Xây dựng Đảng
Quê nhà Quảng Trị với sự hình thành, phát triển lý tưởng và con đường cách mạng của đồng chí Lê Duẩn (tiếp theo và hết)
2. Gia đình - nền móng hình thành tư tưởng, tính tình và nhân cách của Tổng Bí thư Lê Duẩn
Đồng chí Lê Duẩn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thợ thủ công, có truyền thống yêu nước. Thân phụ đồng chí là cụ Lê Văn Hiệp, học chữ Nho và đỗ khoá sinh nhưng không tìm cách làm công chức cho nhà nước Pháp mà ở nhà làm nghề thợ mộc. Thân mẫu là cụ Võ Thị Đạo, bản tính hiền lành, phúc hậu, hay giúp người nghèo. Hai cụ sinh được 5 người con, Lê Văn Nhuận là con thứ tư. Theo lời kể của các cụ già trong làng thì năm lên 6 tuổi, Lê Văn Nhuận được cha cho theo học thầy Bộ Hoà, người cùng làng, sau đó lên học trường Phủ Triệu Phong, Trường Tiểu học Pháp - Việt Quảng Trị rồi học dự thính tại Trường Quốc học - Huế. Là con nhà nghèo, cậu bé Nhuận sớm có ý chí, nghị lực khác thường để học giỏi. Thấy cậu thông minh, bố cậu rất tin tưởng, đặt nhiều hy vọng và thường ưu ái cho ngồi hầu trà nước trong các cuộc đàm đạo về thời cuộc, về trách nhiệm nam nhi khi vận nước lâm nguy trong tộc họ, trong làng. Chính những cuộc đàm đạo của những con người nghĩa khí thuộc thế hệ đi trước ấy đã để lại ấn tượng sắc trong lòng cậu thiếu niên Lê Văn Nhuận. Tổng Bí thư từng hồi tưởng: “Khi còn trẻ, mỗi lần được ngồi ba, bốn người nói chuyện về cách mạng, chúng tôi thấy lòng phấn khởi như muốn bay, muốn nhảy, tưởng muốn đem sức mình lay chuyển cả đất trời mới hả dạ” [1, tr.29]. … Trải qua môi trường giáo dục tại các nhà trường do Pháp mở, chàng thanh niên Lê Văn Nhuận không chỉ tiếp thu tri thức khoa học, mở mang hiểu biết về văn hoá, con người và đặc biệt là các chiêu trò lừa mị, ngu dân của chế độ thống trị thực dân mà còn hấp thu tư tưởng yêu nước, thương nòi cũng như chí hướng canh tân, cách mạng của nhiều sĩ phu yêu nước đương thời. Anh đặc biệt bị hấp dẫn bởi tài trí, tâm huyết của chí sĩ Phan Bội Châu, qua thơ văn ông: “Lúc còn thanh niên, mỗi lần đọc thơ Phan Bội Châu, tôi thấy trong lòng có cái gì náo nức, như thúc giục mình vùng dậy, thúc giục mình phải làm ngay một điều gì cho Tổ quốc” [1, tr.27]. …
Trong khi ông Hiệp là một người cha luôn chăm lo cho gia đình, chăm chỉ, chịu khó làm ăn, quan tâm giáo dục con cái thì mẹ của Tổng Bí thư Lê Duẩn là một người phụ nữ mẫu mực, hiền từ, thương con vô hạn. Bà thường kể về cuộc sống khổ cực của ông bà ngoại và bà con làng xóm, chuyện người dì ruột tuy đã trưởng thành mà không có quần áo che kín thân, cảnh gia đình nhiều ngày không có bát cơm lót dạ… Những câu chuyện như thế thường làm cậu bé Nhuận gục vào lòng mẹ nghẹn ngào.
Tấm gương người cha quý trọng lao động, dốc lòng tìm môi trường học tập, rèn luyện tốt để con hình thành, phát triển chí hướng vì nước, vì dân đã thúc đẩy đồng chí Lê Duẩn sớm tìm tòi, đến với con đường cách mạng. Gương người mẹ tảo tần hôm sớm vì chồng con, cách dạy con bằng những câu chuyện đời, những mảnh ghép của phận người cực nhọc, lao đao vì thân phận nô lệ mất nước; nếp sống gia đình giản dị, thương người, gần gũi với xóm giềng và được xóm giềng quý trọng chính là nền móng đầu tiên hun đúc nên các phẩm chất yêu thương da diết, lối sống nghĩa tình, có trước có sau, chu đáo với mọi người xung quanh; ý chí sắt đá theo đuổi lý tưởng cách mạng đã xác định ở đồng chí Lê Duẩn.
3. Các giá trị từ quê hương, gia đình định hình mục tiêu, con đường cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn
Được nuôi dưỡng bởi truyền thống quê hương, làng xóm, dòng họ, gia đình nên từ thuở niên thiếu đến khi trưởng thành và giữ những chức vụ chủ chốt trong Đảng, đồng chí Lê Duẩn tỏ rõ là một người yêu lao động, trọng chính nghĩa và giàu tình thương. Những giá trị ấy đồng thời là mục tiêu, bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa mà ông khát khao cháy bỏng xây dựng thành công ở Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Duẩn lý giải: Chủ nghĩa xã hội là “lao động, tình thương và lẽ phải”, đó cũng là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng, hoàn thiện để mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, có thể làm chủ bản thân, làm chủ thiên nhiên và làm chủ xã hội (các nội dung trong tư tưởng “làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa” của Tổng Bí thư Lê Duẩn) [2].
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đối diện với những khó nhọc của đời sống, sự khắc nghiệt của chế độ lao tù, sự chực chờ của lưỡi lê, máy chém… chính phẩm chất bền bỉ chịu đựng, nồng nhiệt yêu thương, hăng hái cách mạng, lạc quan tin tưởng vào một ngày mai thắng lợi đã khiến đồng chí Lê Duẩn kiên định đến cùng lý tưởng vì độc lập, tự do cho dân tộc, cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân, vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trên chính quê hương mình. Tháng 10/1930, được Xứ uỷ Bắc Kỳ phân công làm Uỷ viên Ban Tuyên huấn, đồng chí bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Tháng 4/1931, khi phong trào đang phát triển mạnh, đồng chí cùng một số uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ bị mật thám Pháp bắt tại ngôi nhà số 8 ngõ Quảng Lạc, Hải Phòng. Bị kết án 20 năm tù cầm cố, đồng chí Lê Duẩn lần lượt trải qua các nhà tù Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo. Dụ dỗ, đòn roi và sự tra tấn dã man của kẻ thù không khuất phục được tinh thần, ý chí chiến đấu của người cộng sản trẻ tuổi. Trong tù, đồng chí trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức học tập, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Năm 1936, vừa được trả lại tự do, đồng chí đã góp phần tích cực khôi phục lại cơ sở Đảng ở Quảng Trị. Cuối năm 1936, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Trị được thành lập gồm Lê Duẩn, Hồ Xuân Lưu, Nguyễn Hữu Khiếu [3]. Đầu năm 1937, đồng chí Lê Duẩn vào Huế cùng Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu tham dự Hội nghị cán bộ một số tỉnh Trung kỳ, lập ra Xứ uỷ Trung kỳ lâm thời gồm Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu. Đến tháng 3/1938, Xứ uỷ Trung kỳ chính thức được thành lập do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư.
Tổng Bí thư Lê Duẩn người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong tìm tòi, nghiên cứu thực tiễn chiến trường miền Nam, góp phần hoạch định đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự say mê, hăng hái, chăm chỉ, kiên định mục tiêu cách mạng và các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với tư duy sáng tạo và trải nghiệm thực tiễn dày dạn hiếm có, đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp lớn vào việc xác định và giữ vững chủ trương giải quyết linh hoạt, phù hợp tình hình vấn đề ruộng đất ở miền Nam, vấn đề xây dựng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất (trong kháng chiến chống Pháp); đường lối chiến lược tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, con đường khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, phương pháp bạo lực cách mạng tổng hợp, tư tưởng phát huy thế chiến lược tiến công, tạo bước chuyển chiến lược của cuộc đấu tranh bằng việc đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chủ trương chớp thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam…
Chuyển sang thời kỳ Đảng lãnh đạo cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986), trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với tấm lòng thương yêu đồng chí, đồng bào, mong muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội để bù đắp đau thương, mất mát cho nhân dân trong và sau chiến tranh, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Trước những khó khăn, thách thức mới của đất nước do chính sách bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị của các thế lực thù địch; do cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tác động, đồng chí luôn trăn trở phải tìm cho được phương hướng, giải pháp tháo gỡ, ổn định đời sống nhân dân. Các dấu mốc quan trọng như: Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (tháng 12/1979) với tư tưởng “làm cho sản xuất bung ra”, thực hiện “Ba chương trình kinh tế lớn” - Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982) với chủ trương chấp nhận ba thành phần kinh tế ở miền Bắc, năm thành phần kinh tế ở miền Nam và lần đầu xuất hiện khái niệm “chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ”; Hội nghị Trung ương 8 khoá V (1985) về cải cách giá - lương - tiền… do Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trì chính là sự khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo của Đảng ta. Sự đổi mới “từng mặt, từng phần” về những vấn đề “chưa từng có tiền lệ” ở Việt Nam như thế là cơ sở để Đảng bổ sung, hoàn thiện và có đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI (1986)…
Suốt cuộc đời mình, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn hướng đến và cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc độc lập, thống nhất; nhân dân, trong đó có đồng bào trên quê hương yêu dấu của mình được no ấm, hạnh phúc, tự do. Đồng chí đã không ngừng phấn đấu, lao động, học hỏi và đấu tranh, trải qua nhiều môi trường rèn luyện, thử thách mà chưa từng nao núng, chùn bước hay suy giảm niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng, kháng chiến, của “lao động, tình thương và lẽ phải”, cũng tức là của xã hội xã hội chủ nghĩa. Những phẩm chất, nhân cách, lý tưởng cao đẹp ấy ở đồng chí không ngẫu nhiên mà có. Đó là sự kết hợp của các đặc điểm địa lý, tự nhiên, dân cư, văn hoá, truyền thống tốt đẹp của quê hương, làng xóm, dòng họ, gia đình và cốt lõi nhất là được hấp thụ bởi nhân tố chủ quan là cá nhân đồng chí Lê Duẩn, với quá trình tự vun đắp, trui rèn kiên trì, bền bỉ, không bao giờ khuất phục trước khó nguy, đúng như nhận xét của đồng chí Lê Văn Lương, cố Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Quảng Trị là một tỉnh đất không rộng, người không đông mà đã sản sinh ra cho đất nước Việt Nam, cho cách mạng Việt Nam một chiến sĩ cộng sản ưu tú, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một học trò xuất sắc của Bác Hồ như anh Lê Duẩn thật là một điều kỳ diệu” [1, tr.15].
Bài: Khoa K1, ảnh: Internet
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 . Thông tấn xã Việt Nam (2007), Sách ảnh “Tổng Bí thư Lê Duẩn”, Nxb Thông tấn, Hà Nội
2. Lê Duẩn (1975), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật. tr.86, , Hà Nội
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, LD.1.82,Hà Nội.