Xây dựng Đảng
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” trong bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ hiện nay
Nguyễn Thị Diệu Linh - D28C
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng và để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó chính là hệ thống quan điểm, tư tưởng của Người trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan điểm về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”.
Trước hết, về khái niệm, lý luận là một hệ thống các quan điểm phản ánh thực tiễn, được thể hiện dưới dạng hệ thống những tri thức đã được khái quát, tạo ra những quan niệm tương đối hoàn chỉnh về các mối liên hệ cơ bản và các quy luật của hiện thực khách quan [1]. Cùng với đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”. Còn thực tiễn là toàn bộ những hoạt động có tính lịch sử - xã hội của con người.
Như vậy, với Hồ Chí Minh, lý luận được hình thành trên cơ sở tổng kết, khái quát và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó, có thể thấy rằng lý luận không thể ra đời một cách tự phát, mà nó đòi hỏi phải được bổ sung, hoàn thiện, phát triển thông qua tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Một khi lý luận xuất phát từ thực tiễn, được chứng minh trong thực tiễn và khi vận dụng vào thực tiễn, lý luận sẽ trở nên phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và con người. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng”. Lý luận là quan trọng, là cần thiết trong chỉ đạo thực tiễn, do vậy lý luận phải luôn gắn với thực tiễn, và quan điểm này được xem là một trong những nguyên tắc căn bản trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc học tập. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và Người coi nhiệm vụ diệt “giặc dốt” cũng quan trọng như nhiệm vụ diệt “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập vào tháng 5 năm 1950, Người cho rằng: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.
“Học” là một hoạt động nhận thức tích cực. Đó là quá trình tiếp thụ tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng và các phẩm chất văn hoá - đạo đức một cách tích cực, toàn diện và thường xuyên của mỗi người. Còn “Hành” tức là thực hành, là làm việc. Theo Người, “Hành” là con đường duy nhất, hiệu quả nhất, là mục tiêu cuối cùng của học tập, là sự vận dụng những điều đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nếu “Học” là việc tiếp thu tri thức, kinh nghiệm thì “Hành” là việc vận dụng những tri thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn vào hoạt động lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên, xã hội và cải tạo chính bản thân mình. Theo Người, việc học phải luôn gắn bó, không tách rời với hành, học để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống vốn đa dạng và phong phú. Nếu học mà không hành, không áp dụng vào thực tế chẳng khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không thể trôi chảy [2]. Quan điểm đó của Người đã trở thành một bài học sâu sắc và có tác dụng kêu gọi mọi người đem việc học gắn bó với thực tiễn nước nhà, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng, đất nước ta đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay, công tác bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) đóng một vai trò vô cùng đặc biệt, là một trong những thành tố quan trọng quyết định đến sự ổn định chính trị và phát triển toàn diện của đất nước. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ ANQG đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Để đạt được thành công này thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh góp một phần không nhỏ, đặc biệt là quan điểm “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”. Song nhìn chung công tác bảo vệ ANQG trong thời kỳ hiện nay vẫn còn nhiều điểm cần phải lưu ý khắc phục. Đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa bị đẩy lùi. Ðấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” chưa sắc bén, hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do chủ thể tham gia công tác bảo vệ ANQG nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, đặc biệt là do sự bất cập, hạn chế trong việc gắn lý luận với thực tiễn, giữa học với hành. Trong công tác bảo vệ ANQG, cả đảng viên và người dân chưa gắn chặt lý luận với thực tiễn, các công tác còn mang tính chung chung, chưa gắn chặt với vấn đề thực tiễn đặt ra. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không thường xuyên cập nhật những thông tin, hiểu biết mới, việc tiếp thu kiến thức, tích lũy kinh nghiệm còn mang tính thụ động. Hiện nay, tình trạng lý luận xa rời thực tiễn, học không đi đôi với hành đang diễn ra khá phổ biến, đội ngũ cán bộ, đảng viên có người am hiểu lý luận, nhưng ít hiểu biết thực tiễn; số khác có hiểu biết thực tiễn, nhưng yếu về lý luận. Điều đó dẫn đến một số chủ trương, nghị quyết của Đảng được xây dựng chưa phù hợp với thực tiễn, hoặc phù hợp nhưng triển khai vào thực tế chậm và kém hiệu quả, thậm chí xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Tình trạng này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo vệ ANQG.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Cảnh vệ (Xuân Quý Mão 1963).
Để công tác bảo vệ ANQG được thực hiện hiệu quả, toàn Đảng, toàn dân, và cụ thể ở đây chính là lực lượng Công an cần phát huy vai trò then chốt của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” nói riêng. Cụ thể là:
Một là, trước hết các cấp lãnh đạo, Đảng ủy cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, trọng tâm là giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, làm cho thấm nhuần sâu sắc trong tư tưởng mỗi cán bộ, đảng viên và được thể hiện nhất quán trong mỗi hành động, lý luận luôn gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành.
Hai là, nâng cao trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý để tạo tiền đề, tấm gương sáng cho cấp dưới học tập và noi theo.
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” nói riêng. Việc tự học tập để nâng cao nhận thức phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Các nội dung học tập phải được đưa vào sinh hoạt chi bộ, trở thành nền nếp. Thường xuyên trao đổi, thảo luận, tự phê bình, phê bình, đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ, Đảng bộ luôn trong sạch, vững mạnh.
Lực lượng Công an nhân dân học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”
Bốn là, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lý luận xa rời thực tiễn, lý luận suông, không đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra hay học chỉ cốt lấy tấm bằng, phục vụ cho mục đích thăng quan, tăng cấp, học mà không áp dụng vào công việc, cuộc sống; khắc phục những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước nói chung và bảo vệ ANQG nói riêng. Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa đó, làm tốt những nội dung lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học phải đi đôi với hành theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay.
---------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phương Vinh (2019), Lý luận và xây dựng nền tảng lý luận, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia