Diễn đàn trao đổi

Công an nhân dân với Lời dạy của Bác Hồ "Đối với tự mình phải cần, kiệm, kiêm, chính"

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tổ chức xây dựng lực lượng Công an nhân dân thành công cụ tin cậy của Đảng, vũ khí sắc bén của Nhà nước và là con em yêu quý của Nhân dân. 75 năm trước đây, ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Sở Công an Khu 12 khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.


Bức thư Bác Hồ gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, ngày 11/3/1948

    Đây cũng là lời huấn thị chung cho toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND), là di sản tinh thần thiêng liêng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng... giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi thời kỳ cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. 75 năm qua, lời huấn thị của Người đối với lực lượng CAND luôn mang tính thời sự và ngày càng trở nên có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay.

    Tư cách người Công an cách mệnh thể hiện trong các mối quan hệ với tự mình, với đồng sự, với Chính phủ, với Nhân dân, với công việc và với địch. Trong đó, “Đối với tự mình phải…” được Bác đặt lên đầu tiên, điều đó không chỉ mang ý nghĩa khuyên răn, nhắc nhở, mà sâu sắc hơn chúng ta còn phải thấy được yếu tố, khía cạnh mang tính bắt buộc. Bác Hồ nói: “Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác là vấn đề làm người”, “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”, “Tự mình trước mới giúp được người khác, mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. Người giải thích rõ: “Làm người thì phải chính tâm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đó là đạo đức của người cách mạng, là gốc, là cái căn bản để thực hiện lý tưởng và mục tiêu cách mạng”. Đối với tự mình có nghĩa là con người là quyết định. Cái gốc của con người là đạo đức, nên Bác dạy điều này là điều đầu tiên trong sáu điều răn người Công an cách mạng.

     “CẦN”, trong lao động được hiểu là siêng năng, cần cù, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng; làm năng suất trong bất kỳ công tác nào. Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Mỗi người lao động - trong đó có lực lượng Công an nhân dân phải nhận thức được lao động là vinh quang, là nghĩa vụ, là thước đo lòng yêu nước gắn bó với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là biểu hiện cụ thể của đạo đức, phẩm giá con người.

    Công việc của Công an trước đã nhiều, nay lại càng nhiều hơn, nặng nề hơn, phải bảo vệ an ninh cho tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Do vậy, nếu không có đức “Cần” thì làm sao có thể hoàn thành được nhiệm vụ lớn lao ấy. Kẻ địch của chúng ta ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thâm độc. Do đó, công an đánh địch không phải chỉ bằng sức mạnh vũ lực mà phải bằng cái đầu; phải có chiến lược, sách lược cụ thể; phải mưu trí, sáng tạo, linh hoạt thì đánh địch mới có hiệu quả. Đó chính là sự lao động cần cù, có kế hoạch, có sáng tạo, năng suất cao. Công an phải là những người có khả năng “Độc lập tác chiến” trong mọi tình huống, đây là một yêu cầu, một đòi hỏi không thể thiếu được cho công tác chiến đấu trong thực tiễn của mỗi một cán bộ chiến sỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với lao động là phải tự lực cánh sinh, không ỷ lại, không dựa dẫm. Công an là công an của nhân dân, phải vì nhân dân mà phục vụ, đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc. Bảo vệ Nhân dân cũng chính là bảo vệ chính mình.

    “KIỆM” tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức.

    “Kiệm” đối với CAND trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết. Bởi nước ta còn nghèo, người dân còn nhiều khó khăn, còn phải huy động biết bao nhân lực, vật lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng từ thực tế hoạt động của lực lượng Công an trong thời gian qua cho thấy, đức “Kiệm” chưa thực sự được quán triệt, quan tâm đúng mức. Lao động phải cần cù, siêng năng nhưng phải biết tiết kiệm sức lao động. Muốn vậy thì khi làm việc gì cũng phải có định hướng, có kế hoạch thật cụ thể và phải có sự chuẩn bị chu đáo. Trong khả năng của từng người, phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành công việc được giao trong thời gian nhanh nhất nhưng vẫn phải đảm bảo được hiệu quả, chất lượng. Đó chính là tiết kiệm thì giờ. Công an từ Nhân dân mà ra, muốn hoạt động được thì phải dựa vào Nhân dân, do đó, khi làm việc gì cũng phải tính toán, phải hết sức tiết kiệm sức người, sức của để có lợi cho dân, cho nước. Làm được như vậy cũng chính là tiết kiệm được cho bản thân mình. Phải biết “góp gió thành bão”, tuyệt đối tránh tình trạng hội họp, liên hoan xa xỉ, hoang phí; làm việc cốt ở nội dung, chất lượng, không bày vẽ, không khoa trương hình thức mà gây tốn kém không cần thiết.

    “LIÊM” tức là trong sạch, luôn luôn tôn trọng, gìn giữ của công và của dân; không được xâm phạm, tơ hào đến một đồng xu, hạt thóc, cây kim, sợi chỉ của Nhà nước, của Nhân dân. Không vì cái lợi vật chất trước mắt mà đánh mất phẩm chất đạo đức. Điều này hết sức quan trọng, Công an được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho những quyền hành nhất định, những quyền đó là để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, chống lại kẻ thù chứ không phải lợi dụng quyền ấy mà nhũng nhiễu, hạch sách Nhân dân. Thật đau đớn biết bao nếu chúng ta không gục gã trước họng súng của quân thù mà lại gục ngã trước những “viên đạn bọc đường” của địch, bị chúng lôi kéo, mua chuộc và tiếp tay cho hoạt động phạm tội của chúng.

    Học chữ “Liêm”, người Công an cách mạng không được cậy quyền, cậy thế mà đục khoét của dân, ăn của đút lót, hối lộ hoặc trộm của công làm của tư; không được ganh ghét, ghen tị, dìm người để giữ địa vị, danh tiếng của mình, tìm cách len lỏi, mánh khoé để leo cao; “Liêm” thì gặp việc phải, việc đúng dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy cũng dám đương đầu, không chùng bước; gặp giặc là phải quyết đánh và quyết thắng, không tham sống sợ chết. Bác cũng thường hay nhắc đến những lời dạy của các bậc tiền bối để giáo dục Công an: “Người mà không liêm, không bằng súc vật; Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”.


Bác Hồ đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tháng 14/2/1961. Ảnh: Tư liệu.

    “CHÍNH” nghĩa là ngay thẳng, đứng đắn. Người Công an cách mạng thì “Chính” đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ; luôn tự kiểm điểm để phát huy cái tốt, cái đẹp, đồng thời phát hiện và khắc phục cái khuyết điểm, hạn chế của bản thân mình. “Chính” đối với người nghĩa là không nịnh hót người trên, không khinh thường, trù dập người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, mạnh dạn nêu cao tinh thần phê bình, không dối trá, lừa lọc. “Chính” đối với công việc có nghĩa là phải để việc công lên trên hết, lên trước việc tư. Đã nhận nhiệm vụ gì, công việc gì thì quyết làm cho được, làm cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn nguy hiểm. Như Bác cũng đã từng dạy: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân”.

    “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là bốn đức nhưng giữa chúng có sự quan hệ mật thiết, không thể tách rời nhau, cũng như thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất. Do vậy, thiếu một tính thì không thành người. Bác coi “Cần, Kiệm” như hai chân của một con người, luôn phải đi đôi với nhau. “Cần” mà không “Kiệm” thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, còn “Kiệm” mà không “Cần” thì làm không đủ dùng, không có sự phát triển. Có “Cần, Kiệm” mà không có “Liêm, Chính” thì cũng chỉ là người vô dụng.

    “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” là việc làm thường xuyên, rất hệ trọng, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình; luôn luôn giữ mình cho thật trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước bất cứ sự mua chuộc, lôi kéo nào của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm những việc ty tiện, đớn hèn, làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như thế mới bảo vệ được uy tín, danh dự thiêng liêng và phát huy được truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.

    Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ có Sáu lời dạy CAND, là dịp để tự mình, mỗi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên trong lực lượng CAND suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm của mình tự rèn luyện, học tập, làm việc tốt nhất, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém góp phần xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của Nhân dân để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của lực lượng Công an, như chỉ đạo của Bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ; Còn Đảng thì còn mình; Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Nhữ Văn Duy, Khoa An ninh xã hội

arrow_upward