ngoại giao đơn phương với mục đích rất đơn giản. Thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc chống lại Mỹ và các nước thuộc phe TBCN (29). Giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng không phụ thuộc vào việc gọi văn kiện này là công hàm hay công thư. Một nguyên tắc của luật pháp quốc tế là khi xem xét một văn kiện được ký kết, cần phải tìm hiểu ý định thực sự của người ký văn bản trong phạm vi câu chữ của văn kiện. Đây chính là nguyên tắc “trong 4 góc” và “cái đặc thù làm chủ cái tổng quát”. Theo nguyên tắc này, không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của người ký văn kiện trong phạm vi những câu chữ được dùng trong văn kiện (trong 4 góc của các trang giấy văn kiện). Có nghĩa là, công văn Phạm Văn Đồng gồm 2 đoạn, đoạn thứ nhất chỉ nói về việc ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc: “Chính phủ nước Việt Nam DCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Đoạn thứ hai, văn kiện đã làm rõ hơn: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Công hòa nhân dân Trung Hoa về mặt bể”. Như vậy, cái đặc thù “12 hải lý trên mặt bề “đã làm rất rõ công hàm Phạm Văn Đồng chỉ nói về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, chứ không nói về vấn đề khác. Có nghĩa là, công hàm Phạm Văn Đồng đơn giản là một văn kiện ngoại giao đơn phương với từ ngữ rất khéo léo. Mục đích là để thể hiện sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. nhưng tuyệt nhiên không thể hiện sự công nhận của Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều học giả, luật sư về công pháp quốc tế trong, ngoài nước đều đồng ý với quan điểm này (30).
Mặt khác, Việt Nam không chỉ thực hiện chủ quyền liên tục ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa suốt giai đoạn chiến tranh với Pháp (1946-1954), mà còn cả giai đoạn sau đó 1954-1974 và giai đoạn hiện nay. Cụ thể, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký, theo Hiệp định này, lãnh thổ Việt Nam tạm chia thành hai vùng: Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) kiểm soát, miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có Quốc gia Việt Nam (QGVN) kiểm soát. Ranh giới tạm thời là vỹ tuyến 17. Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, lên làm Quốc trưởng của QGVN. Sau đó QGVN đổi thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Năm 1956, quân đội VNCH đã trú đóng ở phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Như vậy, năm 1958, chính VNCH (chứ không phải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) là thực thể chính trị duy nhất thực sự thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy nên, dù công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể hiện sự phản đối trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo (vì VNDCCH không phải là thực thể chính trị thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) nhưng sự không phản đối đó không tạo ra bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng Việt Nam đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc (31). Theo công ước Montevideo 1933 về quyền nghĩa vụ của các quốc gia, “một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế” và “sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của các quốc gia khác”. Giai đoạn 1954-1975, chiếu theo công ước Montevideo 1933, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai thực thể chính trị với tư cách quốc gia: VNDCCH và VNCH. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ: dù các nước có tuyên bố công nhận hay không công nhận tư cách quốc gia của VNDCCH hay VNCH thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng tư cách quốc gia của họ. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, VNCH hoàn toàn có tư cách quốc gia để thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn VNDCCH thì trong thời gian đó không có thẩm quyền với hai quần đảo đó. Như vậy, VNDCCH không nhất thiết phải tuyên bố phản đối chủ quyền của Trung Quốc năm 1958 và sự im lặng của VNDCCH trong thời gian này không làm yếu đi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo (32).
Theo công ước Montervideo 1933 quy định sự thay đổi chính quyền không làm thay đổi quốc gia. Khi trên một lãnh thổ quốc gia có một chính quyền bị thay đổi bởi một chính quyền khác, chính quyền mới sẽ kế thừa các di sản của chính quyền trước đó, kể cả lãnh thổ, các hiệp ước, tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, các khoản nợ…Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam từ sau khi ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960, và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30-01-1975 và thành lập Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, thực chất là việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam trong việc lựa chọn chế độ chính trị theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Sau ngày 30-4-1975, CHMNVN đã thay thế VNCH và trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam. Vì vậy, CHMNVN có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của VNCH ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận CHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trung Quốc cũng đã gián tiếp công nhận rằng theo luật pháp quốc tế, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của VNCH, CHMNVN đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (33).
Năm 1976 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước Việt Nam. Toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một quốc gia với chính quyền duy nhất là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Đó cũng là dấu mốc CHXHCNVN kế thừa chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ CHMNVN (chứ không phải từ VNDCCH, vì thực thể chính trị này không có thẩm quyền và không được giao quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa). Như vậy việc kế thừa chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của CHXHCNVN đã được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 không có giá trị pháp lý và không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (34).
Gần đây Trung Quốc liên tục đưa công hàm lên Liên Hợp Quốc, trích dẫn công hàm Phạm Văn Đồng 1958 và cáo buộc Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel. Đó là mưu đồ nhằm cố tình bẻ cong sự thật, bẻ cong pháp luật, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên. Cần phải khẳng định đanh thép rằng Việt Nam không vi phạm nguyên tắc Estoppel. Estoppel là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, có nghĩa là một chủ thể luật pháp (người hoặc cơ quan, tổ chức, quốc gia) không được phép nói hoặc hành động ngược với những gì mình đã nói và hành động trước đó.
Có nhiều học giả đã bàn luận về việc áp dụng nguyên tắc cho trường hợp công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Đáng kể nhất là thảo luận của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Minh Thu. Theo đó, căn cứ vào thực tiễn quốc tế và các án lệ của các tòa quốc tế, muốn chứng minh Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel thì phải chứng minh rằng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 có ý định và nói rõ ràng rằng chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc, và điều này phải được nói một cách liên tục và có hệ thống.
Tuy nhiên, theo lập luận của PGS. TS. Vũ Thanh Ca, chuyên gia về Luật Biển quốc tế Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thì: “Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ngoài việc ủng hộ quan điểm vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, thì hoàn toàn không đả động đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm nữa, VNDCCH càng không nói một cách liên tục và có hệ thống rằng chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc. Mặt khác, 2 quần đảo này lúc đó thuộc VNCH quản lý, thế nên VNDCCH không có quyền có những tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo này (35).
4.2. Luận điệu mới tuyên bố chủ quyền “tứ sa”, “Nam Hải chư đảo” và “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông của Trung Quốc.
Ngày 19/4/2020 vừa qua, Bộ Dân Chính Trung Quốc đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” đối với 80 hòn đảo và bãi cạn ở Biển Đông (25 đảo, 55 thực thể địa lý dưới đáy biển), bao gồm những thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời Trung Quốc công bố cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” thuộc thành phố Nam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 01/5/2020, Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh bắt cá ở phía Bắc Biển Đông, bao gồm một phần của Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/5 đến 16/8/2020. Trước đó, Trung Quốc đã công khai thúc đẩy chiến lược “Tứ Sa” mà họ đã công bố từ năm 2017, nhằm thay thế cho “đường 9 đoạn” vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ hồi năm 2016. Những mưu đồ trên của Trung Quốc là rất rõ ràng và nằm trong tính toán chiến lược lâu của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp thực hiện chiến lược làm chủ khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương trong tương lai. Bình luận về những mưu đồ trên của Trung Quốc, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ james Kraska đã đưa ra những nhận định như sau: “Quyết định của Trung Quốc thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” là nhằm thúc đẩy chiến lược “Tứ Sa” đã công bố năm 2017 Biển Đông, thay thế cho “đường 9 đoạn” vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ năm 2016. Cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực, bởi nó vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc xâm phạm lãnh thổ, quyền chủ quyền và sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác. Việc triển khai lực lượng quân đội để tiến hành những hành vi nói trên đã vi phạm điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà chính Trung Quốc đã từng vi phạm vào năm 1974 khi Trung Quốc tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cái gọi là “Khu Tây Sa”, “Khu Nam Sa” của Trung Quốc còn vi phạm hàng loạt các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đáng chú ý nhất là điều 56 UNCLOS, trong đó cho phép các quốc gia ven biển thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong EEZ, các quốc gia ven biển mà trong trường hợp này là Việt Nam có quyền đánh bắt cá, khai thác các nguồn tài nguyên, trong đó có dầu mỏ và khí đốt. Hành động này của Trung Quốc còn vi phạm điều 87 và 58 của UNCLOS trong đó khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cũng như phần lớn các điều khoản trong phần V và phần VI của UNCLOS liên quan đến EEZ cũng như thềm lục địa của Việt Nam trong vùng biển này. Và, phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) về vụ Philippins kiện Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016 có thể áp dụng trong trường hợp này. Chiếu theo nội dung phán quyết của PCA, có thể thấy rõ Trung Quốc đã rất phi pháp ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa”. Phán quyết của PCA nêu rõ, UNCLOS bao trùm toàn bộ khuôn khổ pháp lý trên đại dương và việc một quốc gia tuyên bố thiết lập các khu vực hành chính ngay trong khu vực thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước khác đã vi phạm nghiêm trọng nội dung phán quyết năm 2016 của PCA. Đặc biệt, hiện nay Trung Quốc đang lợi dụng việc các quốc gia khu vực Biển Đông và các nước lớn trên thế giới đang phải tập trung chống lại đại dịch Covid-19 hòng đạt được “Những mục tiêu chiến lược” mà nước này đề ra trên Biển Đông. Đó cũng chính là lý do những hành động sai trái của Trung Quốc đã vấp phải nhiều sự phản kháng, phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực, trên thế giới…Các nước trong khu vực, trong đó có Malaysia, Philippins và Việt Nam (theo tôi) nên đàm phán (với nhau) để đạt được quan điểm chung liên quan đến vấn đề Biển Đông, trước khi cùng truyền đạt quan điểm chung này tới Trung Quốc. Điều này là bởi, Trung Quốc vẫn đang thực thi chính sách “Chia để trị” đối với các nước và cách duy nhất để các nước có thể phản ứng hiệu quả hơn với những hành vi sai trái của Trung Quốc là các nước cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, và ngoài ra, sự đoàn kết đó sẽ tạo điều kiện để các nước ngoài khu vực như Nhật, Úc, Ấn Độ, Mỹ…có thể hỗ trợ tốt hơn nữa trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (36).
Và theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, chuyên gia hàng đầu về Luật pháp quốc tế về Biển Đông đã nói: “Với chiến lược “Tứ Sa”, Trung Quốc âm mưu yêu sách vùng biển còn lớn hơn cả khu vực giới hạn trong “đường lưỡi bò”. Nhưng cả 2 đều không có cơ sở pháp lý và cố ý nhập nhằng: Hơn nữ, Trung Quốc còn công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông. Dù chưa rõ Trung Quốc sẽ gộp 80 thực thể mà họ nói là mới phát hiện này vào Hoàng Sa hay Trường Sa, điều “tương đối chắc chắn” là Trung Quốc xem chúng thuộc “Nam Hải chư đảo” và vì vậy có thể tạo quyền và lợi ích trên biển. Lập luận “Tứ Sa” của Trung Quốc bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa), bãi ngầm Macclesfield và bãi Scarborough mà Trung Quốc gộp chung gọi là “quần đảo Trung Sa”, cùng nhóm đảo Pratas mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Đông Sa”. Trước kia, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, “đường lưỡi bò” để tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, cái gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ vào năm 2016, khiến Trung Quốc, dù tuyên bố không thừa nhận phán quyết, vẫn cần phải xây dựng yêu sách và lập luận mới. Vì vậy, họ đang cố gắng tìm căn cứ pháp luật mới cho “đường lưỡi bò” và chiến lược “Tứ Sa” ra đời, dù nguồn gốc của cách tiếp cận này không phải là mới. Thực tế “Tứ Sa” là cách diễn nôm na cho cái mà Trung Quốc từ lâu đã gọi là “Nam Hải chư đảo”, tức là “các đảo ở Nam Hải” theo cách Trung Quốc gọi Biển Đông. Trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã lấy lý lẻ “dựa trên UNCLOS” để đòi các quyền, lợi ích với “Nam Hải chư đảo” cũng như các quyền và lợi ích ở Biển Đông dựa trên các tập quán lịch sử và luật pháp quốc tế. Trung Quốc đưa ra “Tứ Sa” để những yêu sách của họ về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với “Nam Hải chư đảo” có vẻ “phù hợp hơn” với ngôn ngữ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Thay vì tuyên bố “chủ quyền lịch sử” đối với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc mà họ xem là đảo. “Trung Quốc đang cố giảm bớt vai trò của “đường lưỡi bò” vì đó là sự xấu hổ và không nước nào chấp nhận yêu sách đó” (Giáo sư Luật biển Quốc tế tại Đại học Hải Chiến MỸ james Kraska nói). Họ chuyển hướng sang “Tứ Sa” vì nó có thể giúp họ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý xung quanh các nhóm đảo này. Nhưng về bản chất, cả 2 yêu sách này chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Thông qua việc kết luận rằng các nhóm đảo thuộc “Tứ Sa” có đầy đủ các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán rộng đến 200 hải lý. Trung Quốc vẫn đang yêu sách các vùng biển mà ghép lại sẽ có phạm vi gần như không khác biệt, thậm chí còn rộng lớn hơn, so với vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Nhưng, xét trên góc độ luật pháp quốc tế, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc cũng chỉ là một phiên bản mơ hồ, không có cơ sở pháp lý, giống như yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã từng đưa ra. Trước sau, Trung Quốc vẫn dựa trên việc diễn giải tùy tiện luật pháp quốc tế, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát toàn bộ các cấu trúc và vùng biển ở Biển Đông. Không có cơ sở pháp lý nào cho phép Trung Quốc thiết lập đường cơ sở bao quanh các cấu trúc thuộc các nhóm đảo như đã làm với Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) với yêu sách vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên cả 4 nhóm đảo: Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa. Phán quyết của Tòa quốc tế (PCA) năm 2016 cũng đã bác bỏ khả năng vẽ đường cơ sở thẳng đối với Trường Sa, cũng như khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của các cấu trúc thuộc Trường Sa và Scarborough. Những kết luận này cũng sẽ áp dụng với các nhóm đảo còn lại trong “Tứ Sa”.
Tóm lại, đối với yêu sách về chủ quyền các nhóm đảo, việc không nêu rõ phạm vi từng nhóm đảo thuộc “Tứ Sa” được cho là để ngỏ cho khả năng Trung Quốc tùy tiện sáp nhập các cấu trúc mới vào các nhóm đảo này, cho dù đó là cấu trúc chìm hay nửa nổi, nửa chìm. Với nhận định đó, việc Trung Quốc công bố “danh xưng tiêu chuẩn”, như một cách khẳng định chủ quyền, đối với 80 cấu trúc “mới phát hiện” trên Biển Đông, bao gồm 55 thực thể địa lý dưới đáy biển, gây ra những quan ngại về dã tâm của Bắc Kinh. Đáng chú ý là 55 thực thể địa lý dưới đáy biển đều nằm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam, và nằm khá xa vùng 12 hải lý của bất cứ cấu trúc nổi nào mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Rõ ràng là, quỹ đạo mới nhất của các yêu sách, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc chìm dưới nước và các quyền lợi trên biển từ 4 nhóm đảo xa xôi ở Biển Đông đã thách thức các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặt trong bối cảnh diễn dịch yêu sách “Tứ Sa”, việc tuyên bố chủ quyền đối với 55 thực thể này có thể báo hiệu rằng Trung Quốc đã tích lũy đủ sức mạnh và tự tin để chống lại luật pháp quốc tế, đồng thời tự Trung Quốc đã đặt ra luật của riêng họ. “Tứ Sa” là một lăng kính mà qua đó các yêu cầu dài hạn đầy tham vọng của Trung Quốc đối với Biển Đông được phơi bày hoàn toàn. Bất kể bao nhiêu “Sa” như 2 “Sa” phổ biến như Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc 3 “Sa” như tên của thành phố “Tam Sa” chỉ ra, hoặc 4 “Sa” bao gồm cả Pratas và Macclesfield, tham vọng lâu dài của Trung Quốc là tối đa hóa các yêu sách chủ quyền trên biển (37).
4.3. Cuộc chiến công hàm giữa Việt Nam, Malaysia, Philippins với Trung Quốc.
Trước những hành động lợi dụng tình hình thế giới đang phải gồng mình lên tập trung vào công cuộc chống lại đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phi pháp nhằm thực hiện các mưu đồ độc chiếm Biển Đông với những thủ đoạn, âm mưu mới. Đặc biệt, sau việc tàu Đại chất Hải Dương 8 và các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển, trong đó có Indonexia, Malaysia và Việt Nam. Cuộc đấu tranh pháp lý về Biển Đông tại Liên Hợp Quốc được bắt đầu từ việc Malaysia gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Đông ngày 12/12/2019. Ngay trong ngày, Trung Quốc đã gửi Công hàm số CML/14/2019 tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (TTKLHQ) phản bác Báo cáo này của Malaysia. Tại công hàm này, Trung Quốc cho rằng: (i) Trung Quốc có chủ quyền với 4 nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo; ii) Trung Quốc có các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và các nhóm thực thể; iii) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Tiếp theo, ngày 06/3/2020, Philippins gửi lên TTKLHQ: i) Công hàm số 000191-2020 phản đối công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippins tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (ANCLOS); ii) Công hàm số 000191-2020 của Philippins đưa ra ý kiến về Báo cáo của Malaysia. Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi công hàm CML/11/2020 lên TTKLHQ để phản bác các Công hàm của Philippins. Trong Công hàm này, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam), bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận; yêu sách quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc tiếp tục cũng nhắc lại yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên TTKLHQ để phản bác hai Công hàm CML/14/2019 và CM/11/2020 của Trung Quốc. Ngày 10/4/2020, Việt Nam gửi hai Công hàm số 24/HC-2020 và 25/HC-2020 lên TTKLHQ lần lượt nêu ý kiến về báo cáo của Malaysia và về các Công hàm của Philippins. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã gửi Công hàm số CML/42/2020 phản bác lại Công hàm của Việt Nam. Trong 3 công hàm của Việt Nam gửi TTKLHQ, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày một cách hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông.
Chỉ trong phạm vi một trang giấy, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày quan điểm của Việt Nam về 3 vấn đề quan trọng: i) Các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông; ii) Yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; iii) Việc áp dụng Công ước UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Các quan điểm này cần được hiểu đầy đủ và đúng đắn trong mối liên hệ với các Công hàm của các nước và cuộc đấu tranh chính trị - ngoại giao, pháp lý và quản lý thực tế trên thực địa Biển Đông, cụ thể:
i) “Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc, các yêu sách của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ kiện Biển Đông (12/7/2016), Trung Quốc đã có dấu hiệu thúc đẩy yêu sách mới, tạm gọi là yêu sách “Tứ Sa” nhằm thay thế yêu sách “đường 9 đoạn” mà Tòa đã bác bỏ. Bước điều chỉnh này xuất hiện ngay trong bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày Tòa đưa ra phán quyết và Sách Trắng “Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippins thông qua đàm phán” của Quốc Vụ Viện Trung Quốc (13/7/2016), một ngày sau phán quyết), trong đó lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới lập trường về “Nam Hải Chư đảo (các đảo ở Biển Đông). Và trong Công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019 là lần đầu tiên Trung Quốc đưa công khai về đầy đủ lập trường liên quan đến “Nam Hải Chư đảo” ở Liên Hợp Quốc.
Yêu sách “Tứ Sa”, lập trường mới sau Phán quyết của Trung Quốc ở Biển Đông có những điểm đáng chú ý như sau: i) Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với 4 nhóm đảo, gồm Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ), Nam Sa (Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfields, đây là một bãi ngầm hoàn toàn dưới nước ngay cả khi thủy triều thấp). Trung Quốc gọi 4 nhóm đảo này là “Nam Hải Chư đảo”; ii) Trung Quốc yêu sách đầy đủ các vùng biển: nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các nhóm quần đảo này; iii) Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông. Bên cạnh lập trường chính thức nêu trên về “Nam Hải Chư đảo”, Trung Quốc còn có yêu sách: i) Với các bãi ngầm và các cấu trúc lúc chìm, lúc nổi ở Trường Sa, Macclefields Bank, thậm chí với những bãi ngầm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam như Bãi Tư Chính; ii) Xác lập được cơ sở bao quanh các nhóm đảo để từ đó yêu sách đầy đủ các vùng biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ “đường cơ sở quần đảo” như một quốc gia quần đảo.
Yêu sách “Tứ Sa” được đánh giá là nguy hiểm vì kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn yêu sách “đường chín đoạn”. Cả hai yêu sách này của Trung Quốc đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm ở Biển Đông, quy thuộc thành phần đảo, từ đó xác lập đầy đủ các vùng biển bao quanh là hoàn toàn trái với UNCLOS 1982. Theo quy định, các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm, lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng(38).
ii) “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế”.
Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là lập trường nhất quán đã được Việt Nam khẳng định trong các Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các năm 1975, 1979, 1981, 1988. Lập trường này cũng được thể hiện nhiều lần trong các văn bản lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm chủ thực sự, chiếm hữu đầy đủ, hòa bình, liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa kể từ khi hai quần đảo này chưa được quốc gia nào yêu sách. Bên cạnh đó, nhiều văn kiện lịch sử và địa lý của Trung Quốc cũng chứng minh cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều bản đồ do Phương Tây vẽ đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm thiếu thuyết phục và phản bác các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra khi yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo này (39).
iii)” Công ước UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Kể từ khi chính thức có hiệu lực vào năm 1994, UNCLOS 1982 luôn khẳng định vai trò của “Hiến pháp của biển và đại dương” điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến luật biển. Với 168 thành viên tham gia, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế phổ cập lớn thứ hai, chỉ xếp sau Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trật tự pháp lý trên biển. Công hàm ngày 30/3/2020 cho thấy Việt Nam đã dựa vào UNCLOS 1982 để xác lập các vùng biển, đồng thời cho thấy Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông ở các nội dung quan trọng sau:
Một, “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước.” Theo Điều 121(3), đảo đá không thích hợp cho con người sinh sống hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông lần đầu tiên giải thích Điều 121.3 và đi đến kết luận rằng tất cả các cấu trúc nổi nào ở Trường Sa không có khả năng cho con người sinh sống hoặc duy trì đời sống kinh tế riêng, do đó, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Hai, “các nhóm đảo tại Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”. Hoàng Sa và Trường Sa không phải là quốc gia quần đảo để được áp dụng cách vẽ đường cơ sở quần đảo theo UNCLOS, do đó không thể xác lập hệ thống đường cơ sở quần đảo bằng cách vẽ nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất. Tinh thần này đã từng được Việt Nam khẳng định trong Tuyên bố phản đối hệ thống đường cơ sở thẳng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa năm 1996. Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông kết luận rằng bất cứ cách vẽ đường cơ sở thẳng nào ở Trường Sa cũng trái với Công ước UNCLOS. Trên thực tế, cấu trúc địa lý của Hoàng Sa và Trường Sa có những điểm tương đồng, do đó, việc Việt Nam áp dụng cách tiếp cận của Toà Trọng tài đối với các thực thể ở Hoàng Sa là phù hợp.
Ba, “các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”. Hiện nay, Trung Quốc yêu sách chủ quyền với một số bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Biển Đông. Như đã trình bày ở trên, điều này hoàn toàn không được UNCLOS 1982 cho phép vì theo quy định, các bãi ngầm hoặc các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng. Phán quyết của Toà Trọng tài 2016 cũng kết luận rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief reef), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Xubi (Subi reef), Nam Gaven (Gaven reef/South), Tư Nghĩa (Hughes reef) là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc, không có vùng biển riêng.
Bốn, “Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.” Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường này. Ngày 12/9/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982. […] Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn.”
Về điểm này, Công hàm của Việt Nam đã phản ánh tinh thần của Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016. Theo kết luận của Toà, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật nằm trong đường chín đoạn là không phù hợp với quy định của Công ước. Toà cho rằng yêu sách đó vượt quá giới hạn vùng biển của Trung Quốc mà UNCLOS cho phép. Trên thực tế, yêu sách quyền lịch sử trong đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Gần đây, ngày 9/4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố phản đối các yêu sách trên biển bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định ủng hộ kết luận của Toà Trọng tài rằng “Đường chín đoạn của Trung Quốc là yêu sách biển bất hợp pháp.”
KẾT LUẬN
Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của Luật pháp và tập quán quốc tế, có thể rút ra kết luận sau đây:
1. Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi mà các quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
2. Từ thế kỷ XVII đến nay, suốt trong mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thực sự, liên tục và hòa bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (40).
4. Trong cuộc đấu tranh pháp lý về Biển Đông tại Liên Hợp Quốc được bắt nguồn từ việc Malaysia gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS). Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Đông ngày 12/12/2019, phía Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tới TTKLHQ phản bác báo cáo này của Malaysia. Và Philippins gửi Công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, rồi Trung Quốc lại gửi Công hàm số CML/11/2020 lên TTKLHQ để phản bác các Công hàm của Philippins. Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020 Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên TTKLHQ để phản bác hai Công hàm CML/14/2019 và CML/11/2019 của Trung Quốc. Ngày 10/4/2020, Việt Nam lại liên tiếp 2 Công hàm số 24/HC-2020 và 25/HC-2020 lên TTKLHQ lần lượt nêu ý kiến về Báo cáo của Malaysia và Philippins. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc cũng gửi Công hàm CML/42/2020 phản bác lại Công hàm của Việt Nam. Trong 3 Công hàm nói trên, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông. Trước hết, Công hàm dã phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với Luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm yêu sách “đường chín đoạn” và yêu sách “Tứ Sa”. Các yêu sách đó hoàn toàn trái với qui định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Nội dung Công hàm được xây dựng dựa trên các quy định của Công ước UNCLOS 1982, đồng thời phù hợp với kết luận quan trọng của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) năm 2016 dù qui định, phán quyết chỉ có giá trị ràng buộc với các bên liên quan. Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, kể từ khi vụ kiện Biển Đông bắt đầu, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện, mong muốn Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) sẽ đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, ủng hộ giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và ủng hộ việc tuân thủ, thực thi đầy đủ UNCLOS 1982.
Công hàm ngày 30/3/2020 thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và toàn diện của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cùng các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Với chủ trương UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, Việt Nam một lần nữa chứng minh trách nhiệm của mình trong tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng, từ đó góp phần vào đảm bảo trật tự pháp lý ở Biển Đông (41)
PGS. TS. Đinh Công Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế
Trường Đại học Đại Nam
(1) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 1.
(2) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 7, 8.
(3)Cửa Đại Chiêm nay là cửa Đại thuộc tỉnh Quảng Nam, cửa Sa Vinh nay là cửa Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
(4) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 5
(5) Trong tập Hồng Đức bản đồ
(6) (7) (8) (9) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012 trang 5-13
(10) J.Y.C trích dẫn trong bài “Bí mật các đảo san hô - Nhật ký về cuộc hành trình đến Hoàng Sa”, đăng trên tuần báo “Đông Dương (indochine) trong các số ngày 3, 10, 17/7/1941
(11)“Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” của Giám mục jean - Louis Taberd đăng trong “tạp chí của Hội châu Á Băng - Gan” (The journal of the Asiatic Sciety of Bengal) tập VI, 1837, tr. 745
(12) Đính trong cuốn “Từ điển La tinh - Việt Nam” (Dictionarium Latino - Anamiticum), 1838.
(13) (14) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 13, 14.
(15) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 14
(16) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 15-20.
(17) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 21- 28
(18) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 29-36.
(19) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 7.
(20)Trung tướng Nguyễn Đình Chiến “Nhìn lại sự kiện Hải Dương 981 và bài học kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo” . http://canhsatbien.vn>nghien-cuu-trao-doi
(21) Báo Tuổi trẻ online “Bộ Ngoại giao xác nhận tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng biển Việt Nam” http://tuoitre.vn
(22) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang bìa, trang 46, 47.
(23) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 48, 58
(24) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 58, 59.
(25) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 59.
(26) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 59, 60
(27) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 63-74.
(28) Đỗ Thiện “Biển Đông: hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng”. https: plo.vn/thoi-su/bien-dong-hieu-dung-y-nghia-cong-ham-pham-van-dong 910058
(29) Đỗ Thiện “Biển Đông: hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng”. https: plo.vn/thoi-su/bien-dong-hieu-dung-y-nghia-cong-ham-pham-van-dong 910058, trang 5.
(30) Đỗ Thiện “Biển Đông: hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng”. https: plo.vn/thoi-su/bien-dong-hieu-dung-y-nghia-cong-ham-pham-van-dong 910058, trang …
(31)Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html.
(32) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html, trang 2.
(33) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html, trang 3, 4
(34) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html., trang 4
(35) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html, trang 4.
(36) Trần Khánh, Hồ Điệp/ VoV “Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”. https://m.vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-dang-vi-pham-nghiem-trong…ở Biển Đông-1045517.vov.
(37) Vũ Mạnh “Âm mưu dùng “Tứ Sa” để thay thế đường lưỡi bò của Trung Quốc”. https: // Zingnews.vn/am-muu-dung-tu-sa-de-thay-the-duong-luoi-bo-cua-trung-quoc-post1080452.html
(38) Nguyễn Thị Lan Hương “Phân tích Công hàm Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020” https:// www.printfriendly. com/p/g/8VAZFt.
(39)Nguyễn Thị Lan Hương “Phân tích Công hàm Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020” https:// www.printfriendly. com/p/g/8VAZFt, trang 3.
(40) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 38.
(41) Nguyễn Thị Lan Hương “Phân tích Công hàm Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020” https:// www.printfriendly. com/p/g/8VAZFt, trang 4-5