Ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay


Cách đây 47 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Nhân dân ta.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc và thế giới, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Chiến thắng thể hiện rõ nét ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, từ cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trải qua 21 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc kháng chiến lâu dài, đầy gian khổ, thử thách, cam go và ác liệt, với nhiều giai đoạn, đối phó với nhiều kế hoạch, chiến lược của Mỹ. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh, giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tiếp đến, từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng ta phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Đến giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến thắng trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Cuối cùng, từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực, thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đối với dân tộc Việt Nam, ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.

Đối với thế giới, thắng lợi 30/4/1975 đã thức tỉnh chủ quyền dân tộc của các quốc gia, cổ vũ các nước đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị, đô hộ của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; chiến thắng đói nghèo, lạc hậu và giảm dần sự phụ thuộc vào các nước lớn trong tiến trình phát triển của dân tộc, đất nước mình; gia tăng sức mạnh của lực lượng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh giữ gìn hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Đối với phong trào cách mạng vô sản, chiến thắng 30/4/1975 là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân, sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa xã hội, lý tưởng cao đẹp nhất của loài người. Như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ IV đã chỉ rõ: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của chủ nghĩa xã hội, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.

Với ý nghĩa to lớn đối với dân tộc và thời đại, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 sẽ mãi là động lực tinh thần vô cùng quan trọng và mạnh mẽ của đất nước, Nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động: Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định; các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng, với mức độ, quy mô khác nhau ở khu vực. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia… đang là những thách thức của các quốc gia trên thế giới. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Những điều đó đòi hỏi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần phát huy tất cả các nguồn lực vật chất và tinh thần, trong đó có tinh thần bất diệt của đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Theo đó, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chiến thắng 30/4/1975 vào chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần bất diệt của chiến thắng 30/4/1975   cần được phát huy toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ an quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh..., đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xem đây là động lực chủ yếu, là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, toàn dân đoàn kết, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp, chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội  với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo tiềm lực, cơ sở vật chất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, toàn Đảng, toàn dân tích cực chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, nhất là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai đồng bộ, thống nhất việc xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế trên các địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, góp phần tạo thế đứng chân vững chắc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy nội lực của đất nước; đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của các nước, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tích cực vào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Năm là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, từ khi chưa lâm nguy. Theo đó, không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng vững mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển, đảo. Thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, trong đó cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở; phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Sáu là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Phát huy truyền thống, kinh nghiệm của Chiến thắng 30/4/1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ thế và lực bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ gìn cuộc sống bình yên cho Nhân dân.


 Xây dựng Trường Đại học ANND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Tiểu ban Tuyên giáo và công tác quần chúng - Khoa An ninh xã hội

arrow_upward