Điều tra hình sự

Một số vấn đề bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến điều tra tội phạm về vật liệu nổ và hướng hoàn thiện trong thời gian tới

     Trong quá trình điều tra tội phạm về “vật liệu nổ” (VLN) ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật hình sự về tội “Cđược quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015), cơ quan điều tra (CQĐT) còn phải nghiên cứu thêm văn bản pháp lý liên quan trực tiếp như luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019;Nghị định số 18/2002/NĐ-CP, ngày 18/02/2002 của Chính Phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính Phủ, về “Sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ - CP ngày 18/02/2002 của Chính Phủ” (gọi tắt là Nghị định số 18); Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95 (nay là Điều 304 BLHS năm 2015), Điều 96 BLHS năm 1985 (gọi tắt là Thông tư số 01).

     Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản pháp lý nêu trên, tác giả nhận thấy một số điểm còn chưa sát hợp, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác điều tra, xử lý loại tội phạm này, đòi hỏi cần phải nhanh chóng bổ sung, chỉnh sửa và hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới, cụ thể như sau:
    Thứ nhất, định khung hình phạt căn cứ vào định lượng thuốc nổ các loại và thuốc pháo, thuốc phóngTheo quy định tại Điều 305 BLHS năm 2015, một trong những tình tiết định khung hình phạt đối với tội phạm về VLN là căn cứ vào định lượng “thuốc nổ các loại”, cụ thể:
   “1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 % đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
     5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.[4,5]
     Với quy định này, có thể thấy định lượng về “thuốc nổ các loại” được quy định tại điểm b, khoản 2 từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam”, điểm a, khoản 3 từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam”, điểm a, khoản 4 100 kilôgam trở lên”, còn đối với khoản 1 thì không có quy định cụ thể. Do vậy, đã có nhiều trường hợp thắc mắc không biết có phải chỉ cần đối tượng thực hiện một trong các hành vi thuốc nổ các loại từ lớn hơn 0 đến dưới 10 kilôgam thì đều sẽ bị xử lý theo khoản 1, Điều 305 BLHS năm 2015 hay không. Để trả lời vấn đề này, CQĐT có thể tham khảo quy định tại khoản 1, Mục III, Thông tư liên ngành số 01/TTLN, cụ thể:
     “1. Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ với số lượng sau đây, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự:
a) Thuốc nổ các loại từ 1kg đến 15kg.
b) Thuốc pháo: từ 3kg đến 30kg.
c) Thuốc phóng: từ 1kg đến 10kg.”[8]
Và sau này tại khoản 8, Điều 4 Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS đã kế thừa gần như “nguyên bản” Thông tư liên ngành số 01/TTLN, cụ thể:
     “8. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với số lượng sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 305 của Bộ luật Hình sự:
a) Thuốc nổ các loại: từ 01 kg đến dưới 15 kg.
b) Thuốc pháo: từ 03 kg đến dưới 30 kg.
c) Thuốc phóng: từ 01 kg đến dưới 10 kg.[3]
     Tuy nhiên, khi so sánh quy định tại Điều 305 BLHS năm 2015 với Thông tư liên ngành số 01/TTLN, Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS, nhận thấy còn có điểm chưa thống nhất về định lượng “thuốc nổ các loại”, cụ thể theo quy định tại Điều 305 BLHS năm 2015 nếu đối tượng có hành vi thuốc nổ các loại”, từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam” thì sẽ bị xử lý vào khoản 2 của điều luật, trong khi Thông tư liên ngành số 01/TTLN và Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS lại quy định người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt “thuốc nổ các loại” “từ 01 kg đến 15 kg”, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 305 BLHS năm 2015. Như vậy, trường hợp từ 10 kilôgam đến 15 kilôgam thì sẽ bị xử lý theo khoản nào, nếu căn cứ theo “giá trị” văn bản pháp luật thì đối tượng sẽ bị xử lý về khoản 2 Điều 305 theo đúng quy định của BLHS năm 2015.
     Do vậy, để đảm bảo thống nhất, tác giả đề xuất thời gian tới trước khi Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS năm 2015 được thông qua, cần chỉnh sửa lại khoản 8, Điều 4 Nghị quyết theo hướng “từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam” cho phù hợp với quy định tại Điều 305 BLHS năm 2015.
     Ngoài ra, đối chiếu các văn bản nêu trên, có thêm một điểm cần quan tâm là tại Điều 305 BLHS năm 2015 chỉ nhắc đến định lượng về “thuốc nổ các loại” mà không định lượng về “thuốc pháo, thuốc phóng” như trong khoản 1, Mục III, Thông tư liên ngành số 01/TTLN và khoản 8, Điều 4 Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS, điều này cũng phù hợp để đảm bảo tính “gọn, nhẹ” cho BLHS. Tuy nhiên, Thông tư liên ngành số 01/TTLN và Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS chỉ định lượng về “thuốc pháo, thuốc phóng” chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 305 BLHS năm 2015, mà không có ở các khoản tiếp theo của điều luật. Với trường hợp này, có hai hướng điều chỉnh:
(1) Bổ sung định lượng về “thuốc pháo, thuốc phóng” vào các khoản 2, 3, 4 tại Điều 305 BLHS năm 2015 giống như “thuốc nổ các loại”.
(2) Bổ sung định lượng về “thuốc pháo, thuốc phóng” vào các khoản 9, 10, 11 Điều 4 Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS, tương ứng với các khung hình phạt 2, 3, 4 Điều 305 BLHS năm 2015.
     Tác giả đồng ý với hướng điều chỉnh thứ hai, vì nếu bổ sung vào Điều 305 BLHS năm 2015 sẽ làm Bộ luật trở nên nặng nề và không cần thiết, việc định lượng này chỉ cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn.
     Thứ hai, quy định về bảo quản vật chứng là VLN trong quá trình điều tra.
     Việc bảo quản đối với vật chứng vụ án là VLN, được quy định tại Nghị định số 18 cụ thể:   
Điểm d, khoản 1, Điều 8 Nghị định số 18 quy định: “Vũ khí quân dụng, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 18 được sửa đổi, bổ sung quy định: “1. …mỗi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, (sau đây gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh) được tổ chức một kho vật chứng trong khu vực kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh để tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, [1,2]
     Từ những quy định trên, thấy rằng đối với vật chứng vụ án là VLN ngay sau khi thu giữ, cơ quan thụ lý vụ án phải thực hiện việc niêm phong và gửi ngay vào kho vật chứng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án để bảo quản, các kho vật chứng của CQĐT không được phép giữ, bảo quản loại vật chứng này và thực tế đối với những VLN phổ biến thì việc thực hiện quy định như trên là rất thuận lợi. Thế nhưng, đối với những VLN không phổ biến, khó có thể xác định sơ bộ ngay được, thì Bộ chỉ hủy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án chỉ nhận bảo quản sau khi đã có kết quả giám định kết luận là VLN. Điều này sẽ không phức tạp nếu tất cả VLN đều được gửi đi giám định, thế nhưng có những trường hợp CQĐT chỉ gửi mẫu đại diện, do đó xuất hiện tình trạng CQĐT phải tự bảo quản VLN còn lại đến khi có kết quả giám định, trong khi theo quy định CQĐT không được bảo quản đối với vật chứng là VLN, thêm vào đó cơ sở vật chất cũng không cho phép.
     Để giải quyết vấn đề này, có hai quan điểm:
(1) Bổ sung thêm quy định về tiếp nhận đối với vật chứng nghi là VLN trong thời gian chờ kết quả giám định vào Nghị định số 18, ngoài ra từng địa phương có thể xây dựng quy chế phối hợp giữa CQĐT, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án và các đơn vị có liên quan trong tiếp nhận, bảo quản, xử lý vật chứng là VLN và vật chứng khác có tính chất nguy hiểm tương tự, trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời gắn với đặc thù từng địa phương.
(2) Xây dựng kho vật chứng chuyên dụng để bảo quản vật chứng là VLN và vật chứng khác có tính chất nguy hiểm tương tự do CQĐT quản lý.
     Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, vì phù hợp với văn bản pháp luật hiện hành, đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo tính khả thi cao. Trong khi nếu thực hiện theo quan điểm thứ hai thì hoàn toàn ngược lại, sẽ phát sinh thêm rất nhiều vấn đề như chi phí xây dựng kho vật chứng chuyên dụng; bố trí, đào tạo cán bộ chuyên môn phụ trách quản lý; sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, xây dựng quy định, quy chế mới về bảo quản, bàn giao sau khi có kết luận giám định; trách nhiệm, quan hệ phối hợp… Thêm vào đó, qua khảo sát cũng cho thấy trường hợp bất cập như đã nêu là có xảy ra nhưng không nhiều, nên việc xây dựng kho vật chứng chuyên dụng do CQĐT quản lý và nhiều vấn đề kèm theo là không cần thiết.
     Thứ ba, quy định về giao nhận vật chứng là VLN giữa CQĐT và cơ quan thi hành án khi chuyển hồ sơ vụ án để Tòa án xét xử.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi kết thúc điều tra, trường hợp đề nghị truy tố thì CQĐT chuyển hồ sơ đề nghị truy tố đến Viện kiểm sát, Viện kiểm sát truy tố và chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án để xét xử, khi tiếp nhận hồ sơ các cơ quan đều phải kiểm tra đầy đủ tài liệu theo quy định tại Điều 238, 276 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nếu CQĐT chưa chuyển giao đầy đủ vật chứng theo quy định thì Tòa án không nhận hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, đối với vật chứng là VLN thì CQĐT không thể chuyển giao cho cơ quan thi hành án như những loại vật chứng thông thường, vì cơ quan thi hành án không có chức năng bảo quản loại vật chứng này, do đó vật chứng là VLN sẽ không được thể hiện trong biên bản giao nhận vật chứng (cơ quan thi hành án không được nhận vật chứng nên không ký nhận). Trường hợp này, hồ sơ chỉ có biên bản giao nhận vật chứng là VLN giữa CQĐT với Kho quản lý vũ khí thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý điều tra vụ án.
    Để khắc phục vấn đề này, tác giả đồng ý với quan điểm của tác giả Dương Văn Thịnh[9], cụ thể khi chuyển vật chứng cho cơ quan thi hành án, CQĐT phải gửi kèm theo đầy đủ tài liệu, biên bản về việc giao nhận vật chứng giữa CQĐT và Bộ chỉ huy quân sự đang bảo quản vật chứng, không phải chuyển theo vật chứng loại này; đồng thời phối hợp với cơ quan thi hành án để thống nhất việc giao nhận “ba bên” giữa CQĐT - Bộ chỉ huy quân sự nơi giữ vật chứng - cơ quan thi hành án, sau khi kiểm tra vật chứng, hoàn tất thủ tục giao nhận thì cơ quan thi hành án tiếp tục gửi lại tại kho của Bộ chỉ huy quân sự để bảo quản theo quy định, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ra quyết định thi hành án theo quyết định của Bản án đã tuyên (tiêu hủy, sung công...)[9]. Trên cơ sở quan điểm này, tác giả cũng đề xuất thêm rằng, thời gian tới khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan, nhất là quy chế phối hợp, cơ quan chức năng cần quan tâm cập nhật hướng xử lý nêu trên.
Trên đây là một số vấn đề bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến điều tra tội phạm về VLN và hướng hoàn thiện trong thời gian tới, tác giả xin nêu ra để cùng trao đổi./.
ThS Nguyễn Thanh Hà
Khoa An ninh điều tra, Trường Đại học An ninh nhân dân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2002), ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ, Hà Nội.
2. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), 70/2013/NĐ-CP, ngày 02 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về viêc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ, Hà Nội.
3. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2021), Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS (bản dự thảo), Hà Nội.
4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật hình sự năm 2015, Hà Nội.
5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Hà Nội.
6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Hà Nội.
7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Hà Nội.
8. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) (1995), Thông tư liên ngành số 01/TTLN hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985, Hà Nội.
9. Dương Văn Thịnh (2021), Những vướng mắc từ thực tiễn trong việc xử lý đối với vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, https://vksndtc.gov.vn/, truy cập ngày 23/5/2019.

arrow_upward