Phòng chống Covid 19
Vùng xanh trên không gian mạng và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân
“Vùng xanh” là thuật ngữ chỉ vùng an toàn trong các khu vực, địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, tiến tới khống chế, đẩy lùi dịch bệnh là mục tiêu của cuộc chiến chống dịch hiện nay. Tuy nhiên, trong khi người dân cả nước đang đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh mở rộng “vùng xanh” thì trên không gian mạng cũng xuất hiện một loại virus nguy hiểm không kém đang xâm nhập “vùng xanh” môi trường này, đó chính là “virus tin giả”.
- Tin giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực chống dịch Covid-19
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Điển hình, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh với thông tin là xác chết của các bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, gây hoang mang cho người dân. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xác minh vụ việc từ các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh và truyền thông xã hội nước ngoài. Kết quả cho thấy, những bức ảnh này được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở Đông Nam Myanmar.
Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook không phải ở Việt Nam
Hay, khi người dùng mạng xã hội chia sẻ về hình ảnh một người ở TP. Hồ Chí Minh “tự thiêu” và bình luận nguyên nhân là do “phẫn uất với cách chống dịch Covid-19”. Qua xác minh từ Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương cho thấy thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông giám định tài liệu, nội dung mà cơ quan Công an thu giữ được của đối tượng để tiến hành xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người tung tin giả trên theo quy định pháp luật.
Một hành vi khác xuất hiện rầm rộ mấy ngày qua là việc tung tin giả liên quan đến vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc). Theo đó, thông tin ngày 31/7/2021, TP. Hồ Chí Minh đã nhận được 1 triệu liều vaccine trong tổng số 5 triệu liều mà Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) mua từ đối tác Sinopharm gây chú ý đặc biệt của dư luận. Dù chưa cập nhật chính xác thông số kỹ thuật, tính hiệu quả và các thông số liên quan đến lô vaccine này nhưng nhiều người đã đăng tải trên trang cá nhân những thông tin sai sự thật, như: “WHO chưa phê duyệt loại vaccine này, chính loại này thì không an toàn”…
-Thông tin giả mạo về công tác phòng, chống dịch
Mới nhất, sáng ngày 12/8/2021, trên mạng xã hội lan truyền thông tin có nội dung: “Bí thư TP chỉ đạo: Sẽ ko cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày; Sẽ cho người dân và cơ quan chuẩn bị 4 ngày. Đúng 8 giờ sáng thứ 2 tuần sau, án binh bất động toàn TP…”. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh, đây là thông tin giả mạo. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xuất hiện nhiều thông tin giả, xấu độc trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp là vô cùng nguy hiểm, làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; làm bất ổn xã hội và ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống dịch của biết bao con người… Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng tung tin giả là chiêu bài của các thế lực thù địch với âm mưu thâm hiểm là phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
- Trách nhiệm bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng
“Vùng xanh” trong nhiệm vụ chống dịch được giới hạn bằng vị trí địa lý, còn “vùng xanh” trên không gian mạng thì được định lượng bằng mức độ phủ sóng thông tin tích cực và lượng tương tác của người dùng mạng xã hội. Cuộc chiến chống dịch cần sự xung kích của các lực lượng trên tuyến đầu, như: Y tế, Quân đội, Công an... thì cuộc chiến bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng trong đại dịch cũng cần có sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân, trong đó có cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân.
Khi tham gia vào không gian mạng, mỗi người đồng thời đóng cả 3 vai trò: Sản xuất thông tin, tiêu thụ thông tin và phát tán thông tin. Do đó, không gian mạng có lành mạnh hay không, nạn tin giả có thể ngăn chặn, đẩy lùi hay không phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của mỗi người chúng ta. Do vậy, để bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân cũng phải thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K:
Một là, không tin ngay. Cần cập nhật thông tin về dịch bệnh từ những nguồn chính thống, tuyệt đối không tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên không gian mạng. Khi tiếp nhận thông tin cần xem xét kỹ nội dung, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế, xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Chúng ta cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy, chủ động chọn lựa tiếp cận những thông tin được cập nhật kịp thời, minh bạch, chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống.
Hai là, không vội đăng tải, bình luận. Tuyệt đối không đăng tải, bình luận những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật dưới bất cứ hình thức nào, dù với bất kỳ động cơ, mục đích gì. Chủ động nghiên cứu, trang bị kiến thức về pháp luật, như: Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng... Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo chúng ta sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang, dao động.
Ba là, không vội chia sẻ. Cần hết sức thận trọng khi quyết định chia sẻ thông tin trên không gian mạng, để không tiếp tay cho tin giả. Tuyệt đối không chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận.
Bốn là, không thêm thắt. Tuyệt đối không vì các mục đích câu khách/view/like, giật những cái tít thật kêu để thêm thắt, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, kiểu như: “Tình hình TP. Hồ Chí Minh không còn kiểm soát, không khống chế được đại dịch; dịch bệnh ở đây không thua Ấn Độ và hai tuần nữa sẽ rất thê thảm”… Những thông tin thêm thắt như thế này sẽ gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn, hoảng loạn trong Nhân dân, dẫn đến mất niềm tin vào các chủ trương, đường lối trong công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta.
Năm là, không kích động. Không được cắn xén, lồng ghép thông tin với những giọng điệu hù dọa, kiểu như: “dịch bùng một cái chắc chắn Việt Nam sẽ bứt lên Top 1 ngay”; “không có việc Nhà nước lo và ra viện được tặng hoa nữa đâu”; “Hà Nội 11 triệu dân chỉ có khoảng 300 máy thở”… Đặc biệt, các thế lực thù địch lợi dụng những thông tin kích động để kêu gọi người dân biểu tình, gây rối hòng phá việc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, phá hoại sự bình ổn và cuộc sống đang vốn khó khăn của Nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta cần tích cực tham gia phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng hoặc thông qua các nhóm cộng đồng trên không gian mạng để cảnh báo về tin giả, tin kích động phá hoại.
Đợt dịch lần thứ 4 này được nhận định là phức tạp, khó lường. Do vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, thì mỗi người dân chính là một phần quan trọng để chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19, như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân”.
Mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân với trách nhiệm của mình, hơn bao giờ hết chung tay, giúp sức và đồng lòng để nhận diện thủ đoạn tinh vi của các phần tử xấu, từng bước loại bỏ “virus tin giả”, bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng cũng là công việc ý nghĩa góp phần phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay theo tinh thần của Chính phủ và Thành phố Bác Hồ thân yêu.
Nhữ Văn Duy - K6