Tin Đại học ANND
Một kỷ niệm không bao giờ quên
“Một kỷ niệm không bao giờ quên” – bài viết như lời tâm sự, lời chia sẻ của người thầy, người anh, người bạn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên, luôn tâm tư, trăn trở đối với quá trình xây dựng và phát triển Trường Đại học An ninh nhân dân. Nay Ban Biên tập Trang thông tin điện tử giới thiệu bài viết “Một kỷ niệm không bao giờ quên” (bài viết được thể hiện nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Trường Đại học An ninh nhân dân) đến toàn thể bạn đọc như sự tri ân đối với tác giả là Nhà giáo, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân – người đã dành trọn sự tâm huyết và để lại nhiều dấn ấn quan trọng trong lịch sử truyền thống của Trường Đại học An ninh nhân dân anh hùng.
Vậy là đã hơn 4 năm xa Trường, ra đi mà trong lòng rối bời bao nhiêu suy nghĩ, thôi thì đành chấp nhận bước vào trận mới như ngày đầu chập chững bước lên bục giảng, hai mươi lăm năm trong sự nghiệp trồng người cũng gọi là tạm đủ cho hành trang người lính. Tôi không ân hận gì về quyết định ra đi của mình, chỉ có chăng là những hoài niệm về một thời đã qua đầy ắp những kỷ niệm về một mái trường mà nơi đó mỗi thước đất đều có in dấu chân của mình - Trường Đại học An ninh nhân dân (ANND).
Năm nay, kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Trường An ninh miền Nam. Những ngày này, chắc thầy trò đang tất bật chuẩn bị mọi thứ cho ngày lễ hội, lòng tôi cũng nao nao như chính người trong cuộc. Nhớ lại lần đón danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang cách đây 5 năm, tôi được đồng chí Hiệu trưởng phân công thiết kế khán đài cho buổi lễ với một mệnh lệnh rất ngắn gọn: đẹp - hoành tráng. Suốt cả tuần đo đo vẽ vẽ cùng với anh em công nhân của công ty Minh Sơn, rồi thì công trình cũng được hoàn thành đúng như chỉ đạo. Chiều đó tôi và anh em được thầy Dư thưởng cho một trận cũng rất “hoành tráng”, đang thao thao bất tuyệt về công trình quá “vĩ đại” của mình thì đằng đông mây giông kéo tới đen kịt, rồi những hạt mưa to bằng mút đũa rơi lộp độp xuống mái che, cứ thế mưa rơi như trút nước. Gần 200m2 bạt của mái che như một cái chảo khổng lồ hứng đầy nước, dàn vì kèo bằng thép bắt đầu xiêu vẹo, rồi như một quả bom nước khổng lồ cả mái che đổ sập xuống mang theo nó là hàng tấn nước mưa, tôi chỉ kịp nhảy ra khỏi bàn và đứng ngắm nhìn cái công trình “vĩ đại” của mình bỗng chốc sụp đổ như là nó chưa hề tồn tại.
Phải làm lại, chỉ còn hai ngày nữa là đến lễ hội, làm lại bằng cách nào? Đêm đó tôi không tài nào ngủ được, tất cả những gì có liên quan đến mái che cứ chạy qua, chạy lại trong đầu để tìm cho ra nguyên nhân và cách khắc phục. Thế rồi những căn nhà mái lá trung quân, những tấm tăng nóc dùng để lợp nhà trong chiến khu được hiện lên rõ mồn một - bài toán đã có lời giải đáp, sao mà nó quá đơn giản. Tôi vội gọi đồng chí Bông, lúc đó là Trưởng phòng Hậu cần cũng đang “vật lộn” với lời giải của bài toán - bốn giờ sáng, hai anh em bắt tay, tôi tự thưởng cho mình một hơi thuốc lào - thật sảng khoái.
Sáng hôm sau, tất cả phải làm lại từ đầu, cũng quy trình ấy nhưng tốc độ tăng gấp nhiều lần, cũng tấm bạt đó nhưng nó được chia thành chín miếng nhỏ - đơn giản chỉ có vậy. Và, ngày kỷ niệm trọng đại được diễn ra với quy mô rất hoành tráng, hàng trăm đại biểu ngồi trên khán đài dưới cái mái che trông cũng rất hoành tráng. Chiều hôm đó, ngồi liên hoan chúc mừng thành công của lễ hội, một cơn mưa lại ập đến, nhìn những cơn gió ré qua mép của hai miếng bạt và những túi nước nhỏ đọng lại tôi mỉm cười tự cật vấn lòng mình: ừ, đơn giản chỉ có thế thôi sao? Hóa ra những kinh nghiệm để sống và tồn tại trong chiến tranh cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Sự cố trên đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên trong tôi và có lẽ đó là khuyết điểm mà tôi khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
Giờ xa trường, được đi đây đi đó, được tiếp xúc với nhiều cấp lãnh đạo của các địa phương, ở đâu cũng được đón nhận lời khen thật lòng của bạn bè, đồng chí nghe mà nở từng khúc ruột. Hiếm có mái trường nào có môi trường đẹp như Trường Đại học ANND, đẹp từ môi trường giáo dục đẹp ra môi trường tự nhiên. Dẫu vậy chúng ta còn nhiều việc phải làm, tôi cho rằng nhà trường trong thời gian tới cần phải chú ý hơn nữa tới chất lượng đào tạo của trường, những sản phẩm ra lò của chúng ta còn chậm tiếp cận với thực tiễn; thầy giáo của ta còn nặng về lý thuyết, quá ít thầy có kinh nghiệm thực tiễn…càng mỏng về bề dày kinh nghiệm. Suy cho cùng, thực tiễn chính là thước đo của toàn bộ quá trình đào tạo. Từ một sự cố nhỏ nêu trên cho tôi bài học quý báu về giá trị của thực tiễn, chỉ có qua sự kiểm chứng hết sức khách quan của thực tiễn mới đánh giá được sự đúng sai của một công trình, một ý tưởng… một sản phẩm. Khi tôi còn ở trường thì chưa, còn từ đó đến nay không biết đã có cuộc điều tra xã hội học nào trên quy mô khu vực để đánh giá chất lượng hàng ngàn sinh viên của 13 khóa ra trường? Trong điều kiện đất nước mở cửa hội nhập đã có hội thảo nào bàn đến sự điều chỉnh về chương trình và nội dung cho phù hợp? Ta bị hụt hẫng đội ngũ một giai đoạn, nay thì lực lượng quá hùng hậu song vẫn còn thiếu một cái, đó chính là kinh nghiệm và thực tiễn. Nhờ có bề dày kinh nghiệm và thực tiễn mà các bậc tiền bối của chúng ta dù không được học hành đến nơi đến chốn, không nhiều lý luận như bây giờ nhưng họ có đủ bản lĩnh để vượt qua những thời khắc khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Trong nhiều câu ngợi khen vẫn còn gợn lại sự đắn đo của vài anh em về chất lượng đào tạo, tôi cũng cảm nhận được điều đó. Không phải nhà trường không có nhiều giải pháp song cần có một cuộc đại phẫu thuật để đưa ra được pháp đồ điều trị thích hợp nhất. Một chút bâng khuâng lo lắng gợn lên trong lòng khi nghĩ về trường, tôi coi mình như một đứa con xa nhà không có dịp về thăm thường xuyên nhưng tôi vẫn luôn theo dõi từng bước đổi thay, trưởng thành của Nhà trường. Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống, tôi được biết Trường đang đề nghị Chính phủ phong tặng Huân chương Hồ Chí Minh, mong rằng điều đó là hiện thực. Tự hào là đơn vị Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chắc chắn thầy trò Trường Đại học ANND sẽ vươn lên xứng danh anh hùng trong thời kỳ đổi mới./.
Một số hình ảnh về Nhà giáo, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân