Lý luận chính trị
Khát vọng hòa bình và trách nhiệm của những người khoác trên mình sắc phục Công an nhân dân
Trong không khí những ngày tháng 8 lịch sử và đón Tết Độc lập của dân tộc (19/8 và 02/9), tại thành phố được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thực hiện Kế hoạch số 17/KH-K1 ngày 18/7/2024 của Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn (K1) về “Tổ chức giảng dạy Lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa I, hệ tập trung, lớp thứ 3 (T04.TCCT.K1.TT3) năm 2024 tại Trường Đại học An ninh nhân dân”; vào sáng thứ tư, 28/8/2024, tôi cùng với các đồng chí trong Lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa I, lớp thứ 3, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Khoa K1 đã đến tham quan 02 trong số rất nhiều “địa chỉ đỏ” ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tham quan “địa chỉ đỏ” là một trong những hoạt động thường xuyên mà Khoa K1 tổ chức trong quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị, với mục đích cung cấp cách nhìn trực quan, sinh động, bổ sung nguồn tài liệu mới ngoài kiến thức trong sách vở, giúp cho người học thấu hiểu, cảm nhận rõ hơn về truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất, sự mưu trí, sáng tạo của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; qua đó vun đắp, bồi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, dấn thân vì Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc. Và hôm nay, tôi cùng các đồng chí của mình thực sự đã được trải qua những cung bậc cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời.
Tập thể lớp T04.TCCT.K1.TT3 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Đúng 07 giờ 15 phút, đoàn chúng tôi bắt đầu từ Trường Đại học An ninh nhân dân di chuyển vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Đón chúng tôi, ngoài tiếng còi xe tấp nập của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục vào hàng sôi động bậc nhất của cả nước, còn có nắng thu vàng và cờ hoa rực rỡ làm cho lòng người háo hức, rộn ràng. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (War Remmants Museum) tại số 28 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, Quận 3. Đây là nơi lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên gồm: Những sự thật lịch sử; Hồi niệm; Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình; Chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam; Tội ác chiến tranh xâm lược; Hậu quả chất độc da cam; Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975; Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và Khu trưng bày ngoài trời. Mỗi một hình ảnh, thước phim, mảnh bom, viên đạn, xác máy bay, ống cống, máy chém, chuồng cọp kẽm gai… nơi đây, đều chất chứa trong mình một câu chuyện, một số phận và nhắc nhở về một giai đoạn lịch sử đau thương, thấm đẫm máu và nước mắt nhưng cũng đầy hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam không bao giờ cam chịu khuất phục trước các thế lực ngoại xâm cũng như bè lũ tay sai bán nước.
Học viên lớp T04.TCCT.K1.TT3 nghe thuyết minh về máy chém
Đi qua từng phòng chuyên đề, tôi như thể sống lại những năm tháng chiến tranh ác liệt năm nào. Những tiếng gầm rú của động cơ máy bay, âm thanh của tiếng súng, tiếng bom; những thức phim chân thực ghi lại khoảnh khắc người lính ngã xuống; những hình ảnh về cuộc thảm sát Thạnh Phong, Mỹ Lai, Em bé Napalm, nạn nhân Hồ Văn Đang (Bản Khe Sòng, xã Hướng Hiệp, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị), Lính Mỹ thuộc Sư đoàn bộ binh số 25 đang xách mảnh xác một chiến sỹ giải phóng vừa bị trúng đạn súng phóng lựu ở Tây Ninh 1967… đã khiến tôi và các đồng chí của mình không thể kìm lòng và có những đồng chí đã rơi nước mắt trước những tội ác của các thế lực đế quốc và tay sai.
Rời Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chúng tôi đến Di tích Lịch sử Dinh Độc lập, số 125, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1. Nơi đây không chỉ là di tích lịch sử lưu dấu mốc son chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến anh dũng của cả dân tộc, với chiến thắng ngày 30/4/1975, mà còn là một biểu tượng của sự hòa hợp, hòa bình, thống nhất Tổ quốc và mang nhiều giá trị văn hóa, mỹ thuật. Hiện, Dinh Độc lập đang lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật cùng nhiều tài liệu quan trọng khác phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống cách mạng của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Có thể khẳng định, 02 “địa chỉ đỏ” mà tôi và các đồng chí của mình được Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức cho tham quan trong ngày hôm nay, đều mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hóa, tinh thần riêng nhưng hội tụ ở một điểm chung, đó chính là khát vọng về một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập để “Bắc Nam sum họp một nhà”.
Tập thể lớp T04.TCCT.K1.TT3 tại Di tích lịch sử Dinh Độc lập
Chuyến hành trình của chúng tôi khép lại nhưng những hình ảnh ở Bảo tảng Chứng tích chiến tranh, hình lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc lập và những nam thanh, nữ tú với bộ áo dài thướt tha, những người nước ngoài đang xếp từng hàng dài để vào Dinh Độc lập vẫn đọng mãi trong tôi. Những hình ảnh ấy cũng làm cho tôi tin tưởng hơn nữa vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và suy nghĩ, trăn trở nhiều hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia.
Chiến tranh đã qua, nhưng nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân vẫn còn là một trọng trách nặng nề trên vai chúng tôi - lực lượng Công an nhân dân luôn “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, là lẽ sống của mình”. Những hy sinh của các thế hệ đi trước chính là nguồn động lực mạnh mẽ, thúc đẩy chúng tôi không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa...
Cao Văn Toàn - Công an tỉnh Lâm Đồng
Trịnh Xuân Huân - Công an tỉnh Đắk Lắk