Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, là dấu son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. 70 năm qua (07/5/1954 - 07/5/2024), Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn ngời sáng giá trị lịch sử sâu sắc và mang tầm vóc thời đại to lớn.
Một là, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo tiền đề quan trọng tiến tới ký kết Hiệp định Giơnevơ
Sau năm 1945, tại Đông Dương, được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đề ra và thực hiện Kế hoạch Nava nhằm xoay chuyển tình thế, hòng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và hy vọng tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp. Tuy nhiên, Kế hoạch Nava đã sớm bị đảo lộn, bước đầu phá sản bởi những hoạt động quân sự mạnh mẽ của quân và dân Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 13/03/1954, quân và dân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm cho tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp có nguy cơ bị tiêu diệt, cùng với đó là sức ép từ nhân dân tiến bộ thế giới lên án cuộc chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ đã được triệu tập, ban đầu bàn về vấn đề hòa bình ở Triều Tiên, đến chiều ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trước tác động to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 08/5/1954, chương trình nghị sự về giải quyết chiến tranh Đông Dương đã được đặt trên bàn hội nghị và hội nghị bàn về đình chiến ở Đông Dương bắt đầu. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, tạo ra thế mạnh của ta trên bàn đàm phán, đẩy Pháp vào thế bất lợi. Với chiến thắng này đã tạo cơ sở căn bản đưa đến thành công của Hội nghị Giơnevơ.
Ngày 21/7/1954, Pháp và các nước tham gia Hội nghị đã ký Hiệp định Giơnevơ đình chiến, lập lại hòa bình cho 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương, thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việt Nam sẽ thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế.
Hai là, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam thực hiện cuộc đấu tranh để thống nhất nước nhà
Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân. Nhờ đó, đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao… Với Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”, lẽ ra Việt Nam có hòa bình và tiến hành hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956, nhưng do hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta nên những điều khoản hết sức quan trọng trong Hiệp định không thực hiện được và đất nước tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả nước bước vào cuộc trường chinh đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh và vô cùng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước trong 21 năm để vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ba là, Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa về giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử thế giới. Chiến thắng này mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Với thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, trực tiếp là trận “Tổng giao chiến” ở Điện Biên Phủ, Kế hoạch Nava bị phá sản thảm hại, buộc thực dân Pháp phải kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương kéo dài trong gần 9 năm. Thất bại ở Điện Biên Phủ là thất bại chiến lược của đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời báo hiệu sự kết thúc của đế quốc Pháp trên phạm vi thế giới. Chính từ thất bại nặng nề này, Chính phủ Pháp phải xem xét lại vị thế và các chính sách của mình đối với các nước vốn là thuộc địa cũ, buộc phải trao trả độc lập cho nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ mà đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam trở thành nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang sử mới cho nhân loại, góp phần thay đổi cục diện thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trên phương diện quốc tế, Chiến dịch Điện Biên Phủ có một ý nghĩa rất lớn và đã đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đế quốc Mỹ trong một chiến dịch quân sự lớn. Kết cục chiến dịch này được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại âm mưu duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương của Pháp và buộc Pháp phải đàm phán, ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Bốn là, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp
Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị lịch sử sâu sắc và mang tầm vóc thời đại to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã khẳng định đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với ý chí quyết chiến, quyết thắng, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, khẳng định chủ trương chiến lược và sự chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng tạo trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn bè quốc tế, nhất là nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Campuchia đã cùng Việt Nam chung sức, chung lòng, đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau chiến đấu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, quân đội còn non trẻ nhưng biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, biết vũ trang toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, được bạn bè và nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ, ắt giành thắng lợi.
Năm là, Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục khẳng định chân lý chiến lược “Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch”
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến công giữ nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam, bổ sung, làm phong phú và nâng cao các giá trị truyền thống của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, quy tụ sức mạnh tiềm tàng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chuyển hóa thành sức mạnh trong thực tiễn chiến đấu, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên truyền thống yêu nước. Kế thừa truyền thống đánh giặc của dân tộc và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới, Đảng đã lãnh đạo thực hiện toàn dân kháng chiến với mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân, toàn dân tộc tham gia. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên được sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên, ta tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực vào một trận, đánh, động viên các chiến trường trong cả nước và hai nước bạn Lào, Campuchia chiến đấu phối hợp với chiến trường chính. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhân dân các dân tộc khắc phục khó khăn, ngày đêm phục vụ chiến dịch. Hàng chục vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong, tham gia làm đường, vận tải, phục vụ chiến trường, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hàng trăm kilômét, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, địch đánh phá ác liệt. Ta đã làm được một việc mà kẻ thù không thể ngờ là có thể làm được. Số vật chất và nhân lực mà đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV… đóng góp cho chiến dịch là rất lớn, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội xây dựng trận địa và chiến đấu ròng rã trong nhiều tháng. Các địa phương đã huy động trên 26 vạn dân công (trên 14 triệu ngày công), cả vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, phục vụ tiền tuyến. Huy động 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và nửa thô sơ; cung cấp cho chiến dịch 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác (số huy động tại gốc). Tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn 20 nghìn tấn.
Sáu là, Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm cổ vũ to lớn trong cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa, phụ thuộc để giành độc lập dân tộc
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân của Pháp tại Đông Dương mà còn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thức tỉnh và cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân “lăn xuống dốc và tan rã”, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn. Gần hai thập kỷ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng loạt các nước ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ - Latinh đã lần lượt giành được độc lập với hình thức và mức độ khác nhau; phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, với niềm tin được cổ vũ mạnh mẽ bởi chiến thắng này, các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960, đã có 17 nước châu Phi giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ.
Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng những giá trị lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên, đã, đang và tiếp tục làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng phấn đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đánh giá về ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta từng khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân.
Ngày nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển tuy vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường; các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá toàn diện… Để chủ động phòng ngừa làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, không để đất nước bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với lĩnh vực quân sự, quốc phòng an ninh. Tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị xã hội đất nước. Coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc sự đoàn kết thống nhất dân tộc để làm nền tảng, động lực phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đôc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá, PGS.TS Hà Trọng Thà, Trưởng khoa Khoa An ninh chính trị nội bộ.