Thủ đoạn lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi mua bán người - những vấn đề thực tiễn và pháp lý
1. Đặt vấn đề
Mua bán người – một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, là một vấn đề nóng toàn cầu. Tình hình tội phạm mua bán người đang diễn ra phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam. Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2013 (khoảng 480 vụ/720 đối tượng/890 nạn nhân/năm), giai đoạn 2014-2023 (khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/năm) 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng/103 nạn nhân.[1]
Trong kỷ nguyên số, không gian mạng đã trở thành một phần thiết yếu của đời sống con người, mang đến nhiều tiện ích về kết nối, học tập, giải trí và cơ hội việc làm. Tuy nhiên, cũng chính môi trường này lại trở thành công cụ đắc lực cho các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm mua bán người. Những thủ đoạn tinh vi, ẩn danh và khó kiểm soát trên mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin hay nền tảng tuyển dụng trực tuyến đã và đang khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trở thành nạn nhân một cách âm thầm.
Trong bối cảnh đó, việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, lôi kéo, dụ dỗ người nhằm mua bán phổ biến trên không gian mạng và hoàn thiện pháp luật để phòng ngừa tội phạm mua bán người trở nên cấp thiết. Bài viết này tập trung làm rõ các thủ đoạn phổ biến, thực trạng pháp lý hiện hành và kiến nghị các giải pháp pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
Hình minh họa
2. Những thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ người nhằm mua bán phổ biến trên không gian mạng
Nếu như trước đây, tội phạm mua bán người chủ yếu diễn ra trực tiếp thông qua mối quan hệ cá nhân, môi giới lao động, kết hôn hoặc di cư trái phép thì hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các hoạt động mua bán người ngày càng dựa vào các nền tảng số để tuyển mộ, dụ dỗ và kiểm soát nạn nhân.
Không gian mạng tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm vì nó cung cấp môi trường ẩn danh, khó truy vết, dễ tiếp cận người dùng ở mọi độ tuổi và vùng miễn. Các nền tảng như Facebook, Tiktok, Telegram, Zalo, WeChat, Instagram… trở thành công cụ để các đối tượng phạm tội tiếp cận nạn nhân dưới vỏ bọc của “người quen”, “tình yêu ảo”, “công ty tuyển dụng quốc tế”, hay “chương trình từ thiện, học bổng, nghệ thuật”.
Những nạn nhân điển hình là phụ nữ trẻ, học sinh, sinh viên, người tìm việc làm hoặc người dân vùng sâu vùng xa – nhóm người thường thiếu thông tin pháp luật và dễ bị tác động tâm lý bởi các chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, “làm online tại nhà”, “lấy chồng nước ngoài giàu có”, v.v.
Sau khi bị dụ dỗ, nhiều người bị đưa ra nước ngoài, vào các khu vực hẻo lánh hoặc các trung tâm cờ bạc trực tuyến, livestream khiêu dâm, bị bóc lột sức lao động hoặc cưỡng ép mại dâm. Không ít trường hợp bị đe doạ, cưỡng bức, giam giữ và buộc phải tham gia vào các hoạt động phạm pháp.
Các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến mua bán người qua mạng đang ngày càng tinh vi và biến tướng phức tạp. Trong đó, có thể nhận diện một số chiêu trò phổ biến như sau:
Thứ nhất, các đối tượng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, sử dụng hình ảnh đẹp, lời nói ngọt ngào để tiếp cận người dùng, đặc biệt là phụ nữ trẻ hoặc người cô đôn. Sau khi tạo dụng “mối quan hệ tình cảm ảo”, chúng đưa ra lời mời kết hôn, du lịch hoặc về sống tại nước ngoài, sau đó bán nạn nhân cho các tổ chức buôn người.
Thứ hai, thông qua các trang web tuyển dụng, trung tâm môi giới lao động ảo, các đối tượng quảng cáo những công việc với thu nhập hấp dẫn ở nước ngoài hoặc ở trong nước nhưng không yêu cầu bằng cấp. Khi nạn nhân đồng ý, họ bị yêu cầu nộp phí, giao nộp giấy tờ cá nhân và sau đó bị đưa đến các khu vực xa xôi, mất liên lạc với gia đình.
Thứ ba, các đối tượng sử dụng chiêu trò “tuyển người mẫu, diễn viên, streamer”, dụ dỗ trẻ em, thanh thiếu niên gửi ảnh, clip nhạy cảm, rồi sử dụng các tài liệu này để khống chế, đe doạ, ép buộc nạn nhân tham gia các hoạt động livestream khiêu dâm, sản xuất nội dung độc hại hoặc bị bán cho các đường dây mại dâm.
Thứ tư, các phần mềm nhắn tin mã hoá hoặc nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Telegram, WhatsApp, Discord được sử dụng để điều hành đường dây, trao đổi nạn nhân, thu tiền chuộc hoặc quản lý nạn nhân bị ép làm việc trái pháp luật.
Hình minh họa
3. Pháp luật Việt nam hiện hành về phòng, chống mua bán người trên không gian mạng và thực tiễn áp dụng
Trước sự gia tăng của tội phạm mua bán người sử dụng không gian mạng, pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh và cập nhật nhằm hoàn thiện khung pháp lý trong bối cảnh mới.
Đáng chú ý nhất là Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 là văn bản luật mới nhất, kế thừa Luật năm 2011 nhưng đã bổ sung nhiều điểm mới để thích ứng với sự phát triển của tội phạm trên môi trường mạng. Trong đó, những điểm nổi bật liên quan đến không gian mạng gồm:
Điều 2, Điều 3: Mở rộng nội hàm khái niệm “mua bán người” bao gồm hành vi lôi kéo, dụ dỗ tuyển mộ người qua mạng nhằm mục đích bóc lột tình dục, lao động, cưỡng ép kết hôn, buộc tham gia hoạt động trái pháp luật…
Điều 7: Về các hình thức thông tin, tuyên truyền, gíao dục để phòng chống mua bán người trong đó có môi trường Internet.
Điều 9, Điều 10: Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện, ngăn chặn thông tin có nội dung dụ dỗ, môi giới mua bán người qua không gian mạng. Nhà cung cấp dịch vụ mạng (nền tảng số, mạng xã hội) phải hợp tác với cơ quan chức năng trong việc gỡ bỏ, cung cấp dữ liệu liên quan đến hoạt động nghi vấn.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự (BLHS) là công cụ pháp lý quan trọng nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng phạm tội mua bán người qua mạng. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Điều 150 “Tội mua bán người”, Điều 151: “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” với các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận người…bằng thủ đoạn lừa đảo, cưỡng ép – không giới hạn không gian thực hay không gian mạng. Trong thực tiễn, nhiều vụ án bị khởi tố với hành vi dụ dỗ qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Telegram, thậm chí thông qua các ứng dụng hẹn hò, trò chơi trực tuyến, fanpage tuyển dụng ảo. Hành vi tuy không diễn ra trực tiếp, nhưng hậu quả thực tế lại xảy ra, vẫn cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Các điều 155 Tội làm nhục người khác, Điều 156 Tội vu khống cũng có thể được áp dụng để xử lý trong trường hợp nạn nhân bị bóc lột thông qua các ứng dụng mạng xã hội, bị phát tán hình ảnh, ép livestream nhạy cảm…Hành vi được thực hiện trên không gian mạng không làm mất đi bản chất tội phạm, nhiều trường hợp còn là tình tiết định khung tăng nặng.
Luật An ninh mạng là công cụ kiểm soát hành vi lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật, bao gồm hành vi dụ dỗ, tuyển mộ, lừa đảo, vận chuyển người nhằm mục đích mua bán.
Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm: Sử dụng không gian mạng để tổ chức, kích động, môi giới hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm mua bán người, bóc lột tình dục, cưỡng ép lao động, xâm hại trẻ em, truyền bá nội dung khiêu dâm, đồi truỵ, kích dục có yếu tốc bóc lột,…
Điều 29 quy định lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến quyền trẻ em.
Như vậy, Luật An ninh mạng tạo điều kiện pháp lý quan trọng để ngăn chặn, bóc gỡ thông tin độc hại và truy dấu đối tượng phạm tội trên nền tảng số - đặc biệt là các đối tượng hoạt động ẩn danh, ẩn IP, sử dụng nền tảng quốc tế.
Mặc dù pháp luật đã có những bước tiến nhất định, song công tác phòng ngừa mua bán người trên không gian mạng vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết là khó khăn trong việc phát hiện, xác định hành vi phạm tội khi các đối tượng sử dụng tài khoản giả, phần mềm mã hoá, hoặc máy chủ đặt tại nước ngoài. Thứ hai, việc xử lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới gặp khó khăn do thiếu cơ chế phối hợp quốc tế chặt chẽ, đặc biệt khi các nền tảng này không có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Thứ ba, người dân – đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân vùng sâu – vùng xa còn thiếu kiến thức về công nghệ và pháp luật, dễ bị dụ dỗ, dẫn đến việc không nhận diện được nguy cơ và không kịp thời trình báo khi bị lừa. Thứ tư, một số cán bộ thực thi pháp luật chưa được đào tạo chuyên sâu về điều tra số khiến quá trình thu thập chứng cứ điện tử hoặc truy vết tội phạm mạng còn bị động, thiếu hiệu quả.
4. Giải pháp tăng cường phòng ngừa thủ đoạn mua bán người qua mạng
Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, bảo vệ nạn nhân và đấu tranh với tội phạm mua bán người trên môi trường số, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng cụ thể hoá các hành vi sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện tội phạm mua bán người, bao gồm hành vi dụ dỗ, tuyển dụng giả, cưỡng bức qua mạng, khống chế bằng dữ liệu cá nhân, clip nhạy cảm…
Hai là, tăng cường phối hợp quốc tế trong chia sẻ thông tin, hỗ trợ điều tra, dẫn độ và kiểm soát dữ liệu điện tử liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới. Các cơ quan chức năng cần chủ động làm việc với các công ty công nghệ lớn để yêu cầu hỗ trợ pháp lý, gỡ bỏ nội dung vi phạm và khoá tài khoản lừa đảo.
Ba là, đẩy mạnh giáo dục, truyền thông và phổ biến pháp luật về kỹ năng sử dụng mạng an toàn, nhận diện lừa đảo, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kịp thời tố giác hành vi bất thường. Các hoạt động này cần được lồng ghép vào trường học, khu dân cư, cơ sở đào tạo nghề, với nội dung dễ hiểu, thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bốn là, xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm mua bán người trực tuyến, cho phép người dân báo cáo qua ứng dụng, trang web hoặc đường dây nóng an toàn, bảo mật, không sợ bị trả thù hay kỳ thị.
Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công an, kiểm sát, toà án trong điều tra số, phân tích dữ liệu, truy vết trên mạng, khai thác thiết bị điện tử và hợp tác quốc tế về tội phạm công nghệ cao.
5. Kết luận
Không gian mạng, dù mang lại nhiều giá trị tích cực, cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Tội phạm mua bán người sử dụng công nghệ cao đang trở thành một thách thức lớn, đòi hỏi pháp luật phải thay đổi linh hoạt, sát thực tế, phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội số.
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã có bước tiến quan trọng trong nhận diện và xử lý hành vi phạm tội qua mạng, song để thực thi có hiệu quả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác quốc tế, và đặc biệt là sự chủ động phòng ngừa từ mỗi cá nhân. Chỉ khi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phòng vệ trên không gian mạng, tội phạm mới không còn đất sống và xã hội mới thực sự an toàn, nhân văn trong thời đại số./.
Bài: Hải Yến -K2
Ảnh: Internet