Truyền thống Công an nhân dân

Công an nhân dân Việt Nam - 76 năm một bản trường ca

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 8 năm 2021


Đại tá, PGS, TS, NGƯT Võ Hồng Công

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND

 

    Trong bối cảnh trào dâng của cuộc Cách mạng tháng 8, từ ngày 13/8 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi, cơ hội cho nhân dân ta giành quyền độc lập đã tới, Đảng chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh kéo vào Đông Dương. Để thống nhất lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách và đề ra đường lối đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Ngay trong đêm 13/08/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc gửi Quân lệnh số 1 truyển lệnh tới đồng bào và chiến sỹ cả nước đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền.


 

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 với sự tham gia của các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân – Nguồn ảnh: giaoduc.net.vn

    Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội bằng việc đập tan cơ quan đàn áp của địch, thiết lập chính quyền cách mạng, cùng với đó các tỉnh Bắc Bộ lập Sở Liêm phóng; ở Trung Bộ lập Sở Trinh sát; ở Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công An nhân dân có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Từ thời điểm đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống của Công An nhân dân Việt Nam, đến ngày 12/12/2005, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN Công bố Luật Công An nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” [1].

    Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đùm bọc giúp đỡ của Nhân dân, trong 76 năm qua, lực lượng Công An nhân dân luôn kế thừa những truyền thống vẻ vang của dân tộc, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; chiến đấu ngoan cường trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, lập nhiều chiến công hiển hách. Xuôi dòng lịch sử về lại hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, tấm gương người chiến sĩ Công an khắc sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam về lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhân dân. Hòa cùng với sự phát triển của đất nước, trải qua quá trình rèn luyện, trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh; có kỷ luật và sức chiến đấu cao; kính trọng Nhân dân, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân; thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội; tận tụy với công việc; cương quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Và trong bản trường ca 76 năm ấy, dù thời chiến hay thời bình, dù trên trận tuyến phòng, chống tội phạm nóng bỏng, khốc liệt hay trên mặt trận tham mưu, xây dựng lực lượng, hay trong bất cứ hoàn cảnh nào lượng lượng Công An nhân dân vẫn luôn là những chương sáng ngời, đầy tự hào và trân trọng để tôn vinh, ghi nhận những hy sinh, cống hiến không ngừng nghỉ của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND, mặc cho bao bước chuyển mình của thời gian hay sự đổi thay của thời cuộc.

    Trên hành trình đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Ở đó, có những lời hứa về quê ăn Tết với người mẹ già vẫn còn dang dở; lời hẹn hò với con trai đầu lòng mới vài tháng tuổi chưa một lần gặp mặt; lời hẹn ước cùng người vợ tương lai với bao dự định về gia đình sum họp, ấm êm… nhưng không bao giờ trờ thành hiện thực. Nhiều khi tôi tự đặt cho mình những câu hỏi đầy băn khoăn, trăn trở: Vì đâu, vì điều gì mà họ có thể sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, cái quý giá nhất trong cuộc đời của mỗi con người, giữa thời bình không tiếng bom rơi, đạn lạc, không khói lửa chiến tranh? Phải chăng, khi đã lựa chọn nghề này, với họ, còn nhiều thứ thiêng liêng, cao quý hơn thế nữa, là An ninh Tổ quốc, là hạnh phúc của Nhân dân, là từng tấc đất, từng thước núi của cha ông để lại, là danh dự và truyền thống vẻ vang của cả một lực lượng, là niềm đam mê cháy bỏng với nghề, là vô vàn những thứ quý giá khác mà chưa thể gọi tên? Sự hy sinh cao cả, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân của họ là tấm gương sáng ngời về tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, là nguồn động lực, cổ vũ vô song của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng và Nhân dân giao phó. Lý tưởng “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân” trở thành phẩm chất cao quý của người Công an cách mạng. Để có được nền độc lập, tự do của Tổ quốc, để duy trì và giữ vững cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, chỉ tính riêng trong thời bình đã có hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ Công An nhân dân anh dũng hy sinh và hàng trăm nghìn chiến sĩ bị thương hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh và cống hiến to lớn của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công An nhân dân đã xây đắp và củng cố niềm tin yêu, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công An nhân dân.

 

Lễ diễu binh, diễu hành trong Ngày hội Quốc phòng toàn dân, năm 2021 tại Trường Đại học An ninh nhân dân - Ảnh ĐTN T04

    Trong những năm qua, lực lượng Công An nhân dân đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động, mặt công tác và được Đảng, Chính phủ đánh giá rất cao. Bộ Công an là đơn vị đi đầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, đảm bảo yêu cầu “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Công an. Nhiều phong trào ý nghĩa, giàu tính nhân văn, như: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công An nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”; hoạt động báo công, về nguồn, đền ơn, đáp nghĩa… Những khẩu hiệu: “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì Nhân dân”... đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở từng đơn vị. Xây dựng hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Công An nhân dân trong lòng Nhân dân để được Nhân dân tin yêu “đi dân nhớ, ở dân thương” trở thành nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, trên trận tuyến phòng chống dịch COVID-19, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ đã xông pha nơi tuyến đầu. Ngoài việc trực tiếp tham gia đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực bị phong tỏa; chốt kiểm soát an ninh phòng, chống dịch bệnh; khu vực cách ly tập trung… đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh… lực lượng Công An nhân dân còn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong truy vết các trường hợp nghi mắc COVID-19; vận động nhân dân thực hiện tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh. Chúng ta đặc biệt tự hào khi trên trận tuyến này có gần 750 học viên Trường Đại học An ninh nhân dân trực tiếp tham gia hỗ trợ cho Công an các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương… Họ không quản ngại khó khăn, nghiêm chỉnh, nhiệt thành thực hiện nhiệm vụ được phân công, nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó không chỉ là sự kế tục truyền thống vẻ vang của lực lượng Công An nhân dân, mà còn là minh chứng sinh động thể hiện chất lượng giáo dục, đào tạo, rèn luyện nhân cách và đạo đức của mái trường An ninh nhân dân anh hùng; là minh chứng sinh động nhất thể hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân”[2]; “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn” [3].

 

Sinh viên Đại học An ninh nhân dân xuất quân tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh ĐTN T04

    Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân và mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên có quyền tự hào khi đã có những đóng góp vào thành tích chung của toàn lực lượng; khi đã hàng ngày, hàng giờ nỗ lực phấn đấu, tận trung, tận hiến để không ngừng đưa Trường Đại học An ninh nhân dân ngày càng phát triển, xứng đáng là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín cùa ngành Công an. Trong bối cảnh giai đoạn mới với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là Đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như An ninh, trật tự của đất nước và quá trình giáo dục, đào tạo của Nhà trường, nhưng với nội lực đã có, bằng niềm tin và tinh thần trách nhiệm cao nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu tin tưởng rằng từng cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi chương trình năm học 2021 - 2022 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học An ninh nhân dân lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

V.H.C

 ------------------------

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005): Luật Công an nhân dân, Điều 11, trang 2. 

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.312.

3. Sđd, tập 7, tr.270.

 

 

arrow_upward