Góc nhìn sinh viên

Phát huy vai trò của đoàn viên qua những chuyến trải nghiệm thực tế

Tuổi trẻ nào cũng có ước mơ và đầy nhiệt huyết, tuổi trẻ của lực lượng Công an nhân dân (CAND) lại có những màu sắc riêng và gắn với hai tiếng “Trách nhiệm” vì dân, vì nước. “Nơi nào cần có thanh niên, nơi nào khó có thanh niên”, với lý tưởng ấy, tuổi trẻ của mỗi người sẽ luôn gắn bó với những chuyến đi để đồng hành với sự trưởng thành của chính mình. Đó có thể là chuyến công tác, chuyến từ thiện, chuyến đi thỏa niềm đam mê,… nhưng qua đó rèn luyện cho mỗi con người, mỗi đoàn viên thanh niên những kỹ năng quý báu của cuộc sống.

Nhân tháng Thanh niên và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2022), Trang Thông tin điện tử giới thiệu bài viết của một đoàn viên, Bí thư Chi đoàn của Trường Đại học An ninh nhân dân những chia sẻ rất thực tế từ trải nghiệm của chính bản thân qua những chuyến đi, từ đó thấy được vai trò của đoàn viên, tuổi trẻ trong cuộc sống.

Henry David Thoreau từng nói: “Những người trẻ tuổi học sống thế nào bằng ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống”. Có lẽ để nói về sự trải nghiệm của mình thì tôi sẽ gói ghém lại ở mảnh đất quê hương Kon Tum đầy nắng và gió, chính nơi ấy đã cho tôi được trở thành một con người hoàn toàn mới, một con người của sự trải nghiệm, của lớn lên và trưởng thành.

Còn nhớ ngày ba mẹ vẫn ủng hộ tôi đi theo con đường báo chí ấy, nụ cười đó khiến tôi thấy vững tin và yêu thêm cuộc đời này biết mấy. Thế mà theo năm tháng với biết bao xô bồ của cuộc sống, mẹ lại gạt phắt và chối từ lấy ước mơ vĩ đại ấy của tôi.

Có ngờ đâu một buổi chiều êm ái, tiếng loa phát thanh gần nhà vang lên, tôi như chột dạ, phấn khởi đến lạ thường: “Ôi! Chị nhà báo! À không mà phải là chị phát thanh viên chứ nhỉ?”… Cũng từ đó tôi yêu và rất yêu cái nghề BÁO CHÍ ấy. 15 năm trôi qua, kể từ ngày tôi còn đang là cô bé học lớp 6, ước mơ đó cứ lớn dần trong tôi, ngày qua ngày nó càng nhen nhóm lên bao điều kì diệu mà tôi luôn nghĩ đến. Một viễn cảnh xa mờ của một cô phóng viên tất bật chạy ngược, chạy xuôi hay là một cô biên tập ngồi gõ gõ từng dòng chữ trên trang báo. Mọi thứ như “bủa vây” và xoay vần quanh tôi. Để rồi trong tâm trí này, tôi luôn và sẽ yêu cái nghề đó đến bao nhiêu.

Có một câu nói như thế này: “Hạnh phúc lớn nhất của đời người là yêu và được yêu”. Tôi vẫn chưa đủ trưởng thành để biết cách yêu lấy cả một đất nước Việt Nam rộng lớn, nhưng tôi đã đủ tự tin để đem lòng mình yêu lấy ước mơ, đam mê ấy của mình. Vì trong cuộc sống này có ai là không có đam mê chứ? Có lẽ với tôi, tôi đã xem nó như là lí tưởng sống của cuộc đời mình và vì thế tôi cần phải bước đi trên con đường mình đã chọn một cách vững vàng nhất. Đúng! “Yêu và được yêu”, đó mới là hạnh phúc lớn nhất của đời người. Tôi không biết nghề báo có yêu lấy tôi và đón nhận tôi ngay tức khắc hay không? Nhưng tôi chỉ suy nghĩ giản đơn một điều rằng: Đôi khi chỉ cần bản thân mình yêu mà không cần phải nhận lại sự đáp trả thì tình yêu ấy cũng rất đáng quý, và bởi lẽ tình yêu này tôi dành cho nghề báo là chân chính.

 

Chuyến đi tình nguyện tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Ngày trước, tôi vẫn hay run sợ khi phải trả lời giả thiết “NẾU…THÌ…”, nhưng với hiện tại, tôi lại không sợ nữa, tôi sẽ trả lời một cách đĩnh đạc nhất: “NẾU… THÌ tôi vẫn quyết tâm và cố gắng để theo đuổi, thực hiện ước mơ, đam mê lớn này của mình”.

Đời người là những chuyến đi. Và tôi đã có rất nhiều những cung đường cho những chuyến đi đầy trải nghiệm của mình. Những chuyến công tác “vác” chiếc máy quay rong ruổi khắp nơi trên mảnh đất Kon Tum. Những thước phim hay những hình ảnh mà tôi thực hiện cho công tác tuyên truyền của mình ở đơn vị với những nội dung đầy thực tế, ý nghĩa lại khiến “máu” yêu nghề của mình lại trỗi dậy mạnh mẽ cho dù ở bất cứ đâu. Có lẽ sẽ thật khó khăn và dễ nản lòng khi những ngày trời nắng gắt hay mưa bão, sạt lở núi,… Tất cả những điều đó rất dễ để khiến một cô sinh viên mới ra trường chùn bước lại. Những giọt mồ hôi hay những cái ướt sũng, lạnh tê tái thường xuyên như vậy cũng là một điều gì đó khiến ý chí của con người ta dễ rơi vào trạng thái bỏ cuộc. Thế nhưng khi cuộc sống đẩy ta vào những khó khăn, thử thách là lúc ta phải “liều mình” với nó để đạt được mục tiêu một cách có giá trị và hiển hách nhất.

Cứ vào dịp cuối năm, trời Kon Tum cứ lạnh buốt như thế. Và có lẽ những lúc ấy, tôi lại cảm thấy có chút gì đó xuyến xao và nghẹn ngào với hình ảnh bà con ở những nơi vùng sâu vùng xa khi mà một đôi dép cũng không đủ hay một chiếc áo ấm cũng không có để khoác lên người; lúc ấy tất cả chỉ có thể gọi đó là lạnh như băng; ai nấy cũng run cầm cập và người ướt sũng vì mưa phùn và sương lạnh. Thời điểm ấy, tình yêu nghề thôi chưa đủ mà có lẽ chính những chuyến đi công tác gắn với làm việc thiện ấy lại có cho tôi thêm tình yêu với nghề báo và đặc biệt là lòng nhân ái, yêu thương giữa con người với nhau.

Đến với mỗi vùng đất xa xôi như thế mới thấy được cuộc sống này cần đáng sống biết bao khi những trải nghiệm luôn là hành trang để cho chính bản thân tôi được lớn lên từng ngày. Ở đó có những con người đáng để chúng ta yếu thương, trân trọng và học hỏi. Tôi còn nhớ chuyến đi “Áo ấm mùa đông năm 2019” tại xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum khi mà nhiệt độ lúc này chỉ còn là 7-8 độ C, khi mà con đường dẫn vào xã biên giới còn sạt lở, khúc khuỷu, bữa ăn sáng của đoàn chỉ là hộp xôi và chiếc bánh mì thịt ăn vội… Và có lẽ điều mà “ám ảnh” với đoàn chính là hình ảnh bà con đứng rất đông đợi ở Ủy ban nhân dân xã từ sáng sớm, người nào người nấy cứ quấn một cái chăn, cứ chân đất, đầu trần và thêm một chiếc bao để đem đồ từ thiện từ đoàn hỗ trợ. Từ trẻ em, người già, từ thanh niên đến trung niên… Tất cả tuy đứng dưới tiết trời giá lạnh những chẳng hiểu sao lại ấm áp đến lạ. Ngay lúc ấy, hai hàm răng tôi cứ đánh cầm cập vào nhau, tay chân chỉ muốn co rúm lại trong chiếc áo bông của lực lượng. Vậy mà bằng một sức mạnh nào đó, tôi đã xông xáo chạy khắp mọi nơi ở Ủy ban để hỗ trợ bà con như: Cắt móng tay, phát quà bánh cho các em nhỏ; phát thuốc cho các cụ già; trao những phần quà cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn;… Kết thúc chuyến đi ấy, tôi có được là những nụ cười thật nhiều năng lượng và chắc hẳn tôi cũng đã lan tỏa đến với tất cả mọi người ở vùng đất ấy. Hơn cả thế, còn rất nhiều chuyến đi tình nguyện ấm áp, cũng là tiết trời lạnh giá, cũng là những màn mưa phùn rả rích hay những cái nắng gay gắt của mảnh đất cao nguyên. Bao nhiêu chuyến đi như vậy nhưng tất cả luôn đọng lại là hai chữ “nghĩa tình” gắn bó với đam mê của chính mình để rồi chính những người bà con đồng bào dân tộc thiểu số ấy đã thực sự cho tôi sâu sắc thêm về giá trị sống đích thực trong cuộc sống này. Không phải sống là vì đam mê, vì ước mơ của cá nhân mà sống ở đây là “Sống cho đâu chỉ nhận riêng mình”.



Là những chuyến đi từ thiện đến những miền đất xa xôi, còn gặp nhiều khó khăn vào những trời đông lạnh giá tại Kon Tum.

Hay ở những chuyến đi ấy còn cho tôi được “Sống khác”, sống để vượt lên chính mình. Hình ảnh những đứa trẻ mồ côi, tật nguyền là những điều tôi thấy sợ hãi. Nhưng đó chỉ là những ngày còn học cấp 1. Đến giờ đối với tôi, mọi thứ trở nên trân quý vô cùng. Những mảnh đời bất hạnh cần được chở che, cần được quan tâm đến vậy. Những đôi mắt ẩn sâu vẫn là những hy vọng, khát khao, hoài bão của biết bao đứa trẻ. Và thú thực bản thân chúng ta chưa thể đủ khả năng để cho các em có một cuộc sống “trọn vẹn” như các em mong muốn. Tuy vậy, bằng một cách nào đó, tôi và các bạn vẫn có thể đem đến niềm vui cho các em đúng không? Điều mà tôi làm được, tôi vứt bỏ nỗi sợ hãi đó chính là cách tôi mạnh dạn đối diện và nhìn thẳng vào đôi mắt của từng đứa trẻ ấy để rồi thôi thúc truyền đến năng lượng tích cực cho các em vượt lên nghịch cảnh hiện tại. Những suất quà động viên, những trò chơi, lời ca tiếng hát hay thậm chí là những cái ôm, cái vuốt ve xoa đầu đã thực sự trở thành một bức tranh đầy nhân văn, ấm áp tình người. Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Kon Tum là nơi mà tôi đã có thêm cho mình những thước phim, hình ảnh để bản thân được mạnh mẽ, trưởng thành hơn trong cuộc sống.




Trải nghiệm ở mỗi chuyến đi từ thiện tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Kon Tum là một khái niệm “Sống khác”.




Hay đó còn là những phần quà huy động từ mạnh thường quân gửi trao đến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương Kon Tum.

Mọi thứ…đúng như người ta vẫn thường nói: “Rồi cũng như gió bay, cũng theo bầu trời mà tìm đến một nơi mà nó cần đến, duy chỉ có tình yêu là còn mãi với thời gian”. Thật vậy! Cuộc sống vẫn xoay vần, con người ta còn biết bao nhiêu chặng đường với những chuyến đi cần đi qua. Tôi cũng vậy. Tuổi trẻ của tôi vẫn còn ở mãi với nơi này, với bất cứ nơi đâu nếu như trong thâm tâm, trong bầu nhiệt huyết và đôi chân vẫn muốn đi. Đi nhiều không phải để ngồi với chúng bạn khoe rằng: “Tuổi trẻ của tôi được đi nhiều nơi như thế và rực rỡ như thế”, mà để chia sẻ với chúng bạn rằng: “Những nơi tôi đi đã đi qua và sẽ đi qua luôn cho tôi được bình yên, hạnh phúc và hơn cả để cho tôi được học cách làm một người tử tế”. Trải nghiệm giờ đây gắn liền với sự tử tế, có trải nghiệm mới cho ta được những bài học và những bài học đó cho ta cách sống để làm một người có ích cho xã hội.


Hẳn rằng cho dù sau này tương lai có như thế nào thì tôi vẫn và sẽ luôn yêu nghề báo, nghề trong lực lượng tôi có được và cho tôi có được những trải nghiệm mà tự chính mình cho cơ hội thực hiện. Đến đây, tôi mới nghiệm ra một điều rằng: “Sống là phải vấp ngã vì đâu phải con đường nào cũng thẳng tắp; sống là phải biết học cách chấp nhận và từ bỏ. Hôm nay, tôi chọn lựa cho mình một lối đi chưa theo ý mình, thậm chí sẽ phải từ bỏ những điều mình khao khát đến cháy bỏng, nhưng từ bỏ không phải là yếu đuối. Mà từ bỏ để tự cho mình những cơ hội tốt hơn. Vì cuộc đời luôn cho ta một cơ hội, đó được gọi là Ngày mai”. Và hiện tại với tôi, cơ hội được làm một cán bộ báo chí tuyên truyền trong lực lượng Công an nhân dân là giá trị, ý nghĩa và may mắn. Không chỉ vậy mà tôi đã đang và sẽ tiếp tục là một cô phát thanh viên mà ngày trước tôi đã mơ ước, khao khát lớn lao.


Hành trình vẫn luôn còn đó với bao kỷ niệm ở mỗi chuyến đi.

Trải qua bốn năm kể từ ngày tự tin bước chân ra khỏi cánh cổng trường năm ấy, khi mà bản thân đang gắn bó với đam mê, ước mơ của chính mình ở tại “con đường vòng” này. Tôi đã thực sự cảm nhận, thực sự trải nghiệm với nghề, với đam mê mà tôi vẫn hằng theo đuổi. Ở nơi đây, báo chí vẫn luôn ở ngay cạnh tôi mọi lúc mọi nơi, tôi vẫn đam mê, thỏa sức với viết lách, với việc đi đây đi đó, đi bất cứ đâu ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất ở tại quê hương Kon Tum này. Ở môi trường này, tôi lại cảm nhận góc nhìn làm báo ở một khía cạnh khác, khác với những người làm báo chuyên nghiệp, khi con đi đến bất cứ đâu, ngoài việc tuyên truyền, truyền tải hình ảnh, thước phim về đời sống xã hội thì con còn phải mang trọng trách bên mình rất lớn lao, đó là bảo vệ cuộc sống bình yên, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Không phải cứ đam mê rồi thích làm gì cũng được mà cao quý lắm khi phải luôn nghĩ về cho sự bình yên của quê hương, Tổ quốc. Và thiết nghĩ, đó là điều khác biệt lớn nhất khi tôi là một cô phóng viên của Công an nhân dân.

Một lần tác nghiệp ở xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.



Những chuyến đi tác nghiệp đưa tin về những vùng quê nghèo tại tỉnh Kon Tum luôn gắn liền với những hoạt động thiện nguyện.

Niềm hạnh phúc đơn giản lắm là mỗi lần tôi đến những vùng đất xa xôi ấy, bà con hay mọi người dẫu biết sắc phục tôi đang mang trên mình là của lực lượng nhưng tất cả đều vui vẻ gọi tôi là “cô phóng viên” rất dân dã. Để từ đó kể từ ngày tôi làm báo đến giờ, tôi thấy tấm lòng của mình có được nhân lên gấp bội với bốn chữ: Nhân ái, yêu thương. Và chắc chắn rằng đam mê về báo chí của tôi sẽ luôn đồng hành cùng với tôi rồi đấy.

Những trải nghiệm để cho mỗi chúng ta được trưởng thành và nhận thức được sự cống hiến của mình trên con đường sự nghiệp.


Thay lời kết, hành trình là một điều gì đó để bất cứ ai cũng có thể trải qua và mong muốn có cho mình trải nghiệm. Tuổi trẻ ở bất cứ vị trí, vai trò nào cũng vậy, cũng đều khao khát được chinh phục những hành trình từ chính bản thân tạo ra. Thực ra mục đích của cuộc đời chính là sống với nó, trải nghiệm đến tận cùng, háo hức vươn ra và không bao giờ sợ hãi đón nhận những trải nghiệm mới mẻ và phong phú hơn. Sứ mệnh hay đúng hơn là trách nhiệm của mỗi chúng ta là làm sao đó để tạo ra được những giá trị sống đích thực cho cộng đồng, xã hội. Với bản thân đang tiếp tục hành trình tuổi trẻ của mình tại ngôi trường Anh hùng – Trường Đại học An ninh nhân dân lại càng thấm nhuần hơn nữa hai chữ “Trách nhiệm” và tuổi trẻ thì chẳng thể nào thắm lại thêm lần nào nữa, vậy nên hãy cứ cống hiến và trưởng thành. Hãy phát huy vai trò của tuổi trẻ, của đoàn viên để tạo dấu ấn cho cuộc sống bằng chính những trải nghiệm của chính mình./.

Nhật Lệ -Bí thư Chi đoàn LT-C3B

arrow_upward