Tin Đại học ANND

“Tự do, hòa bình không phải dễ, có được bây giờ nhất định phải giữ”

Cách đây 46 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” [1].

Nghĩ về chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn này, chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh tụ tiền bối, các anh hùng liệt sỹ.... đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Thấu hiểu những hi sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất, kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

    “Tự do, hòa bình không phải dễ…”

Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt, người từng tham chiến tại Việt Nam viết trong cuốn “Chân trần, chí thép”: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với thế hệ vĩ đại nhất của đất nước này - một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác” [2]. Chính người Mỹ không bao giờ nghĩ rằng chỉ với một đội quân “chân trần”, Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng như không thể làm được giữa thế kỷ XX, bằng sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí độc lập tự chủ, lòng yêu chuộng hòa bình - dòng chảy từ “Nam quốc sơn hà” đến Tuyên ngôn độc lập.

Nhưng để có được nền hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao gian khổ hy sinh, trên mỗi con đường mỗi thửa ruộng đi qua in dấu chân biết bao người anh hùng. Trong các cuộc trường chinh của dân tộc, lớp lớp thế hệ cha anh lên đường ra mặt trận, bỏ lại sau lưng mẹ già, em thơ, vợ trẻ, họ chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, lịch sử được viết lên bởi những tấm lòng trung kiên về một thế hệ không biết cúi đầu, họ nguyện hiến dâng xả thân vì Tổ quốc.

Để có được tự do, hòa bình, chúng ta không thể nào quên ký ức “mùa hè đỏ lửa”, 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 -170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 đạn pháo. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta dành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.


Bức ảnh “Em bé Napalm” năm 1972 được bầu chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới trong 50 năm qua. Ảnh: Tư liệu

Để giành được chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972”, Nhân dân ta đã kiên cường chiến đấu với các loại vũ khí tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Trong 12 ngày đêm, riêng ở Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B.52 cùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom, huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; đồng thời làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đẩy lùi “tâm lí sợ hãi” về cái gọi là “sức mạnh khủng khiếp của không quân chiến lược Mỹ”.

Để có được chiến thắng tại Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, là kết quả của gần 5 năm đàm phán với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp Thế giới. Với thắng lợi của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đây cũng chính là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Sau cùng, để có được ngày toàn thắng 30/4/1975, đưa cả dân tộc hân hoan trong tự do, hòa bình, độc lập, thống nhất hai miền Nam Bắc, non sông thu về một mối. Chúng ta không thể nào quên 1.146.250 Liệt sỹ trên cả nước (849.018 Liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ); hơn 200.000 hài cốt Liệt sỹ chưa được tìm thấy, hơn 300.000 hài cốt Liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị…; trên 127.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại là Liệt sỹ; Mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị có chồng, sáu con đẻ, một con dâu và một cháu nội là Liệt sỹ; Mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam có chín con là Liệt sỹ…); gần 800.000 Thương binh và người được hưởng chính sách như Thương binh; hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù nổi tiếng (Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc…). Những con số trên để chúng ta thấy được cái giá của tự do, hoà bình là vô cùng quý giá.

    “… Có được bây giờ nhất định phải giữ”

Đã 46 năm, người dân Việt Nam sống trong hòa bình độc lập, lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới của thời đại mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đánh giá kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [2]. Những thành tựu to lớn đó đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; sự đoàn kết thống nhất một lòng, chung tay xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân.

Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong công cuộc xây dựng  và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Theo nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên, ngày 18/3/2021, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong đại dịch COVID-19; theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ năm trong ASEAN; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia; quan hệ đối ngoại cũng là điểm nhấn, cả về kinh tế và ngoại giao. Đầu năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un; đầu năm 2019, Việt Nam chính thức trở quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tháng 6/2019, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tại Hà Nội sau 9 năm đàm phán. Đặc biệt, chúng ta đã được tín nhiệm quốc tế rất cao, 192/193 quốc gia thành ᴠɪên bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 [3]. Những thành tựu đất nước ta đạt được không chỉ là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, mà đó còn là sự tri ân sâu sắc nhất đến những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất để đất nước có ngày hôm nay.


The Landmark 81 biểu tượng cho sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Thời gian tới, bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và thâm độc hơn. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi những giải pháp mới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận định “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [4].

Nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam, ôn lại chặng đường vinh quang chiến đấu dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để mỗi người chúng ta hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, giá trị của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; để bồi đắp lòng tự hào và tinh thần Việt Nam và nhân lên sức mạnh Việt Nam. Hòa bình là nền tảng vững chắc để đất nước xây dựng tiềm lực kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế, nhưng hòa bình phải được bảo đảm bằng sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và quyền tự chủ kinh tế... Người Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Chỉ có tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự tôn trọng giữa các quốc gia dựa trên giá trị chuẩn mực quốc tế mới đem lại cơ hội phát triển cho các quốc gia. Dân tộc Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, trách nhiệm và chủ động hợp tác với các dân tộc trên thế giới, nhưng cũng sẵn sàng đập tan những ý đồ xâm lăng và không cho phép bất cứ thế lực nào chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Hơn ai hết, tôi cũng như bất cứ người Việt Nam nào, đều quý trọng những ngày tháng hôm nay, trân trọng những thành quả có được sau 35 năm đổi mới, đất nước hòa bình, xã hội ổn định và phát triển. Bài học lớn nhất mà tôi tiếp thu từ lớp cha anh chính là lòng yêu nước và phát huy sức mạnh đoàn kết. Chúng ta tuyệt đối không cho phép bất kỳ ai xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chiến thắng 30/4 lịch sử. Tinh thần chiến thắng 30/4 đang cổ vũ dân tộc Việt Nam, nhất là những người trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay ý chí quyết chiến, quyết thắng, không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển, phải làm hết sức mình để xây dựng đất nước.

Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hoà bình và phát triển thịnh vượng, trước mắt phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra để hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu:

“Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”

Nhữ Văn Duy - K6

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1976), Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội.
  2. James G.Zumwalt (2019), Chân trần, chí thép, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2021, tập 02, tr.322.
  4. Hải Yến (27/3/2021), Nhiệm kỳ "vượt bão": Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN, không lâu nữa sẽ gia nhập Nhóm nước Phát triển thu nhập caohttps://soha.vn/nhiem-ky-vuot-bao-viet-nam-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-4-asean-khong-lau-nua-se-gia-nhap-nhom-nuoc-phat-trien-thu-nhap-cao-20210327094641618.htm, [truy cập 21/3/2021].
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2021, tập 01, tr.109.
arrow_upward