Kỹ năng

Người có uy tín trong dân tộc Khmer tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19

    Ở Việt Nam, đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tập trung ở các tỉnh, thành phố trên địa bàn Tây Nam Bộ, như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp với những biến chủng mới đã và đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Tây Nam Bộ. Vì vậy, để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trong vùng dân tộc Khmer hiệu quả, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân cùng tham gia. Trong đó, nổi lên là vai trò của người có uy tín trong dân tộc Khmer tích cực cùng với các ban, ngành và tổ chức, đoàn thể, lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Khmer về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.

Xung kích, gương mẫu trong các phong trào phòng, chống dịch bệnh Covid - 19

    Vai trò “xung kích”, nổi bật nhất trong hoạt động của người có uy tín trong dân tộc Khmer là vận động và trực tiếp tham gia đóng góp Quỹ Vì người nghèo, vận động các nhà hảo tâm, đồng bào dân tộc Khmer trong và ngoài phum, sóc tham gia thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các cuộc vận động, các phong trào tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại phum, sóc. Những hoạt động, việc làm của người có uy tín đã và đang lan tỏa trong cộng đồng, qua đó cho thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng cộng đồng trong phum, sóc; trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.


Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ cung cấp nhu yếu phẩm hỗ trợ lực lượng chức năng phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 (Nguồn: danvan.vn)

    Theo Thượng tọa Lý Hùng, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ, Trụ trì chùa Puti Khôsa Răng sây cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động gần 12 tỷ đồng để thực hiện công tác từ thiện xã hội; trong đó, có hơn 1 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Nhà chùa và phật tử đã luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc Khmer, các ban, ngành trong việc hỗ trợ các suất ăn và các loại thực phẩm, như: mì, sữa, nước đóng chai… trong phòng, chống dịch bệnh Covid – 19. (Nguồn: danvan.vn).

     Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh nên các tỉnh, thành phố trên địa bàn Tây Nam Bộ đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Tuy nhiên, việc cách ly chùa Khmer với đồng bào dân tộc Khmer là hết sức khó khăn vì phong tục sinh hoạt, văn hoá của đồng bào Khmer gắn liền với chùa. Với vai trò của mình, chức sắc, sư sãi, Ban Quản trị các chùa Khmer đã gương mẫu thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg; vận động từng phum, sóc thực hiện các biện pháp cách ly và ghi bảng cảnh báo khi xuất hiện có trường hợp nhiễm bệnh Covid - 19; đồng thời, các chùa Khmer treo bảng thông báo trước cổng chùa, kèm theo hướng dẫn rõ ràng cho phật tử phòng, chống dịch.


Ban Quản trị chùa Seray Kandal chuẩn bị thực phẩm hỗ trợ các gia đình khó khăn trong khu cách ly (Nguồn: vinhchau.soctrang.gov.vn)

    Đại đức Lý Phét, trụ trì chùa Seray Kandal, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian này, nhà chùa dừng các hoạt động nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo tại chùa nhằm phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh Covid - 19... Đồng thời, nhà chùa vận động các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình phật tử khó khăn để mọi người yên tâm thực hiện tốt việc cách ly”. (Nguồn: vinhchau.soctrang.gov.vn).

Thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid - 19

    Người có uy tín trong dân tộc Khmer đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng, tuyên truyền, giải thích cho đồng bào dân tộc Khmer nắm và hiểu rõ tình hình dịch bệnh Covid - 19; từ đó tiến hành các hoạt động thiết thực chung tay cùng cả hệ thống chính trị ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh Covid - 19, cũng như công tác đảm an ninh, trật tự tại các phum sóc. 


Ban Quản trị các chùa Khmer cùng với Công an tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại cộng đồng (Nguồn:dangcongsan.vn)

    Thượng tọa Tăng Sa Vong, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Thời gian qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tăng ni, phật tử và bà con nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương”. (Nguồn: Dangcongsan.vn)

    Thời gian quan, người có uy tín trong dân tộc Khmer thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại phum, sóc dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Tuyên tuyền tại các chùa Khmer; đến tận phum, sóc, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền đến từng người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid - 19 và các nguy cơ lây nhiễm; phát tờ tờ rơi với nhiều hình ảnh minh họa có nội dung như: Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19; quy trình rửa tay đúng cách; biện pháp 5K… để phát cho từng người Khmer... Qua đó, góp phần đảm bảo sự bình yên của các phum, sóc trước đại dịch bệnh Covid - 19.


Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer phổ biến biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 cho phật tử (Nguồn: daidoanket.vn)

    Ngoài ra, đợt bùng phát dịch bệnh Covid - 19 lần thứ 4 (từ tháng 04/2021 đến nay) cũng là thời điểm dân tộc Khmer có những sự kiện văn hóa, tôn giáo quan trọng, như: Chôl Chnhăm Thmây, Phật đản, Sen Dolta, Ok Om Bok... Đội ngũ người có uy tín trong dân tộc Khmer, nhất là các chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer đã chủ động tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer cùng chung tay thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; vận động đồng bào Khmer chia nhỏ nhiều khoảng thời gian lên chùa Khmer để tránh tập trung đông người, vào chùa thắp nhang rồi về, không tụ tập ăn uống tại chùa Khmer, phum, sóc... Nhờ vậy, đồng bào dân tộc Khmer tổ chức vui đón lễ hội đầy đủ ý nghĩa truyền thống, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh Covid - 19.


Đại đức Chau Sóc Chanh cùng với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang tuyên truyền thông điệp 5K tới người dân trong dịp lễ Sen Dolta (Nguồn: baoangiang.com.vn)

    Thời gian qua, Đại đức Chau Sóc Chanh (Trụ trì chùa Nam Quy dưới, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và Ban Nhân dân ấp Phnom Pi (xã Châu Lăng) đã trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi, khuyên nhủ đồng bào dân tộc Khmer chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; vận động các con, người thân đang làm ăn xa không tự ý trở về địa phương, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đại đức Chau Sóc Chanh không quên nhắc bà con Khmer tổ chức lễ Sen Dolta gọn nhẹ trong từng gia đình, không tập trung đông người ăn uống ở chùa cũng như ở nhà để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.


Đồng bào dân tộc Khmer tổ chức đón lễ Sen Dolta chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh Covid - 19 (Nguồn: baovinhlong.com.vn)

    Những đóng góp quý báu của đội ngũ người có uy tín trong dân tộc Khmer trong tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 không những nâng cao nhận thức của đồng bào về tính nguy hiểm của dịch bệnh; sự cần thiết phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh… góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh trong vùng dân tộc Khmer, mà còn khẳng định rõ hơn tinh thần, sức mạnh của việc phát huy vai trò người có uy tín trong dân tộc Khmer theo nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân tộc và Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tình hình mới: “Phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”.

    Thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid - 19 trong vùng dân tộc Khmer có khả năng diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng virut mới nguy hiểm hơn (biến chủng Omicron…) và những nguy cơ tiềm ẩn khi thực hiện “trạng thái bình thường mới” trong phòng, chống dịch. Vì vậy, cần phát huy mọi nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và quan tâm, tạo điều kiện người có uy tín trong dân tộc Khmer tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; tiếp tục phát huy những hoạt động thiện lành, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của đội ngũ người có uy tín trong dân tộc Khmer đã làm trong thời gian qua; tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong sự phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer, nhất là đối với những người Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai… quay trở về phum, sóc sinh sống. Các cấp chính quyền cần kịp thời biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những cá nhân, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của người có uy tín trong dân tộc Khmer trong phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Bên cạnh đó, cần cảnh giác các hành vi lợi dụng phòng, chống dịch bệnh bệnh Covid - 19 để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin, ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa - Khoa An ninh xã hội

arrow_upward