Tin khác

Phác họa tình hình chính trị, kinh tế Thế Giới năm 2022

Năm 2022, bức tranh tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc từ xung đột giữa Nga với Ukraine, theo đó đã gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả về chính trị, kinh tế trên trường quốc tế, đặc biệt là ở Châu Âu. Các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng, gia tăng ảnh hưởng, kiềm chế lẫn nhau. Mặt khác, với biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và Châu Á. Đây là những điểm nổi bật của tình hình chính trị năm 2022 cần đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi của kinh tế thế giới sau thời điểm đại dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2022 tương đối cao. Song, điểm đặc biệt đáng quan tâm là từ áp lực của thị trường tài chính quốc tế, cụ thể  là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với việc tăng lãi suất 4 lần 0,75 điểm (%) làm cho tỷ giá USD với tiền VNĐ diễn biến phức tạp, khó lường, tỷ giá tăng mạnh từ tháng 5/2022 đến tháng 11/2022 khi lạm phát tăng liên tục tại Mỹ. Và, để bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ngoài việc liên tục phải tăng giá USD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành tín phiếu, tăng lãi suất huy động… đây được coi là biện pháp hữu hiệu góp phần ngăn ngừa lạm phát. 


Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed)

Từ những cơ sở trên đây cho thấy, áp lực từ Fed là yếu tố quyết định khiến VNĐ liên tục mất giá so với USD và cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện thắt chặt tiền tệ và theo đó lãi suất VNĐ liên tục tăng. Việc liên tục tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến giá cả của các loại tài sản và dẫn đến trì trệ tăng trưởng trên các lĩnh vực nhạy cảm, như thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản… Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2023 và theo đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng (Mỹ là 4,6%), hệ lụy kéo theo là suy thoái của nền kinh tế trên thế giới và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các chuyên gia hàng đầu về kinh tế trên thế giới đều thống nhất nhận định năm 2023 kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 0,5%.

Ở Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt trong năm 2022. Ngày 08/9, ECB tăng lãi suất 0,75 điểm (%) sau khi đã tăng 0,5 điểm (%) trong tháng 7, đây là mức tăng cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời năm 1999. Lãi suất đối với hoạt động trợ cấp vốn ở mức 1,25%, lãi suất cho vay ở mức 1,5% và lãi suất tiền gửi là 0,75%. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết sẽ cân nhắc việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngày 14/12/2022, ECB tăng thêm 0,5 điểm (%). Đây là lần thứ 4 liên tiếp ECB tăng lãi suất mặc dù mức tăng lãi suất lần này thấp hơn những lần trước. Điều này cho thấy, dấu hiệu lạm phát có thể đã đạt đỉnh. 


Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì chính sách Zero Covid. Tháng 8, PBOC giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm, từ 4,45% xuống còn 4,3%; lần thứ 3 trong năm 2022 (lần gần nhất vào tháng 5/2022), lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,7% xuống 3,65%. Lãi suất của công cụ cho vay trung hạn, kỳ hạn một năm cũng được điều chỉnh giảm từ 2,85% xuống 2,75%; lãi suất cho hợp đồng mua lại giao dịch đều giảm thêm 10 điểm (%). Bên cạnh đó, PBOC cũng có nhiều biện pháp kiềm chế sụt giảm của đồng nhân dân Tệ nhằm đảm bảo an toàn về vốn thông qua việc nâng mức dự phòng rủi ro ngoại hối cho các hoạt động tài chính khi mua ngoại hối (từ 0% lên 20%) áp dụng từ ngày 28/9/2022. Điều này cho thấy, tình hình kinh tế, tài chính ở Trung Quốc cũng diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. 


Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid

Diễn biến của tình hình kinh tế, tài chính như trên đã tác động sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế của từng quốc gia trên thế giới như, khiến chi phí trả nợ vay tăng cao; lãi suất tăng thì người vay tiền phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán cho các khoản tín dụng, điều này đã thách thức cho từng công ty, tập đoàn và làm chậm quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh. Tình trạng này cũng làm tăng áp lực đối với các thị trường mới nổi có mức nợ công cao. Thậm chí, xuất hiện xu hướng thoái vốn từ các nền kinh tế mới nổi. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các quốc gia khác. Điều đó đã gây áp lực lên nền kinh tế cần vốn để đầu tư, đồng thời làm suy yếu đồng Nội tệ. Do vậy, từng quốc gia sẽ ứng phó bằng cách nâng lãi suất cao hơn, theo đó sẽ gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế ở từng quốc gia, nhất là các quốc gia đang trong giai đoạn phát triển.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển về kinh tế và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong năm 2022, như: kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp so với trung bình chung của thế giới. Kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực (có 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt). Tăng trưởng GDP đạt 8%, cao nhất trong 10 năm qua, trong đó nông nghiệp tăng 3%, công nghiệp và xây dựng tăng 9%, dịch vụ tăng 10%. Sự phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều ở các địa phương, nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng dưới 4%. Thu ngân sách Nhà nước tăng 20%, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 740 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021; xuất siêu trên 10 tỷ USD. Xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo và xuất khẩu nông sản đạt trên 53 tỷ USD. An ninh năng lượng được đảm bảo. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng đầu tư phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; đã thực hiện kịp thời các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, đặc biệt là SEA Games 31 được tổ chức thành công. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là Việt Nam được bầu là Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Vị thế, uy tín của nước ta ngày càng được nâng cao. Có thể nói, năm 2022, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, tự hào…


 Kinh tế Việt Nam có những diễn biến phục hồi nhưng đứng trước nhiều thách thức

Bức tranh kinh tế năm 2022 của Việt Nam với những kết quả rất tích cực như đã kể trên, tuy nhiên do chịu áp lực từ nguy cơ suy thoái toàn cầu. Xuất, nhập khẩu, một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế bị tác động ảnh hưởng. Đơn hàng giảm mạnh, nhất là hai quý cuối năm và tình trạng này có thể kéo dài trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hàng loạt. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi các kênh huy động bị ách tắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. So với nhiều nước trong khu vực, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tương đối thấp trong bối cảnh lạm phát đang bao phủ toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là mức cao nhất trong 6 năm (2017 – 2022) của CPI và năm 2022 cũng là năm áp lực lạm phát cảm nhận rõ nét qua sự leo thang về giá cả của nhiều mặt hàng. Trước hết là xăng dầu, mặt hàng thiết yếu của người dân liên tiếp lập đỉnh. Mặt bằng giá mới của nhiều hàng hóa, dịch vụ cũng được tăng theo xăng dầu, bào mòn túi tiền của người tiêu dùng; cuối năm, dù xăng dầu đã hạ nhiệt nhưng giá nhiều hàng hóa vẫn không giảm theo. Tương tự, trước những bất ổn kinh tế, địa chính trị, giá vàng SJC cũng lần đầu đạt ngưỡng (74,4 triệu/lượng) cao nhất từ trước đến nay. Sau khi lập đỉnh, giá vàng về vùng giá dưới 70 triệu và đang duy trì ở mức này. Giá USD trên thị trường cũng lập kỷ lục mới khi có lúc giao dịch trên mức 25.000 đồng. Năm 2022 do tác động, ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, xăng dầu ở Việt Nam đã trải qua 3 lần thiếu nhiên liệu trên thị trường. Đỉnh điểm là vào tháng 8, hàng loạt cây xăng tại TPHCM, các tỉnh phía Nam đồng loạt đóng cửa. Người dân chen chúc hàng giờ chờ tới lượt đổ nhiên liệu. Khan hiếm xăng dầu sau đó lan ra các tỉnh phía Bắc, nhiều cây xăng ngừng hoặc bán nhỏ giọt. Ngoài tác động từ thị trường của thế giới, nguyên nhân khiến thị trường năm nay bất ổn, là các doanh nghiệp đầu mối phải nhập hàng ở thời điểm giá cao, bán ra lúc giá thấp nên bị lỗ; chi phí kinh doanh xăng dầu tăng vọt nhưng không được điều chỉnh kịp thời. Đến nay, thị trường xăng dầu đã tạm ổn định sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý.

Về Y tế, sau thời gian chống Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, nhưng Ngành Y lại gặp khó khăn, thách thức. Nổi cộm là vấn đề thiếu thuốc, vật tư. Số liệu thống kê giữa năm cho thấy, 82% cơ sở y tế và 57% Bệnh viện Trung ương thiếu thuốc. Vật tư tiêu hao, hóa chất cũng nằm trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân phải tự mua thuốc, kim tiêm, dây chuyền dịch… trong khi các bệnh viện phải vay mượn thuốc lẫn nhau. Mặt khác, vì nhiều lý do khác nhau gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc trong vòng 18 tháng, khiến nhiều bệnh viện thiếu nhân lực, ảnh hưởng đến công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.  

Năm 2022 cũng đã chứng kiến việc xử lý sai phạm hàng loạt trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán… Nhóm đầu cơ cổ phiếu như FLC hay Louis Holdings… đã bị phát hiện và xử lý. Vì thế thị trường này đã bị ảnh hưởng, các chỉ số lao dốc, sụt giảm về thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư. Cá biệt đã bán tháo cổ phiếu, tín phiếu và chứng khoán. Về thị trường trái phiếu kênh đầu tư này bất ngờ bị siết chặt. Guồng quay với tốc độ cao bị khựng lại đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề khó khăn, nhất là thanh khoản. Việc giới hạn nhà đầu tư tham gia và yêu cầu phát hành trái phiếu riêng lẻ khiến giá trị phát hành rơi thẳng đứng. Một phần nguyên nhân đến từ lòng tin của nhà đầu tư, khi nhiều sai phạm bị khởi tố, khởi đầu là đợt phát hành hơn 9000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh và sau đó là Vạn Thịnh Phát… Trái phiếu là kênh đầu tư có tính an toàn, ít rủi ro hơn nhiều kênh khác đã bị nhiều nhà đầu tư quay lưng, từ chối. Nhiều doanh nghiệp lớn có tài chính ổn định và có quỹ đầu tư trái phiếu lớn cũng rơi vào tình trạng bị “tẩy chay”, bán tháo. Sự khựng lại của “bánh răng” quan trọng trong vòng quay vốn của nền kinh tế đã khiến dòng chảy tài chính bị gián đoạn, tạo thành nút thắt lớn...

Năm 2022 cũng chứng kiến việc ban hành hàng loạt Nghị quyết của Đảng. Một trong những điểm nhấn là Nghị quyết 18 với chủ trương quan trọng là bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức “phù hợp với giá phổ biến trên thị trường”. Việc thu hồi đất chỉ làm sau khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đất công dùng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi. Người có nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang sẽ bị áp thuế cao… Nhiều Nghị quyết quan trọng khác cũng được ban hành trong năm, như: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng…


Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Có thể nói, bức tranh chính trị, kinh tế thế giới năm 2022 có nhiều gam màu khác nhau. Hy vọng năm 2023 sẽ từng bước khắc phục, vượt lên khó khăn để vươn lên và thành công trong bối cảnh tình hình mới, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm tiếp theo của Thế kỷ XXI./. 

 Đại tá, PGS. TS Võ Hồng Công

Chuyên viên cao cấp T04











































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































arrow_upward