Phòng chống Covid 19
Phòng chống COVID-19 tại Việt Nam - sau 2 năm nhìn lại
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 9 năm 2021
Đại tá, PGS, TS, NGUT. Võ Hồng Công
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND
1. Khái quát về đại dịch COVID-19 xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam
Gần hai năm kể ngày 17/11/2019, khi Trung Quốc phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, thế giới chứng kiến hậu quả, thảm cảnh không có tiền lệ. Hơn 217 triệu người đã bị lây nhiễm, hơn 4.5 triệu người tử vong trên phạm vi toàn cầu [1]. Đại dịch COVID-19 kéo theo hệ lụy chưa từng có: đẩy hàng trăm triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo đói, thất nghiệp, hơn 1.6 tỉ học sinh, sinh viên phải nghỉ học hoặc thay đổi hình thức học; kinh tế - xã hội nhiều quốc gia tăng trưởng âm; hệ thống y tế khủng hoảng trầm trọng ở những quốc gia nơi mà tỉ lệ ca mắc gia tăng…
Tại Việt Nam, ngày 23/01/2020, hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh là hai cha con người Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, Việt Nam trải qua bốn lần bùng phát dịch COVID-19. Tính đến ngày 25/8/2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 449.489 ca bệnh, trong đó có 11.064 ca tử vong [2]. Trong đó, ba đợt đầu ghi nhận tổng cộng 4118 ca, có 35 ca tử vong. Riêng đợt dịch thứ tư kể từ ngày 27/4/2021 đến nay đã phát hiện 445.371 ca, có 11.029 ca tử vong. Đợt dịch bùng phát lần thứ tư này là nghiêm trọng nhất, phức tạp nhất trên mọi phương diện. Đợt dịch thứ nhất xuất hiện do người nhập cảnh vào Việt Nam rồi lan ra một số ca trong cộng đồng; lần thứ 2, dịch bùng phát tại Đà Nẵng là các ca trong bệnh viện; lần thứ 3 trong khu Công nghiệp tại Hải Dương; lần thứ tư dịch vừa bùng phát trong bệnh viện, cả trong khu công nghiệp, trên phạm vi cả nước. Đợt dịch thứ tư đã âm ỉ và lây lan rộng trong cộng đồng, tại các trại cai nghiện, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ của công nhân nơi tập trung đông người, rất khó truy vết, khoanh vùng. Lần thứ 4, biến chủng Delta có tải lượng virus gấp 300 lần so với chủng ban đầu. Đặc biệt, lần thứ tư, số ca nhiễm tăng nhanh và kéo dài, số lượng người chết lên tới 2.5% tổng số ca bệnh, cao hơn 0.4% so với mức trung bình tử vong do COVID-19 trên thế giới [3]. Tính đến ngày 26/4/2021, một ngày trước khi bắt đầu đợt dịch thứ tư, số ca nhiễm đang điều trị chỉ là 3.1 ca/1 triệu dân. Chỉ số này cho thấy Việt Nam được xếp là quốc gia chưa có dịch [4]. Một quốc gia được coi là có dịch nếu tỉ lệ ca nhiễm là 10 ca/1 triệu dân trở lên. Tính đến ngày 31/8/2021, số ca nhiễm ở Việt Nam đã là hơn 4000 ca/ 1 triệu dân, gấp hơn 400 lần chỉ số được coi là có dịch.
2. Các biện pháp đã được thực hiện
Chính sách xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam xác định việc chống dịch như chống giặc. Chống dịch là nhiệm vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, sự nhất trí cao của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, sự đồng thuận, chia sẻ của người dân cả nước. Cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 tại Việt Nam còn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ quý báu của kiều bào ở nước ngoài, các quốc gia, các tổ chức quốc tế, cụ thể:
- Thường trực Ban Bí thư hai lần gửi điện [5], Tổng bí thư đã hai lần ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid [6]. Điện của Thường trực Ban Bí thư và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết tâm vượt qua khó khăn, chung tay đẩy lùi đại dịch. Điện của Thường trực Ban Bí thư còn là sự chỉ đạo quyết liệt đối với các tổ chức cơ sở đảng trong cả nước vào cuộc lãnh đạo công tác phòng, chống dịch.
- Quốc hội khóa XV, kì họp thứ nhất đã rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tốc độ làm việc để các đại biểu dành thời gian chỉ đạo công tác chống dịch tại các địa phương; đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định 08 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cấp bách để phòng chống dịch COVID-19.
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 Chỉ thị về phòng chống đại dịch COVID-19 [7] (từ tháng 01 - 03/2020). Từ đầu năm 2021 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành bốn Nghị quyết, nhiều Chỉ thị, Công điện, Công văn triển khai Văn bản của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về mua vaccine, trang thiết bị y tế, tiêm phòng, trợ cấp khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dịch đã chỉ đạo áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện giãn cách triệt để tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam kể từ ngày 19/7/2021; triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, truy vết, điều trị tích cực.
- Chiến lược ngoại giao Vaccine đã được Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Chính phủ tích cực thực hiện. Trong đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ ngoại giao là tổ trưởng tổ ngoại giao vaccine để có được vaccine nhiều nhất, sớm nhất về Việt Nam; đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho toàn dân đáp ứng được yêu cầu miễn dịch cộng đồng.
Đặc biệt, khi số ca bệnh của các tỉnh phía Nam tăng nhanh, Chính phủ đã huy động y bác sĩ, các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội, Huế, các tỉnh phía Bắc đã có kinh nghiệm phòng chống dịch ở Bắc Giang, Hải Dương tham gia chống dịch ở các tỉnh, thành phố thuộc tâm dịch của các tỉnh phía Nam. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an điều động cán bộ chiến sĩ Công an các đơn vị địa phương, một số đơn vị trực thuộc bộ tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Để việc tập trung chỉ đạo, điều hành chống dịch được thống nhất, cuộc họp giữa Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ là trưởng Ban chỉ đạo, ba Phó thủ tướng và một Phó chủ tịch Quốc hội là phó trưởng Ban chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương…
Trên cơ sở văn bản của Trung ương, UBND các tỉnh đã cụ thể hóa bằng chỉ thị, quyết định phân công lực lượng, bố trí phương tiện triển khai các mặt công tác để phòng chống dịch trong phạm vi địa phương. Phương châm bốn tại chỗ là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận, huyện, xã phường là một pháo đài. Phương án chống dịch được tiến hành là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực.
Trường Đại học An ninh nhân dân chủ động phòng chống dịch COVID-19
3. Nhận xét, đánh giá
Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đại dịch còn đang rất phức tạp, tỉ lệ tử vong của các ca F0 của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 0.4% nhưng có thể khẳng định cách tiếp cận và tổ chức phòng chống dịch ở Việt Nam có kết quả đáng khích lệ:
- Trước hết là tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể địa phương. Việt Nam đã huy động được sức người, sức của lớn nhất trong phòng chống dịch. Hơn 10.000 y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện của các tỉnh, thành miền Bắc, sinh viên của các trường y đã xung phong lên đường vào Nam chống dịch. Hàng nghìn tấn vật tư, trang thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu, hàng triệu liều vaccine… đã được ưu tiên, chi viện cho đồng bào Miền Nam. Việt Nam đã thành lập quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 và đã nhận được sự đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với số tiền gần 8.700 tỉ đồng.
- Khối đại đoàn kết, truyền thống văn hóa của dân tộc được phát huy cao nhất trong phòng chống đại dịch. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế của Việt Nam còn hạn chế nhưng bù lại tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia, đùm bọc đã trở thành động lực tinh thần to lớn vượt qua đại dịch. Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng, áo xanh xa gia đình, người thân, con thơ để lên đường vào Nam chống dịch; hình ảnh chiến sĩ Công an, Bác sĩ mất đi đấng sinh thành mà không thể về chịu tang vì miền Nam vẫn còn dịch lay động biết bao trái tim trên mọi miền Tổ quốc. Hình ảnh các Anh Công an, Bộ đội, thành viên tổ covid cộng đồng; thanh niên tình nguyện bám sát từng tổ dân phố, từng hộ gia đình cung cấp bình ô xy cho các ca F0 tại cộng đồng, cung cấp rau, củ quả, mì gói, gạo, túi an sinh… đã giúp cho từng người, từng nhà, từng khu khố vững vàng trong vai trò là những chiến sĩ, pháo đài chống dịch. Cách chống dịch rất sáng tạo, đậm chất Việt Nam đã khiến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, chuyên gia y tế xem như bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia. Hình ảnh ngư dân, nông dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc gom góp rau xanh, hoa quả, cá tươi… gửi tặng cho đồng bào miền Nam ruột thịt trong phòng chống dịch như biểu tượng truyền thống gắn bó ruột thịt giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- Những nguyên tắc chống dịch được duy trì và biện pháp chống dịch được linh hoạt đáp ứng yêu cầu thực tế. Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid 19 dự tính sớm hơn một bước so với tốc độ lây lan của dịch bệnh, cao hơn một mức so với đòi hỏi trong công tác phòng chống dịch. Chính phủ đã dự tính kịch bản, tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không xảy ra. Phương châm là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Mô hình điều trị tháp ba tầng được duy trì thay thế cho tháp năm tầng được áp dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh và thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, cấu trúc của mỗi tầng đã có sự thay đổi dựa trên triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, dựa trên tỉ lệ gia tăng các ca nhiễm, năng lực điều trị, cơ sở vật chất điều trị của từng tầng.
- Từng tỉnh, thành phố đã huy động trường học, trung tâm giáo dục quốc phòng, chung cư… lập bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị thu dung bệnh nhân covid được nhanh chóng, tiết kiệm, an toàn. Chính phủ quyết định lựa chọn việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Vì vậy, mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch chỉ được tiến hành ở những doanh nghiệp đủ điều kiện bố trí nơi ăn ở, phòng chống dịch an toàn cho người lao động. Những nơi không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch thì tuyệt đối không được sản xuất.
- Chỉnh phủ đã huy động mọi nguồn viện trợ, nhập khẩu thông qua cơ chế song phương hoặc thông qua Covax để Việt Nam có được vaccine sớm nhất, nhiều nhất. Đến ngày 31/8/2021, tổng số liều vaccine các loại đã về đến Việt Nam là 27.3 triệu liều. Song cùng với việc tìm nguồn vaccine, Bộ y tế nhanh chóng phân bổ và nhanh chóng triển khai tiêm vaccine cho người dân. Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ đã quy định vaccine được tiêm miễn phí cho mọi đối tượng. Trong đó, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, đối tượng dễ bị tổn thương nếu nhiễm bệnh như người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo…; ưu tiên cho vùng có dịch. Tính đến 30/8/2021, cả nước đã tiêm được hơn 17 triệu người. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 6.1 triệu liều vaccine (trong đó có hơn 5.8 triệu người được tiêm mũi một, hơn 332 nghìn người được tiêm mũi hai). Số lượng vaccine có được là sự nỗ lực, uy tín… với phương châm “vaccine sớm nhất là tốt nhất”. Nghị quyết 21/NQ-CP và thực tiễn triển khai tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc cho thấy quyền tiếp cận vaccine của người dân được bảo đảm công bằng, minh bạch.
- Chủ động phân vùng dịch và ứng dụng công nghệ trong truy vết, cách ly, điều trị, quản lý dân cư… Bộ y tế hướng dẫn các địa phương chủ động phân loại các vùng dịch thành các màu sắc xanh, vàng, cam, đỏ tương ứng với vùng có nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao. Trên cơ sở phân loại các vùng để đề ra giải pháp phù hợp cho việc sàng lọc, cách ly, huy động nguồn lực chống dịch tương ứng với từng vùng. Bộ Công an phối hợp với Bộ thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý, giám sát, phân loại các hoạt động cần quản lý để tránh lây lan dịch bệnh.
- Hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch. Đại dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Việc phòng chống dịch ở từng quốc gia phải được đặt trong mối tương quan với các quốc gia, tổ chức quốc tế. Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho Covax, hỗ trợ giúp đỡ các quốc gia trang thiết bị phòng chống dịch như khẩu trang y tế, máy thở, quần áo bảo hộ… Ngược lại, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, hợp tác quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhất là WHO trong nghiên cứu chuyển giao vaccine, công nghệ sản xất vacccine, các loại dược phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch. Trong số hơn 27 triệu liều vaccine đã về đến Việt Nam thì hơn một nửa là từ nguồn viện trợ. Riêng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã viện trợ Việt Nam hơn 6 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine Astrazeneca… Trong điều kiện đại dịch đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung vaccine đang khan hiếm không thể mua thì số lượng vaccine về Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy sự ghi nhận, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với các giải pháp phòng, chống dịch của Việt Nam.
4. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Đợt dịch thứ tư bùng phát nhanh và gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất có nhiều nguyên nhân khách quan đó là biến chủng Delta là biến chủng có tốc độ lây lan nhanh nhất, độc tính cao nhất; tỉ lệ người dân được tiêm vaccine còn rất thấp… Tuy nhiên, đại dịch thứ tư phức tạp như hiện tại có nguyên nhân chủ quan đó là một số địa phương, người dân lơ là, mất cảnh giác. Nhiều cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước. Nhóm truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp lén lút sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, vi phạm quy định về chống dịch đã tạo ra ổ dịch và lây lan ra cộng đồng không chỉ trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh [8]. Người dân ở các vùng có dịch đến vùng không có dịch không khai báo y tế hoặc trốn tránh trách nhiệm khai báo đã làm cho dịch lây lan trong cộng đồng mà không truy vết được triệt để…
- Việc thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm; chưa quyết liệt ở một số địa phương. Tình trạng “lỏng trong, chặt ngoài”, người không thuộc diện được ra ngoài vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trước ngày 23/8/2021. Về phía các lực lượng chức năng khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn còn tình trạng chặt ban đầu, lỏng lúc sau hoặc tình trạng chặt, lỏng, chặt trước những biện pháp tăng cường của Chính phủ và chính quyền địa phương.
- Cơ sở vật chất, hạ tầng y tế, nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu điều trị, tỉ lệ ca tử vong cao so với mức trung bình của thế giới. Tình trạng quá tải của hệ thống y tế đã xảy ra ở tất cả các nước khi tỉ lệ các ca mắc gia tăng bốn hoặc năm con số một ngày. Tại các tỉnh phía Nam, tâm dịch là Thành phố Hồ Chí Minh, khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày, xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng thì hệ thống các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, các bệnh viện trở nên quá tải; thiếu trang thiết bị y tế, nhất là bình ô xy, thuốc điều trị... Y Bác sỹ tại bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị phải làm việc lên đến 200% hoặc 300% vẫn không đáp ứng được nhu cầu cứu, chữa bệnh nhân. Chính quyền một số địa phương lúng túng xây dựng mô hình tháp điều trị hay sắp xếp, phân loại bệnh nhân trong từng tầng hợp lý để bệnh nhân được điều trị sớm, hạn chế tình trạng trở nặng hoặc hạn chế tình trạng dồn lên tầng trên cùng của tháp. Khi số bệnh nhân tăng cao, một số địa phương lúng túng trong việc xác định nhiệm vụ chính là điều trị tích cực giảm tỉ lệ tử vong hay tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng.
- Việc huy động, tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ còn hạn chế. Các chuyên gia đã chỉ ra cần động viên những bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh ở lại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung để chăm sóc bệnh nhân đang điều trị sẽ có rất nhiều thuận lợi. Những bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh đã có kháng thể nên an toàn không sợ tái lây nhiễm. Bản thân họ đã trải qua những ngày điều trị nên hiểu rõ được nhu cầu, tâm lý của bệnh nhân và có kĩ năng chăm sóc bệnh nhân khá tốt. Bênh cạnh đó, những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, các cơ sở y tế tư nhân cũng cần được huy động đặt dưới chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nếu huy động tốt nguồn lực tại chỗ này thì hiệu quả của công tác phòng chống dịch COVID-19 sẽ cao hơn.
- Việc kết hợp chống dịch với bảo đảm an sinh xã hội, an dân; sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ. Việc chống dịch phải gắn liền với công tác hậu cần, đời sống. Trong công tác phòng chống dịch, chuỗi cung ứng dịch vụ hàng hóa, hoạt động thông thương giữa các tỉnh, thành phố phía Nam gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân các tỉnh Miền Tây, các tỉnh Tây Nguyên gặp khó khăn vì nông sản, gia súc, gia cầm không tiêu thụ được. Trong khi người dân tại vùng tâm dịch lại không mua được lương thực, thực phẩm, rau xanh đầy đủ chủng loại, đảm bảo chất lượng hoặc mua với giá rất cao. Nhiều tỉnh đặt ra giấy phép con không cho xe chở hàng hóa dịch vụ đi và đến từ vùng dịch; tài xế phải xét nghiệm kháng thể PCR trong phạm vi ba ngày, hoặc đổi tài xế… Những quy định này đều không đúng với tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và không có cơ sở khoa học, làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, giảm nguồn lực chống dịch của các địa phương. Nhiều trường hợp, Chính phủ phải có công điện yêu cầu trực tiếp chính quyền địa phương hủy bỏ giấy phép con trái luật.
Thay cho lời kết, thực tiễn phòng chống dịch bệnh với quy mô, tính chất phức tạp chưa có tiền lệ hiện nay ở các tỉnh phía Nam thì những vướng mắc, lúng túng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân, của cả hệ thống chính trị; với bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam; phương châm chống dịch như chống giặc. Mỗi chúng ta có quyền hy vọng và đủ cơ sở khẳng định đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, khi đó cuộc sống sẽ trở lại bình thường, một thời khắc tươi vui sẽ lan tỏa đến mỗi chúng ta.
V.H.C
----------------------
CHÚ THÍCH
1. Theo https://www.worldometers.info/coronavirus/?, ngày 31/8/2021.
2. https://www.worldometers.info/coronavirus/#countries ngày 31/8/2021
3.https://tuoitre.vn/chieu-25-8-ca-nuoc-co-12-096-ca-covid-19-moi-tang-1-296-ca-so-voi-hom-qua-20210825153918974.htm
4. https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/dien-bien-kinh-nghiem-va-bai-hoc-ung-pho-dai-dich-covid-19-646826/
5. Lần thứ nhất ngày 05/01/2021, lần thứ hai vào ngày 21/7/2021
6. Lần thứ nhất ngày 30/3/2021, lần thứ hai ngày 29/7/2021
7. Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 31/01/2020 về việc tăng cường biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 25/02/2020 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid 19; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19; Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 11/3/2020 Về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid 19; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 về thực hiện cấp bách phòng, chống dịch Covid 19
8.https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/TP-Ho-Chi-Minh-tap-trung-khac-phuc-nhung-han-che-trong-cong-tac-phong-chong-dich-i618987/