Tin Đại học ANND

Tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên Trường Đại học An ninh nhân dân

Ngày 18/11/2021, Trường Đại học An ninh nhân dân đã xây dựng Tờ trình số 2014/TTr-T04-P7 báo cáo đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an về việc xin chủ trương cho triển khai hệ thống máy đọc mã QR qua thẻ căn cước công dân gắn chíp, có tích hợp thông tin với phần mềm VNEID, PC-COVID và Sổ sức khỏe điện tử, phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin quản lý người ra vào cổng Trường và phòng chống dịch COVID-19. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thí điểm hệ thống này, từ ngày 11/01/2022 đến ngày 14/01/2022, Trường Đại học An ninh nhân dân đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên ngay tại Trường.


Ảnh: Cán bộ C06 tiến hành lấy dấu vân tay cho học viên Trường Đại học An ninh nhân dân

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên Nhà trường có thể thực hiện việc chuyển đổi từ căn cước công dân (CCCD) mã vạch, Chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử ngay tại Trường mà không cần phải về nơi thường trú hoặc tạm trú để làm theo đúng quy định. Với sự chuẩn bị kỹ càng và sự ớng dẫn tận tình, chu đáo cùng với tinh thần làm việc khẩn trương, tích cực của các cán bộ Cục C06, chỉ trong thời gian hơn 04 ngày làm việc, tổ công tác đã hoàn thành thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho gần 700 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên Nhà trường.


Ảnh: Cán bộ Cục C06 tiếp nhận thông tin từ học viên Trường Đại học An ninh nhân dân

Việc cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho công dân được Bộ Công an triển khai thực hiện căn cứ vào Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 03/9/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Theo đó, thẻ CCCD có gắn chíp điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau. Thẻ CCCD gắn chíp điện tử về cơ bản cũng giống như thẻ CCCD mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch mà nó sẽ thay thế bằng chíp điện tử dung lượng lớn. Thẻ CCCD gắn chíp sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.

Thẻ CCCD gắn chíp điện tử là xu thế mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng vì tính ưu việt cũng như tạo sự thuận lợi khi sử dụng cho công dân. Trước hết, so với CCCD sử dụng mã vạch, CMND 09 số và 12 số bằng phôi giấy thì thẻ CCCD gắn chip bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, có độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ lượng thông tin lớn hơn và có thể linh hoạt, mở rộng tích hợp thêm các thông tin, dữ liệu hay dịch vụ tiện ích trong tương lai. Khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin của các Bộ, ban ngành khác như thuế, bảo hiểm y tế, bằng lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác, thì có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí cho những thủ tục hành chính công, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử. Ngoài ra, với thẻ CCCD gắn chíp điện tử, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline, không cần đường truyền internet.

Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm kể từ ngày cấp còn đối với thẻ CCCD (cả mã vạch và gắn chip điện tử) sau lần cấp đầu tiên công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và trên 60 tuổi công dân không phải đổi. Như vậy, đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD mã vạch hoặc sau khi đổi sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử mà đến thời hạn tuổi quy định thì cũng phải đi đổi thẻ CCCD gắn chíp mới.

Việc đổi sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử là hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác của công dân. Đối với công dân đã có CCCD mã vạch thì khi đổi sang CCCD gắn chíp điện tử sẽ vẫn giữ nguyên số định danh của CCCD cũ. Còn đối với trường hợp công dân đổi từ CMND 09 số và 12 số sang CCCD gắn chíp điện tử thì sẽ được cấp số căn cước mới cũng là số định danh cá nhân của công dân.


Ảnh: Toàn cảnh buổi cấp CCCD gắn chíp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Đại học An ninh nhân dân

Có thể thấy, lợi ích và hiệu quả của việc làm thẻ CCCD gắn chíp là rất rõ ràng, đảm bảo được quyền lợi cho cá nhân, các giao dịch cá nhân được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước sẽ được hưởng những dịch vụ công tốt nhất, được kết nối, khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý của mình nhanh chóng, chính xác, độ tin cậy cao; minh bạch hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả của các dịch vụ hành chính công.

Với nhiều tính năng ưu việt nói trên, thẻ CCCD gắn chíp điện tử sẽ góp phần phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước và đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay./.

Tin, Ảnh: Phòng P1

arrow_upward