Lý luận chính trị

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quan điểm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được thể hiện qua nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, điển hình như: Phát biểu dịp lễ Quốc khánh 02/9/2024; buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3), ngày 31/10/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 31/12/2024, nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025). Đặc biệt là buổi Tổng Bí thư trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ngày 25/11/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; học viên các Lớp Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV... Đây là chuyên đề chuẩn bị cho việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện đại hội Đảng các ngành, các cấp, các địa phương, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và định hướng xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.



Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thể hiện ở những nội dung trọng tâm sau:

Một là, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh[1]. Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, trải qua kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025). Và giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại - Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng[2].

Hai là, nhận thức cơ bản về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra cách hiểu về kỷ nguyên, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định đích đến của kỷ nguyên này. Theo đó, kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội - văn hóa - chính trị - tự nhiên. Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Ví dụ: Kỷ nguyên công nghiệp, kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên kỹ thuật số, kỷ nguyên vũ trụ; còn trước đây là kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên cổ đại, kỷ nguyên trung cổ[1] . Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại[1]. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại[1].

Ba là, cơ sở đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới[1]. Ý Đảng hòa quyện lòng dân và khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới[2]. Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo là: Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới[1]. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc[1] . Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích (kỳ tích một nước dân chủ thuộc địa nửa phong kiến có thể chiến thắng hai đế quốc thực dân hùng mạnh; kỳ tích một nước từ bị bao vây cấm vận thực hiện thành công công cuộc đổi mới với những thành tựu vĩ đại). Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu[11].

Bốn là, định hướng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra bảy định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, gồm: (1) Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; (2) Về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; (3) Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (4) Chuyển đổi số; (5) Chống lãng phí; (6) Cán bộ; (7) Về kinh tế [1]. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng hôm nay là người đã tạo ra bước ngoặt lịch sử và đề xướng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì vậy có thể nói một cách hình ảnh: Sức nặng của thách thức mới hôm nay đối với mỗi người dân của đất nước là một thì đối với mỗi đảng viên phải là mười. Có nghĩa là kể từ ngày thành lập, Đảng đang đứng trước những đòi hỏi và thách thức chưa từng có của tình hình và nhiệm vụ mới của quốc gia trên con đường bước vào kỷ nguyên mới[3] .

Năm là, niềm tin thắng lợi trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí Thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, nhất định Việt Nam sẽ vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong hành trình đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của bạn bè, đối tác và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới[2]. Cả nước cùng nhau xả thân gánh vác mọi trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia, đoàn kết và đại đoàn kết, đất nước sẽ thắng! [3]. Quán triệt quan điểm Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong công tác đảng, cần thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhất là cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, nội hàm, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa, phổ biến sâu rộng quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong các cấp uỷ, tổ chức đảng; các lớp học, tập huấn, cuộc thi tìm hiểu kiến thức; tại địa phương nơi cư trú, trên phương tiện thông tin đại chúng với nội dung, hình thức phù hợp.

Ba là, đưa nội dung quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vào nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn tài liệu dạy học các học phần, chuyên đề bồi dưỡng…, nhất là các học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bốn là, tập hợp, hệ thống hoá, số hóa, hình thành kho dữ liệu số về các công trình khoa học, các minh chứng thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực phản ánh các vấn đề liên quan đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Năm là, tiếp tục đổi mới, cải tiến phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng; tăng cường tính đảng trong công tác tư tưởng, công tác chuyên môn; kiên trì chú trọng chuyển đổi số, chống lãng phí; làm tốt công tác quy hoạch, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sáu là, mỗi cán bộ, đảng viên xác định vai trò, trách nhiệm của mình và không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, “lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[4]./.

Chi bộ K1

__________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Buổi trao đổi của Tổng Bí thư Tô Lâm một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3), ngày 31/10/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie); buổi trực tiếp trao đổi của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ngày 25/11/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-684307.html).

2. Tổng Bí thư Tô Lâm trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 31/12/2024, nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) (https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-to-lam-khat-vong-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi-20241231145214966.htm).

3. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dịp lễ Quốc khánh 02/9/2024 (https://tuoitre.vn/vi-mot-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-202410310813004.htm).

4. Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

arrow_upward