Tin Đại học ANND

Tọa đàm khoa học cấp Trường: “Tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine và những vấn đề đặt ra với công tác bảo vệ an ninh kinh tế”

Hướng đến kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh kinh tế (13/5/1953 – 13/5/2022), chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, căn cứ Chương trình công tác năm học 2021 - 2022, Kế hoạch số 703/KH-T04-K9 ngày 06/5/2022 của Khoa An ninh kinh tế - Trường Đại học An ninh nhân dân và nhu cầu phối hợp, trao đổi thực tiễn với lực lượng An ninh kinh tế Công an các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ an ninh kinh tế trong tình hình mới. Vào lúc 13h00 ngày 12/5/2022, tại Phòng Hội thảo 2, Khoa An ninh kinh tế tổ chức tọa đàm khoa học cấp Trường với chủ đề: “Tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine và những vấn đề đặt ra với công tác bảo vệ an ninh kinh tế”.

 Tham dự tọa đàm, về phía Trường Đại học An ninh nhân dân có đồng chí Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trần Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng - chủ trì tọa đàm, cùng lãnh đạo, giảng viên Khoa An ninh kinh tế; đại diện lãnh đạo Khoa Phản gián; Phòng Quản lý Đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao; Phòng Quản lý học viên.

Về phía đơn vị thực tiễn và khách mời có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an các địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận) đang học tập tại Trường Đại học An ninh nhân dân; Đại diện Khoa Cảnh sát kinh tế, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và đại diện lớp TC17, VB2-TC2A, LC-C1A, Cao học 16.

 

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trần Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phát biểu tọa đàm

 Sau khi xem video tổng hợp tình hình xung đột Nga – Ukraine, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trần Hiếu đã cung cấp nhiều thông tin, gợi mở những tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đến kinh tế, an ninh kinh tế của thế giới và Việt Nam, tập trung vào các vấn đề: (1) đánh giá tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đến nền kinh tế toàn cầu; (2) đánh giá tác động của cuộc xung đột đến các nền kinh tế lớn như các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc - những thị trường chiến lược của Việt Nam; (3) tác động đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đến chiến lược vành đai con đường của Trung Quốc; (4) tác động đến kinh tế Việt Nam nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn từ Nga, Ukraine, Trung Quốc… áp lực lạm phát, tăng giá nguyên, nhiên liệu…; đánh giá dòng chảy đầu tư, cơ hội, thách thức với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và (5) tác động đến An ninh kinh tế, chính trị ở khu vực Biển Đông, an ninh xã hội của Việt Nam.

 

 Hình 2. Toàn cảnh buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi, tích cực với nhiều phát biểu có chất lượng, thể hiện nội dung sâu sắc. Với tổng cộng 08 tham luận được các đại biểu trình bày đã tập trung trao đổi, làm rõ những thiệt hại về quân sự, kinh tế, khủng hoảng về nhân đạo, căng thẳng về ngoại giao giữa Nga với Ukraine, giữa Nga với các nước phương Tây; vấn đề đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; những ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và đầu tư trên phạm vi thế giới và Việt Nam; hoạt động tình báo khoa học kỹ thuật, tình báo kinh tế của các nước phương Tây nhằm phục vụ cho chiến lược cấm vận, cô lập Nga về tài chính, dầu khí… khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra; tác động của cuộc xung đột đến nền kinh tế Việt Nam và các dự án đầu tư Nga ở tỉnh Ninh Thuận; dự án năng lượng điện tái tạo tỉnh Sóc Trăng nói riêng... Từ đó xác định những vấn đề đặt ra với công tác bảo vệ an ninh kinh tế.

 

Hình 3. Cán bộ thực tiễn phát biểu

Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trần Hiếu đã chúc mừng Khoa nhân ngày truyền thống của lực lượng An ninh kinh tế, biểu dương công tác tổ chức, tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm tình hình, đặc biệt tình hình xung đột Nga – Ukraine. Đồng thời, đồng chí cũng chỉ ra những vấn đề cần thực hiện trong công tác bảo vệ an ninh kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đó là: cần nhận thức rõ những tác động, chủ động nắm tình hình, dự báo để hạn chế hậu quả đối với kinh tế Việt Nam; chủ động nắm tình hình đối với doanh nghiệp xuất hàng đi Nga, Ukraine để hỗ trợ cho họ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ động đối phó với hoạt động lợi dụng xung đột Nga – Ukraine của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam, nhất là đấu tranh với hoạt động lợi dụng xung đột Nga – Ukraine xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước; chủ động phát hiện, đấu tranh với các hành vi tội phạm kinh tế như buôn lậu, trốn thuế, giam lận thương mại; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ vững chắc an ninh kinh tế, chính trị khu vực Biển Đông.

 

Hình 4. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trần Hiếu – Phó Hiệu trưởng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 Bài, ảnh: Phan Văn Dũng, Trương Văn Tuấn – Khoa An ninh kinh tế

arrow_upward