Tin khác

Sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh


Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an nhân dân

Là người tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh hiểu rõ chân lý “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Điều quan tâm hàng đầu của Người đối với cách mạng nước ta ngay sau khi giành độc lập là việc tăng cường chuyên chính vô sản, củng cố chính quyền nhân dân, giữ vững trật tự, trị an, phục vụ cho việc thiết lập trật tự xã hội mới, đồng thời trấn áp các lực lượng phản cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng: Công an nhân dân là bộ máy thực hiện chuyên chính vô sản, để “bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân” [4, tr.259]. Đây là việc rất quan trọng, nó liên quan đến vận mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội. Do đó Người yêu cầu công tác công an phải được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh nói: “Công tác công an rất cần, rất quan trọng nhưng đồng thời cũng rất khó. Tình báo, gián điệp đế quốc rất nguy hiểm. Cơ quan CIA cũng muốn chui vào để làm hại. Công tác Công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả” [5, tr.140].

Theo Hồ Chí Minh, Công an nhân dân phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, còn xuất phát từ tính nhân văn của chuyên chính vô sản, nền chuyên chính của đa số đối với thiểu số, được thực hiện không chỉ bằng bạo lực mà chủ yếu là giáo dục, thuyết phục để cảm hóa những phần tử chống đối, lôi kéo những người trung lập, những người lừng chừng đứng về phía cách mạng. Người khẳng định: “đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” [3, tr.280-281]. Tư tưởng đó, được Đảng ta quán triệt bằng những chủ trương hết sức cụ thể đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, quá trình hội nhập hợp tác ngày càng sâu rộng và việc giải quyết hậu quả chiến tranh cũng đang diễn ra hết sức tích cực, hiệu quả và nhân văn nhưng thực tế vẫn còn không ít cá nhân người Việt ở nước ngoài còn tư tưởng định kiến, xa lánh quê hương đất nước, tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết của dân tộc, Đảng ta luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước, do đó phải “Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc” [2, tr.2]. Ở đây, công tác Công an được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ đảm bảo nhận rõ nhiệm vụ cách mạng, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đồng thời có sự linh hoạt theo sự thay đổi của tình hình, phân biệt được địch ta, bạn - thù, biết được đối tác, đối tượng để qua đó sử dụng phương tiện, biện pháp và hình thức đấu tranh phù hợp, tranh thủ tối đa các lực lượng tiến bộ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, trải qua các giai đoạn cách mạng, căn cứ vào tình hình thực tế Đảng ta luôn có những chỉ thị, nghị quyết cụ thể để chỉ đạo công tác công an. Ngay từ những ngày đầu mới giành chính quyền và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tình thế đất nước trong cảnh “nghìn cân treo sợi tóc” và nhiệm vụ của cách mạng lúc này là bảo vệ, giữ vững chính quyền còn non trẻ. Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 05 - CT/TW quy định “Về nhiệm vụ và tổ chức Công an” [1] để lãnh đạo công tác bảo vệ trật tự trị an và phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 39-NQ/TW quy định “Về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất đất nước”, khẳng định những mặt hoạt động của lực lượng Công an, trong đó có công tác xây dựng lực lượng.

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới như Nghị quyết số 03-NQ/HNTW “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hòa bình của địch” và Nghị quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị “Về chiến lược An ninh quốc gia”, Nghị quyết số 40-NQ/TW “Về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công an trong tình hình mới” xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, Nhà nước và của các ngành… trong đó lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng”[5]. Các văn bản, nghị quyết này đã góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày một vững mạnh, thu hút đông đảo lực lượng quần chúng và huy động rộng rãi các ban, ngành, đoàn thể tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác an ninh trật tự.

Hiện nay, lực lượng Công an vẫn tiếp tục giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Tuy nhiên, với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước, các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nguy cơ về diễn biến hòa bình, công tác công an nhất thiết phải gắn chắt với sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã ban hành Nghị quyết 12 với chủ trương “xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nghị quyết này không những là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn, đảm bảo cho lực lượng CAND đủ sức bảo đảm an nội địa, phản kháng có hiệu quả và linh hoạt trước bất cứ sự thù địch nào từ các thế lực bên ngoài, đồng thời còn là cơ sở để lực lượng CAND hiện thực hóa mô hình công an bốn cấp với phương châm: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Nghị quyết 12 tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với việc xây dựng tổ chức và bộ máy công an trong giai đoạn phát triển mới, là định hướng để lực lượng CAND tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, bản lĩnh anh hùng và trách nhiệm là “lá chắn”, là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta thành nước phát triển nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

                                                                                                                        Đại tá, TS. Phạm Duy Hoàng

                                                                                                                        Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), Chỉ thị số 05 - CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức Công an.

2. Bộ Chính trị (2021), Kết luận số 12 - KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

arrow_upward