Hành trình trải nghiệm thực tế tại “Đất Sen hồng”
Khi còn là học sinh tiểu học, tôi biết về Đồng Tháp lần đầu tiên qua hai câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” của nhà thơ Bảo Định Giang. Qua tiếp nhận thông tin từ báo chí, phim ảnh, tranh vẽ, thơ ca thì Đồng Tháp trong tôi từ vùng đất phèn, hoang vắng trở thành những ruộng lúa cò bay thẳng cánh, những đồng sen thơm ngát và những rừng tràm xanh mát, những con kênh đào thẳng tắp. Đến trước cuộc hành trình này, chúng tôi có nhiều thông tin hơn về vùng Đất Sen hồng. Với khẩu hiệu “Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”, Đồng Tháp đã giữ vững quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Toàn Đảng, toàn dân quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo, đến nay Đồng Tháp là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không còn xã nghèo, 100% xã đạt nông thôn mới. Tỉnh có quy mô kinh tế đạt 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 29 cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,8 triệu đồng/năm, xếp thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với những thông tin cơ bản, khái quát nhất chúng tôi có được về tỉnh Đồng Tháp, thôi thúc chúng tôi - Tập thể học viên Lớp trung cấp lý luận chính trị, khóa 1, hệ tập trung, lớp thứ 2 (T04.TCCT.K1.TT2) lựa chọn và đề xuất được nghiên cứu thực tế tại tỉnh Đồng Tháp. Những kiến nghị của chúng tôi được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các đơn vị chức năng và tạo mọi điều kiện về công tác tổ chức thực tế tại các địa phương: huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, huyện Tam Nông và huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp từ ngày 10 đến ngày 13/12/2024. Hành trình của đoàn công tác bắt đầu từ 06 giờ ngày 10/12/2024, từ Trường Đại học An ninh nhân dân đi qua những tuyến đường của Thành phố Hồ Chí Minh, trong có đại lộ Võ Văn Kiệt - Tuyến đường mang tên đồng chí cố thủ tướng, tổng công trình sư cho công cuộc khai hóa vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có tỉnh Đồng Tháp; có cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đang thi công. Khi đường cao tốc này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển bền vững ngành nông nghiệp để làm trụ đỡ cho nền kinh tế, đóng góp cho việc liên kết phát triển vùng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sáng ngày 10/12, chúng tôi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích Xẻo Quít (xã Mỹ Long và xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) có tổng diện tích là 70 héc-ta. Chúng tôi được tham quan trải nghiệm bằng đi bộ nghe thuyết minh và đi xuồng ba lá. Xẻo Quít ngày nay không chỉ lưu giữ hình ảnh của vùng đất hoang vu, sình lầy, nhiều cây tràm và cỏ dại mà đặc biệt là lưu giữ những công trình, hiện vật lịch sử, những chiến công cách mạng hào hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Đồng Tháp. Từ năm 1960 đến năm 1975, Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) đã chọn nơi đây làm căn cứ cách mạng thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để hoạt động và tồn tại cho đến ngày toàn thắng, Tỉnh ủy đã thể hiện sự dũng cảm, kiên trì, chịu đựng gian khổ để bám đất, bám dân “một tấc không đi, một ly không dời”, xây dựng “Xẻo Quít nằm ngay trong lòng quần chúng nhân dân”. Xẻo Quít được gọi là “Căn cứ lòng dân”. Từ những câu chuyện lịch sử và trải nghiệm thực tế tại Xẻo Quít, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào về các thế hệ ông cha đã sẵn sàng hi sinh xương máu cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước, từ đó nghĩ về trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của bản thân trong vai trò là một sỹ quan Công an nhân dân.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Luận - Phó Trưởng Công an huyện Cao Lãnh đón tiếp, hướng dẫn đoàn công tác nghiên cứu thực tế tại Khu di tích Xẻo Quít
Đoàn công tác nghe thuyết minh về Khu di tích Xẻo Quít
Trải nghiệm di chuyển bằng xuồng ba lá của học viên tại Khu di tích Xẻo Quít
Chiều ngày 10/12, Công an tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình tiếp đón Đoàn nghiên cứu thực tế lớp T04.TCCT.K1.TT2 tại trụ sở Công an tỉnh. Chúng tôi được Đại tá Bùi Bé Năm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội; kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, đặc biệt là những kết quả nổi bật trong xây dựng lực lượng Công an xã; những bài học kinh nghiệm và giải pháp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; mối quan hệ phối hợp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng giữa tỉnh Đồng Tháp - Việt Nam và tỉnh Prey veng - Campuchia.
Đại tá Bùi Bé Năm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp đại diện Ban Giám đốc đón tiếp đoàn công tác
Thượng tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng tặng quà lưu niệm cho Công an tỉnh Đồng Tháp
Trong chương trình, tiếp đó, đoàn công tác thực tế đã đến thăm gia đình đồng chí Thiếu tướng, Tiến sĩ Đoàn Minh Lý, Hiệu trưởng Nhà trường; là gia đình có công với cách mạng tiêu biểu (đồng chí Đoàn Minh Lý có cha là cựu tù chính trị tại Côn Đảo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước).
Ngày 11/12, đoàn tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Phường 4, thành phố Cao Lãnh). Đoàn đã tổ chức hoạt động dâng hoa, dâng hương thành kính tưởng nhớ Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Những trải nghiệm thực tế tại Đền thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu mộ, Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp; Tượng đài, Nhà sàn Bác Hồ cho chúng tôi hiểu đầy đủ, trọn vẹn về những công lao của Cụ, một con người tài năng, đức độ, yêu nước, thương dân, người có công sinh thành, dưỡng dục nên một vĩ nhân: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa lỗi lạc.
Thiếu tá Trần Minh Luân - Phó Trưởng Công an thành phố Cao Lãnh đón tiếp, hướng dẫn đoàn công tác nghiên cứu thực tế tại các địa danh lịch sử
Đoàn công tác nghe thuyết minh giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Thượng tá, Tiến sĩ Lê Thị Hiền Lương - Trưởng Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn viết sổ lưu niệm tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
Tiếp ngay sau chương trình nghiên cứu tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, chúng tôi di chuyển đến Di tích Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 (Phường 6, thành phố Cao Lãnh). Tại đây chúng tôi được tìm hiểu về những ngày tháng anh dũng “đi vinh quang - ở anh dũng”. Năm 1954, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được chọn là 01 trong 03 điểm tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em tại các tỉnh Mỹ - Tân - Gò, Gia - Định - Ninh, quân tình nguyện Cao Miên. Đây là cuộc chia tay của niềm tin và hi vọng về ngày Bắc - Nam sum họp một nhà. Những tưởng sẽ hội ngộ trong 02 năm nhưng cuộc chia tay kéo dài đến 21 năm, có nhiều người trong số họ không thể trở về gặp lại gia đình vì đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954
Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác đã tổ chức Lễ đặt vòng hoa, dâng hương và viếng mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Biên giới Tam Nông (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông). Thành viên đoàn công tác đã đến dâng hương cho tất cả 4.451 phần mộ, bày tỏ lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Lãnh đạo đoàn công tác dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Biên giới Tam Nông
Học viên Lớp T04.TCCT.K1.TT2 dâng hương tại các phần mộ anh hùng liệt sĩ
Đoàn đã trao đổi về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, kinh nghiệm xây dựng lực lượng Công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại Công an huyện Tam Nông vào chiều ngày 11/12 và tọa đàm, trao đổi về kinh nghiệm công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới với Công an huyện Hồng Ngự và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước ngày 12/12. Tại 02 địa phương đoàn đã tặng 20 phần quà chia sẻ với các đồng chí tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, thể hiện tình cảm, sự kết nối giữa lực lượng Công an chính quy với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Thượng tá Nguyễn Thanh Tân - Trưởng Công an huyện Tam Nông đón tiếp, hướng dẫn hoạt động nghiên cứu thực tế của đoàn tại địa phương
Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho Công an huyện Tam Nông
Đoàn công tác tặng quà cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Công an huyện Tam Nông
Đại tá Trần Thanh Phương - Trưởng Công an huyện Hồng Ngự đón tiếp đoàn và thông tin về tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khánh - Phó Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao thay mặt đoàn công tác tặng quà cho Công an huyện Hồng Ngự
Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn thay mặt đoàn công tác tặng quà cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Đoàn công tác nghiên cứu thực tế tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước
Bên cạnh các hoạt động toạ đàm, giao lưu, tìm hiểu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, đoàn chúng tôi còn tham gia các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tìm hiểu những đặc trưng về tự nhiên, sinh cảnh của Đồng Tháp. Điển hình là vào chiều ngày 11/12, đoàn công tác đi nghiên cứu Vườn Quốc gia Tràm Chim (thuộc 7 xã của huyện Tam Nông) bằng tàu thủy. Đây là khu Ramsar quan trọng của quốc tế, xếp thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 ở Việt Nam.
Quang cảnh ở Vườn Quốc gia Tràm Chim
Đoàn công tác tham quan sông Tiền trên phương tiện thủy
Đoàn công tác tặng quà cảm ơn đồng chí Đại tá Hà Văn Bắc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp và các đồng chí lãnh đạo tại Đồng Tháp đã phối hợp tổ chức chương trình
Đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tặng quà kỷ niệm cho đoàn công tác
Nghiên cứu thực tế là hình thức học tập lý luận chính trị sinh động, bổ ích trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã được Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát; được Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn phối hợp cùng Phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao, Phòng Quản lý học viên tham mưu, tổ chức chủ động, sáng tạo, hiệu quả. Hoạt động này không chỉ giúp học viên vận dụng lý luận vào thực tiễn, kiểm nghiệm giá trị của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn xây dựng, phát triển từng địa bàn, địa phương mà còn gắn kết giữa phương pháp luận, tri thức lý luận chính trị với thực tiễn công tác của lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Công an cấp sơ sở; từ đó, nhận diện, phát hiện những vấn đề mới, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để góp phần kiến nghị, đề xuất bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước./.
Ảnh: CAT.DT, BĐBP
Bài: Học viên T04.TCCT.K1.TT2