Tin Bộ Công an

Ý chí, nghị lực phi thường từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường

    Giá trị lịch sử không chỉ là câu chuyện về quá khứ, mà còn là thước đo của niềm tự hào dân tộc, qua đó giúp chúng ta trân trọng cuộc sống hiện tại và biết ơn những cống hiến, hi sinh của thế hệ đi trước. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những chiến thắng vĩ đại, thể hiện tinh thần, ý chí quật cường trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi vinh quang. Trong đó, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “Được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” [1].

    Vừa tròn bảy thập kỷ trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau và chưa ai có thể thống kê cụ thể các bài viết về Điện Biên Phủ. Bài viết này một lần nữa ôn lại lịch sử hào hùng, đề cao ý chí, nghị lực phi thường của Nhân dân Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó thúc giục thế hệ trẻ hôm nay sống trách nhiệm, tiếp tục vững bước kế thừa sự nghiệp của cha ông, xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

    Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định ý chí, nghị lực phi thường của Nhân dân Việt Nam

    Nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales), cho rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ gửi đi một thông điệp: Việt Nam sở hữu một nghệ thuật quân sự có thể đánh bại bất kỳ đạo quân xâm lăng nào và lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó” [2], thật vậy, nghệ thuật quân sự Việt Nam không chỉ nằm ở đường lối, sách lược, chiến lược chiến đấu đúng đắn, mà quan trọng hơn là ý chí, nghị lực phi thường của mỗi người Việt Nam với khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc.

    Trận quyết chiến tại Điện Biên Phủ diễn ra ở xa hậu phương của ta, nơi có địa hình, khí hậu rất khó khăn, phức tạp; hệ thống đường sá, giao thông chiến lược để phục vụ cơ động lực lượng, vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch hầu như chưa có. Cho nên, việc cung cấp, bảo đảm cho chiến dịch quy mô lớn, diễn ra dài ngày về vật chất hậu cần, kỹ thuật với một khối lượng chưa từng có là điều vô cùng khó khăn. Chính các nhà quân sự Pháp, Mỹ cho rằng, các đoàn dân công và đ¬ường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của chúng: “Một dân công mang 30 ki-lô-gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô-tô vận tải chuyển đ¬ược 2 tấn rưỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Như vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Da-cô-ta mang 5 tấn, bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng rưỡi đồng hồ?” [3]. Chúng không thể ngờ rằng, với ý chí, nghị lực phi thường, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, quân dân ta đã chuyên trở hàng ngàn tấn lương thực, phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch, góp một phần quyết định vào thắng lợi, mà sau này một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng” [4].


Hàng dài xe thồ trên đường ra chiến dịch. Ảnh: TTXVN

    Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, số vật chất, nhân lực mà đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đóng góp cho chiến dịch là rất lớn, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội xây dựng trận địa và chiến đấu ròng rã trong nhiều tháng, các địa phương đã huy động trên 26 vạn dân công (trên 14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ, hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và nửa thô sơ; cung cấp cho chiến dịch 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt, hàng nghìn tấn thực phẩm khác (số huy động tại gốc) [5]. Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh; 31.818 dân công (1.296.078 ngày công) vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây dựng kho lán [5]. Đây là nỗ lực phi thường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, cùng lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Tại Điện Biên Phủ, đến đầu tháng 3/1954, quân địch tập trung 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 đơn vị pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị xe vận tải với 200 xe, cùng một đơn vị không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương, được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp, Mỹ xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”. Mặc dù lần đầu tiên Quân đội ta đối đầu với một đội quân chủ lực trong một trận đánh công kiên lớn, nhưng nhờ có sức mạnh chính trị, ý chí, nghị lực phi thường, thế trận hợp lý đã phát huy được thế mạnh của ta, khắc chế được sức mạnh của địch, nổi bật là ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện việc chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và tiến hành học tập, kiểm thảo, chỉnh quân chính trị, phát động căm thù sau mỗi đợt tiến công của chiến dịch đã làm cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao nhất trong cán bộ, chiến sĩ và thanh niên, dân công tham gia chiến dịch.


Bản đồ các cứ điểm của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Vnexpress.net

    Trong chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, như: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can và hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ góp phần quyết định làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những hình ảnh đó đã được nhà thơ Tố Hữu tái hiện một cách đậm nét trong đoạn thơ quan trọng nhất của toàn bộ bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:

    Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

    Chiến sĩ anh hùng

    Đầu nung lửa sắt

    Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

    Máu trộn bùn non

    Gan không núng

    Chí không mòn!”


Hình ảnh Anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can. Hình ảnh: Vnexpress.net

     Tìm hiểu Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam, nhà báo Pháp Giuyn Roi đã có nhận xét đầy hình tượng về ý chí, nghị lực và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng Navarre, không phải là phương tiện mà là sự bản lĩnh, trí thông minh và ý chí của đối phương” [6].

    Ý chí, nghị lực phi thường trong chiến thắng Điện Biên Phủ thúc giục thế hệ trẻ vững bước xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường

    Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách, đó là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đó là chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới Tây Bắc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, thế và lực mới, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.

    Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, cũng là dịp để chúng ta thể hiện trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời gian tuy đã lùi xa, nhưng tầm vóc, giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn sẽ còn mãi. Điều đó không chỉ được khẳng định ở ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Chiến thắng đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đối với cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, mà còn trở thành “nhân chứng lịch sử sống động” để các nhà nghiên cứu phân tích, đưa ra những nhận định khoa học khẳng định giá trị sâu sắc của sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.


Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ thúc giục thế hệ trẻ hôm nay vững bước xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Ảnh tư liệu

    Thế hệ trẻ chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong bầu trời hòa bình của Tổ quốc Việt Nam, nền hòa bình mà thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng biết bao xương máu. Qua những bài học lịch sử, những trang sách, những thước phim tư liệu, những câu chuyện và nhân chứng lịch sử, chúng tôi cảm nhận sâu sắc chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi công ơn của các thế hệ đi trước; ra sức đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, bóp méo ý nghĩa lịch sử, hạ bệ, phủ nhận tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót; phủ nhận công lao của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

    Ngày nay, thế hệ trẻ có những điều kiện phát triển tốt hơn, có nhiều cơ hội, nhiều hoài bão, ước mơ và là trụ cột tương lai của đất nước. Vì vậy, phát huy tinh thần, ý chí, nghị lực phi thường trong chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ nguyện nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy trí thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Nhữ Văn Duy, Khoa An ninh nội địa

    Tài liệu tham khảo

    1. Lê Duẩn (1970), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

    2. Đại tá, TS Trương Mai Hương (2019), Tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ qua đánh giá của học giả nước ngoài, Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

    3. Điện Biên Phủ lắng đọng và suy ngẫm, Nxb Văn hoá-Thông tin, H. 1994, tr 106.

    4. Điện Biên Phủ lắng đọng và suy ngẫm, Nxb Văn hoá-Thông tin, H. 1994, tr 126.

    5. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.202.

    6. Dẫn theo: Trí Nhân, “69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” 06/05/2023://tuoitrethudo.com.vn/69-nam-chien-thang-dien-bien-phu-bieu-tuong-cua-ban-linh-va-tri-tue-viet-nam-223318.html

arrow_upward