Lý luận chính trị

Trường Đại học An ninh nhân dân tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập bằng hình thức tham quan thực tế

Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng 74 năm Ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2024), hướng đến chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), đồng thời góp phần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân”; Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn đã xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch số 06/KH-K1, ngày 04/01/2023 về việc tổ chức hoạt động tham quan thực tế cho học viên lớp TC23 trong chương trình môn học Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, ngày 09/01/2024, Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn đã phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Phòng Quản lý học viên tổ chức cho học viên lớp TC23 tham quan thực tế tại Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trực tiếp chỉ đạo đoàn thực tế là đồng chí Thượng tá, TS. Lê Thị Hiền Lương - Trưởng Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn. Trong chương trình, đoàn thực tế đã đến thăm hỏi, tặng quà và chia sẻ những câu chuyện lịch sử hào hùng với Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sang (86 tuổi), trú xã Nhơn Tây, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, đoàn đã đến tham quan, tìm hiểu về Khu di tích Địa đạo Củ Chi, nơi được mệnh danh là vùng “đất thép anh hùng”. Địa đạo Củ Chi nằm trên địa bàn huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, dài gần 250km. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai trong lòng đất. Các công trình bên trong địa đạo như: Chiến hào, kho cất giấu lương thực, hầm ăn, giếng nước, phòng ở, nhà bếp, phòng làm việc bệnh xá… liên hoàn như “mạng nhện” dưới lòng đất đã biến Củ Chi thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Lòng yêu nước của người dân Củ Chi chính là mảnh đất màu mỡ để những hạt giống đỏ đầu tiên của Ðảng nảy mầm, phát triển.

Ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời năm 1930, Chi bộ Ðảng đầu tiên ở Củ Chi cũng được thành lập tại xã Tân Phú Trung, đã lãnh đạo các hoạt động cách mạng ở địa phương, tổ chức ra các hiệp hội đoàn thể, hình thành lực lượng từ đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại đánh chiếm Nam Bộ. Quân, dân Củ Chi bước vào cuộc chiến đấu mới.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, người dân Củ Chi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Thanh niên các xã tình nguyện xung phong vào du kích. Vùng Tân Mỹ - Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ), xã An Phú (nay là xã Trung An) trở thành căn cứ của Tỉnh ủy Gia Ðịnh và căn cứ địa của lực lượng giải phóng Nam Bộ. Tại đây hình thành công binh xưởng sản xuất vũ khí tự tạo trang bị cho du kích địa phương đánh giặc. Thực dân Pháp bắt đầu lấn chiếm vùng ngoại ô Sài Gòn, lực lượng du kích Củ Chi (còn gọi là dân quân tự vệ, tự vệ đỏ, thanh niên xung kích) chiến đấu, chặn đứng các cuộc càn quét của giặc, cùng nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ, cản trở các cuộc hành quân của địch; đồng thời xây dựng ấp, xã chiến đấu kết hợp làm giao thông hào làm ổ chiến đấu. Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm, Củ Chi trở thành “cái gai” trong mắt của đế quốc xâm lược. Ðảng bộ và nhân dân Củ Chi, một mặt tổ chức liên tiếp các cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh trực diện với Mỹ - ngụy, chống khủng bố, chống bắt lính, chống đuổi dân ra khỏi nhà, đòi được tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do ra đồng sản xuất; mặt khác, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích, đội thanh niên tự vệ. Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Năm 2015, địa đạo Củ Chi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và trở thành địa danh lịch sử thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Qua chuyến đi thực tế, giảng viên, học viên đã nhận thức sâu sắc hơn về những hi sinh to lớn của cán bộ, đảng viên, của quân và dân để có được hòa bình, độc lập ngày hôm nay; những bài học kinh nghiệm quý báu về quá trình, vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Quý Minh, học viên lớp TC23 cho biết: “Chuyến đi thực tế giúp tôi cảm nhận được vẻ đẹp của con người nơi “đất thép” và không khỏi ngưỡng mộ tài năng quân sự của các lãnh đạo, chỉ huy, tinh thần chiến đấu quật cường, trí thông minh, linh hoạt của quân và dân Củ Chi nói riêng, quân và dân miền Nam nói chung. Càng quan sát, nghe thuyết minh, chúng tôi càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống hoà bình, hạnh phúc hôm nay, ý thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong công tác, cuộc sống, góp phần gìn giữ cơ đồ đất nước mà các thế hệ ông cha trao truyền lại…”.

Chương trình thực tế giúp cho học viên là cán bộ Công an các đơn vị, địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, phát huy các giá trị truyền thống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Những kết quả tích cực của hoạt động tham quan thực tế là cơ sở để Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn nói riêng, Trường Đại học An ninh nhân dân nói chung tiếp tục triển khai các hình thức, phương pháp đổi mới giảng dạy, học tập nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong thời gian tới./.



Tập thể lãnh đạo, giảng viên, học viên dâng hương tại Đền Bến Dược



Đoàn thực tế thăm hỏi, động viên, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sang



Giảng viên, học viên tìm hiểu về Đền Bến Dược



Tập thể học viên nghe thuyết minh về các công trình trong Địa đạo Củ Chi




Tập thể lãnh đạo, giảng viên, học viên chụp ảnh lưu niệm tại Đền Bến Dược

Tin, ảnh: Khánh Bảo - TC23

 

arrow_upward