Tin Đại học ANND
Trường Đại học An ninh nhân dân tích cực quán triệt, vận dụng quan điểm chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng tại Đại hội XIII vào quá trình tổ chức giảng dạy
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng ta chủ trương: “Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng” [1]; “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” [2]. Quán triệt, vận dụng quan điểm chỉ đạo của Đại hội trong công tác tư tưởng của Đảng bộ Trường Đại học An ninh nhân dân, điển hình là trong quá trình tổ chức giảng dạy các lớp Bồi dưỡng bổ sung, hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ Trung cấp Lý luận chính trị; được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Chi ủy, lãnh đạo Khoa LLCT và KHXHNV (Khoa K1), đội ngũ giảng viên của Khoa đã và đang tăng cường các hình thức giảng dạy trực quan sinh động, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn như tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng, giao lưu với các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nghe báo cáo thực tế, xem phim tư liệu…
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 41/KH-T04 (K1) ngày 15/4/2021 của Ban Giám hiệu Trường Đại học An ninh nhân dân, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Trần Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Sáng nay, ngày 27/4/2021, Khoa K1 đã phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao (Phòng P3) tổ chức cho tập thể học viên lớp Bồi dưỡng bổ sung, hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ Trung cấp Lý luận chính trị liên kết Công an tỉnh Đắk Lắk khóa 2, năm học 2020 – 2021 đi tham quan thực tế tại Khu di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột, địa chỉ số 15 Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tập thể lãnh đạo và giảng viên, học viên Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia thực tế
Trong quá trình tham quan, học viên đã được nghe giới thiệu, thuyết minh về lịch sử hình thành, hoạt động của Nhà đày. Công trình này do thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 - 1931, để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, những người đi đầu các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và các giai đoạn cách mạng về sau. Nơi đây đã giam giữ nhiều nhà yêu nước, nhiều đảng viên cộng sản tiêu biểu như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Độ, Ngô Xuân Hàm...
Lãnh đạo, giảng viên, học viên nghe thuyết minh về Nhà đày
Qua hệ thống bằng chứng, hiện vật được trưng bày, tập thể giảng viên và học viên có dịp kiểm nghiệm bản lĩnh kiên cường, sư hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo, vô nhân tính mà kẻ thù từng áp dụng; ý chí, nỗ lực và những sáng tạo độc đáo của tù nhân trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện tri thức quân sự, văn hóa, chính trị. Khâm phục các thế hệ cán bộ cách mạng tiền bối, học viên Nguyễn Thị Hồng Mơ - cán bộ Công an huyện Eakar phát biểu: “Tuy sinh sống và công tác ở Đắk Lắk lâu năm nhưng đến hôm na, khi học tập chương trình kiến thức tương đương trình độ Trung cấp Lý luận chính trị và được Nhà trường, Khoa K1 tổ chức cho đi tham quan như thế này; bản thân tôi mới được khái quát, hệ thống hóa kiến thức và tự mình kiểm nghiệm lý luận trong thực tiễn. Quả thật, lịch sử hình thành, hoạt động của Nhà đày, tấm gương học tập, chiến đấu và hy sinh của các thế hệ ông cha đã khiến tôi thấm thía ý nghĩa của câu khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”… Học viên Lê Xuân Đạt - cán bộ Phòng Hậu cần xúc động chia sẻ: “Lần đến thăm Nhà đày này với tôi không phải là lần đầu tiên. Nhưng sau khi đã được nghe giảng lý thuyết, những gì tôi chứng kiến tại Nhà đày trở nên sống động và giàu ý nghĩa hơn hẳn. Tôi ngẫm rằng: Chúng ta hạnh phúc hơn các thế hệ đi trước biết bao khi được sống, công tác, học tập và rèn luyện trong bối cảnh đất nước hòa bình, ổn định, ngày càng phát triển. Có lý do gì lại không nỗ lực, phấn đấu hết mình? Tôi tin rằng bản lĩnh chính trị sẽ dần được củng cố qua các chuyến đi như thế này…”.
Đồng chí Nguyễn Trần Hiếu đại diện Nhà trường viết sổ cảm tưởng dành cho quan khách đến Nhà đày
Kết thúc chuyến tham quan, học viên được phát phiếu khảo sát về kết quả, ý nghĩa của hoạt động thực tế; ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả của hình thức tổ chức giảng dạy này cũng như hiệu quả hoạt động của Khu di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây là cơ sở quan trọng để Khoa K1, Phòng P3 nói riêng và Trường Đại học An ninh nhân dân nói chung quán triệt, vận dụng hiệu quả hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác tư tưởng vào thực tiễn quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr.38
2. Sđd, t.1, tr.172
Tin: Khoa K1, Ảnh: Học viên Lớp