Lý luận chính trị

Tổ chức tham quan thực tế cho lớp Trung cấp Lý luận chính trị khoá 1, hệ không tập trung, lớp thứ 7

Nhằm cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong học tập lý luận chính trị: Việc học tập lý luận chính trị phải “sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng, gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam” (Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”); “tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học...” (Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”), Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn (Khoa K1) tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy hệ Trung cấp Lý luận chính trị thông qua hình thức tham quan, nghiên cứu thực tế. Ngày 11/6/2015, Khoa K1 tổ chức cho 60 học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị khoá 1, hệ không tập trung, lớp thứ 7 (T04.TCCT.K1.KTT7) đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại một số bảo tàng, di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, như Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập - hai địa điểm lịch sử mang đậm dấu ấn dân tộc và tinh thần cách mạng kiên cường của nhân dân ta.



Tập thể lớp tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh




Tập thể lớp tại Dinh Độc lập

Tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, học viên đã được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, từ khi khai lập đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc đổi mới ngày nay. Những hiện vật quý báu, hình ảnh sinh động và các câu chuyện lịch sử đã giúp học viên hiểu rõ hơn về những đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông.




Ảnh: Một số hoạt động của lớp tại bảo tàng

Đến với Dinh Độc Lập, mỗi học viên của lớp T04.TCCT.K1.KT7 như được sống lại những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc. Tại đây, tập thể lớp đã được nghe thuyết minh về sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975 - mốc son chói lọi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước. Mỗi gian phòng, mỗi di vật trong Dinh đều chất chứa một phần ký ức lịch sử thiêng liêng. Sau chuyến tham quan, nghiên cứu thực tế, tập thể học viên lớp T04.TCCT.K1.KTT7 được phát phiếu khảo sát dưới dạng Google Form về kết quả, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế; ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả của hình thức tổ chức giảng dạy này. Đây là cơ sở quan trọng để Khoa K1 quán triệt, vận dụng hiệu quả hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị vào thực tiễn quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, nhất là đào tạo trình độ Trung cấp Lý luận chính chị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở - những người trực tiếp đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống./.
Tin, bài: Khoa Lý luận chính trị và KHXHNV Ảnh: Lớp T04.TCCT.K1.KTT7
arrow_upward