Tin Đại học ANND
Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức cán bộ, học viên về nguồn tại Khu di tích Chiến khu Đ
Thiết thực chào mừng Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2022), vào ngày 20/12/2022, Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức về nguồn tại Khu di tích Chiến khu Đ (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Tham dự hoạt động có các đồng chí trong Đảng ủy Trường, Đảng ủy, lãnh đạo Phòng Quản lý học viên và các học viên Quân đội đang gửi đào tạo tại Trường.
Trong khuôn khổ của chương trình, Đoàn về nguồn đã dâng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm Liệt sĩ huyện Bắc Tân Uyên; tổ chức tham quan, tìm hiểu về Khu Di tích chiến khu Đ; viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang, Khu bộ phó Khu 7 (1946), Ủy viên Thường vụ, tỉnh đội trưởng Thủ Biên (1950, Thủ Dầu Một - Biên Hòa), thi sĩ, chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977) với 02 câu thơ nổi tiếng:
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
Đoàn về nguồn dâng hương tại Đài Tưởng niệm Liệt sĩ huyện Bắc Tân Uyên
Quá trình tham quan, Đoàn về nguồn đã được chính quyền địa phương xã Đất Cuốc cung cấp các thông tin về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa tên gọi của danh từ “Chiến Khu Đ”; phạm vi, đặc điểm, vai trò của Chiến Khu Đ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Đoàn về nguồn tại vùng chiến đấu 5 xã của Chiến khu Đ
Có mặt tại Khu di tích Chiến khu Đ, các học viên Quân đội đang gửi đào tạo tại Trường bày tỏ lòng xúc động, biết ơn vì đang được đứng chân trên vùng đất từng là trung tâm kháng chiến, nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ như Tiểu đoàn 800, Trung đoàn 762, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5... Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của hai cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân ta, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, cũng như toàn Miền Nam Thành đồng Tổ quốc.
Khu Di tích chiến khu Đ vẫn sẽ là địa chỉ đỏ để tuổi trẻ lực lượng vũ trang nói chung và học viên Trường Đại học An ninh nhân dân nói riêng nhớ đến và về nguồn nhân các ngày lễ lớn của dân tộc. Hoạt động về nguồn càng có ý nghĩa sâu sắc vì địa điểm đào tạo thứ 2 của Trường có địa giới hành chính giáp ranh với Khu Di tích chiến khu Đ, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi Trường đóng quân.
Tin, ảnh: Phòng Quản lý học viên