Gương sáng

Bản lĩnh một vị tướng của Bản Mường – Một số vấn đề rút ra đối với xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Thiếu tướng, PGS, TS  Phan Xuân Tuy

Hiệu trưởng Đại học An ninh nhân dân

Thiếu tá Nguyễn Như Hùng

Phòng PX03, Công an tỉnh Hòa Bình


Lời Ban Biên tập: Nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2020) và cùng trao đổi về công tác giáo dục - đào tạo nói riêng, công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trí thức bậc cao cho ngành, Trang Thông tin điện tử Trường Đại học An ninh nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân và Thiếu tá Nguyễn Như Hùng, Phòng PX03 Công an tỉnh Hòa Bình được đăng tải trên Tạp chí Lý luận Chính trị Công an nhân dân Số đặc biệt (tháng 12/2020) về Thiếu tướng Bùi Đức Sòn - Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, một tấm gương về người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn phấn đấu, hy sinh vì Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tóm tắt: Trong nghiên cứu Tâm lý học, việc sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau như: phương pháp quan sát; phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động; phương pháp thực nghiệm; phương pháp trắc nghiệm… trong đó, nghiên cứu chân dung điển hình về các hiện tượng tâm lý trong thực tiễn học tập, công tác và cuộc sống là một trong những phương pháp nghiên cứu cơ bản, quan trọng nhằm minh họa rõ nét hơn những vấn đề lý luận được xác định trong nghiên cứu và trong khoa học tâm lý học. Bài viết về thiếu tướng Bùi Đức Sòn - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã phác họa phẩm chất nhân cách, những nét tâm lý tiêu biểu của người lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân trong công tác và chiến đấu, như là tấm gương về người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn phấn đấu, hy sinh vì Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Từ khóa: Bùi Đức Sòn; Công an nhân dân; bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

-----------------------------

Thiếu tướng Bùi Đức Sòn sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, giàu lòng yêu nước của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Bùi Đức Sòn đã sớm ý thức được việc học, luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để học tập, trau dồi kiến thức. Ước mơ từ thuở bé là được đóng góp công sức cho cách mạng đã trở thành hiện thực khi ngày 01/5/1974, Bùi Đức Sòn được tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân, được phân công làm việc tại phòng Cảnh sát I - Ty Công an Hòa Bình. Những ngày đầu đặt chân vào Ngành, anh không khỏi bỡ ngỡ bởi khối lượng công việc khá lớn, trong khi đó điều kiện làm việc, cơ sở vật chất cũ kỹ, tạm bợ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Bùi Đức Sòn nhanh chóng khẳng định được năng lực, anh tích cực học hỏi đồng chí, đồng đội, trau dồi kinh nghiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhờ nỗ lực học tập và công tác nên anh được Ban Giám đốc Ty Công an Hòa Bình cử đi học tại trường bổ túc văn hóa tỉnh, rồi hoàn thiện đại học tại Đại học Cảnh sát nhân dân và cử nhân chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong suốt quãng đời công tác, đồng chí trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chỉ huy, từ trinh sát, trưởng công an huyện, trưởng phòng, Phó Giám đốc rồi Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đến khi nghỉ hưu. Ở bất kỳ vị trí công tác nào, đồng chí đều tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy bởi Thiếu tướng Bùi Đức Sòn tâm niệm, chia sẻ “mình có nắm chắc thì mới lãnh đạo được anh em. Người chỉ huy cần bao quát toàn diện, dự báo tốt để chỉ đạo, định hướng, song cần có khả năng quy tụ anh em, khi tập thể là khối thống nhất thì mọi việc sẽ thành công''.

Vị tướng của nhân dân

Tiếp xúc với Thiếu tướng Bùi Đức Sòn, mọi người đều chung cảm nhận là ông dễ gần, thân thiện, nhất là với những cán bộ trẻ, ông tận tình hướng dẫn, giảng giải để họ hiểu hơn về cuộc sống và công việc. Là người trải qua nhiều lĩnh vực công tác, ông có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí nhiều việc, ông trực tiếp bắt tay làm cùng anh em. Ông gần gũi, động viên để họ có thêm nghị lực, phấn đấu vươn lên. Ông dành nhiều thời gian chăm chút cho giới trẻ, lắng nghe tâm sự, chia sẻ của họ để có biện pháp giải quyết phù hợp. Có lẽ vì thế mà giữa cán bộ trẻ với một vị tướng - Giám đốc Công an tỉnh không còn khoảng cách. Thiếu tướng Bùi Đức Sòn nhấn mạnh: “Những cán bộ trẻ là thế hệ tương lai của đất nước và của Ngành, chúng ta phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng một lứa kế cận có đủ tài, đủ đức gánh vác trọng trách nặng nề phía trước. Công tác xây dựng lực lượng luôn có vị trí then chốt trong việc xây dựng Công an tỉnh Hòa Bình chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại".


Thiếu tướng Bùi Đức Sòn - Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình

Một trong những nhiệm vụ mà Thiếu tướng Bùi Đức Sòn dành nhiều công sức và tâm huyết để xây dựng đó là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Bởi đây là cánh tay nối dài của lực lượng Công an. Tất cả mọi việc đều nảy sinh từ cơ sở, nếu chủ động phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ không để xảy ra mâu thuẫn, phức tạp. Phải tập trung củng cố, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc và rộng khắp, phải dựa vào nhân dân, tranh thủ ý kiến đóng góp của nhân dân thì người dân mới tin, mới yêu, mới giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Ông dành nhiều thời gian làm việc với bộ phận chức năng để họp bàn, tìm biện pháp phát triển phong trào, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Ông chỉ đạo các đơn vị công an địa phương trong tỉnh phải xây dựng bằng được các mô hình tự quản về an ninh, trật tự như: tổ an ninh, tổ tuần tra, tổ liên gia tự quản... bằng những cái tên thân thuộc, gần gũi với đời sống nhân dân như: “Tiếng kẻng bình yên” ở Bình Cảng, “Làng mán tự quản” ở Hưng Thi, hay mô hình “dòng họ tự quản” ở Tân Mỹ... Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có hàng nghìn mô hình tự quản về an ninh, trật tự, cụm an ninh giáp ranh hoạt động hiệu quả. Ông trực tiếp xuống cơ sở để gặp gỡ nhân dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và kiến nghị của nhân dân. Hình ảnh vị tướng cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân trở nên rất đỗi thân quen với người dân trong tỉnh. Ông luôn gần gũi, chia sẻ, động viên người dân vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tránh xa các thói hư, tật xấu ngoài xã hội. Mỗi dịp xuống cơ sở để gặp gỡ nhân dân là ông trở về nhà của mình, người dân quý mến, gọi ông bằng cái tên thân mật “vị tướng của nhân dân”.

Nói đến Thiếu tướng Bùi Đức Sòn là nhắc tới người chỉ huy xuất sắc của những trận đánh lớn, người đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, thậm chí cả tính mạng mình để xả thân cùng đồng đội, xông pha khắp các mặt trận chống tội phạm tại địa bàn cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. Trong bất kỳ tình huống nào, dù ranh giới giữa sự sống và cái chết trong gang tấc, ông luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, chỉ huy dày dặn kinh nghiệm trong chỉ đạo tác chiến. Nhờ đó, đã góp phần triệt phá, bóc gỡ nhiều băng nhóm tội phạm khét tiếng, nhiều đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng cực lớn.

Nước mắt người chỉ huy

Trong cuộc chiến chống tội phạm, Thiếu tướng Bùi Đức Sòn thể hiện khả năng thao lược tài tình, quyết đoán, dù có phải đương đầu với tội phạm côn đồ, hung hãn. Khó khăn, nguy hiểm nào, ông cũng vượt qua song khi chứng kiến đồng đội hy sinh đổ máu, bị thương khi làm nhiệm vụ ông lại không cầm được nước mắt. Có lẽ, đó cũng là điều dễ hiểu với con người sâu nặng, luôn coi đồng đội như người thân của mình. Ông quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách, tham mưu tuyển dụng thân nhân các đồng chí hy sinh vào ngành Công an để làm vơi đi nỗi buồn, cũng là để họ kế tục sự nghiệp vinh quang mà người chồng, người cha đã hy sinh thân mình vì nghiệp lớn.

Là vị tướng, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, ông dành cả cuộc đời mình, gắn bó với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại cửa ngõ Tây Bắc. Thiếu tướng Bùi Đức Sòn luôn tự hào rằng ông có đội ngũ cán bộ, lãnh đạo bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, cùng ông giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình, hình ảnh vị tướng, người thủ trưởng gần gũi, thân thiện, giàu tình cảm sẽ còn in đậm trong tâm trí mọi người. Ông đi vào lịch sử Công an tỉnh Hòa Bình không chỉ với tư cách là vị tướng Công an nhân dân đầu tiên của tỉnh nhà từ trước tới nay, mà còn bởi ông đã lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình gặt hái nhiều thành công trong giai đoạn đổi mới đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.


Thiếu tướng Bùi Đức Sòn trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ bắt cóc con tin, tống tiền tại nhà nghỉ Ánh Dương

Một số liên hệ đối với xây dựng người Công an nhân dân cách mạng

Thiếu tướng Bùi Đức Sòn là người dân tộc thiểu số - người Mường, lớn lên trong điều kiện gia đình, quê hương, đất nước rất gian khó; phải trải qua nhiều gian nan, vất vả mới trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân; suốt quá trình công tác, trải qua nhiều vị trí công tác và đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm... chắc hẳn ông đã không tránh khỏi phải đối diện với nhiều trở ngại tâm lý lớn đòi hỏi phải khắc phục, vượt qua để trưởng thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; có thể thấy đó là các trở ngại lớn sau:

Thứ nhất, tâm lý thiếu tự tin, thậm chí có thể mặc cảm, tự ti của không ít đồng bào dân tộc thiểu số trong xã hội về hoàn cảnh gia đình, điều kiện bản thân, đặc điểm tâm lý dân tộc; tâm lý thiếu tự tin về năng lực của bản thân, nhất là của cán bộ công an trẻ công tác tại cơ sở ở địa bàn đặc biệt khó khăn, công việc được giao rất mới lạ, thiếu kinh nghiệm và nhiều vất vả, nguy hiểm, rủi ro.

Thứ hai, áp lực công việc ngày càng không ngừng gia tăng theo cương vị lãnh đạo, chỉ huy được giao đảm nhiệm... nhất là trong chiến đấu có lúc cán bộ, chiến sĩ trước mất mát, hy sinh không tránh khỏi hoang mang... và tại thời khắc như vậy tất cả đều trông chờ vào người chỉ huy cao nhất ở bản lĩnh và quyết định trong chỉ huy chiến đấu...

Trên thực tế từ cuộc đời cho thấy Thiếu tướng Bùi Đức Sòn đã vượt qua được tất cả những trở ngại trên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trưởng thành và tỏa sáng. Cuộc đời công tác và cuộc sống của ông để lại trong cấp ủy, chính quyền các cấp, cấp trên, cộng sự, cán bộ, chiến sĩ, nhất là nhân dân trên địa bàn sự yêu quý, tôn trọng và nể phục. Đồng thời để lại cho mỗi chúng tôi thấm thía những bài học quý giá trong phấn đấu, rèn luyện, khắc phục những trở ngại tâm lý để trở thành người cán bộ Công an cách mạng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác công an và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, đó là các bài học:

Một là, bài học về trọng dân, gần dân, yêu quê hương, đất nước, yêu con người, ý chí vượt khó, vượt qua điều kiện, hoàn cảnh khó khăn phải được sớm hình thành từ tuổi trẻ, từ khi mới trở thành người chiến sĩ công an, không ngừng được vun đắp, duy trì và phát huy trong suốt cuộc đời của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Hai là, bài học về sự trung thành và giáo dục sự trung thành tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, mà trực tiếp là tinh thần, thái độ với công việc, nhiệm vụ được Ngành giao của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải luôn luôn là vô điều kiện - đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, Tổ quốc, nhân dân và Ngành cần đến. Sự trung thành tuyệt đối phải trở thành sự giác ngộ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, góp phần tạo thành động lực quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong công tác, cuộc sống.

Ba là, bài học về tự học suốt đời, học trong công việc, học đồng đội, học ở trường và nhất là gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, học nhân dân.

Bốn là, bài học về phối hợp lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ công tác công an, trong đó người cán bộ lãnh đạo công an phải sâu sát công việc, sâu sát thực tiễn, cơ sở.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an sẽ vượt qua được các khó khăn, trở ngại khi biết thực hành và phát huy các bài học trên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng lực lượng Công an nhân dân cánh mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong nội hàm của mục tiêu lớn lao này có nội dung xây dựng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có phẩm chất, năng lực, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại trong đó có trở ngại tâm lý nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo đó, thời gian tới cần đặc biệt quan tâm giải quyết đồng bộ hệ thống vấn đề, từ công tác tuyển chọn đầu vào, tuyển sinh, đến công tác giáo dục, đào tạo, bố trí, sử dụng, quản lý, kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng, chế độ, chính sách cán bộ... trong đó phải tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân nói riêng cũng như công tác cán bộ nói chung; đặc biệt coi trọng đào tạo, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng ngay từ những ngày đầu khi mới vào Ngành, hình thành năng lực, ý thức và thái độ đúng đắn, trách nhiệm cao về tự học suốt đời của mỗi cán bộ, chiến sĩ và của toàn lực lượng, coi trọng đào tạo cán bộ qua thực tiễn công tác, tại cơ sở; học gắn liền với hành và trải nghiệm sống đa dạng, phong phú. Đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần có chiến lược về đào tạo cán bộ công an là người dân tộc, kết hợp với làm tốt công tác bố trí, luân chuyển cán bộ.

P.X.T - N.H.H

 

arrow_upward