Xây dựng Đảng

Quan điểm về an ninh con người - Nội dung lý luận mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trần Hiếu

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND

1. Trải qua 35 thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1, tr.25]. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, “nguy cơ” lớn. Đó là sự tụt hậu kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình; sự hạn chế trong việc phát triển văn hóa, đảm bảo phúc lợi xã hội, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; sự diễn biến phức tạp của tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; sự chống phá của các thế lực thù địch. Những nguy cơ này đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trong đó có mục tiêu phát triển con người, đảm bảo an ninh con người. Vì vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên đã đưa vấn đề “an ninh con người” vào Văn kiện Đại hội và với tư cách là một nội dung lý luận mới. Thuật ngữ “an ninh con người” cũng được sử dụng 12 lần trong việc xác lập định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 – 2030 và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội, cũng như các nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp cụ thể khác.

Trong 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030 được Đảng ta vạch ra tại Đại hội XIII có có 02 định hướng đề cập đến đảm bảo “an ninh con người”, cụ thể: Định hướng thứ 5 là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...” [1, tr.116] và định hướng thứ 7 là “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…” [1, tr.117]. Nhiệm vụ thứ 4 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đảng xác lập trong nhiệm kỳ đại hội XIII vạch rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” [1, tr.202].



Với định hướng và nhiệm vụ trọng tâm như trên, theo quan điểm của Đảng, vấn đề an ninh con người được xem xét trên hai khía cạnh chính:

Ở khía cạnh thứ nhất, bảo vệ an ninh con người nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội. Đảng khẳng định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội…” [1, tr.148]. Đây là sự tiếp nối nhất quán nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề xã hội như một nội dung đặc biệt quan trọng vì mục tiêu phát triển con người. Đó cũng là hạt nhân của định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Ở khía cạnh thứ hai, bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia, coi an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc cần phải: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa [1, tr.156]. Trong quá trình này, nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng”. Với định hướng “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân” [1, tr.156]. Do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ an ninh con người, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

2. Sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” [1, tr.20], trong đó có những dấu ấn về phát triển con người, an ninh con người. Năm 2020, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4% kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%. Việt Nam cũng ngày càng đảm bảo cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi cho người dân; quy mô và chất lượng y tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng chống dịch Covid, bảo hiểm xã hội được mở rộng, tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%. Chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn… Những thành tựu trên suy đến cùng đều hướng đến con người, “bảo vệ an ninh con người”, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh thành tựu đạt được, vấn đề “an ninh con người” ở Việt Nam còn một số hạn chế, năng lực, trình độ nền kinh tế còn thấp ảnh hưởng đến đời sống vật chất của người dân; tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội...ở một số nơi chậm khắc phục, giảm nghèo chưa bền vững, phân hóa giàu – nghèo chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý; chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn, bất cấp; công tác lãnh đạo, quản lý “bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội” [1, tr.32] … Những hạn chế vừa nêu bắt nguồn từ nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất; công tác chỉ đạo, tổ chức yếu; năng lực quản lý, điều hành hạn chế, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tiếp diễn tạo ra những hậu quả xấu cho con người, xã hội…/. (Còn tiếp)

-------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Tô Lâm (2021), Đề cương chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

4. Hội đồng lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các văn kiện đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.  

arrow_upward