Phong trào toàn dân tham gia quản lý, giúp đỡ bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
1. Chung sức, đồng lòng: “chống dịch như chống giặc”
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới và Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, nhất là trong các tháng 7, 8, đợt dịch thứ 4 với chủng mới Delta có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm đang kéo dài ở các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an ninh, trật tự xã hội, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất.
Tính đến 06 giờ ngày 17/9/2021, TP.HCM đã có tới 321.358 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 320.882 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh. Hiện tại Thành phố đang điều trị cho 41.297 bệnh nhân, trong đó: có 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Bên cạnh đó, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 90.104 người, trong đó có 49.363 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 40.741 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 26.349 người [1]. Nhìn vào các con số trên, chúng ta thấy áp lực cho chính quyền và lực lượng y tế trong quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là rất lớn.
Một cuộc chiến trong thời bình đã cướp đi sinh mạng của hơn 12.000 người, cho thấy cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP.HCM thực sự đang diễn ra rất khốc liệt. Thế nhưng có một điều rằng chắc chắn cuộc chiến ấy sẽ “không một ai bị bỏ lại phía sau” cũng không một ai đứng ngoài cuộc. Lịch sử đã minh chứng rằng, trong những thời điểm đất nước nguy nan nhất chính tinh thần đoàn kết là thứ sức mạnh đã dẫn dắt dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, hiểm nghèo. Và trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này, sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta lại một lần nữa được thể hiện một cách sinh động và rõ nét hơn bao giờ hết thông qua việc người dân TP.HCM đã chung sức, đồng lòng với chính quyền và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Không khó để có thể bắt gặp tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung - nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0), ngoài các y, bác sĩ còn có nhiều người dân đã tự nguyện phục vụ tại bệnh viện một cách thầm lặng để hỗ trợ cho các y, bác sĩ, quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, động viên cho các bệnh nhân góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác điều trị. Không những thế, hưởng ứng lời kêu gọi của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về việc tiếp nhận và phân công tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh tham gia hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch Covid-19, nhiều tình nguyện viên đã từng là F0 đã quay trở lại bệnh viện để giúp đỡ cho các bệnh nhân khác Tính đến nay, đã có hơn 300 lượt F0 khỏi bệnh đăng ký tình nguyện, trong đó có 108 người sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, Hội Doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh đã vận động, tiếp nhận 1.270 tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch và đã phân công 378 người đến 14 đơn vị có nhu cầu.
Đồng thời, nhằm giảm tải các cơ sở khám chữa bệnh điều trị F0, Sở Y tế thành phố đã ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà”. Để chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà, các cơ sở y tế và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp với sự tham gia của chính quyền và người dân. Điển hình như việc thành lập các Tổ phản ứng nhanh (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và các tình nguyện viên...) hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 trong những tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, ở các địa phương nhân dân còn tham gia vào các “Tổ Covid-19 cộng đồng”, “Tổ công tác quản lý” tại các khu phong tỏa, chịu trách nhiệm trong việc truyền thông vận động F0 cùng gia đình thực hiện đúng bản cam kết đã ký và giám sát sự chấp hành của F0 đang cách ly tại nhà; thường xuyên liên hệ, hỗ trợ các hộ dân có người cách ly tại nhà khi cần thiết; giám sát sự tuân thủ của người cách ly theo quy định và báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường, xã.
Không chỉ giúp quản lý, hỗ trợ các bệnh nhân F0 tại địa phương, nhiều tháng qua, quần chúng nhân dân còn giúp đỡ cơ quan chức năng trong rất nhiều hoạt động khác có liên quan, như: Tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, kịp thời thông báo với chính quyền các trường hợp về từ vùng dịch không chấp hành đúng quy định giúp cơ quan chức năng điều tra dịch tể, truy vết; đồng hành, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền các cấp để quyết tâm giữ vững vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ trên từng địa bàn; yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng việc xét nghiệm để sàng lọc F0, F1 từ cộng đồng; ủng hộ, đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia chương trình tiêm chủng vắc xin để có được sự miễn dịch cộng đồng;...
Từ những nỗ lực không mệt mỏi nêu trên, đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đạt được một số kết quả tích cực, tỷ lệ vùng đỏ được thu hẹp, mở rộng vùng xanh. Theo thống kê của Bộ Y tế có 53% tổ dân phố là vùng xanh. Tỷ lệ các ca dương tính giảm rõ rệt qua các đợt xét nghiệm và tỷ lệ vùng xanh còn tăng. Quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi đã đạt được một số kết quả tích cực, cơ bản kiểm soát được dịch. Tốc độ tiêm chủng cũng tương đối khả quan, Thành phố cũng đã đạt trên 6,7 triệu người tiêm mũi 1 (tương đương trên 90% dân số trên 18 tuổi). Mũi 2 đạt trên 1,9 triệu mũi (Trên 20% dân số trên 18 tuổi) [2]. Có được những kết quả đó là nhờ vào sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là phát huy được sức mạnh to lớn quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19
2. Xây dựng Phong trào toàn dân tham gia quản lý, giúp đỡ F0 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay và thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, việc tiếp tục phát huytinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân”, tạo điều kiện để người dân tham gia hỗ trợ chính quyền trong phòng, chống dịch nhất là quản lý, chăm sóc F0 trở thành “Phong trào toàn dân” là một trong những cách hữu hiệu để giảm tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỉ lệ tử vong, giúp bệnh nhân mau hồi phục, giảm tải áp lực cho chính quyền, đặc biệt là ngành y tế và và các lực lượng tuyến đầu, để từng bước đưa cuộc sống của nhân dân chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Nhận rõ vai trò của quần chúng trong trận chiến chống dịch Covid-19, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh; việc phát huy tốt vai trò của Nhân dân là chìa khóa mở ra quyết định thắng lợi trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 hiện nay, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại buổi ra mắt Quỹ vắc-xin chống Covid-19 ngày 05/6/2021: Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ đó có thể khẳng định phát động, tổ chức cho người dân trên địa bàn TP.HCM tham gia quản lý, giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 thành phong trào sâu rộng, lan tỏa cộng đồng trong thời gian tới là một việc làm rất cấp thiết.
Để “Phong trào toàn dân tham gia quản lý, giúp đỡ F0” thực sự phát huy được hiệu quả và lan tỏa sâu rộng trong xã hội, mục tiêu của phong trào là huy động đông đảo quần chúng nhân dân tự giác tham gia cùng với chính quyền các cấp Thành phố giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý nhanh, triệt để các ổ dịch trong cộng đồng ngay từ tuyến cơ sở; tham gia hỗ trợ, chăm sóc trong cộng đồng dân cư, tổ dân phố để hạn chế đến mức thấp nhất các ca F0 biến chứng hoặc tử vong. Đồng thời đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh để góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, phục hồi kinh tế, xã hội, từng bước thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.
Yêu cầu đặt ra là chính quyền các cấp, các ngành cần tích cực vào cuộc, các địa phương trên địa bàn phối hợp ra sức kêu gọi, huy động sự đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong phòng, chống dịch; phát triển thành phong trào rộng khắp trên cả nước theo tinh thần mỗi cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp là “pháo đài”; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và người dân là “chiến sĩ”.
Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đặt ra, tác giả có một số trao đổi đối với “Phong trào toàn dân tham gia quản lý, chăm sóc F0 trên địa bàn TP.HCM” như sau:
Một là, trong thời gian tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9, chính quyền các cấp tiếp tục làm tốt công tác dân vận, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân nêu cao cảnh giác phòng, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, chống dịch mọi lúc, mọi nơi, không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan và chuẩn bị tâm thế thay đổi thói quen lối sống thích nghi với tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện xét nghiệm trên diện rộng để nhanh chóng xác định, phát hiện sớm nguồn lây để kịp thời điều trị bằng các biện pháp hiệu quả, phù hợp.
Hai là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, đoàn kết, sức mạnh của Nhân dân, tuyên truyền vận động toàn dân chia sẻ, đóng góp trên tinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân”, “lá lành đùm lá rách”. Trong đó, đặc biệt quan tâm chăm lo, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho các bệnh nhân F0 và gia đình nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, mất nguồn thu nhập, việc làm do dịch Covid-19; không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị đói. Rà soát, chăm lo cho công nhân, sinh viên, người lao động tự do đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lao động khó khăn để thực hiện hỗ trợ túi an sinh “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng”, hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ, tiếp tục vận động người dân tiêm vắc-xin,…bảo đảm an sinh xã hội, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để người dân cùng với thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ba là, các tổ chức đảng, đoàn thể, đoàn viên, hội viên ở từng địa bàn khu phố, các tổ Covid cộng đồng cần phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên gương mẫu trong thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; có biện pháp phù hợp để hỗ trợ, chia sẻ, động viên tinh thần người bị nhiễm Covid-19 và tích cực tham gia cùng lực lượng phòng, chống dịch ở địa phương nơi cư trú.
Bốn là, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong việc phát huy vai trò của quần chúng tham gia phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt trong việc giúp đỡ bệnh nhân Covid. Đồng thời, quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện phong trào phòng chống dịch; kịp thời động viên, khen thưởng và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch.
Năm là, bên cạnh mở rộng “vùng xanh” trên thực địa, cần giữ vững “vùng xanh” trên không gian mạng, đẩy mạnh công tác phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc, thù địch trên mạng xã hội của các đối tượng xấu, các thế lực thù địch, hạn chế thấp nhất việc người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Nhà nước ta. Đặc biệt, khẳng định rõ tính đúng đắn của chủ trương “lấy sức dân chăm lo cho dân”, xây dựng “Phong trào toàn dân phòng, chống dịch bệnh” đó chính là truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể thấy rằng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và những phẩm chất ấy sẽ càng củng cố quyết tâm của chúng ta chiến đấu chiến thắng đại dịch./.
Ngọc Thủy (K6)
----------
Chú thích
[1] https://suckhoedoisong.vn/ngay-18-9-co-9373-ca-mac-covid-19-thap-hon-hom-qua-2146-ca-169210918180826807.htm
[2] https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/ban-tin-hang-ngay/thong-tin-ve-dich-benh-covid19-tai-tphcm-cap-nhat-sang-ngay-1892021-95b1fcb092da5c215f0a8da55feed545.html
Tags COVID-19