Văn nghệ sinh viên

Đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy học phần Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiếp tục quán triệt, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, sáng ngày 27/12/2024, tại Lớp Trung cấp Lý luận chính trị hệ Tập trung, lớp thứ 7 (lớp TCCT.T04.K1.TT7); Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn đã tổ chức giảng dạy học phần Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng hình thức sân khấu hoá, thông qua các tiết mục văn hoá, văn nghệ đặc sắc do lớp tự tập luyện, trình diễn để nghiên cứu, học tập nội dung “Đường lối văn hoá của Đảng”.

Buổi học được thiết kế làm hai phần. Trong phần 1, các tiểu đội trình diễn những tiết mục văn nghệ thể hiện đậm nét sự phong phú, đa dạng trong văn hoá của các dân tộc anh em ở Việt Nam; vẻ đẹp của tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế sau kháng chiến chống Mỹ cứu nước; sự trân trọng, tin tưởng tiếp nối các thế hệ cha ông của thế hệ trẻ; tình cảm gia đình; lý tưởng, tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng Công an nhân dân, điển hình là các tác phẩm: Bến nước Dur Kmăl, Người đi xây hồ Kẻ gỗ, Đôi chân trần, Lá cờ, Chúng tôi là chiến sĩ Công an nhân dân…

Trong phần 2, được sự hướng dẫn của giảng viên, học viên lớp học trao đổi, thảo luận và đúc rút, trình bày những nội dung cơ bản trong đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng thể hiện qua bối cảnh sáng tác, ca từ, nội dung, hình tượng âm nhạc, ý nghĩa của các tác phẩm; so sánh giữa thực tiễn đời sống âm nhạc với quan điểm, chủ trương của Đảng để đánh giá kết quả tổ chức thực hiện đường lối, hiệu quả của việc bảo đảm tính tư tưởng, tính Đảng trong quá trình này. Đặc biệt, một số học viên đã phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, học tập khi không chỉ đúc rút nội dung quan điểm, chủ trương của Đảng trong thời kỳ trước đổi mới và từ khi đổi mới (năm 1986 đến nay) mà còn so sánh, chỉ ra được sự chuyển biến, điểm mới trong tư duy của Đảng về văn hoá; những khó khăn, thách thức đặt ra trong xây dựng, phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, ở cơ sở trong tình hình hiện nay.






Việc đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy theo hướng chú trọng phát huy tính độc lập, tự chủ, tư duy sáng tạo của người học, đa dạng hoá các hình thức giảng dạy gắn với đặc thù của từng đối tượng học viên như kết hợp sân khấu hoá với khái quát, hệ thống hoá lý thuyết đối những học phần như Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh… là rất cần thiết. Những hình thức, phương pháp này không chỉ đòi hỏi đội ngũ giảng viên, các đơn vị giảng dạy phải thường xuyên chủ động, tích cực trong lựa chọn nội dung, hình thức, chuẩn bị hồ sơ bài giảng, nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn lý luận trong định hướng, nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của học viên mà còn giúp học viên phát huy khả năng, lợi thế của bản thân, tính đặc thù vùng miền trong văn hoá, tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng. Từ đó, Chi bộ Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn có thêm cơ sở thực tiễn để xây dựng, củng cố các chủ trương, giải pháp đổi mới giáo dục, đào tạo, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được hoạch định tại Đại hội Chi bộ Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn (mới) khoá I (nhiệm kỳ 2025 - 2030)./.

Tin, ảnh: K1

arrow_upward