Diễn đàn trao đổi
Quán triệt quan điểm “Mỗi trường phải là một pháo đài vững chắc của chủ nghĩa xã hội” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trường Đại học An ninh nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 8 năm 2021
Trung tá, TS Nguyễn Quỳnh Anh
Phó Trưởng Khoa Lý luận Chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, T04
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là thiên tài trên lĩnh vực quân sự mà còn là nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (28/5/1911 – 28/5/2021), Trang Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tá, TS Nguyễn Quỳnh Anh cùng bạn đọc.
1. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là “mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng” . Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” . Theo đó, một trong những phương hướng cơ bản được Đảng đề ra trong quá trình lãnh đạo đất nước là làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Để thực hiện được điều này, công tác giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (giáo dục lý luận chính trị) có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (28/5/1911 – 4/10/2013) là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ là thiên tài trên lĩnh vực quân sự, có công lớn trong việc xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần xây dựng đường lối chiến tranh nhân dân và cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những chiến công hiển hách, Đại tướng còn là nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… Do vậy, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và giáo dục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều chỉ đạo mang tầm chiến lược đối với giáo dục, đặc biệt là giáo dục giáo dục lý luận chính trị. Theo Đại tướng, “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thể kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” .
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” và muốn có con người xã hội chủ nghĩa, tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì phải chăm lo vun trồng, giáo dục con người. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng cần phải đầu tư cho giáo dục cho thế hệ trẻ, những học sinh, sinh viên, trong đó điều quan trọng trước hết là giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trách nhiệm của hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta theo Đại tướng là “đào tạo thế hệ trẻ thành những người Việt Nam mới, những con người có tinh thần làm chủ và năng lực làm chủ, có lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản” . Ngày 19/11/1985, tại Lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển của ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Về chính trị, cần nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối chính sách của Đảng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa nhằm xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, rèn luyện phương pháp tư duy khoa học... Cần kết hợp chặt chẽ việc học tập lý luận cách mạng với việc tiếp cận với thực tiễn cách mạng, nâng cao vai trò làm chủ tập thể của học sinh trong học tập, rèn luyện, quản lý nhà trường và phục vụ xã hội. Mỗi trường phải là một pháo đài vững chắc của chủ nghĩa xã hội” .
Quan điểm “Mỗi trường phải là một pháo đài vững chắc của chủ nghĩa xã hội” của Đại tướng đã thể hiện một cách rất sinh động, sâu sắc nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ, những học sinh, sinh viên. Ở đây, Đại tướng đã chỉ ra nội dung quan trọng đầu tiên, cốt lõi của giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục Đại học nói riêng, cũng như yêu cầu, mục tiêu và phương pháp để thực hiện nội dung đó. Về nội dung và yêu cầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cần giáo dục, đào tạo con người một cách toàn diện. Tuy nhiên, việc giáo dục chính trị - tư tưởng phải được đặt lên hàng đầu. Yêu cầu của giáo dục chính trị - tư tưởng là phải nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối chính sách của Đảng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Về mục tiêu, theo Đại tướng, phải xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, trung thành với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, rèn luyện phương pháp tư duy khoa học. Về phương pháp, Đại tướng khẳng định phải kết hợp học tập lý luận cách mạng với việc tiếp cận thực tiễn cách mạng trong giáo dục chính trị. Đây chính là việc quán triệt nguyên lý thống nhất giữa lý luận với thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này đã được Hồ Chí Minh diễn đạt bằng luận điểm: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách” .
Có thể nói, trong quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải khiến thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, có đạo đức cách mạng và tri thức khoa học và có khả năng vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn cuộc sống, học phải đi đôi với hành. Hệ thống giáo dục phải “ra sức phấn đấu làm cho thế hệ trẻ đang học tập và rèn luyện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa có tinh thần làm chủ và tinh thần yêu nước, có lý tưởng xã hội chủ nghĩa và có kiến thức khoa học, có đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Phải làm cho người học sinh lúc còn ở trên ghế nhà trường cũng như sau khi ra trường phải biết tự hào và vinh dự là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tự hào là người thanh niên cộng sản, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” . Đạt được mục tiêu đó, thì việc giáo dục sẽ có vai trò to lớn trong việc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, bảo vệ các thành quả mà bao thế hệ đổ mồ hôi, xương máu vun đắp, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, trở thành pháo đài vững chắc của chủ nghĩa xã hội.
3. Trường Đại học An ninh nhân dân là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho lực lượng Công an nhân dân. Là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ nên chúng ta phải được trang bị một nền tảng lý luận chắc chắn, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lý do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị ở trường Đại học An ninh nhân dân được coi là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Công tác này góp phần quan trọng đưa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị, học viên của Trường Đại học An ninh nhân dân được trang bị thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, từ đó trung thành với Tổ quốc, dân tộc; sống có lý tưởng, hoài bão, góp phần cống hiến trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), với bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học” . Khẳng định của Tổng bí thư đã nhấn mạnh giá trị bền vững và tầm quan trọng của việc kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc làm đó vẫn luôn được bởi những người cách mạng, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đi tiên phong. Quán triệt quan điểm “mỗi trường phải là một pháo đài vững chắc của xã hội chủ nghĩa” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trường Đại học An ninh nhân dân, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị cho toàn bộ cán bộ, giảng viên, học viên trong Nhà trường. Trong quá trình này, phải nhấn mạnh việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị là nhằm bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa và cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà bao thế hệ đã hy sinh gìn giữ. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ lý do học tập các môn học này không chỉ xuất phát từ vấn đề ý thức hệ mà còn hướng đến việc nâng cao năng lực tư duy, trang bị thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, phương pháp luận khoa học và đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Đây là những hành trình cần thiết trong việc đào tạo, giáo dục con người toàn diện.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị theo hướng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc trình bày những luận điểm cốt lõi, những giá trị bền vững của học thuyết, tư tưởng này, chương trình, nội dung giáo dục cần cập nhật thực tiễn cuộc sống, hơi thở của hiện thực, tránh giáo điều, kinh viện. Với tinh thần đó, trên cơ sở chương trình, giáo trình thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có cơ chế và khuyến khích giảng viên xây dựng giáo trình, đề cương bài giảng và các tài liệu giảng dạy, tham khảo riêng phù hợp với tính đặc thù của học viên Trường Đại học An ninh nhân dân.
Thứ ba, đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục các môn lý luận chính trị theo hướng “lấy người học làm trung tâm”. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên cần nỗ lực chuyển động để có thể kết hợp các hình thức, phương pháp, phương tiện giảng dạy một cách hợp lý, kết hợp giữa các phương pháp truyền thống với các phương pháp tích cực nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của sinh viên. Điều này sẽ góp phần khiến việc giảng dạy, học tập trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc giáo dục lý luận chính trị thông qua các sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ. Chúng ta cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; thi hùng biện; các cuộc tọa đàm có liên quan đến chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lồng ghép việc giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua hoạt động thực tế, thực tập, qua các công tác xã hội mà học viên Nhà trường tham gia. Đó cũng chính là việc quán triệt phương pháp “kết hợp học tập lý luận cách mạng với việc tiếp cận thực tiễn cách mạng”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Nhân Dân điện tử (13/10/2013), Toàn văn lời truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/toan-van-loi-dieu-truy-dieu-dai-tuong-vo-nguyen-giap-186359/
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 33.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
7. Nguyễn Phú Trọng (16/5/2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-580609.html
8. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2014), Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
9. Võ Nguyên Giáp (2003), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.99