Tin Đại học ANND
Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức nghiệm thu Sáng kiến: “Sử dụng clip bài giảng, hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu trong giảng dạy Lý luận chính trị”
Thực hiện Quyết định số 740/QĐ-T04-P5 ngày 02/6/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân “Về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu sáng kiến”. Vào lúc 13 giờ 30 thứ tư, ngày 09/6/2021, Hội đồng đã tổ chức nghiệm thu Sáng kiến: “Sử dụng clip bài giảng, hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu trong giảng dạy Lý luận chính trị” của nhóm tác giả: Thượng tá Lê Thị Hiền Lương (Trưởng Khoa LLCT và KHXHNV), Trung tá Bùi Thị Hường và Thượng úy Nguyễn Hoài Bảo (giảng viên Khoa LLCT và KHXHNV).
Thành phần Hội đồng gồm có: Đại tá, PGS, TS. Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng (Chủ tịch Hội đồng); Thượng tá, TS. Nguyễn Công Kiên, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao (Ủy viên phản biện 1); Trung tá, ThS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ - Tin học (Ủy viên phản biện 2); Trung tá, ThS. Phạm Quang Điểm, Trưởng phòng Quản lý học viên (Ủy viên); Trung tá, TS. Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa LLCT và KHXHNV (Ủy viên); Trung tá, TS. Nguyễn Minh Châu, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học (Ủy viên); Đại úy, ThS. Phan Văn Thương, cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học (Thư ký). Cùng tham dự đánh giá nghiệm thu Sáng kiến có đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Hoàng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Đại tá, PGS, TS. Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng quán triệt trình tự, nội dung buổi nghiệm thu, phương pháp đánh giá sáng kiến
Hội đồng đã nghe đồng chí Chủ tịch quán triệt trình tự, nội dung buổi nghiệm thu, phương pháp đánh giá sáng kiến; nghe đồng chí Trung tá, TS. Nguyễn Minh Châu, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học trình bày yêu cầu, tiêu chí xác định, đánh giá tính “mới” của sáng kiến và hiệu quả của các sáng kiến cải tiến nói chung theo quy định về nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học An ninh nhân dân, trên cơ sở Quyết định số 500/QĐ-T47-NCKH ngày 14/4/2017 “Về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại Trường Đại học An ninh nhân dân”. Cụ thể:
- Có tính mới:
+ Không trùng nội dung với sáng kiến đã thực hiện trước đó;
+ Không trùng với sáng kiến của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;
+ Chưa được bộc lộ công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện được ngay;
+ Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện, trừ trường hợp nội dung sáng kiến để cập đến giải pháp điều chỉnh, hoàn thiện để nâng cao hiệu quả ứng các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm đó.
- Tính hiệu quả:
Sáng kiến được coi là đạt hiệu quả cao nếu việc áp dụng sáng kiến đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế (nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kỹ thuật) hoặc hiệu quả xã hội (nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người…) thuộc các lĩnh vực công tác của các đơn vị trong Trường. Việc đánh giá, xác nhận hiệu quả sáng kiến thuộc thẩm quyền của lãnh đạo các đơn vị nơi sáng kiến được áp dụng.
Sau khi thống nhất về tiêu chí đánh giá sáng kiến cải tiến, Hội đồng nghe đồng chí Thượng tá Lê Thị Hiền Lương - đại diện nhóm tác giả trình bày tóm tắt về sáng kiến: Lý do thực hiện sáng kiến; tính mới và tính hiệu quả của sáng kiến; một số khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức thực hiện và một số đề xuất nhằm tiếp tục nhân rộng, lan tỏa hiệu ứng, hiệu quả của sáng kiến.
Đồng chí Thượng tá, TS. Lê Thị Hiền Lương - đại diện nhóm tác giả trình bày tóm tắt về sáng kiến
Theo đó, sáng kiến có tính mới tiêu biểu là góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tư duy sáng tạo, phản biện, kỹ năng của học viên trong lập luận phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, cụ thể là trong giảng dạy môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhóm tác giả nhấn mạnh: Việc giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bằng kết hợp giữa clip và sự định hướng, giải đáp của giảng viên theo nguyên tắc “Chỉ giảng những gì học viên không thể tự nghiên cứu, tìm hiểu, giải đáp hoàn thiện”; tăng cường truyền đạt, hướng dẫn phương pháp, trình tự, cách thức lập luận, trình bày một vấn đề lịch sử Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận đường lối và quá trình tổ chức thực hiện đường lối của Đảng mà nhóm tác giả thực hiện thông qua clip không chỉ là phương pháp giảng dạy mới tại Trường Đại học An ninh nhân dân mà còn được Bộ môn Lịch sử Đảng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao và đưa vào giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên, học viên Cao học của Khoa.
Bên cạnh điểm mới về phương pháp, sáng kiến còn được thực hiện thông qua hình thức mới là sử dụng kết hợp các clip bài giảng, hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu, giữa hình thức, phương pháp trực quan với sự giao tiếp, trao đổi, phản biện giữa giảng viên và học viên; kết hợp giữa đơn vị giảng dạy với các đơn vị quản lý đào tạo, khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo trong quản lý hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học viên… Sáng kiến đã được nhóm tác giả khảo sát ý kiến nhận xét, đánh giá bước đầu của 226 học viên thuộc các hình thức đào tạo Liên thông Vừa làm vừa học, Vừa làm vừa học tại Trường và nhận được kết quả phản hồi tích cực; với 77% số học viên được khảo sát đánh giá mức độ từ “hiệu quả” đến “rất hiệu quả” trong tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy khi được áp dụng hình thức giảng dạy mới mẻ này (13% học viên đánh giá “bình thường”).
Nhóm tác giả sáng kiến
Trên cơ sở nội dung trình bày của đại diện nhóm tác giả, các Ủy viên Hội đồng lần lượt trình bày nhận xét và những vấn đề cần nhóm tác giả làm rõ, một số góp ý, đề xuất nhằm bổ sung, hoàn thiện sáng kiến…
Sau khi nghe ý kiến đánh giá của Hội đồng và phần giải đáp của nhóm tác giả, Chủ tịch Hội đồng kết luận như sau: Sáng kiến đã có ý tưởng sáng tạo trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào giảng dạy, đảm bảo tính “mới” về nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện; đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong thực tiễn, trong đó có hiệu quả kinh tế khi tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho quá trình tổ chức đào tạo, giảm áp lực công việc, tăng điều kiện, thời gian đầu tư vào hoạt động chuyên môn cho đội ngũ giảng viên. Nhóm tác giả cần nghiên cứu khắc phục các hạn chế, bổ sung, hoàn thiện sáng kiến theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng; đồng thời, có hoạt động tuyên truyền phù hợp về hiệu quả, cách thức tổ chức thực hiện sáng kiến để các đơn vị giảng dạy trong toàn trường tham khảo, học tập, áp dụng nhân rộng, trước mắt là với các môn học thuộc khối kiến thức khoa học Cơ bản.
Kết quả, Hội đồng đã thống nhất đánh giá sáng kiến đạt loại Xuất sắc.
Hội đồng nghiệm thu và nhóm tác giả sáng kiến chụp ảnh lưu niệm
Tin, Ảnh: Khoa K1