Phát huy nguồn lực của tôn giáo trong phòng, chống dịch COVID-19
Vận động, tập hợp, phát huy nguồn lực của tôn giáo phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước”. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, với truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, quê hương, thời gian qua, các tôn giáo đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Xung phong tuyến đầu chống dịch Covid-19
Việt Nam hiện nay có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những ngày qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miềm Nam, các tổ chức tôn giáo đã huy động nguồn nhân lực, chức sắc, tu sỹ, tín đồ xung phong tuyến đầu chống dịch.
Các tình nguyện viên Phật giáo lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo boluse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Hưởng ứng phong trào này, đến nay đã có gần 1.300 lượt tăng ni, cư sĩ, phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, hỗ trợ Nhân dân tại các khu cách ly. Trong đó, Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần tổ chức Lễ xuất quân cho các vị tăng ni, phật tử tình nguyện viên xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 10 (45 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 12 (40 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định... Bên cạnh đó, với tinh thần “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, hàng trăm tăng, ni các chùa và tăng, ni sinh Trường Trung cấp Phật học tại các tỉnh phía Bắc đã đăng ký tình nguyện lên đường, chung sức tham gia cùng các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19. Tiêu biểu, ngày 16/8/2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức lễ xuất quân tiễn 70 tăng ni lên đường hỗ trợ tỉnh Long An phòng, chống dịch Covid-19.
Đoàn chức sắc Phật giáo tỉnh Nam Định lên đường vào Nam chống dịch (Nguồn ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Cùng với đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng quan tâm, kêu gọi các linh mục, tu sĩ và tín đồ phát huy tinh thần chia sẻ và chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điển hình, tại Đồng Nai, Tòa Giám mục Xuân Lộc đã ra thư kêu gọi các linh mục, tu sỹ, giáo dân nhất là giới trẻ tham gia chương trình thiện nguyện vào tuyến đầu chống dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi, Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc, các hội dòng, giáo xứ, gia đình và các cá nhân đã tích cực tham gia. Đến nay, Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức được 5 đợt với số tình nguyện viên tham gia lên đến 580 người. Đặc biệt, tính từ đầu đợt 1 (ngày 28-7) đến nay, đã có những tu sĩ phục vụ liên tục với thời gian hơn 2 tháng. Riêng trong đợt 5 vào ngày 30-9, tại Nhà thờ Giáo xứ Thái Hòa (xã Hố Nai 3, huyệnTrảng Bom), Tòa Giám mục Xuân Lộc đã phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức lễ ra quân đợt 5 với hơn 60 tình nguyện viên là các chức sắc, tu sĩ, chức việc Công giáo trên địa bàn tỉnh tham gia vào tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Lời kêu gọi các tình nguyện viên Công giáo tham gia chống dịch của Giám mục Giáo phận Xuân Lộc (Nguồn ảnh: Văn phòng Tòa Giám mục Xuân Lộc)
Nhiều mô hình lan tỏa yêu thương, đẩy lùi dịch bệnh
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, trong suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các tôn giáo đã có nhiều hoạt động, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả góp phần phòng, chống dịch, như: Thông tin, tuyên truyền đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp Nhân dân trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; tạm dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung, chuyển sang hình thức trực tuyến; vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 với số tiền hàng chục tỷ đồng; ủng hộ tiền mặt và các trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch; ủng hộ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các “siêu thị 0 đồng”, “gian hàng 0 đồng”, “ATM gạo”, “bếp yêu thương” cùng hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí cho người dân gặp khó khăn…
Bên cạnh đó, nhằm góp phần làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến khích các chùa, tự viện phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân” tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly thông qua phong trào “Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng chống dịch Covid-19”. Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo cũng đăng ký nhận tro cốt và tổ chức các nghi thức tôn giáo cho những người tử vong do đại dịch Covid-19; đẩy mạnh việc tuyên truyền trong tín đồ cảnh giác với các thông tin giả, thông tin không chính xác, mê tín dị đoan về dịch bệnh...
Tòa Giám mục Xuân Lộc tặng máy thở cho bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất, Đồng Nai (Nguồn ảnh: Tòa Giám mục Xuân Lộc)
Ghi nhận, đánh giá cao nguồn lực của các tôn giáo góp phần quan trọng chiến thắng đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khi đến thăm Bệnh viện Dã chiến số 10 tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi đang có gần 50 nữ tu công giáo, tăng ni, phật tử tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân đã cảm ơn và gửi lời hỏi thăm tất cả tình nguyện viên tôn giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ để chung tay cùng chính quyền đến chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng, thì sự có mặt của các nữ tu, các tăng ni, phật tử ở bên cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi các tình nguyện viên tôn giáo (Nguồn ảnh: Bộ Y tế)
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của tôn giáo trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ cùng các tầng lớp Nhân dân trong cộng đồng chấp hành nghiêm các quy định và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; tiếp tục phát huy những hoạt động thiện lành, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các tổ chức tôn giáo; các cấp chính quyền cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, giải quyết các kiến nghị chính đáng của tổ chức tôn giáo và kịp thời biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những cá nhân, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần cảnh giác các hành vi lợi dụng phòng, chống dịch bệnh hoạt động mê tín, dị đoan; khuyếch trương “đánh bóng” tên tuổi; đặc biệt, là đấu tranh với việc lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhữ Văn Duy - K6
Tags nguồn lực, phát huy, tôn giáo, COVID-19