Phòng chống Covid 19
Phát huy tinh thần thi đua ái quốc trong phòng, chống “giặc” Covid-19
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Lời kêu gọi của Bác với những ngôn từ vừa giản dị, gần gũi, rõ ràng, dễ hiểu, đã nêu bật ý nghĩa, lợi ích của thi đua, có sức lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 73 năm ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, nhớ về vị lãnh tụ thiên tài, kính yêu của cả dân tộc, ghi nhớ, luôn luôn thực hiện theo lời dạy của Người và để thêm một lần nữa khẳng định mọi thành quả cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 hiện nay, lời kêu gọi của Bác vẫn còn nguyên vẹn giá trị, luôn là lời hiệu triệu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc “chiến đấu” đầy khó khăn, gian khổ này.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11/6/1948. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng thiên tài, nhà tuyên truyền kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Người không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, mà còn tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước để biến những quan điểm, tư tưởng đó thành hành động cách mạng thực tiễn của Nhân dân. Tư tưởng thi đua ái quốc của Người được thể hiện:
Một là, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu; phát huy sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, đối với quê hương. Vì thế, khi phát biểu tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01/5/1952, Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” [1] và Người nhận xét, đánh giá: “Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường…, đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sỹ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công” [2]. Đồng thời, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc” [3]. Bởi lẽ, tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam có từ ngàn đời xưa, được vun đắp lớn mạnh cùng với thời gian, được truyền bá từ thế hệ này đến thế hệ khác và ngày càng được củng cố, phát triển hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 01/5/1952. Ảnh: Tư liệu
Ba là, thi đua phải xác định rõ mục đích, xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của tổ chức đảng các cấp, sự gương mẫu và sâu sát, tỉ mỉ của đội ngũ cán bộ, để thi đua có chất lượng và hiệu quả cao, cần phải có kế hoạch khoa học, với nhiều biện pháp tổ chức thực hiện chu đáo, chặt chẽ. Đồng thời, phải có quyết tâm cao, tránh “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”, đúng như Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần” [4].
Bốn là, thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn, thường xuyên và có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, thi đua là công việc của tất cả mọi người không phân biệt già hay trẻ, trai hay gái; không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt thành phần dân tộc; không phân biệt ngành, nghề; không phân biệt tầng lớp giàu hay nghèo…, mà thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn, thường xuyên liên tục, sao cho: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua” [4]. Cho nên, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên tất cả mọi người tham gia vào các phong trào thi đua, Người nói: “… sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia vào cuộc: Thi đua yêu nước” [5].
Phát huy tinh thần thi đua ái quốc trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19
Kể từ ngày Bác Hồ ra lời hiệu triệu “Thi đua ái quốc”, qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trải qua thời kỳ khôi phục, xây dựng đất nước sau ngày giải phóng và đặc biệt bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, toàn Đảng, toàn dân ta luôn nêu cao tinh thần và thực hiện tốt, hiệu quả lời dạy của Người.
Phát huy tinh thần đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hành động quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”, bước đầu đạt được kết quả rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn thể Nhân dân, chúng ta vừa cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vừa thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hãng tin ABC của Australia trích dẫn đánh giá của Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Cách ứng phó của Việt Nam không phải là cách ứng phó công nghệ cao, mà là cách ứng phó rất nhanh và được tổ chức tốt”; Tạp chí Counter Punch của Mỹ cũng nêu bật tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 [8].
Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm hơn do chủng Virút mới đang lây lan rất nhanh, khó lường. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, lây nhiễm vào khu công nghiệp, trong sinh hoạt tôn giáo, nhất là ở địa bàn các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Theo Bộ Y tế, đến 7h ngày 10/6/2021 cả nước có 9.635 ca nhiễm, 5.940 ca đang điều trị, 55 ca tử vong, hàng vạn ca F1, F2, hàng trăm ngàn lượt người phải cách ly, một số nơi phải phong tỏa, giãn cách xã hội.
Nhân viên y tế mệt lả khi lấy mẫu tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: Internet
Phát huy tinh thần thi đua ái quốc trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, nhiều tấm gương, nhiều hành động đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần. Đó là hàng trăm, hàng nghìn cán bộ y tế, rất nhiều y, bác sĩ giỏi, là “cánh chim đầu đàn”, dày dặn kinh nghiệm xung phong về các điểm nóng dịch Covid-19 để hỗ trợ chuyên môn; là hàng trăm sinh viên Trường Đại học Y, dược; hàng trăm nghìn cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an; những cán bộ y tế nghỉ hưu của địa phương tình nguyện xin về vùng tâm dịch giúp người dân chống Covid-19… Những hành động đó thể hiện sự đồng lòng chiến đấu và quyết tâm chiến thắng “giặc” bệnh. Khi lên đường, họ đều xác định sẵn sàng cống hiến, hy sinh, chấp nhận vất vả, khó khăn để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Vẽ nên bức tranh đẹp đó còn là không ít doanh nghiệp, ngân hàng, tập đoàn, công ty, hội, hiệp hội… tuy trong bối cảnh khó khăn, kinh tế sụt giảm, nhưng họ vẫn dành những khoản tiền lớn đóng góp cho công tác chống dịch, như: Tập đoàn Vingroup tặng 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19; tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng ngừa Covid-19 “Made in Vietnam”; tài trợ dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy và hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... với số tiền lên tới trên 1.277 tỷ đồng trong năm 2020 [9].
Mãi biết ơn những hy sinh thầm lặng. Ảnh: Phan Chung - Xuân Sơn
Trên hết, tinh thần thi đua ái quốc đó là sự đồng lòng của Nhân dân, chìa khóa mở cánh cửa lớn thoát ra khỏi đại dịch, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại buổi ra mắt Quỹ vắc xin chống Covid-19 ngày 5/6/2021: “Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của Nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”. Ngay trong ngày ra mắt và kêu gọi, Quỹ đã nhận được trực tiếp 6.600 tỷ đồng và 17 tỷ nhận qua tin nhắn [10]. Tinh thần thi đua ái quốc đó còn được thể hiện qua những phát minh, như “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”… ra đời với khẩu hiệu “Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn hãy cứ đến lấy, hãy lấy một gói mì tôm mỗi ngày” thể hiện tinh thần yêu thương, nơi tình người được sưởi ấm; có những cháu bé đã dùng tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người; có người nông dân nghèo bán cả mảnh đất - tài sản lớn nhất của gia đình để đóng góp cho phòng, chống dịch; có cụ ông, cụ bà trên 90 tuổi đã dành những đồng tiền tiết kiệm để ủng hộ mua vắc xin, với tình cảm “Số tiền này tôi biết nó còn không đủ mua vắc xin chích cho một người nữa. Mỗi tối coi tin tức, nhìn các bác sĩ, rồi ông Phúc, ông Đam làm việc, tôi khóc. Sao mà cực khổ quá, dịch làm chi rồi không ai làm ăn được, tôi còn sướng hơn nhiều người nên làm gì được thì tôi làm”.
Xúc động hình ảnh Cụ bà Lê Thị Xuân (98 tuổi, Nghệ An) mang 1 kg gạo và 50 quả trứng đến nhà văn hóa để ủng hộ chống dịch. Ảnh: H. Mai
Đồng hành cùng dân tộc, các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền và Nhân dân phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 với tinh thần cao nhất, theo thống kê sơ bộ, các tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã ủng hộ gần 16 tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị khác [11]. Bên cạnh đó, một bộ phận máu thịt đồng bào ta ở nước ngoài cũng hướng về đất mẹ với tinh thần ái quốc, như Người Việt tại Macau (Trung Quốc), Hội đồng hương Bắc Giang tại Cộng Hòa Séc, Kiều bào ở Canada, doanh nhân Kiều bào Hàn Quốc… tài trợ tiền, vật tư y tế, vắc xin… Đây là sự ủng hộ thiết thực, quý báu và kịp thời, thể hiện tấm lòng của đồng bào, dù ở xa xứ vẫn luôn hướng về quê hương.
Hòa chung vào tinh thần thi đua ái quốc, “Chống dịch như chống giặc”, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an luôn là lực lượng tuyến đầu, được giao trọng trách cùng với các lực lượng Y tế, Quân đội, các ban, ngành triển khai các biện pháp dập dịch một cách nhanh nhất. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bệnh viện 19/8, Bệnh viện Y học cổ truyền cử 166 cán bộ y tế tham gia điều hành và vận hành Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu của tỉnh Bắc Giang. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường hơn 1.700 cán bộ, chiến sỹ cho Công an các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống dịch; Học viện Cảnh sát nhân dân cử 300 học viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh... Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương đã không quản ngày đêm, khoanh vùng, truy vết các F1, F2; phối hợp đưa F1 đi cách ly tập trung; cắm chốt chống dịch tại các khu vực cách ly, giãn cách; bảo vệ an ninh, trật tự; giúp đỡ bà con thu hoạch, tiêu thụ nông sản, thực phẩm; bảo đảm an toàn giao thông; xử lý các vi phạm về phòng chống dịch…
Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân giúp Nhân dân thu hoạch lúa tại các khu cách ly. Ảnh: Đông Giang
Cùng với Nhân dân cả nước và lực lượng Công an Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, Trường Đại học An ninh nhân dân có bề dày thành tích trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, là đơn vị dự bị chiến đấu của Bộ Công an đóng quân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, với triết lý giáo dục: “Thái độ chuẩn mực; kiến thức toàn diện; kỹ năng thuần thục; phụng sự Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, phục vụ Nhân dân” [12]. Đảng ủy, Ban giám hiệu đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch; toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên tham gia thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất. Trong đó, nhà trường đã chuyển trạng thái hoạt động mới, để hoàn thành mục tiêu kép, vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, với nhiều biện pháp, như: Bắt buộc đo thân nhiệt cán bộ, giáo viên, học viên; thực hiện nghiêm quy định 5K, giãn cách khi họp; các Khoa tổ chức quay phim hệ thống kiến thức phục vụ học viên; chuyển hình thức thi kết thúc học phần bằng chấm tiểu luận môn học… Đặc biệt, phát huy truyền thống anh hùng, ngày 04/6/2021, tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học An ninh đã tăng cường 243 học viên cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh, để tham gia truy vết, khoanh vùng, dập dịch; phối hợp với lực lượng Công an các quận, huyện triển khai tốt các mặt công tác như đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực cách ly tập trung; tham gia chốt chặn, kiểm soát phòng, chống dịch tại các điểm có dịch.
Đồng chí Thiếu tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy - Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân động viên học viên nhận nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch Covid-19
Thế mới thấy, dịch bệnh Covid-19 nỗi lo không của riêng ai, nhưng nó cũng là phép thử của lòng yêu nước, của trách nhiệm, của tinh thần vì cộng đồng. Việt Nam của chúng ta luôn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết sắt son, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức - chính nhờ vậy, không có khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy rất toàn diện. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước.
Kế thừa, tiếp thu và phát huy những giá trị cốt lõi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực vì mục tiêu “Chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua nhằm phát động Nhân dân đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc, để đất nước Việt Nam không chỉ chiến thắng trong cuộc chiến đầy gian nan, khó khăn này mà còn phát triển hùng cường, thịnh vượng trong tương lai.
Văn Đức Giao - Nhữ Văn Duy, K6
Tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t6, tr473.
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 6, tr 472.
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập6, tr307.
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 5, tr 557.
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 5, tr 419.
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 1, tr 263.
- Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 6, tr 270.
- Văn Hiếu (2020), Truyền thông quốc tế ấn tượng về cách chống dịch của Việt Nam, https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/truyen-thong-quoc-te-an-tuong-ve-cach-chong-dich-cua-viet-nam-636047. Truy cập ngày 6/6/2021.
- Bộ Y tế (2021) Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vaccine cho quỹ mua vaccine phòng Covid-19, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-tiep-nhan-ho-tro-160-ty-ong-va-4-trieu-lieu-vaccine-cho-quy-mua-vaccine-phong-covid-19. Truy cập ngày 6/6/2021.
- Tổng thuật lễ ra mắt quỹ vaccine phòng chống covid-19, http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/TONG-THUAT-LE-RA-MAT-QUY-VACCINE-PHONG-CHONG-COVID19/433758.vgp. Truy cập ngày 7/6/2021.
- Ban tôn giáo Chính phủ (2020), Các tổ chức tôn giáo cả nước ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19, http://danvan.vn/Home/Cong-tac-ton-giao/11806/Cac-to-chuc-ton-giao-ca-nuoc-ung-ho-cong-tac-phong-chong-Covid-19. Truy cập ngày 7/6/2021.
- Quyết định số 1516/QĐ-T04-P4 ngày 09/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân.