Lý luận chính trị

Địa đạo Củ Chi: Những đường hầm tối rực cháy niềm tin tuổi trẻ

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

Đó là những câu thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Đối với nhà thơ, “đất nước” không là của riêng ai mà là của toàn nhân dân. Hàng triệu người con đất Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đổ mồ hôi và xương máu để bảo vệ và xây dựng đất nước. Khi nhắc đến địa đạo thì trước tiên ta thường nghĩ đến Củ Chi, nơi gắn liền với những kỳ tích của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nơi được coi là vùng “Đất thép thành đồng”. Địa đạo Củ Chi biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và ý chí bất khuất, quật cường, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Công trình đánh giặc thuộc loại sáng tạo độc đáo có một không hai này chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc trên thế giới. Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm: Địa đạo Bến Dược và Địa đạo Bến Đình cả hai địa điểm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia.

Chính vì lẽ đó mà ngay từ những buổi học đầu tiên của năm nhất, học viên Trung đội D32B1 đã được thầy, cô Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn tổ chức hoạt động tham quan thực tế tại Địa đạo Củ Chi.

Sau những mong chờ được trải nghiệm thực tế tại Địa đạo Củ Chi, sáng ngày 28/5, chúng tôi bắt đầu hành quân từ Trường Đại học An ninh nhân dân về với "Đất thép thành đồng", sau 2 giờ di chuyển, trước mắt chúng tôi là khung cảnh miền quê được tái hiện với những xác máy bay, xe tăng mà địch đã để lại trên đất Củ Chi.

Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu với hệ thống sa bàn và phim 3D về quá trình đào hầm và chiến đấu của quân và dân Củ Chi. Quả thật trăm nghe không bằng một thấy, mặc dù tôi đã được xem những hình ảnh của khu di tích trước đó thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng khi chúng tôi đến địa đạo thì vẫn cứ như một đứa trẻ, vẫn cảm thấy rất mới lạ và đâu đó là một cảm xúc, một niềm kiêu hãnh, tự hào khi được đứng trên mảnh đất địa linh nhân kiệt. Lần đầu tiên tôi được xem sa bàn về quá trình chiến đấu của quân dân ta chống lại cuộc hành quân “bóc vỏ trái đất” – Cedar Falls – của Mỹ - Ngụy. Một tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường đã đẩy lùi được cuộc hành quân tàn khốc của chúng, càng xúc động hơn sau khi xem phim 3D đó là quá trình đào địa đạo này. Không cơ giới, không máy móc, chỉ với ba dụng cụ thô sơ: cái cuốc, cái ki và “cây cù móc”-dụng cụ để đẩy đất lên, vậy mà “tác phẩm nghệ thuật” đã được điêu khắc thành công. “Đào bao nhiêu thì giấu bấy nhiêu”, cứ thế với chiều dài hàng trăm kilomet, căn cứ quân sự kiên cố của quân dân ta dần dần hiện lên, với cấu trúc gồm ba tầng: tầng một là nơi dùng để ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu; tầng hai (sâu 6m) là nơi dùng để nghỉ ngơi, dành cho lực lượng không tham gia đánh trận như phụ nữ và trẻ em; tầng ba (sâu 10-12m) là nơi dùng để tránh bom B52. Địa đạo đã được chúng ta hình thành lên bên trong lòng đất, sau này khi địch phát hiện chúng ta vẫn đào, vẫn giữ vững được “căn cứ kiên cố” này. Đó không phải là truyền thuyết, cũng không phải do một đấng siêu nhiên nào tạo ra, mà chính những người dân chúng ta - những người Việt Nam kiên trung, nhân dân Củ Chi anh hùng! Điều tôi ấn tượng nhất có lẽ là phong trào thi đua đào địa đạo của bà con Củ Chi, những sáng tạo độc đáo trong quá trình đào hầm như cho các cặp đôi yêu nhau đào hai con đường thông đến với nhau, điều đó chứng tỏ rằng tình yêu đôi lứa không chỉ là tình cảm riêng tư mà đã hoà vào tình cảm chung - tình yêu đất nước. Trở lại với trận càn quét Cedar Falls, đây là trận chiến do Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện nhằm triệt nhổ gốc các căn cứ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở “Tam giác sắt”. Với những mô hình xe tăng, máy bay, bom đạn, ... nơi đây đã tái hiện lại thành công trận chiến. Dù chỉ là những mô hình vô tri vô giác nhưng những cán bộ hướng dẫn viên đã thổi hồn vào nó những câu nói, những thanh âm thời chiến khiến cho chúng trở nên sống động hơn hết. Trận chiến Cedar Falls là trận càn quét ác liệt nhất mà đế quốc Mỹ thực hiện trên mảnh “Đất thép thành đồng”, chúng không ngần ngại thẳng tay dùng máy bay B-52 rải thảm bom và pháo bắn liên tục, sử dụng 200 xe ủi san bằng 11km2 rừng, triệt hạ hầu hết làng mạc, nhà cửa trong vùng. Mỹ tổ chức những đội chuyên phá hầm mang tên đội “Lính chuột chũi” từ 08 đến 10 người được tuyển chọn trong những binh sĩ tình nguyện liều lĩnh, tinh nhuệ nhất nhằm phá cho bằng được hầm ngầm của chúng ta. Chúng nêu cao khẩu hiệu “bóc vỏ trái đất”- nhưng một lòng bất khuất kiên cường, quyết bám đất bám rễ chúng đã thất bại thảm hại trước ta.


Bối cảnh chuẩn bị chống lại cuộc hành quân “bóc vỏ trái đất” – Cedar Falls – của Mỹ - Ngụy trong phim 3D

Sau khi xem xong những thước phim tái hiện lại năm tháng lịch sử, chúng tôi bắt đầu hành trình thực tế trở về với lịch sử từ năm 1962 đến năm 1972 tại Khu tái hiện vùng giải phóng. Chút nắng nhẹ, rồi mưa nhỏ làm cho mùi hương của đất bốc lên tạo nên một khung cảnh của vùng giải phóng hiện thực hơn, sinh động hơn.

Anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến thăm lần lượt từng gia đình của vùng giải phóng, một làng quê mộc mạc, bình dị, thân thương với lũy tre, vườn rau, áo cá bên cạnh những đài phát thanh, trường học. Cùng với những buổi sinh hoạt, lao động thường nhật của người dân Củ Chi như: trồng lúa, chăn trâu, trồng rau, nuôi heo, nuôi cá, chài lưới họ luôn chủ động, sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm như: vót chông, chế tạo vũ khí; họ sẵn sàng tòng quân để trở thành những chiến sĩ anh hùng chân đất.

  

Chúng tôi hành quân ngang một làng quê yên bình tại Khu tái hiện vùng giải phóng

Nhớ hình ảnh chúng tôi dừng chân ở chợ quê trong cơn mưa nặng hạt với những món quà ẩm thực của tuổi thơ, từng mẫu bánh, từng củ khoai mì ấm nóng và ly nước mát truyền tay nhau đã giúp chúng tôi cảm nhận được sâu sắc hơn hình ảnh sinh hoạt thường nhật, yên bình của nhân dân Củ Chi trong vùng giải phóng. Trong lịch sử, những phiên chợ quê còn là nơi các đồng chí giao liên bí mật gặp gỡ trao đổi, truyền tin về hoạt động cách mạng.

Rời Khu tái hiện vùng giải phóng, chúng tôi đến với nơi mang đậm dấu ấn trí óc, trái tim huyền thoại của nhân dân Củ Chi, đó là Địa đạo Bến Dược - Căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Địa đạo Bến Dược hàng trăm ki-lô-mét đường hầm trải rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm. 

Tại đây, dưới sự hướng dẫn của anh hướng dẫn viên, chúng tôi đã có những trải nghiệm khó quên bên trong lòng đất, khi chui vào địa đạo, quả thật nó rất rất nhỏ và chật chội, tôi đã không thể tưởng tượng được ông cha mình đã trải qua bao nhiêu năm tháng sinh sống, chiến đấu trong những địa đạo ngầm này như thế nào. Đó là một sự ngột ngạt, bí bách đến khó thở, nhưng tôi đã rất bất ngời khi đây mới chỉ là tầng 1 của những căn hầm này, sâu hơn nữa còn có tầng 2,3 và 4 còn chật chội hơn gấp nhiều lần, trong địa đạo có những cạm bẫy vô cùng nguy hiểm, những tầng được đào cách nhau bằng một đường chữ U để ngăn địch bơm khí độc hoặc nước vào làm sập hầm. Trở lên mặt đất với những mồ hôi ướt đẫm quân phục, chúng tôi hiểu hơn sự gian khó của quân và dân ở Củ Chi khi sinh hoạt và chiến đấu dưới những “con đường”, “ngôi nhà” trong lòng đất.


Chúng tôi trải nghiệm cảm giác di chuyển trong lòng địa đạo



Phòng họp Bộ Tư lệnh Quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong lòng địa đạo

Rời địa đạo, chúng tôi đến Đền Bến Dược. Ngắm cổng tam quan, nhà văn bia, tháp 9 tầng và ngôi điện chính với kiến trúc truyền thống rất đẹp, rất hài hòa cùng thiên nhiên. Đặc biệt là khu Đền tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào với một quần thể kiến trúc mang tính đặc thù dân tộc, hiện đại trang nghiêm. Trong Đền tưởng niệm có ghi đầy đủ họ tên của 44.357 liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong các cuộc kháng chiến giải phóng bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Đền tưởng niệm Bến Dược là công trình độc đáo của khu di tích, được xây dựng lên từ nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, thể hiện đạo “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tại đây đoàn chúng tôi đã ghé vào dâng lên những nén nhang để tưởng nhớ công ơn của thế hệ cha anh đi trước, những vị anh hùng hi sinh thân mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của chúng tôi cũng như các thế hệ con cháu sau này.

Tập thể lãnh đạo, giảng viên, học viên D32B1 tại Đền Bến Dược

Sau khi rời địa đạo, chúng tôi di chuyển sang thăm nhà của bà Nguyễn Thị Hôn. Bà là mẹ Việt Nam anh hùng, là mẹ của thầy Nguyễn Văn Cừ nguyên giảng viên Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn. Tại đây, chúng tôi được nghe bà kể về thời chiến, về phong cách sống “anh hùng” của thế hệ trẻ ngày trước...

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…

Trích bài thơ “Khúc bảy” của nhà thơ Thanh Thảo

Càng nghe bà kể chuyện tôi càng vô cùng cảm phục trước lòng yêu nước, gan dạ, dũng cảm, dám đối mặt với mọi khó khăn, gian khổ của thế hệ trước. Chúng tôi càng thêm yêu những người mẹ tần tảo sớm hôm đem gạo ra chiến trường nuôi sống bộ đội, thêm yêu những giọt nước mắt in hằn trên đôi má mang theo nỗi căm hờn khi phải mất người thân trong gia đình. Họ là những người con yêu nước đã đóng góp một phần xương máu của mình để viết lên những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Tập thể lãnh đạo, giảng viên, học viên D32B1 thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hôn

Chúng tôi chào tạm biệt Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hôn và tiếp tục hành trình của mình, chúng tôi được các chú, các cô là lãnh đạo, cán bộ Công an huyện Dầu Tiếng; lãnh đạo, cán bộ Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng trao đổi, chia sẻ thông tin thực tiễn công tác, những kỷ niệm, kinh nghiệm tại Trường Đại học An ninh nhân dân, những lời căn dặn, động viên của các chú, các cô đã tiếp thêm động lực, quyết tâm để chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình học tập và rèn luyện.

Trong hành trình, với sự hướng dẫn của các thầy, cô, đại diện học viên được đến viếng mộ Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Tăng Cường - Nguyên Trưởng Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, qua đó, chúng tôi càng thấm thía hơn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.    


Tập thể lãnh đạo, giảng viên, đại diện học viên D32B1 dâng hương tưởng nhớ thầy Hoàng Tăng Cường

Chuyến đi kết thúc với nhiều bài học thực tiễn quý báu cho chúng tôi, giúp tập thể học viên hiểu sâu sắc hơn về những chiến công hào hùng của cha ông trong lịch sử và từ đó chúng tôi nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện mục tiêu “Vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ”, phấn đấu trở thành người sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên” đóng góp sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc./.

Bài, ảnh: D32B1

arrow_upward